Thừa cân đau khớp gối là ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt vận động hàng ngày của bệnh nhân. Những biện pháp nhằm kiểm soát cân nặng sẽ giúp người bệnh tránh được tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn trong tương lai. Hãy theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Thị Oanh - Bác sĩ Nội cơ xương khớp thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Thế nào là tình trạng thừa cân?
Để nhận định cơ thể của một người là gầy hay béo, đa phần sẽ dựa vào Body Mass Index - BMI, một chỉ số khối cơ thể và là phương pháp phổ biến nhất. BMI được tính bằng cách chia cân nặng (Kilogram) cho bình phương chiều cao (Meter). Theo Hệ thống BMI của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các phân loại thường được sử dụng như sau:
- Dưới 18.5: cân nặng thấp (gầy)
- Từ 18.5 đến 24.9: Trọng lượng bình thường
- Từ 25.0 đến 29.9: Thừa cân
- Từ 30.0 trở lên: Béo phì
Tuy nhiên, chỉ số BMI có thể không chính xác hoàn toàn cho mọi người, đặc biệt là đối với những người có cơ bắp nhiều (như vận động viên) hoặc những người cao tuổi. Do đó, việc đánh giá cân nặng và thể trạng nên được kết hợp với các yếu tố khác như phần trăm mỡ cơ thể, mức độ hoạt động thể chất và tình trạng sức khỏe tổng thể.
Đối với một số người, thừa cân có thể được xác định bằng việc đo vòng bụng, phân tích mỡ cơ thể hoặc theo dõi các chỉ số sức khỏe khác.
2. Đau khớp gối là gì?
Đau khớp gối là tình trạng khó chịu ở vùng khớp gối, có thể đi kèm với sưng đỏ và cứng khớp. Điều này làm giảm sự linh hoạt trong quá trình di chuyển, và là một biểu hiện thường gặp của những vấn đề sức khỏe liên quan đến khớp gối như viêm khớp, thoái hóa khớp hoặc chấn thương đầu gối.
Tình trạng này thường xảy ra ở những người lớn tuổi, và đặc biệt là những người thừa cân. Nếu gặp các triệu chứng trên gây ra sự không thoải mái hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được khám và chẩn đoán chính xác.
3. Ảnh hưởng của thừa cân đau khớp gối
3.1 Áp lực thêm vào đầu gối
Trên cơ thể con người, đầu gối là nơi gánh chịu đến 80% trọng lượng. Đầu gối gồm những khớp cơ lớn nhất, khỏe nhất và cũng phải hoạt động nhiều nhất trong quá trình đi lại, vận động hay thậm chí là ngồi làm việc. Theo nghiên cứu, đầu gối phải chịu lực đến 150% trở lên khi một người đi qua lại trong phòng.
Thừa cân tạo ra áp lực thêm lên các khớp và xương của cơ thể, đặc biệt là đầu gối. Khi đứng hoặc di chuyển, trọng lượng cơ thể được chuyển đến đầu gối, và nếu cơ thể mang nặng nề, đầu gối phải chịu áp lực lớn hơn, có thể gây ra tổn thương và mòn xơ của các khớp.
Với một người nặng 80kg có thể phải chịu lực từ 240 - 320kg khi bước đi, và tăng lên thông qua những hoạt động như lên xuống cầu thang, nhặt đồ vật. Do đó, thừa cân đau khớp gối sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Đầu gối chịu áp lực lớn nhất từ trọng lượng cơ thể con người, do đó tình trạng thừa cân có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và các bệnh lý liên quan. Cứ mỗi kg cơ thể giảm được thì lực tác động lên đầu gối sẽ giảm được 3-4 kg. Khi lực tác động lên khớp gối nhẹ hơn, các cơn đau và tình trạng viêm cũng giảm dần, cho phép đầu gối hoạt động hiệu quả hơn.
3.2 Tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối
Thừa cân có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa của khớp gối, một tình trạng trong đó sụn khớp bị mòn và tổn thương. Điều này có thể gây ra đau khớp gối, khó khăn khi di chuyển và giảm tính linh hoạt của khớp gối.
3.3 Tăng nguy cơ bị viêm khớp
Thừa cân cũng có thể làm tăng nguy cơ cho viêm khớp, bao gồm viêm khớp dạng thấp và gút. Cả hai tình trạng này đều có thể gây đau và sưng ở đầu gối.
3.4 Bệnh lý chân và cơ bắp
Thừa cân có thể gây ra các vấn đề khác như bệnh lý chân và cơ bắp, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến cách bạn đi lại và cách bạn sử dụng đầu gối trong tập luyện thể thao.
4. Kiểm soát cân nặng để giảm tình trạng thừa cân đau khớp gối
Vì cân nặng có tác động rất lớn đến khớp gối, do đó cần thực hiện một số biện pháp kiểm soát cân nặng đơn giản và phổ biến nhằm giảm tình trạng đau khớp gối.
4.1 Ăn uống lành mạnh
Thực hiện chế độ ăn uống cân đối và giàu dinh dưỡng, tập trung vào việc tiêu thụ nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, song song với nguồn protein chất lượng từ thịt gia cầm, cá hồi, đậu và hạt. Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhiều đường và chất béo bão hòa.
4.2 Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục có thể giúp tăng cường và cải thiện sự linh hoạt của cơ xung quanh khớp gối. Tuy nhiên, hãy chọn các hoạt động không gây áp lực lớn lên đầu gối như bơi lội, đạp xe, yoga và đi bộ.
4.3 Tránh chấn thương
Đảm bảo thực hiện các hoạt động thể chất một cách an toàn và sử dụng thiết bị bảo vệ khi tham gia vào các hoạt động thể thao hoặc công việc có nguy cơ chấn thương đầu gối.
4.4 Tập luyện giãn cơ và tăng cường cơ bắp
Giãn cơ và tăng cường cơ bắp quanh đầu gối có thể giúp cải thiện sự ổn định và hỗ trợ cho khớp gối.
4.5 Tham khảo ý kiến của chuyên gia
Nếu rơi vào trường hợp bị thừa cân và gặp vấn đề về đầu gối, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để có những biện pháp điều trị, chương trình tập thể dục phù hợp, qua đó giúp khắc phục tình trạng thừa cân đau khớp gối.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.