Sinh thiết thận là lấy một mẫu mô nhỏ từ thận để làm xét nghiệm. Sinh thiết thận được thực hiện để chẩn đoán và theo dõi một số vấn đề của thận. Ví dụ, viêm thận, hoặc ung thư thận... phân loại và theo dõi điều trị một số trường hợp bệnh lý về thận.
1. Sinh thiết thận là gì?
Sinh thiết thận là một kỹ thuật mà bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô thận để kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm xác định các dấu hiệu của tổn thương hoặc bệnh lý.
Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện sinh thiết thận để chẩn đoán một vấn đề thận đang nghi ngờ, để xác định mức độ nặng của bệnh lý thận, hoặc để theo dõi kết quả quá trình điều trị. Sinh thiết thận cũng được tiến hành nếu sau ghép thận, chức năng thận của bệnh nhân không đạt yêu cầu.
Trong đa số trường hợp, bác sĩ tiến hành sinh thiết thận bằng kỹ thuật sinh thiết thận qua da (dụng cụ dùng để sinh thiết là một kim mảnh), và thường kỹ thuật được tiến hành dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh.
2. Tại sao cần thực hiện sinh thiết thận?
Sinh thiết thận có thể được thực hiện vì một số lý do sau:
- Cần chẩn đoán vấn đề của thận mà các phương pháp khác không cho kết quả chắc chắn.
- Hỗ trợ kế hoạch điều trị dựa trên tình trạng thận của bệnh nhân.
- Xác định tốc độ tiến triển của bệnh lý thận.
- Xác định phạm vi tổn thương do bệnh lý thận hoặc bệnh lý khác gây ra.
- Theo dõi, đánh giá kết quả điều trị.
- Theo dõi tình trạng sau ghép thận, hoặc tìm nguyên nhân chức năng thận ghép không đạt yêu cầu.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định sinh thiết thận dựa trên kết quả xét nghiệm máu hoặc nước tiểu trong trường hợp:
- Máu trong nước tiểu có nguồn gốc từ thận.
- Protein trong nước tiểu vượt quá ngưỡng, tăng lên hoặc có liên quan với các dấu hiệu khác của bệnh thận.
- Chức năng của thận có vấn đề, dẫn tới tăng nồng độ các chất cần đào thải trong máu.
Không phải tất cả các trường hợp xuất hiện các dấu hiệu trên đều cần sinh thiết thận. Có chỉ định sinh thiết thận hay không bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu, triệu chứng, kết quả xét nghiệm và toàn trạng bệnh nhân.
3. Các rủi ro có thể xảy ra khi sinh thiết thận
Thông thường sinh thiết thận qua da là một kỹ thuật an toàn, nhưng vẫn có thể có những rủi ro xảy ra, bao gồm:
- Chảy máu: Biến chứng phổ biến nhất trong sinh thiết thận là xuất hiện máu trong nước tiểu. Tình trạng chảy máu thường sẽ ngừng lại sau vài ngày. Hiếm khi xảy ra trường hợp chảy máu nặng tới mức cần phải truyền máu (chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số các trường hợp làm sinh thiết thận). Và rất hiếm trường hợp cần đến phẫu thuật để cầm máu.
- Đau: Đau tại chỗ kim sinh thiết đâm qua da là phổ biến, nhưng thường chỉ kéo dài vài giờ.
- Thông động tĩnh mạch: Nếu kim sinh thiết vô tình làm tổn thương thành mạch của động mạch và tĩnh mạch gần đó, một cầu nối bất thường có thể hình thành giữa hai mạch này. Loại thông động tĩnh mạch này thường không có triệu chứng và sẽ tự đóng lại.
- Các biến chứng khác: Khối máu tụ ở thận bị nhiễm khuẩn. Biến chứng này có thể giải quyết bằng việc sử dụng kháng sinh và phẫu thuật đặt dẫn lưu. Một biến chứng không thường gặp khác là tăng huyết áp liên quan tới huyết khối lớn.
4. Các kỹ thuật sinh thiết thận
Sinh thiết thận qua da là kỹ thuật sinh thiết thận được áp dụng nhiều nhất, tuy nhiên không phải là kỹ thuật có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Nếu bệnh nhân có tiền sử rối loạn đông máu, tiền sử xuất huyết hoặc bệnh nhân chỉ có duy nhất một thận, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định nội soi sinh thiết.
Nội soi sinh thiết là kỹ thuật sinh thiết mà bác sĩ qua nội soi sẽ quan sát hình dáng đại thể của thận, cũng như lấy mẫu sinh thiết bằng dụng cụ nội soi.
5. Chuẩn bị trước khi tiến hành sinh thiết thận
- Bệnh nhân có thể tham vấn với bác sĩ về mọi thắc mắc, lo lắng của bản thân. Bệnh nhân cũng cần viết cam kết đồng ý thực hiện sinh thiết thận.
- Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng bệnh nhân đang sử dụng, bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân.
- Trước khi tiến hành sinh thiết thận, bệnh nhân cần làm xét nghiệm máu và nước tiểu để chắc chắn rằng không có tình trạng nhiễm khuẩn hoặc tình trạng bất thường nào khác khiến quá trình sinh thiết dễ gặp rủi ro.
6. Sau khi sinh thiết thận
Sau khi sinh thiết thận, bệnh nhân sẽ:
- Được theo dõi huyết áp, nhịp tim và nhịp thở.
- Được xét nghiệm công thức máu toàn phần và nước tiểu để kiểm tra tình trạng chảy máu cũng như các biến chứng khác.
- Nằm nghỉ yên tĩnh trong vài giờ.
- Được hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc sau sinh thiết thận.
- Cảm thấy đau tại vị trí sinh thiết trong vài giờ và sẽ được sử dụng thuốc giảm đau.
Đa số bệnh nhân có thể về nhà trong ngày, nhưng bệnh nhân nên nằm nghỉ trên giường từ 12 tới 24 giờ sau sinh thiết theo khuyến nghị của bác sĩ.
Liên hệ ngay với bác sĩ nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu dưới đây:
- Nước tiểu có màu đỏ tươi, hoặc có máu cục kéo dài hơn 24 giờ sau khi sinh thiết.
- Không thể đi tiểu.
- Đau tại vị trí sinh thiết ngày càng nặng hơn.
- Sốt trên 380C.
- Mệt mỏi nhiều hoặc muốn ngất xỉu.
7. Kết quả sinh thiết thận
Mẫu mô lấy được từ quá trình sinh thiết sẽ được đưa đi làm giải phẫu bệnh. Kết quả thường được trả về sau 7 ngày, tuy nhiên nếu gặp trường hợp khẩn cấp, toàn bộ hoặc một phần kết quả sẽ được trả về trong vòng 24 giờ. Khi nhận kết quả, bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân về tình trạng thận hiện tại, nguyên nhân gây ra bất thường, nên làm gì với trường hợp này và thống nhất với bệnh nhân phương án điều trị tối ưu.
Tốt nhất nên lựa chọn các cơ sở y tế lớn, có uy tín không chỉ trong hệ thống các bệnh viện nói chung mà còn phải nổi bật, đi đầu trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư.
Để được tư vấn chi tiết về kỹ thuật sinh thiết thận tại Vinmec, quý khách có thể đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc liên hệ đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org và stanfordhealthcare.org
XEM THÊM: