Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Đức - Bác sĩ Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Ngoài phương pháp chụp X-quang, chụp CLVT cột sống cổ có tiêm thuốc đối quang cũng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có độ chính xác cao và rất an toàn, giúp bác sĩ có thể phát hiện được những vấn đề bất thường để đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
1. Chụp CLVT cột sống cổ có tiêm thuốc đối quang là gì?
Cột sống cổ là phần cao nhất của cột sống, bao gồm 7 đốt sống đầu tiên. Chụp CT vùng cổ (hay chụp CT cột sống cổ) là phương pháp được thực hiện dựa trên sự kết hợp của kỹ thuật chụp X-quang và máy vi tính để thu được hình ảnh chi tiết của cột sống cổ. Dựa vào các hình ảnh thu được, bác sĩ có thể dễ dàng quan sát, phát hiện những dấu hiệu bất thường hoặc tổn thương ở xương, đĩa đệm, ống sống hay các thành phần lân cận,...
Chụp CLVT cột sống cổ phối hợp với tiêm thuốc đối quang i ốt sẽ giúp bác sĩ đánh giá được các bệnh lý ở vùng cột sống cổ như viêm, lao, các khối u cột sống, tủy sống,...
2. Chỉ định và chống chỉ định
2.1 Chỉ định
Quá trình chụp CT thường diễn ra trong thời gian ngắn, cho kết quả rất nhanh nên thường được chỉ định áp dụng trong các trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định chụp CT vùng cổ để phát hiện các vấn đề sức khỏe như:
● Gãy xương;
● Dị tật cột sống cổ bẩm sinh ở trẻ nhỏ;
● Tổn thương ở phần cột sống trên;
● Tổn thương cột sống cổ ở bệnh nhân không được chỉ định chụp MRI;
● Ung thư hoặc các khối u xương;
● Tình trạng chèn ép cột sống cổ.
2.2 Chống chỉ định
Chụp CLVT cột sống cổ có tiêm thuốc đối quang từ không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, phụ nữ có thai, bệnh nhân suy thận hoặc dị ứng thuốc đối quang là đối tượng chống chỉ định tương đối, cần được bác sĩ đánh giá kỹ càng về nguy cơ để quyết định có nên thực hiện hay không.
3. Quy trình chụp CLVT cột sống cổ có tiêm thuốc đối quang
3.1 Chuẩn bị
● Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng và kỹ thuật viên điện quang;
● Vật tư y tế: Bơm tiêm các cỡ 10 - 20ml, kim tiêm 18 - 20G, bơm tiêm cho máy bơm điện, thuốc đối quang iod tan trong nước, dung dịch sát khuẩn da, bộ khay, kẹp phẫu thuật, bông, gạc, nước muối sinh lý (hoặc nước cất), găng tay, mũ, khẩu trang phẫu thuật, hộp thuốc và các dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang;
● Phương tiện kỹ thuật: Máy bơm điện chuyên dụng, máy chụp cắt lớp vi tính, phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh;
● Bệnh nhân: được bác sĩ giải thích kỹ càng về thủ thuật; ký cam kết chấp nhận làm thủ thuật; tháo bỏ đồ vật bằng kim loại trên người như vòng cổ, khuyên tai, kẹp tóc, dụng cụ nha khoa; nhịn ăn và uống trước 4 giờ, có thể uống dưới 50ml nước; có thể dùng thuốc an thần với bệnh nhân quá kích thích, không nằm yên;
● Phiếu xét nghiệm: Có phiếu chỉ định chụp cắt lớp vi tính của bác sĩ; hồ sơ bệnh án và kết quả chẩn đoán hình ảnh liên quan nếu có.
3.2 Tiến trình thực hiện kỹ thuật
● Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa trong khung máy, vai hạ thấp tối đa và để 2 tay xuôi dọc theo cơ thể. Bệnh nhân cần nhịn thở và không nuốt trong quá trình chụp CT;
● Thực hiện chụp định khu toàn bộ cột sống cổ;
● Lấy hình định vị theo hướng bên bắt đầu từ khớp thái dương hàm tới bờ dưới D1;
● Đặt chương trình chụp theo đúng yêu cầu lâm sàng. Bác sĩ có thể sử dụng các lớp cắt theo hướng các đĩa đệm (nhằm đánh giá bệnh lý thoát vị đĩa đệm) hoặc chụp toàn bộ cột sống cổ và sử dụng các phần mềm cho phép xử trí ảnh sau chụp;
● Chọn ảnh chụp phim trên các cửa sổ đĩa đệm và cửa sổ xương;
● Chụp lại sau khi tiêm thuốc cản quang i ốt.
Trong quá trình chụp CT, người bệnh cần giữ nguyên tư thế để tránh làm rung hoặc mờ ảnh chụp. Đồng thời, khi chụp cắt lớp tốt nhất bệnh nhân nên nín thở vài giây. Thông thường, quá trình chụp CLVT chỉ diễn ra trong khoảng từ 5 - 15 phút.
3.3 Đánh giá kết quả
Hình ảnh thu được từ quá trình chụp CLVT cột sống cổ có tiêm thuốc cản quang sẽ hiển thị trên máy tính dưới dạng từng lát cắt của cơ thể (còn gọi là ảnh chụp cắt lớp). Những hình ảnh này có thể được quan sát trực tiếp trên máy tính hoặc in ra phim. Dựa trên các lát cắt, máy tính có thể dựng được hình ảnh 3 chiều của cột sống.
Từ hình ảnh, bác sĩ có thể:
● Đánh giá các tổn thương gặp ở bệnh lý thoái hóa đốt sống như trượt đốt sống do thoái hóa, thoái hóa dây chằng, thoái hóa khối khớp bên, hẹp ống sống;
● Đánh giá các tổn thương ở thân đốt gồm xẹp thân đốt, trượt thân đốt, vỡ thân đốt, di lệch tổn thương tường sau thân đốt, tổn thương cung sau, máu tụ do chấn thương, dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, tổn thương phần mềm rãnh sống hoặc đánh giá vị trí các dị vật đối quang i ốt;
● Đánh giá các bất thường bẩm sinh tại cột sống;
● Đối chiếu các ảnh chụp trước - sau tiêm thuốc cản quang, nhận định các bệnh lý đi kèm;
● Bác sĩ đọc tổn thương và tư vấn cho bệnh nhân, người nhà đi cùng.
3.4 Một số tai biến và cách xử trí
- Sai sót có thể cần thực hiện lại kỹ thuật nếu bệnh nhân không nằm yên trong quá trình chụp phim hoặc hình ảnh chụp không rõ nét,...;
● Các tai biến liên quan tới thuốc đối quang: Gồm phản ứng nhẹ (đau đầu, buồn nôn, ngứa, đỏ bừng mặt, phát ban nhẹ và nổi mề đay); phản ứng vừa phải (thở khò khè, khó thở, phát ban da nghiêm trọng hoặc nổi mề đay, nhịp tim bất thường, huyết áp cao hoặc thấp) và phản ứng sốc phản vệ (ngừng tim, khó thở, co giật, phù nề cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể, huyết áp thấp,...). Việc xử trí tai biến cần thực hiện đúng theo các phác đồ điều trị chuẩn.
Quá trình chụp CLVT cột sống cổ diễn ra tương đối nhanh và không xâm lấn nên sau khi hoàn tất kỹ thuật, bệnh nhân có thể quay trở lại sinh hoạt như bình thường. Người bệnh chú ý nên uống nhiều nước để đào thải hết chất cản quang ra khỏi cơ thể thông qua đường tiết niệu.