Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo - Bác sĩ xạ trị - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hoá có năng lượng cao. Đó là các sóng điện từ (tia X, tia gamma,...) hoặc các hạt nguyên tử (electron, nơtron, proton,..) để điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, tia xạ có thể gây nên một số ảnh hưởng xấu với sức khoẻ con người.
1. Những thắc mắc thường gặp về xạ trị
Có 2 phương pháp xạ trị chính:
- Chiếu xạ từ ngoài vào
Đây là phương pháp được chỉ định khá rộng rãi với kỹ thuật là: Nguồn xạ đặt ngoài cơ thể người bệnh. Máy sẽ hướng các chùm tia một cách chính xác vào vùng thương tổn (vùng cần xạ trị) để tiêu diệt các tế bào ung thư.
- Xạ trị áp sát (Brachytherapy)
Các nguồn xạ (như radium, Cesium, Iridium...) được đặt áp sát hoặc cắm trực tiếp vào vùng thương tổn. Một số các đồng vị phóng xạ dạng lỏng như I131, P32 có thể dùng bơm trực tiếp vào trong cơ thể để nhằm chẩn đoán và điều trị các tế bào ung thư.
2. Xạ trị có độc không?
Tia xạ có thể gây nên một số ảnh hưởng xấu với sức khoẻ con người. Vì vậy khi điều trị có thể gặp các tác dụng không mong muốn của như sau:
2.1 Các phản ứng sớm của xạ trị
Vài ngày sau khi xạ trị người bệnh có thể mệt mỏi, chán ăn, đôi khi thấy choáng váng, buồn nôn. Các dấu hiệu sẽ mất dần khi cơ thể thích nghi với tia xạ. Do vậy, trong thời gian đầu mới xạ trị phải yêu cầu người bệnh nghỉ ngơi và bồi dưỡng tốt.
- Phản ứng da và niêm mạc:
Tuỳ thuộc vào liều xạ. Thời kỳ đầu da viêm đỏ, khi liều tăng lên, da sẽ khô và bong, niêm mạc viêm loét.
Biện pháp hạn chế: giữ vệ sinh da và niêm mạc, không được làm tổn thương da vì sẽ rất khó liền sẹo. Thoa nhẹ lên da vùng chiếu xạ một lớp kem dưỡng ẩm. Tránh nắng và nóng trong thời gian chiếu xạ, nếu cần phải ra ngoài, bôi 1 lớp kem chống nắng dày trước khi ra ngoài.
- Tiêu chảy:
Xảy ra khi tia xạ vùng bụng
Biện pháp hạn chế: dùng một đợt kháng sinh nhẹ và thuốc làm săn chắc niêm mạc ruột.
- Viêm đường tiết niệu sinh dục:
Xảy ra khi chiếu xạ vào vùng khung chậu.
Biện pháp xử trí: kháng sinh phổ rộng và uống nước nhiều, giữ vệ sinh sinh dục tốt.
- Hệ thống máu và cơ quan tạo máu:
Nếu vùng xạ trị chiếu trực tiếp vào tủy xương tạo máu (ví dụ chiếu rộng vào xương chậu) có thể ảnh hưởng đến sự tạo máu, gây giảm bạch cầu, hồng cầu. Thường tế bào bạch cầu sẽ bị ảnh hưởng trước. Tình trạng này có thể nặng hơn nếu bệnh nhân kết hơp hóa trị và xạ trị .
Mốt số trường hợp giảm bạch cầu hồng cầu nặng, cần phải ngừng tia xạ, nâng cao thể trạng, dùng thuốc kích bạch cầu và hồng cầu.
Cơ quan tạo máu rất dễ bị tổn thương do đó khi chiếu xạ cần che chắn và bảo vệ (lách, tuỷ sống và tuỷ xương...).
2.2 Các phản ứng và biến chứng muộn
- Tổ chức phần mềm vùng chiếu xạ sẽ xơ hoá và teo nhỏ, kể cả các tuyến.
- Chiếu xạ liều cao gây tổn thương mạch máu, ảnh hưởng lớn đến phẫu thuật nếu cần phải áp dụng xạ trị.
- Liều xạ quá cao gây tổn thương các tổ chức: một số cơ quan khi bị chiếu xạ khó hồi phục và ảnh hưởng tới các chức năng như mắt, thanh quản, tuỷ sống, buồng trứng và tinh hoàn.
3. Xạ trị ung thư có cần cách ly không?
Xạ trị sử dụng các máy phát ra tia X hay tia gamma chiếu vào khối u hoặc vùng có khối u như người mắc ung thư phổi, ung thư vú sẽ chiếu vào phần ngực, ung thư não sẽ chiếu xạ vào đầu, ung thư dạ dày đại trực tràng sẽ chiếu vào vùng bụng... Các tia này chỉ làm tổn thương đến các vùng bị chiếu và không gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Do đó mọi người hoàn toàn an tâm và không cần cách ly với người đang xạ trị.
Tuy nhiên nếu bệnh nhân được chỉ định xạ trị áp sát hoặc đồng vị phóng xạ dưới dạng uống thì cần phải tuân thủ một số biện pháp an toàn sau.
Đối với người thân:
- Phụ nữ mang thai hoặc trẻ em dưới 18 tuổi không tiếp xúc với bệnh nhân
- Giữ khoảng cách ít nhất 2 m (6 feet)
- Hạn chế đến thăm bệnh nhân, thời gian tiếp xúc ít hơn 30 phút mỗi ngày.
Đối với bệnh nhân:
- Rửa sạch tay sau khi sử dụng toilet
- Sử dụng đồ dùng cá nhân riêng biệt
- Uống nhiều nước để loại bỏ phóng xạ ra khỏi cơ thể
- Tránh quan hệ tình dục
- Hạn chế tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trẻ em và phụ nữ mang thai.
4. Xạ trị có làm rụng tóc không?
Xạ trị thường gây rụng tóc (hoặc lông) ở vị trí bị chiếu xạ. Ví dụ xạ trị vùng cánh tay sẽ gây mất lông vùng cánh tay mà không ảnh hưởng đến các vị trí còn lại (chẳng hạn tóc). Mức độ rụng tóc phụ thuộc vào một số yếu tố như: kích thước vùng bị chiếu xạ, tổng liều chiếu xạ.
- Tại sao xạ trị lại gây rụng tóc? Xạ trị không những tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể mà còn ảnh hưởng tới các tế bào lành khác. Các tế bào nhạy cảm với tia xạ là các tế bào có tốc độ phát triển nhanh (ví dụ: tóc)
- Rụng tóc do xạ trị có kéo dài bao lâu? Không giống như rụng tóc do hóa chất thường là tạm thời thì rụng tóc do xạ trị có thể tạm thời hoặc kéo dài vĩnh viễn. Liều chiếu xạ thấp thường gây rụng tóc tạm thời. Ở liều chiếu xạ cao, rụng tóc có thể không hồi phục.
Khi tóc hồi phục có thể có một số thay đổi so với trước khi xạ trị: thường xoăn hơn, có thể biến đổi màu sắc (ít gặp).
Một số biện pháp có thể áp dụng để hạn chế rụng tóc và ảnh hưởng của rụng tóc do xạ trị:
- Nếu có mái tóc dài, cắt ngắn đi trước khi xạ trị sẽ làm giảm mức độ ảnh hưởng của rụng tóc khi nó xảy ra
- Một số bệnh nhân thấy dễ dàng đối mặt với rụng tóc bằng cách cạo trọc đầu trước khi rụng tóc xảy ra
- Bảo vệ đầu với mũ ngăn chặn tia cực tím (không chỉ trong mùa hè), đặc biệt ở nam giới
- Sử dụng dầu gội cân bằng pH và bàn chải lông mềm
- Không dùng máy sấy tóc, máy uốn tóc vì có thể làm tổn thương tóc, dẫn đến rụng tóc nặng hơn
- Không nhuộm tóc
Xạ trị điều trị ung thư là một phương pháp được ứng dụng phương pháp ứng dụng phổ biến trong y khoa. Hiện tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đã ứng dụng phương pháp này điều trị thành công cho rất nhiều trường hợp ung thư giúp giảm thiểu các triệu chứng lâm sàng và hạn chế sự di căn ung thư.
Khoa Ung bướu tại Vinmec Central Park trang bị đầy đủ các mô thức điều trị ung thư: Từ phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, phẫu xạ trị.... điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ. Việc chẩn đoán được thực hiện cẩn trọng: Xét nghiệm máu, chụp X- quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm tủy huyết đồ, tủy đồ, sinh thiết, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, chẩn đoán bằng sinh học phân tử.
Quá trình điều trị được phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa: Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm cận lâm sàng, Tim mạch, Khoa Sản phụ, Khoa nội tiết, Khoa Phục hồi chức năng, Khoa tâm lý, Khoa Dinh dưỡng, Khoa Điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ, nhằm mang đến cho bệnh nhân phác đồ chữa trị tối ưu và chi phí hợp lí nhất.
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo có kinh nghiệm gần 15 năm trong việc điều trị trực tiếp bệnh nhân ung thư, đặc biệt là xạ trị ung thư và chăm sóc cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, chăm sóc giảm nhẹ và giảm đau. Bác sĩ Thảo đã từng tham gia nhiều khóa đào tạo nâng cao trong và ngoài nước như xạ trị nâng cao tại Singapore và Hàn Quốc, khóa đào tạo Giảng viên quốc gia Chăm sóc giảm nhẹ của Đại học Harvard. Hiện nay bác sĩ Thảo đang công tác tại Trung tâm Ung thư - Xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Khách hàng có thể trực tiếp đến Vinmec Central Park để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0283 6221 166, 0283 6221 188 để được hỗ trợ