Nguyên nhân đau khớp gối, triệu chứng và cách điều trị

Nguyên nhân đau khớp gối chủ yếu là do thói quen sinh hoạt hàng ngày không đúng cách. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này phụ thuộc vào từng cá nhân, bệnh có thể tự khỏi hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được can thiệp điều trị kịp thời. Vì vậy, người bệnh cần có biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK II Vũ Tú Nam - Trưởng khoa Phẫu thuật Nội soi khớp & Y học thể thao, Bệnh viện Vinmec Times City; Phó chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình, Đại học Vinu thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Đau khớp gối là gì?

Đau khớp gối là tình trạng đau nhức xuất hiện tại khu vực khớp gối và vùng xung quanh. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân đau khớp gối có thể đến từ chính khớp gối hoặc các cấu trúc xung quanh như dây chằng, gân, túi hoạt dịch bao quanh khớp.

Mức độ nghiêm trọng sẽ quyết định phương pháp điều trị thích hợp. Các trường hợp đau nhẹ thường đáp ứng tốt với biện pháp tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng hơn, phẫu thuật can thiệp có thể là cần thiết để giải quyết vấn đề. 

Đau khớp gối là tình trạng đau nhức xuất hiện tại khu vực khớp gối và vùng xung quanh.
Đau khớp gối là tình trạng đau nhức xuất hiện tại khu vực khớp gối và vùng xung quanh.

2. Nguyên nhân đau khớp gối chính

2.1 Chấn thương đầu gối

Chấn thương đầu gối có thể ảnh hưởng đến các cấu trúc khác nhau như dây chằng, gân, túi hoạt dịch, xương và sụn khớp. Một số chấn thương phổ biến ở khu vực đầu gối bao gồm:

  • Chấn thương dây chằng chéo trước: Là tình trạng bị rách dây chằng nối xương chày với xương đùi, thường gặp ở các môn thể thao đòi hỏi thay đổi hướng di chuyển đột ngột.
  • Rách sụn chêm: Sụn chêm là phần sụn giữa xương chày và xương đùi, có thể bị rách hoặc kẹt trong khớp do chấn thương xoắn gối mạnh.
  • Gãy xương: Các xương tạo thành khớp gối như xương bánh chè có thể bị gãy do ngã hoặc tai nạn, đặc biệt ở người bị loãng xương.
  • Trật khớp chè đùi: Xương bánh chè trượt khỏi vị trí ban đầu do bị trẹo hoặc chấn thương mạnh, gây đau sưng khớp.
  • Bong sụn khớp: Sụn khớp là phần sụn nằm trên mặt khớp xương đùi và xương chày, khi bị tổn thương, sụn khớp có thể bong ra tạo thành các thể tự do gây đau, kẹt khớp

2.2 Viêm khớp gối

Viêm khớp gối có thể là hậu quả của hơn 100 loại bệnh viêm khớp khác nhau. Một số nguyên nhân đau khớp gối phổ biến bao gồm:

  • Thoái hóa khớp gối: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm và đau khớp gối ở người trên 50 tuổi. Sụn khớp bị thoái hóa dần theo thời gian dẫn đến đau nhức, sưng khớp khi vận động.
  • Viêm khớp dạng thấp: Là bệnh tự miễn dịch mạn tính có thể ảnh hưởng đến hầu hết các khớp trong cơ thể, kể cả khớp gối. Mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy người, có trường hợp có thể tự khỏi.
  • Bệnh Gout và bệnh giả Gout: Tinh thể axit uric tích tụ gây bệnh Gout, còn tinh thể canxi tạo bệnh giả Gout, đều khiến khớp gối viêm, đau nhức.
  • Viêm khớp nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng khớp không liên quan chấn thương, gây sưng đỏ, đau dữ dội. Biến chứng sẽ nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời.
  • Viêm gân bánh chè: Tình trạng viêm gây kích ứng các gân nối cơ với xương bánh chè, thường gặp ở các hoạt động chạy, nhảy.  
  • Viêm bao hoạt dịch: Tình trạng viêm các túi dịch bọc xung quanh khớp do chấn thương hoặc hoạt động quá mức, dẫn đến sưng đau nghiêm trọng.  

Bệnh Osgood-Schlatter: Gặp ở vị thành niên, gây sưng đau dưới đầu gối do kích thích tại vùng gân gấp kheo với xương bánh chè.

3. Triệu chứng bệnh là gì?

Vị trí và mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu gối phụ thuộc vào nguyên nhân đau khớp gối tình trạng này. Các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Sưng và cứng khớp gối
  • Khu vực đầu gối bị đau đỏ và nóng khi chạm vào
  • Khớp gối trở nên yếu hoặc không ổn định
  • Nghe tiếng lạch cạch hoặc lạo xạo từ khớp gối
  • Không thể duỗi thẳng hoặc gấp khớp gối một cách hoàn toàn

Đặc biệt, người bệnh nên đến khám bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải các triệu chứng:

  • Đầu gối bị yếu và/hoặc không thể chịu được bất kỳ lực tác động nào
  • Biến dạng rõ rệt ở chân hoặc đầu gối
  • Sốt, kèm theo mẩn đỏ, đau và sưng ở khu vực đầu gối
  • Đau dữ dội ở đầu gối sau khi bị chấn thương 
 Các triệu chứng của bệnh đau khớp gối điển hình như sưng và cứng khớp.
Các triệu chứng của bệnh đau khớp gối điển hình như sưng và cứng khớp.

4. Cách điều trị và phục hồi

Chìa khóa để khắc phục tình trạng đau khớp gối là xác định nguyên nhân đau khớp gối. Đối với những trường hợp đau nhẹ, có thể tự xử trí tại nhà bằng các biện pháp sau:

  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn theo đúng hướng dẫn
  • Nghỉ ngơi trong một vài ngày để giảm tải áp lực lên khớp gối, cho vết thương thời gian lành lại và tránh làm tổn thương thêm
  • Chườm lạnh hoặc chườm nóng lên vùng đau nhằm giảm đau và hạn chế viêm. Khi chườm lạnh, không đặt trực tiếp lên da và chỉ chườm tối đa 10 phút/lần để tránh bỏng lạnh
  • Băng ép khớp gối giúp ngăn ngừa tích tụ dịch trong vùng mô bị tổn thương, duy trì sự ổn định của khớp
  • Kê cao chân khi nằm hoặc ngồi để làm giảm phù nề

Nếu tình trạng đau đầu gối trầm trọng hơn, sau khi thăm khám bác sĩ, các phương pháp điều trị sau có thể được đề xuất:

4.1 Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn

Thuốc thường được kê đơn để giảm đau hoặc điều trị nguyên nhân đau khớp gối trái và phải:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Được sử dụng để điều trị đau đầu gối do viêm khớp, viêm bao hoạt dịch và viêm gân.
  • Các loại thuốc khác như thuốc chống thấp khớp, kháng sinh cho bệnh nhiễm trùng hoặc steroid cho bệnh Gout.

4.2 Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu tập trung vào việc tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh đầu gối, giúp khớp ổn định hơn.

Người bệnh có thể được hướng dẫn thực hiện các bài tập để điều chỉnh các chuyển động ảnh hưởng đến đầu gối, cải thiện tính linh hoạt và thăng bằng.

Trong một số trường hợp nhất định, các loại nẹp khác nhau có thể được sử dụng để bảo vệ và hỗ trợ khớp gối.

4.3 Tiêm thuốc

Trong một số trường hợp, tùy thuộc nguyên nhân đau khớp gối mà bác sĩ có thể đề nghị tiêm thuốc hoặc các chất khác trực tiếp vào khớp:

  • Thuốc corticoid: Giúp giảm các triệu chứng viêm khớp, hiệu quả có thể kéo dài vài tháng
  • Axit hyaluronic: Chất lỏng đặc, tương tự chất bôi trơn khớp tự nhiên được tiêm vào đầu gối để cải thiện khả năng vận động và giảm đau
  • Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Có tác dụng giảm viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành. 
Tùy thuộc nguyên nhân đau khớp gối mà bác sĩ có thể đề nghị tiêm thuốc hoặc các chất khác trực tiếp vào khớp
Tùy thuộc nguyên nhân đau khớp gối mà bác sĩ có thể đề nghị tiêm thuốc hoặc các chất khác trực tiếp vào khớp

4.4 Phẫu thuật

Một số phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị nguyên nhân đau khớp gối:

  • Phẫu thuật nội soi: Loại bỏ các thể lỏng lẻo trong khớp, sửa chữa sụn bị hư hỏng và tái tạo dây chằng bị rách.
  • Thay khớp gối bán phần: Chỉ thay thế phần bị tổn thương nặng bằng bộ phận nhân tạo bằng kim loại và nhựa.
  • Thay khớp gối toàn phần: Cắt bỏ xương và sụn hư hỏng, thay bằng khớp nhân tạo bằng hợp kim, nhựa cao cấp và polyme.
  • Đục xương sửa trục: Loại bỏ phần xương bị thương tổn ở xương đùi hoặc xương chày để khớp khôi phục tốt hơn, giảm đau viêm khớp. Có thể tránh phải phẫu thuật thay khớp toàn phần.

5. Cách phòng tránh

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng đau khớp gối, nhưng các gợi ý sau đây có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương và thoái hóa khớp do các nguyên nhân đau khớp gối gây ra:

  • Ngừng tập luyện hoặc thực hiện bất kỳ động tác nào gây đau
  • Nếu muốn tăng cường độ tập luyện, hãy thực hiện dần dần
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên, đúng cách, khởi động trước khi tập
  • Thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp, sự dẻo dai của cơ tứ đầu, gân kheo, các cơ trước và sau đùi như aerobic, yoga, bơi lội, đạp xe...
  • Nếu bị viêm xương khớp, đau khớp gối mãn tính hoặc chấn thương tái phát, nên chuyển sang các môn không gây lực quá nhiều lên khớp gối như bơi lội... trong ít nhất một tuần
  • Duy trì cân nặng lành mạnh, giảm cân nếu cần thiết
  • Sử dụng miếng đệm đầu gối khi làm việc hay chơi môn thể thao cần quỳ nhiều
  • Mang giày phù hợp với từng môn thể thao 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe