Ribomustin còn được biết đến với tên gọi phổ biến khác là Treanda, Treakisym, một loại thuốc hóa trị liệu được sử dụng trong điều trị bệnh đa u tủy, bạch cầu mãn tính và u lympho không Hodgkin.
1. Ribomustin là thuốc gì?
Ribomustin có thành phần chính là Bendamustin hydrochlorid 25mg hoặc 100mg, thuộc nhóm thuốc chống ung thư. Nó hoạt động bằng tác động lên các yếu tố di truyền (DNA và RNA) của tế bào gây bệnh ung thư, ngăn chặn quá trình phát triển và nhân lên của virus. Ribomustin được bác sĩ chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn: Sử dụng thuốc để điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn ở giai đoạn B hoặc C đối với các bệnh nhân không thích hợp sử dụng biện pháp hóa trị kết hợp với Fludarabin.
- Điều trị bệnh U lympho không Hodgkin: U lympho không Hodgkin thể diễn biến chậm ở bệnh nhân sau khi điều trị với thuốc Rituximab hoặc sử dụng liệu pháp hóa trị phối hợp với Rituximab.
- Điều trị bệnh đa u tủy: Sử dụng phối hợp với prednison điều trị u đa tủy ở bệnh nhân trên 65 tuổi (không phù hợp sử dụng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân) và ở những bệnh nhân có bệnh lý thần kinh trên lâm sàng mà không thể sử dụng thuốc điều trị có Bortezomib hay Thalidomid.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Ribomustin
Cách dùng:
- Thuốc Ribomustin được sử dụng trong tiêm truyền tĩnh mạch.
Liều lượng thuốc:
- Đối với bệnh bạch cầu lympho mạn: Sử dụng liều tiêm Bendamustine hydrochlorid 100mg/m trên diện tích bề mặt cơ thể vào ngày 1 và ngày 2 của các chu kỳ, mỗi chu kỳ 4 tuần, tối đa 6 chu kỳ.
- U Lympho khong Hodgkin: Áp dụng liều lượng Bendamustin hydrochlorid 120mg/m trên diện tích bề mặt cơ thể vào ngày 1 và ngày 2 của các chu kỳ, mỗi chu kì 3 tuần, trong ít nhất 6 đến 8 chu kỳ. Người bệnh chỉ nên sử dụng tối đa 8 chu kỳ.
- Đa u tủy: Dùng Bendamustin hydrochlorid 120-150mg/m trên diện tích bề mặt cơ thể vào ngày 1 và ngày 2, phối hợp với Prednison 60mg/m tiêm vào tĩnh mạch hay uống từ ngày 1 đến ngày 4 mỗi chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài 4 tuần trong ít nhất 3 chu kỳ.
Lưu ý:
- Nên trì hoãn hay ngừng điều trị nếu người bệnh có số lượng bạch cầu giảm 3.000/uL hoặc số lượng tiểu cầu giảm < 75.000/HL. Có thể tiếp tục điều trị bằng thuốc sau khi số lượng bạch cầu tăng trở lại trên 4.000/uL và số lượng tiểu cầu tăng lên 100.000/uL. Khuyến cáo bệnh nhân nên theo dõi chặt chẽ công thức máu trong khoảng thời gian dùng thuốc và sau khi ngừng điều trị.
- Nếu người bệnh muốn điều chỉnh liều lượng thuốc thì liều đã giảm được tính riêng dùng vào ngày đầu và ngày thứ 2 của chu kỳ điều trị tương ứng.
- Đối với người bệnh suy gan: Hiện không cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan nhẹ với nồng độ bilirubin huyết thanh < 1,2 mg/dL. Với bệnh nhân suy gan trung bình có bilirubin huyết thanh 1,2 ~ 3 mg/dL, bác sĩ khuyến cáo giảm 30% liều dùng thông thường.
- Với bệnh nhân bị suy thận: Không cân điều chỉnh liều thuốc ở bệnh nhân có độ thanh thải creatinin > 10 mL/phút. Khi dùng cho bệnh nhân suy thận nặng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Ở trẻ em: Chưa có đủ dữ liệu chứng minh thuốc an toàn với trường hợp này, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc
- Bệnh nhân cao tuổi: Sử dụng liều lượng như người bình thường.
Chống chỉ định:
- Không dùng thuốc Ribomustin đối với người bị dị ứng với thành phần Bendamustin hydrochlorid hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Không dùng thuốc với người bệnh bị suy gan nặng có nồng độ bilirubin huyết thanh > 3 mg/dL.
- Chống chỉ định sử dụng thuốc cho người bệnh bị vàng da.
- Không dùng Ribomustin với trường hợp người bệnh bị suy tủy xương nặng và thay đổi số lượng tế bào máu nghiêm trọng (bạch cầu giảm < 3.000 /HL và/ hoặc tiểu cầu giám < 75.000/0L).
- Không dùng thuốc cho bệnh nhân mới tiến hành xong đại phẫu trong 30 ngày trước khi bắt đầu điều trị.
Khuyến cáo không dùng cho bệnh nhân bị nhiễm trùng máu đi kèm tình trạng giảm bạch cầu và người bệnh đang chủng ngừa bệnh sốt vàng.
3. Tác dụng phụ thuốc Ribomustin
- Các tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng Bendamustin hydrochlorid là phản ứng ảnh hưởng về huyết học với các biểu hiện như giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, độc tính trên da (phản ứng dị ứng), triệu chứng toàn thân (sốt), triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn).
- Rối loạn da và mô dưới da với các biểu hiện như rụng tóc, viêm da, ngứa, ban đỏ, tăng tiết mồ hôi.
- Rối loạn hệ sinh sản và vú: Vô Kinh, vô sinh - tỷ lệ này hiếm gặp hơn.
- Rối loạn toàn thân và tình trạng nơi truyền; viêm niêm mạc, mệt mỏi, sốt, đau, ớn lạnh, mất nước, chán ăn, suy đa cơ quan.
- Ảnh hưởng đến thông số xét nghiệm: Giảm haemoglobin, tăng creatinin/ ure/ bilirubin/ alkaline phosphatase.
- Rối loạn tim: Rối loạn chức năng tim như đánh trống ngực, đau thắt ngực, rung nhĩ, tràn dịch màng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim.
- Rối loạn mạch máu: Hạ huyết áp, suy tuần hoàn cấp, viêm tĩnh mạch.
- Rối loạn chức năng hô hấp với biểu hiện rối loạn chức năng phổi và xơ phổi.
- Rối loạn tiêu hóa: Táo bón, nôn, buồn nôn, viêm miệng, viêm thực quản huyết huyết, xuất huyết đường tiêu hóa.
- Rối loạn hệ thần kinh: Mất ngủ, ngủ gà, loạn cảm giác, loạn vị giác, mắc bệnh thần kinh cảm giác ngoại vi, mất điều hòa vận động.
4. Thận trọng khi dùng thuốc Ribomustin
- Bệnh nhân có thể mắc bệnh suy tủy: Bệnh nhân được điều trị với Bendamustin hydrochlorid có thể bị suy tủy xương. Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần theo dõi tỷ lệ bạch cầu, tiểu cầu, hemoglobin, bạch cầu trung tính và đánh giá lại các chỉ số trên trước khi bắt đầu chu kỳ điều trị tiếp theo. Người bệnh không nên dùng Ribomustin khi bị suy tủy nặng hoặc thay đổi số lượng tế bào máu nghiêm trọng.
- Nhiễm trùng: Hiện đã có các báo cáo ghi nhận, người bệnh dùng thuốc điều trị đã mắc phải các bệnh nhiễm trùng, bao gồm bệnh viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết. Một vài trường hợp nghiêm trọng hơn, đã có người bệnh cần phải nhập viện, sốc nhiễm trùng và tử vong. Đặc biệt, bệnh nhân suy tủy sau điều trị với Bendamustine hydrochlorid thì dễ bị mắc bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhân bị suy tủy sau điều trị với Ribomustin nên báo với bác sĩ nếu có những triệu chứng hay dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng, bao gồm các triệu chứng đi kèm như sốt hay triệu chứng của đường hô hấp.
- Phản ứng trên da: Một số phản ứng trên da bao gồm phát ban, phản ứng độc trên da và phát ban da dạng bóng nước. Khi xuất hiện phản ứng phụ trên da nếu người bệnh tiếp tục dùng thuốc thì các phản ứng này có thể tiến triển nghiêm trọng hơn. Do vậy mà cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân khi có trên. Nếu phản ứng trên da không giảm thì nên tạm dừng hay ngừng điều trị với Ribomustin.
- Bệnh nhân có các rối loạn tim; Nên theo dõi thường xuyên nồng độ kali trong máu trong thời gian điều trị với bendamustin hydrochlorid và nên bổ sung kali khi K+<3,5 mEq/L và cần đo điện tâm đồ.
- Sốc phản vệ: Đa số các triệu chứng phản ứng sốc phản vệ thường nhẹ với các biểu hiện như sốt, ớn lạnh, ngứa và nổi ban. Tỷ lệ sốc phản vệ nặng thường xảy ra với tỷ lệ thấp. Phải cân nhắc sử dụng các biện pháp phòng ngừa các phản ứng nặng, bao gồm sử dụng kháng histamin, hạ sốt và corticosteroid ở những chu kỳ tiếp theo trên những bệnh nhân có xảy ra phản ứng tiêm truyền trước đó.
- Với phụ nữ có thai: Nghiên cứu đã chứng minh thành phần Bendamustin hydrochlorid là chất gây đột biến và quái thai. Do đó mà phụ nữ nên sử dụng các biện pháp tránh thai trong thời gian điều trị. Trường hợp có thai nên tuyệt đối không nên dùng thuốc.
- Khả năng sinh sản: Đối với nam giới, thuốc có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
- Bệnh ác tính khác: Đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân gặp các bệnh liên quan đến khối u thứ phát, bao gồm hội chứng các rối loạn tăng sinh tủy, rối loạn sinh tủy, bệnh bạch cầu cấp dòng tủy và carcinôm phế quản.
5. Tương tác thuốc
- Thuốc gây ức chế tủy: Khi dùng cùng lúc với Ribomustin có thể ảnh hưởng đến tủy xương. Bất kỳ thuốc điều trị nào làm suy giảm chức năng tủy xương cũng có thể gia tăng độc tính của thuốc Ribomustin.
- Kết hợp Ribomustin với Cyclosporin hay Tacrolimus có thể dẫn đến ức chế miễn dịch quá mức với nguy cơ làm tăng sinh dòng lympho.
- Nhóm ức chế CYP1A2 như Fluvoxamine, Ciprofloxacin, Acyclovir, Cimetidin: Gây ra phản ứng phụ nghiêm trọng hơn.
Những thông tin cơ bản về thuốc Ribomustin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Vì đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng Ribomustin, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.