Quản lý và điều trị bệnh suy thận do đái tháo đường cần tích cực điều trị nhiều mặt, gồm: Kiểm soát huyết áp, duy trì kiểm soát ổn định đường huyết và lipid máu, đồng thời điều trị các bệnh lý đi kèm làm bệnh nặng thêm.
1. Điều trị tăng đường huyết
Các nghiên cứu cho thấy, tăng glucose huyết là một trong các yếu tố chính khiến bệnh thận do đái tháo đường tiến triển.
Ở giai đoạn đầu, việc kiểm soát glucose huyết tốt sẽ giúp giảm tình trạng tăng lọc cầu thận.
Ở giai đoạn 1-3, kiểm soát glucose huyết tích cực giúp giảm diễn tiến albumin niệu, ổn định, thậm chí đảo ngược bệnh thận đái tháo đường. Mục tiêu HbA1c lúc này là 6,5 -7%.
Tuy nhiên, hầu hết các thuốc điều trị tăng glucose huyết đều thải qua thận nên cần thận trọng lựa chọn hoặc chỉnh liều dùng thích hợp, tránh nguy cơ hạ glucose huyết.
Ở giai đoạn 4-5 của bệnh thận mạn, tình trạng đề kháng insulin làm glucose huyết khó ổn định, thường phải dùng liều insulin cao hơn, nhưng đến giai đoạn cuối, do sự thoái giáng insulin ở thận giảm, ngoài ra bệnh nhân thường chán ăn nên cần liều insulin thấp hơn. Cần theo dõi kỹ để tránh các cơn hạ glucose huyết.
Trong bệnh thận giai đoạn cuối có thể không cần dùng đến insulin. Ngoài ra ở giai đoạn này, bệnh nhân thường có nhiều bệnh lý đi kèm, nên mục tiêu HbA1c có thể vào khoảng 7,5-8%.
2. Điều trị tăng huyết áp
Kiểm tra huyết áp mỗi lần khám bệnh và nếu có thể, hãy đo huyết áp thường xuyên tại nhà với mục tiêu huyết áp < 130/80 mmHg
Thuốc được lựa chọn hàng đầu là nhóm thuốc ức chế hệ renin angiotensin (gồm nhóm ức chế men chuyển, ức chế thụ thể Angiotensin II), lợi tiểu, chẹn kênh calci. Thường bệnh nhân cần phối hợp thuốc để kiểm soát huyết áp, nếu phối hợp 3 loại thuốc, 1 thuốc sẽ là thuốc lợi tiểu. Đôi khi, có thể ổn đinh huyết áp bằng thuốc lợi tiểu nhóm thiazides hoặc lợi tiểu quai.
Thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể giúp giảm huyết áp, kiểm soát đạm niệu, được chỉ định trong rối loạn chức năng tâm thu thất trái. Phối hợp ức chế men chuyển và ức chế thụ thể có thể làm suy giảm thêm chức năng thận nên thường không được khuyến cáo.
Không dùng ức chế men chuyển và ức chế thụ thể khi phụ nữ có thai hoặc dự định có thai, bệnh nhân có khuynh hướng bị mất nước, tăng kali huyết kháng trị, hoặc creatinin tăng 0,6mg/ dL sau khi bắt đầu dùng thuốc.
Thuốc chẹn beta có thể dùng khi bệnh nhân bị suy tim, có bệnh mạch vành, thận trọng khi bệnh nhân bị hen phế quản. Thuốc chẹn kênh calci có thể gây phù chi dưới và táo bón.
Thuốc chẹn kênh calci, dù thuộc nhóm dihydropyridine hay không dihydropyridine đều có lợi. Loại không dihydropyridine bảo vệ thận (có thể làm giảm đạm niệu) nhưng có thể gây giảm chức năng cơ tim.
Thuốc được ưu tiên chọn lựa là nhóm ức chế hệ renin angiotensin, lợi tiểu và chẹn kênh calci.
Dinh dưỡng và điều trị bổ sung cho bệnh suy thận do đái tháo đường.
Về dinh dưỡng, tổng lượng calo trong ngày cho bệnh nhân thay đổi tùy tình trạng, nếu bệnh thận đã tiến triển, bệnh nhân cần giảm đạm trong khẩu phần ăn, khoảng 0,8 -1gam/kg cân nặng/ngày để làm chậm tiến triển bệnh thận.
Cũng cần hạn chế lượng muối trong khẩu phần, khoảng 5-6 gam/ngày. Khi bệnh thận tiến triển cũng cần hạn chế phospho bằng các chất gắn phosphate và hạn chế kali.
Bệnh thận ĐTĐ thường kèm tăng triglycerid, giảm HDL, LDL có thể tăng hoặc bình thường, có thể dùng statin bắt đầu với liều thấp và chú ý đến biến chứng ly giải cơ vân.
Không có chế độ luyện tập đặc biệt hay hạn chế luyện tập ở bệnh thận đái tháo đường (ĐTĐ) nhưng khi bệnh nhân bị bệnh tim mạch, thiếu máu nặng đi kèm, cần có chế độ luyện tập riêng theo ý kiến chuyên gia.
3. Quản lý lâu dài cho bệnh nhân suy thận do đái tháo đường
Theo dõi điều trị đều đặn là điều quan trọng để quản lý tốt bệnh thận ĐTĐ. Ở bệnh nhân ĐTĐ typ 1, tìm albumin niệu sau khi chẩn đoán bệnh 5 năm, ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2, thực hiện ngay lúc mới chẩn đoán và sau đó tiếp tục mỗi năm nếu albumin niệu âm tính. Thử creatinin huyết mỗi năm, từ đó tính độ lọc cầu thận ước tính.
Đo huyết áp mỗi lần khám bệnh và nếu có thể, hãy theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà. Bệnh nhân ĐTĐ và bệnh thận mạn giai đoạn 1-2 cần cần theo dõi chức năng thận mỗi 6 tháng. Bệnh nhân ĐTĐ và bệnh thận mạn giai đoạn 3-5 cần theo dõi chức năng thận mỗi 3 tháng.
Cũng đồng thời cần theo dõi thêm: đạm niệu, chất điện giải (natri, kali, clor, CO2) chất khoáng, hormon liên quan đến xương (calci, phospho, PTH), tình trạng thiếu máu (huyết sắc tố, dung tích hồng cầu Hct, sắt huyết thanh), tình trạng dinh dưỡng (albumin, BUN).
Giai đoạn cuối suy thận do đái tháo đường, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa thận khi cần lọc thận hay ghép thận. Lúc này cũng cần tránh gây ra tình trạng suy thận cấp trên nền suy thận mạn như chụp hình mạch vành với thuốc cản quang, dùng các thuốc gây độc cho thận, chỉ điều trị duy trì trong khi chờ đợi lọc hoặc ghép thận.
Bên cạnh đó, cần kết hợp điều trị kịp thời các biến chứng khác của đái tháo đường như bệnh võng mạc đái tháo đường, bàn chân đái tháo đường, bệnh tim mạch....
Trong quản lý và điều trị bệnh suy thận do đái tháo đường, việc sàng lọc phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh là rất quan trọng.
Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã áp dụng kỹ thuật sàng lọc suy thận sớm cho người bệnh tiểu đường bằng xét nghiệm nước tiểu L-FABP theo công nghệ Nhật Bản trên máy xét nghiệm AU680 tự động hiện đại, cho kết quả nhanh chóng và chính xác hỗ trợ đắc lực trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh một cách hiệu quả hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hội nội tiết và đái tháo đường Việt Nam