Nhịn ăn ngắt quãng (nhịn ăn gián đoạn) là một kiểu ăn kiêng bao gồm việc giới hạn bữa ăn trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó là một khoảng thời gian cố định ăn rất ít hoặc không ăn gì. Thời gian nhịn ăn có thể kéo dài từ vài giờ tới nhiều ngày. Vậy nhịn ăn gián đoạn và bệnh tiểu đường tuýp 2 có an toàn không?
1. Nhịn ăn ngắt quãng là gì?
Nhịn ăn là việc bạn ngừng ăn hoặc uống (hoặc cả 2) trong một khoảng thời gian. Mọi người có thể nhịn ăn vì nhiều lý do như:
- Một hành vi trong tôn giáo;
- Chuẩn bị trước các thủ tục y tế;
- Nỗ lực giảm cân;
- Cải thiện sức khỏe.
Nhịn ăn ngắt quãng (còn gọi là nhịn ăn gián đoạn) là một hình thức ăn uống bao gồm các giai đoạn ăn ít hoặc không ăn, sau đó là ăn uống như bình thường. Không giống như nhiều chế độ ăn kiêng khác, nhịn ăn gián đoạn thường tập trung vào việc hạn chế thời gian bạn ăn và uống hơn là hạn chế loại thực phẩm bạn ăn.
Nhịn ăn gián đoạn thường được sử dụng để giảm cân thông qua việc hạn chế calo. Nó có thể mang lại những lợi ích nhất định cho bệnh nhân tiểu đường type 2 nhưng cũng có một số rủi ro đi kèm.
2. Các loại chế độ nhịn ăn ngắt quãng cho bệnh nhân tiểu đường
Mặc dù chế độ ăn kiêng ngắt quãng có nhiều kiểu khác nhau nhưng hiện chưa kiểu nhịn ăn nào được chứng minh là có hiệu quả tốt nhất cho người mắc bệnh tiểu đường. Sau đây là một số chế độ ăn kiêng gián đoạn phổ biến:
- Nhịn ăn ngắt quãng 16:8: Những người theo chế độ ăn kiêng này sẽ ăn các bữa ăn trong vòng 8 giờ, sau đó nhịn ăn trong vòng 16 giờ. Nhiều người nhịn ăn từ 8 giờ tối cho tới trưa ngày hôm sau, giữ chế độ ăn của họ từ giữa trưa tới 8 giờ tối;
- Nhịn ăn ngắt quãng 5:2: Là chế độ mà bạn ăn các bữa bình thường trong 5 ngày, sau đó có 2 ngày nhịn ăn (bạn ăn dưới 500 calo/ngày);
- Nhịn ăn luân phiên trong ngày: Là chế độ mà bạn không ăn gì hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ trong 24 giờ, sau đó là 24 giờ ăn như bình thường;
- Chế độ ăn có giới hạn thời gian sớm: Ăn uống vào buổi sáng và đầu giờ chiều, sau đó nhịn ăn kéo dài cả ngày và đêm.
3. Lợi ích của chế độ ăn kiêng ngắt quãng đối với bệnh tiểu đường
Nhịn ăn khi bị tiểu đường nếu được thực hiện một cách an toàn có thể mang lại một số lợi ích nhất định. Nếu kế hoạch ăn uống này giúp giảm cân, người bệnh có thể giảm lượng thuốc tiểu đường mà họ đang sử dụng.
Một số bệnh nhân có thể ngừng sử dụng insulin sau khi nhịn ăn liên tục trong khoảng 1 tháng hoặc lâu hơn (theo một nghiên cứu nhỏ). Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu khác để xác định xem việc nhịn ăn gián đoạn có thể giúp hầu hết người bệnh tiểu đường ngừng việc sử dụng insulin hay không.
Một số lợi ích tiềm năng khác của việc nhịn ăn ngắt quãng đối với bệnh nhân tiểu đường bao gồm: Cải thiện độ nhạy insulin, hạ huyết áp, giảm cảm giác thèm ăn, giảm stress oxy hóa, tăng quá trình oxy hóa chất béo. Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác định lợi ích lâu dài của chế độ nhịn ăn gián đoạn đối với kiểm soát đường huyết và các biến chứng của đái tháo đường.
4. Nhịn ăn ngắt quãng có an toàn đối với người bị tiểu đường type 2 không?
Nhịn ăn gián đoạn cũng có thể gây ra một số rủi ro cho bệnh nhân tiểu đường. Đó là:
Nếu bạn sử dụng insulin hoặc thuốc và đột nhiên ăn ít hơn nhiều so với bình thường thì lượng đường trong máu có thể bị giảm xuống quá thấp - tình trạng hạ đường huyết. Theo ADA, hạ đường huyết có thể gây ra các triệu chứng: Run rẩy, lú lẫn, cáu gắt, loạn nhịp tim, lo lắng, đổ mồ hôi, chóng mặt, ớn lạnh, năng lượng thấp, mờ mắt, buồn ngủ, buồn nôn,...
Một nguy cơ tiềm ẩn khác của việc nhịn ăn ngắt quãng với bệnh tiểu đường chính là lượng đường trong máu cao - tình trạng tăng đường huyết. Tăng đường huyết có thể xảy ra nếu bạn ăn nhiều hơn mức bình thường (khi bạn đặc biệt đói sau một thời gian dài nhịn ăn). Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường như: Tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh), tổn thương mắt và mù lòa, bệnh tim, bệnh thận, huyết áp cao, đột quỵ,...
Vì vậy, trước khi bắt đầu bất kỳ một chế độ ăn kiêng hoặc kế hoạch giảm cân nào, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo kế hoạch đó an toàn cho bạn.
5. Một số câu hỏi về ảnh hưởng của nhịn ăn gián đoạn tới bệnh tiểu đường
5.1 Nhịn ăn ngắt quãng có thể gây bệnh đái tháo đường không?
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy nhịn ăn ngắt quãng có thể ảnh hưởng tới tuyến tụy và kháng insulin (nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định tác động của chế độ ăn này đối với bệnh tiểu đường ở người).
Nghiên cứu đã xem xét những điều xảy ra với chuột khi chúng nhịn ăn cách ngày trong 12 tuần. Kết quả cho thấy những con chuột bị tăng mỡ bụng, tổn thương tế bào tuyến tụy tiết ra insulin, có dấu hiệu kháng insulin.
Cần thực hiện thêm các nghiên cứu để xác định xem nhịn ăn gián đoạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở người hay không.
5.2 Ăn kiêng ngắt quãng có giúp thuyên giảm bệnh tiểu đường không?
Đối với một số người, việc nhịn ăn gián đoạn có thể giúp bệnh tiểu đường thuyên giảm (có thể do giảm cân).
Một nghiên cứu vào năm 2018 trên 3 người mắc tiểu đường tuýp 2 đã sử dụng insulin và nhịn ăn ít nhất 3 lần/tuần. Trong vòng 1 tháng, họ không cần sử dụng insulin nữa. Bên cạnh đó, họ cũng có những cải thiện về chỉ số khối cơ thể (BMI), vòng eo và mức HbA1c. Sau vài tháng, mỗi người đều giảm khoảng 10% trọng lượng cơ thể.
Nghiên cứu này được thực hiện trên phạm vi quá nhỏ nên chưa thể đưa ra kết luận về việc nhịn ăn ngắt quãng có ảnh hưởng như thế nào tới phần lớn những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một nghiên cứu lớn hơn vào năm 2018 cho thấy: Gần 50% bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 giảm cân có thể ngừng dùng thuốc điều trị tiểu đường và bệnh đã thuyên giảm.
Vì việc nhịn ăn gián đoạn có thể là một cách để cắt giảm calo nạp vào cơ thể nên nó giúp người mắc bệnh tiểu đường giảm cân và hỗ trợ thuyên giảm bệnh tình. Tuy nhiên, các phương pháp giảm cân khác cũng có tác dụng đẩy lùi bệnh tiểu đường. Vì mỗi người đều có những điểm khác biệt nên bệnh nhân tốt nhất vẫn cần phải tham vấn ý kiến của bác sĩ/chuyên gia dinh dưỡng trước khi chọn phương pháp giảm cân phù hợp.
6. Mẹo nhịn ăn ngắt quãng khi bị tiểu đường
Khi bạn bị tiểu đường và đang nghĩ tới việc thử nhịn ăn gián đoạn, bạn nên tham khảo những lời khuyên sau:
- Hỏi ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh liều dùng thuốc trị tiểu đường hoặc insulin. Bạn có thể cần phải thay đổi phương pháp điều trị bệnh tiểu đường khi thử một chế độ ăn kiêng có ảnh hưởng tới lượng đường trong máu;
- Theo dõi lượng đường trong máu. Trong thời gian dài không ăn uống, lượng đường trong máu có thể bị xuống thấp nên bạn cần kiểm tra mức đường huyết thường xuyên;
- Chú ý tới tâm trạng của bạn: Nhiều người nhận thấy rằng việc hạn chế ăn uống khiến họ thêm cáu kỉnh, lo lắng và khó đối phó với tình trạng căng thẳng;
- Theo dõi mức năng lượng: Nhịn ăn có thể khiến bạn mệt mỏi, đặc biệt nếu bạn đang lái xe, vận hành thiết bị;
- Cân bằng lượng carbohydrate: Cơ thể bạn phân hủy carbohydrate thành glucose, có thể dẫn tới lượng đường trong máu tăng đột biến. Khi ăn uống, bạn nên cố gắng cân bằng lượng carbohydrate trong bữa ăn bằng cách ăn thêm rau, protein, giảm tinh bột để tránh lượng đường trong máu cao.
Nhịn ăn ngắt quãng có thể là một biện pháp để giảm cân, giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, người bệnh có thể bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết. Vì vậy, khi bắt đầu bất kỳ kế hoạch ăn kiêng nào, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, giúp giảm cân an toàn và bền vững.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline