U lympho tế bào T ngoại vi ở da là một bệnh lý ác tính liên quan đến tế bào T với nhiều phân nhóm khác nhau. Việc điều trị U lympho tế bào T ngoại vi ở da cần được cá thể hóa trong từng trường hợp cụ thể.
1. Tế bào lympho T là gì và U lympho tế bào T là gì?
Tế bào lympho T (hay tế bào T) là một loại bạch cầu thuộc dòng tế bào lympho, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Tế bào lympho T có nguồn gốc từ tế bào gốc tạo máu ở tủy xương và trưởng thành ở tuyến ức.
U lympho tế bào T ngoại vi (PTCL) là một bệnh lý ác tính chiếm khoảng 15% U lympho không Hodgkin ở người lớn.
2. U lympho tế bào T ngoại vi ở da (CTCL)
U lympho tế bào T ngoại vi ở da (cutaneous T cell lymphoma - CTCL), còn được biết đến với bệnh ung thư tế bào lympho T ở da, là một bệnh lý ác tính nguyên phát tại da liên quan đến sự phát triển bất thường của tế bào T. Ở các nước phương Tây, U lympho tế bào T ngoại vi ở da chiếm khoảng 75-80% U lympho nguyên phát ở da.
Các phân nhóm của U lympho tế bào T ngoại vi ở da bao gồm:
- Mycosis fungoides (MF): Mycosis fungoides cổ điển chiếm 40% các loại U lympho nguyên phát ở da và chiếm khoảng 60% U lympho tế bào T ngoại vi ở da. Ngoài ra, Mycosis fungoides còn có các biến thể khác như: Folliculotropic mycosis fungoides, Granulomatous slack skin.
- Hội chứng Sézary (SS): Hội chứng Sézary là một phân nhóm của U lympho tế bào T ngoại vi ở da. Bệnh đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào T tân sinh (tế bào Sézary) ở da, hạch bạch huyết và máu ngoại vi.
- Bệnh ung thư tế bào bạch cầu dòng lympho T trưởng thành (ATLL): Bệnh lý này được định nghĩa với sự hiện diện của khối u tân sinh tế bào T ngoại vi liên quan với virus có tên HTLV-1.
- Rối loạn tăng sinh tế bào lympho CD30+ nguyên phát tại da (LPD): Đây là phân nhóm U lympho tế bào T ngoại vi ở da phổ biến thứ 2 (với khoảng 30%). Bệnh lý này gồm 2 loại nhỏ là: U lympho tế bào lớn bất thục sản nguyên phát tại da (C-ALCL) và U lympho dạng sẩn (LyP).
- U lympho tế bào T dạng viêm mỡ dưới da (SPTCL): U lympho tế bào T dạng viêm mỡ dưới da được định nghĩa là U lympho tế bào T gây độc tế bào xâm nhập vào mô dưới da.
- Rối loạn tăng sinh tế bào lympho và tế bào NK thời thơ ấu dương tính với EBV: Những rối loạn này được thấy chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên, hiếm gặp ở người lớn.
- U lympho tế bào NK/T ngoài hạch: Hầu hết U lympho tế bào NK/T ngoài hạch, type mũi dương tính với EBV. Da là vị trí phổ biến thứ 2 sau khoang mũi/vòm họng và tổn thương da có thể là biểu hiện nguyên phát hoặc thứ phát của bệnh.
- Các phân nhóm hiếm gặp: U lympho tế bào gamma-delta T nguyên phát tại da (PCGD-TCL), U lympho tế bào T gây độc tế bào hướng biểu bì xâm lấn CD8+ nguyên phát ở da (CD8+ AECTCL),...
3. Chẩn đoán U lympho tế bào T ngoại vi ở da (CTCL)
3.1. Triệu chứng của U lympho tế bào T ngoại vi ở da
Các triệu chứng của bệnh lý U lympho tế bào T ở da chủ yếu liên quan đến da. Tế bào T bị tổn thương và tích tụ trong da, tạo thành các mảng và phát ban da, gây ngứa. Đôi khi tổn thương có thể tích tụ đến mức tạo thành sẩn.
- Đối với Mycosis fungoides: Ban da thường phát triển ở những vùng da không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, như vùng mông, mặt trên đùi, bàn chân hay vùng ngực. Biểu hiện trên da có thể thay đổi chậm trong nhiều năm, cho đến khi chúng lan rộng thành nhiều đốm đổi màu trên da và nổi lên các khối u. Khoảng 10% bệnh nhân Mycosis fungoides kèm theo tổn thương tại các cơ quan trong cơ thể như gan, lách, hệ tiêu hóa, tủy xương, phổi.
- Đối với hội chứng Sezary: Tổn thương da có xu hướng lan rộng và bong tróc, gây ngứa dữ dội, đỏ da. Ngoài ra, bệnh nhân mắc hội chứng Sezary có thể biểu hiện các triệu chứng khác như: rụng tóc, rối loạn tăng trưởng ở móng tay, dày da lòng bàn tay và bàn chân, sụp mí mắt dưới,...
3.2. Xét nghiệm chẩn đoán U lympho tế bào T ngoại vi ở da
Sau khi thăm khám và kiểm tra các triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để khẳng định chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu
- Sinh thiết da, có thể sinh thiết cả hạch bạch huyết (nếu cần)
- Chụp CT toàn thân.
4. Điều trị U lympho tế bào T ngoại vi ở da (CTCL)
Các kế hoạch điều trị cụ thể U lympho tế bào T ở da tùy vào đặc điểm bệnh học, giai đoạn bệnh cũng như toàn trạng của bệnh nhân.
4.1. Điều trị Mycosis fungoides (MF)
Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh MF giai đoạn sớm (IA-IIA) thường được khuyến nghị dùng liệu pháp điều trị ngoài da thay vì liệu pháp toàn thân. Các liệu pháp sinh học toàn thân, chẳng hạn như Retinoids, Interferon, chất ức chế Histone deacetylase (HDAC) hoặc Methotrexate liều thấp được cân nhắc nếu thất bại với các liệu pháp điều trị trực tiếp qua da, các triệu chứng trên da lan rộng/nghiêm trọng hoặc bệnh nhân có tiên lượng xấu hơn.
Đối với MF giai đoạn tiến triển (IIB-V), mục tiêu chính là kiểm soát bệnh, giảm nhanh triệu chứng và quản lý các nguy cơ đe dọa tính mạng với các phương pháp điều trị: xạ trị cục bộ, TSEBT, điều trị tại chỗ trên da (như steroid), liệu pháp toàn thân (như Methotrexate, Bexarotene,...).
4.2. Điều trị hội chứng Sézary (SS)
Không có liệu pháp tiêu chuẩn ban đầu cho bệnh nhân mắc hội chứng Sézary. Liệu pháp toàn thân có thể được thực hiện đơn độc hoặc kèm với các liệu pháp khác như điều trị qua da (SDT) hay kết hợp với các liệu pháp toàn thân khác. Các phương pháp thường được chọn lựa là:
- Extracorporeal photopheresis (ECP)
- Retinoids
- Interferons (interferon alfa, interferon gamma)
- Histone deacetylase (HDAC) inhibitors (vorinostat, romidepsin)
- Methotrexate liều thấp
- Brentuximab vedotin
- Mogamulizumab.
4.3. Vai trò của Brentuximab vedotin trong điều trị U lympho tế bào T ngoại vi ở da (CTCL)
Brentuximab vedotin (BV) là một kháng thể đơn dòng kháng CD30 đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ phê duyệt để điều trị U lympho Hodgkin và U lympho toàn thân tế bào lớn thoái biến (ALCL) và U lympho tế bào T ở da (CTCL). Brentuximab vedotin cũng là một lựa chọn cho những bệnh nhân MF/SS tái phát hoặc tiến triển sau điều trị bước 1 trước đó.
Tóm lại, U lympho tế bào T ngoại vi ở da là một bệnh lý ác tính nguyên phát tại da liên quan đến sự phát triển bất thường của tế bào T. Việc chẩn đoán và điều trị U lympho tế bào T ngoại vi ở da cần được cá thể hóa trong từng trường hợp cụ thể.
Tài liệu này được hỗ trợ bởi Takeda
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.