Những thay đổi do lão hóa ở xương - cơ - khớp

Có ý kiến cho rằng những thay đổi do lão hóa ở cơ, xương và khớp là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, tình trạng mất cơ và đau xương khớp chủ yếu là do ít vận động. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ lão hóa ở xương - cơ - khớp.

1. Tình trạng mất cơ và đau xương khớp khi lớn tuổi

Theo một thống kê, gần 50% dân số Úc trên 75 tuổi bị hạn chế vận động do mắc các tình trạng ảnh hưởng đến cơ và khung xương, chẳng hạn như:

  • Viêm đau xương khớp - sụn trong khớp bị phá vỡ, gây đau và cứng.
  • Nhuyễn xương - xương trở nên mềm do quá trình chuyển hóa vitamin D gặp vấn đề.
  • Loãng xương - xương mất khối lượng và trở nên giòn, dễ dẫn đến gãy xương.
  • Viêm khớp dạng thấp - khớp bị sưng viêm.
  • Yếu và đau cơ.

Tất cả các tình trạng trên đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ liên quan. Cụ thể:

  • Chiều cao tổng thể giảm, chủ yếu là do thân và cột sống ngắn lại.
  • Viêm, đau, cứng và biến dạng khớp ảnh hưởng đến hầu hết người lớn tuổi, từ cứng nhẹ đến viêm khớp nặng.
  • Tư thế có thể trở nên khom hơn, đầu gối và hông kém linh hoạt, cổ nghiêng và vai hẹp lại, khung xương chậu rộng hơn.
  • Chuyển động chậm và có thể bị hạn chế. Dáng đi trở nên chậm rãi với những bước ngắn và không vững, ít vung tay hơn.
  • Mất cơ làm giảm sức mạnh và độ bền, khiến người lớn tuổi dễ mệt mỏi và ít năng lượng.
  • Một số người lớn tuổi phản xạ giảm do những thay đổi trong cơ và gân, ví dụ như giảm phản xạ giật đầu gối hoặc giật mắt cá chân.
  • Các cử động không chủ ý (run cơ) phổ biến hơn. Những người lớn tuổi không hoạt động có thể bị suy nhược hoặc dị cảm.

Theo thời gian, sự lão hóa ở cơ, xương, khớp là không thể tránh khỏi
Theo thời gian, sự lão hóa ở cơ, xương, khớp là không thể tránh khỏi

2. Những thay đổi cơ do lão hóa

Ngoài dấu hiệu cơ chảy xệ rõ rệt do lão hóa, cơ bắp cũng bị mất đi kích thước và sức mạnh khi con người già đi. Điều này thường góp phần gây mệt mỏi, suy nhược và giảm khả năng vận động. Nguyên nhân có thể là do một số yếu tố kết hợp, bao gồm:

  • Các sợi cơ giảm số lượng và thu nhỏ kích thước. Tốc độ mất cơ (teo mô cơ) nhiều khả năng là do gen gây ra, thường bắt đầu vào khoảng tuổi 20 ở nam và 40 tuổi ở nữ.
  • Mô cơ được thay thế chậm hơn bằng mô sợi cứng. Dễ nhận thấy nhất ở bàn tay, trông gầy hơn.
  • Những thay đổi trong hệ thống thần kinh khiến cơ bắp bị giảm trương lực và khả năng co bóp, ngay cả khi tập thể dục thường xuyên.

3. Những thay đổi xương do lão hóa

Khi chúng ta già đi, cấu trúc của xương thay đổi và dẫn đến mất mô xương. Mật độ xương thấp nghĩa là xương yếu hơn, khiến người lớn tuổi tăng nguy cơ bị gãy xương do va đập hoặc ngã đột ngột.

Cột sống được tạo thành từ các đốt sống, giữa mỗi xương là một lớp đệm giống như gel (gọi là đĩa). Khi lão hóa, phần giữa của cơ thể (thân) trở nên ngắn hơn do các đĩa đệm mất dần chất lỏng và trở nên mỏng hơn.

Đốt sống cũng mất một số thành phần khoáng chất, làm cho mỗi xương mỏng hơn. Cột sống trở nên cong và bị nén (dồn lại với nhau). Các gai xương do lão hóa cũng có thể hình thành trên những đốt sống. Các vòm bàn chân dần kém rõ ràng hơn, góp phần làm giảm chiều cao. Các xương dài của tay và chân giòn hơn do mất chất khoáng, nhưng không thay đổi chiều dài. Điều này làm cho cánh tay và chân trông dài hơn so với thân.

Xương trở nên giòn hơn khi con người già đi vì một số lý do, bao gồm:

  • Lối sống lười vận động gây ra tình trạng hao hụt xương.
  • Thay đổi nội tiết tố. Ở phụ nữ, mãn kinh làm mất khoáng chất trong mô xương. Ở nam giới, sự suy giảm dần các hormone sinh dục dẫn đến phát triển bệnh loãng xương.
  • Xương mất canxi và các khoáng chất khác.

Người lớn tuổi thường có mật độ xương thấp do quá trình lão quá
Người lớn tuổi thường có mật độ xương thấp do quá trình lão quá

4. Những thay đổi khớp do lão hóa

Trong khớp, các xương không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà được đệm bởi sụn lót các khớp (sụn khớp), màng hoạt dịch xung quanh khớp và chất lỏng bôi trơn bên trong khớp (chất lỏng hoạt dịch). Khi bạn già đi, cử động khớp trở nên cứng và kém linh hoạt hơn do lượng dịch bôi trơn bên trong khớp giảm, đồng thời sụn cũng trở nên mỏng hơn. Các dây chằng cũng có xu hướng ngắn lại và mất đi một số tính linh hoạt, khiến các khớp cảm thấy cứng.

Các sụn có thể bắt đầu cọ xát với nhau và mòn đi. Khoáng chất lắng đọng bên trong và xung quanh một số khớp (vôi hóa), đặc biệt phổ biến xung quanh vai.

Các khớp háng và khớp gối có thể bắt đầu mất sụn (thoái hóa). Các khớp ngón tay bị mất sụn và xương hơi dày lên. Những thay đổi ở khớp ngón tay, được gọi là chứng sưng xương, thường xảy ra hơn ở phụ nữ và có tính di truyền.

Nhiều thay đổi trong khớp liên quan đến tuổi tác là do lười vận động. Tập luyện cho khớp chuyển động sẽ giúp chất lỏng bôi trơn tốt hơn. Trong khi đó, ít vận động khiến sụn khớp bị co và cứng lại, giảm khả năng vận động của khớp.

5. Các hoạt động thể chất hữu ích

Tập thể dục có thể ngăn ngừa nhiều thay đổi do lão hóa ở xương - cơ - khớp, thậm chí là đảo ngược những thay đổi này. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu sống một lối sống năng động và tận hưởng những lợi ích. Nghiên cứu cho thấy rằng:

  • Tập thể dục có thể giúp xương chắc khỏe hơn và làm chậm tốc độ mất xương.
  • Người lớn tuổi có thể tăng khối lượng và sức mạnh cơ bắp thông qua các bài tập chuyên biệt và phù hợp.
  • Các bài tập thăng bằng và phối hợp, chẳng hạn như thái cực quyền, có thể giúp giảm nguy cơ té ngã người già.
  • Tăng cường hoạt động thể chất có thể trì hoãn sự tiến triển của bệnh loãng xương nhờ làm chậm tốc độ giảm mật độ khoáng của xương.
  • Đi bộ hoặc tập tạ là những loại bài tập tốt nhất để duy trì mật độ xương. Có một ý kiến ​​cho rằng các chuyển động vặn hoặc xoay nơi có các cơ bám vào xương cũng có lợi.
  • Những người lớn tuổi tập thể dục dưới nước (nhẹ nhàng hơn không phải chịu trọng lực) vẫn có thể được tăng khối lượng xương và cơ so với những người lớn tuổi ít vận động.
  • Căng giãn là một cách tuyệt vời để giúp duy trì sự linh hoạt của khớp.

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn bắt đầu bất kỳ chương trình hoạt động thể chất mới nào. Nếu bạn đã không tập thể dục trong một thời gian dài, cao tuổi hoặc mắc bệnh mãn tính (chẳng hạn như viêm khớp), chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp điều chỉnh chương trình tập thể dục phù hợp và an toàn với bạn. Nếu bị loãng xương, bạn cũng có thể được khuyên bổ sung thêm canxi hoặc đôi khi cần dùng thuốc điều trị loãng xương. Phụ nữ sau mãn kinh và nam giới trên 70 tuổi nên bổ sung 1.200 mg canxi và 800 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày.


Tập thể dục có thể ngăn ngừa quá trình lão hóa ở cơ, xương, khớp
Tập thể dục có thể ngăn ngừa quá trình lão hóa ở cơ, xương, khớp

Tóm lại, gần một nửa trường hợp mất cơđau xương khớp khi lão hóa là do ít vận động, không sử dụng nhiều đến các bộ phần này. Các nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi tập thể dục sẽ giúp cải thiện hoặc duy trì hoạt động của xương - cơ - khớp. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào. Ngoài ra, một chế độ ăn uống cân bằng cũng rất quan trọng để giữ cho cơ, xương và khớp luôn khỏe mạnh.

Bên cạnh đó để được chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh lý xương khớp, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra và có thể tiến hành làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh khớp như anti- CPP cùng với những xét nghiệm sàng lọc khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medlineplus.gov - betterhealth.vic.gov.au - webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe