Đối với người bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát đường máu ổn định sẽ dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Trong đó, đau nhức xương khớp là một biến chứng khó chịu, ảnh hưởng tới khả năng vận động của người bệnh. Vậy thuốc bổ xương khớp cho người tiểu đường nên sử dụng như thế nào?
1. Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường với đau nhức xương khớp
Bệnh tiểu đường có thể tác động tiêu cực đến hệ thống xương khớp theo những cách khác nhau như sau:
- Tiểu đường (hay còn gọi đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể, gây hệ lụy thay đổi cấu trúc protein, phá hủy collagen (có vai trò quan trọng trong cấu tạo sụn khớp) khiến sụn khớp dễ bị thoái hóa hơn.
- Bệnh tiểu đường gây biến chứng mạch máu, thần kinh ngoại vi phụ trách vận động, nuôi dưỡng các khớp xương. Khi mạch máu, thần kinh tổn thương, tay chân tê bì, khớp xương kém nuôi dưỡng.
- Người bệnh tiểu đường có hệ miễn dịch kém và khi đường máu không được kiểm soát ổn định sẽ dễ gặp tình trạng nhiễm trùng, tăng nguy cơ viêm khớp.
- Tình trạng thừa cân hay gặp ở người bệnh tiểu đường tuýp 2 gây tăng áp lực lên hệ thống xương khớp.
- Người bệnh tiểu đường thường có mật độ xương thấp hơn người bình thường nên có nguy cơ bị loãng xương, gãy xương cao hơn người bình thường.
2. Có nên dùng thuốc bổ xương khớp cho người tiểu đường không?
Người tiểu đường thường hay đi kèm bệnh cảnh là thoái hóa khớp và loãng xương, nhóm những bệnh nhân mắc 2 bệnh này đều có thể được chỉ định dùng Glucosamine và/hoặc Canxi với lưu ý như sau:
- Không nên sử dụng Canxi đường uống cho bệnh nhân tiểu đường có tăng canxi máu.
- Thường chỉ định sử dụng Glucosamine cho bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối, những trường hợp thoái hóa khác ít dùng.
Có tồn tại mối lo ngại rằng sử dụng thuốc khớp cho người tiểu đường như Glucosamine có thể gây tăng đường huyết. Tuy nhiên đã có nghiên cứu trên thực nghiệm chỉ ra rằng sau khi sử dụng Glucosamine đường tĩnh mạch liều cao đã ghi nhận những thay đổi về chuyển hóa đường ở động vật, nhưng trên lâm sàng các tác dụng tương tự chưa được ghi nhận thống nhất trên người bệnh sau khi sử dụng thuốc Glucosamine đường uống.
Trong những nghiên cứu ngắn hạn, với quy mô nhỏ hơn, trên bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường cũng cho thấy Glucosamin không ảnh hưởng đến khả năng dung nạp glucose hoặc kháng Insulin. Hiện nay, do dữ liệu nghiên cứu được công bố còn hạn chế và các tác dụng của Glucosamine ở bệnh nhân tiểu đường cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cần theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên hơn khi có chỉ định sử dụng Glucosamine, hoặc được tăng liều hay thay đổi đường dùng.
3. Lưu ý khi dùng thuốc xương khớp dành cho người tiểu đường
Người tiểu đường có bệnh xương khớp cần thận trọng khi dùng các nhóm thuốc giảm đau sau:
Đối với người bệnh tiểu đường có chỉ định sử dụng glucocorticoids tiêm khớp cần phải thận trọng. Tiêm glucocorticoids vào khớp ở bệnh nhân đái tháo đường có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh, nhất là tình trạng tăng đường máu cao. Các tác dụng phụ này có thể xuất hiện ngay sau khi tiêm hoặc sau khi tiêm 10 - 15 ngày vì 1 số biệt dược có tác dụng kéo dài.
- Thuốc NSAIDs
Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm đau do ức chế tổng hợp prostaglandin. Tuy nhiên, prostaglandin lại là chất tham gia cơ chế điều hòa đường huyết, làm tăng nguy cơ hạ glucose trong máu. Ngoài ra, thuốc NSAIDs có thể liên kết mạnh với các protein huyết tương nên có nguy cơ tương tác với các thuốc điều trị đái tháo đường nhóm Sulfamid như: Gliclazide, Glibenclamide, Chlorpropamide dẫn đến tăng nguy cơ gây hạ đường huyết cho người bệnh.
4. Lưu ý khi dùng thực phẩm chức năng cho người tiểu đường đau khớp
Người bệnh tiểu đường đau nhức xương khớp thường tự mua thực phẩm chức năng trên thị trường vì muốn giảm đau nhanh tại nhà. Tuy nhiên nó có thể gây hệ lụy không tốt, do đó người bệnh cần lưu ý những thông tin sau:
- Người bệnh tiểu đường cần đọc kỹ các thành phần của bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào; hạn chế sử dụng các thực phẩm chức năng có chứa đường, đặc biệt là đường nhanh.
- Thực phẩm chức năng không phải thuốc để điều trị chính và không thể thay thế thuốc chữa bệnh được. Do đó, người bệnh dùng thực phẩm chức năng chỉ dùng để hỗ trợ, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ gây bệnh.
- Tác dụng của thực phẩm chức năng khi được sử dụng trên bệnh nhân tiểu đường đến nay chưa được xác định rõ ràng. Thực phẩm chức năng cũng có thể gây ra tác dụng phụ như rối loạn trong quá trình người bệnh kiểm soát đường huyết và các biến chứng không mong muốn của bệnh tiểu đường nên người bệnh cần hết sức thận trọng khi sử dụng.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin về các loại thuốc đau nhức xương khớp cho người tiểu đường. Lưu ý, để kiểm soát đường huyết hiệu quả, người bệnh hãy khám sức khỏe định kỳ, tư vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc xương khớp, kể cả thực phẩm chức năng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.