Bài viết được thực hiện bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt là phương pháp được sử dụng để chẩn đoán cho các trường hợp nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt hoặc theo dõi sau điều trị. Chụp MRI tuyến tiền liệt được thực hiện theo một quy trình chuẩn để thu được kết quả chẩn đoán chính xác.
1. Sơ lược về ung thư tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt nằm ở vị trí phía dưới bàng quang và phía trên trực tràng, nằm cạnh túi tinh. Kích thước của tuyến tiền liệt thay đổi, tăng dần theo độ tuổi.
Ung thư tuyến tiền liệt là tình trạng các tế bào trong tuyến tiền liệt phát triển bất thường, ác tính. Hầu hết các tế bào ung thư tuyến tiền liệt thuộc loại ung thư biểu mô tuyến. Thông thường, ung thư tuyến tiền liệt phát triển rất chậm, không có biểu hiện ở giai đoạn sớm nên nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện khi bệnh đã tiến triển tới giai đoạn muộn, dẫn tới việc điều trị gặp nhiều khó khăn và nguy cơ tử vong cao.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt gồm: Tuổi tác (người trong độ tuổi 50 - 65 tuổi), yếu tố gia đình, chế độ ăn uống không lành mạnh, bị thừa cân béo phì, hút thuốc lá, mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt, mắc bệnh lây qua đường tình dục, thắt ống dẫn tinh, tiếp xúc với hóa chất,...
Về triệu chứng, ở giai đoạn sớm bệnh nhân hầu như không có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện bệnh nếu thực hiện các xét nghiệm sàng lọc. Khi bước sang giai đoạn tiến triển, bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có những triệu chứng đặc trưng như: Tiểu chậm, đi tiểu thường xuyên, tiểu nhiều vào ban đêm; có lẫn máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch; rối loạn cương dương; đau hông, ngực hoặc lưng; yếu, tê bì bàn chân, mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện khi khối u di căn xương chèn ép tủy sống.
Để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt, có thể áp dụng các biện pháp như xét nghiệm máu nhằm kiểm tra mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate specific antigen - PSA), khám trực tràng. Nếu 1 trong 2 phương pháp trên cho kết quả bất thường thì bệnh nhân sẽ được thực hiện sinh thiết để xác định chính xác tình trạng, giai đoạn bệnh.
Đặc biệt, các nghiên cứu mới đây cho thấy cộng hưởng từ có vai trò trong đánh giá khả năng xuất hiện của ung thư tiền liệt tuyến có ý nghĩa lâm sàng.
2. Quy trình chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt có tiêm thuốc đối quang từ
Chụp cộng hưởng từ có thể được lựa chọn để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, đánh giá các giai đoạn tổn thương của ung thư trước điều trị, đồng thời hỗ trợ bác sĩ theo dõi sau điều trị hiệu quả.
2.1 Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
- Các trường hợp nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt sau khi thực hiện các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác;
- Theo dõi ung thư tuyến tiền liệt sau điều trị;
- Chụp theo yêu cầu của bác sĩ điều trị.
Chống chỉ định tuyệt đối
- Bệnh nhân mang các thiết bị điện tử như máy chống rung, cấy ghép ốc tai, máy điều hòa nhịp tim, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da,...;
- Bệnh nhân nặng cần có thiết bị hồi sức đặt bên cạnh người;
- Người có các kẹp phẫu thuật bằng kim loại tại mạch máu, nội sọ, hốc mắt,... dưới 6 tháng.
Chống chỉ định tương đối
- Bệnh nhân có các kẹp phẫu thuật bằng kim loại trên 6 tháng;
- Bệnh nhân sợ cô độc hoặc sợ bóng tối.
2.2 Chuẩn bị thực hiện
- Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên điện quang và điều dưỡng;
- Phương tiện: Máy chụp mạch cộng hưởng từ 1 Tesla trở lên; phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh;
- Thuốc: Thuốc sát trùng da, niêm mạc; thuốc an thần và thuốc đối quang từ;
- Vật tư y tế: Bơm tiêm 10ml, kim luồn chọc tĩnh mạch 18G, nước cất (hoặc nước muối sinh lý), bông, gạc, găng tay, băng dính vô trùng, hộp thuốc và các dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang;
- Bệnh nhân: Cần nhịn tiểu (không cần nhịn ăn); được giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp với bác sĩ; ký cam kết chấp nhận thủ thuật; kiểm tra các chống chỉ định; được hướng dẫn thay quần áo của phòng chụp cộng hưởng từ, tháo các vật dụng chống chỉ định; có giấy phép yêu cầu chụp cộng hưởng từ hoặc hồ sơ bệnh án đầy đủ.
2.3 Các bước chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt
- Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa trên bàn chụp; bác sĩ lựa chọn, định vị cuộn thu tín hiệu, sau đó di chuyển bàn chụp vào khoang máy rồi định vị vùng chụp;
- Bác sĩ đặt đường truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân bằng kim 18G, nối với máy bơm tiêm điện 2 nòng (1 nòng chứa thuốc đối quang từ và 1 nòng chứa nước muối sinh lý). Lượng thuốc đối quang từ sử dụng cho bệnh nhân với liều thông thường là 0.2ml/kg cân nặng;
- Chụp định vị;
- Chụp trước tiêm thuốc đối quang từ: Chụp các chuỗi xung 1 - 2 - 3 - 4 đúng kỹ thuật;
- Chụp sau tiêm thuốc đối quang từ;
- Thực hiện tiêm thuốc đối quang từ với liều 0,1 mmol/kg cân nặng với tốc độ 2ml/giây;
- Chụp chuỗi xung thứ 5 và thứ 6 đúng kỹ thuật;
Lưu ý: Có thể sử dụng cuộn thu tín hiệu trong trực tràng hoặc cuộn thu tín hiệu thành bụng (với trường hợp bệnh nhân thể trạng gầy) ở vị trí trên bụng vùng tiểu khung rồi cố định bằng dây bảo hiểm, sử dụng trường quan sát nhỏ.
2.4 Đánh giá kết quả
- Trên ảnh chụp cộng hưởng từ phải thấy rõ được toàn bộ tuyến tiền liệt và các cơ quan lân cận như trực tràng, túi tinh,... ở các hướng đứng dọc, ngang và đứng ngang;
- Bác sĩ có thể đánh giá được mức độ ngấm thuốc của tổn thương nếu có;
- Bác sĩ đọc tình trạng bệnh, có thể tư vấn chuyên môn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
2.5 Tai biến và cách xử trí
Sau chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt, người bệnh có thể gặp phải các tình trạng sau:
- Sợ hãi, kích động: Bác sĩ và người nhà nên động viên, an ủi người bệnh;
- Quá sợ hãi, lo lắng: Có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần dưới sự giám sát của bác sĩ gây mê;
- Tai biến liên quan đến thuốc đối quang: Gồm buồn nôn, nổi mề đay, co thắt phế quản, phù nề thanh quản, tụt huyết áp, sốc phản vệ,... cần xử trí theo phác đồ chuẩn.
Khi thực hiện chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt có tiêm thuốc đối quang từ, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để thu được kết quả chẩn đoán chính xác, giảm nguy cơ tai biến.