Người bệnh cần phải nắm vững một số cách khi bị đau khớp gối nên làm gì để giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng và không kiểm soát được, người bệnh nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK II Vũ Tú Nam - Trưởng khoa Phẫu thuật Nội soi khớp & Y học thể thao, Bệnh viện Vinmec Times City; Phó chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình, Đại học Vinuni thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Nguyên nhân gây đau khớp gối
Đau nhức vùng gối có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Các yếu tố điển hình cần được nhắc đến bao gồm:
1.1 Tổn thương khớp gối
Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL): Đây là một loại tổn thương thường gặp ở dây chằng chéo trước, một trong số bốn dây chằng kết nối xương ống quyển với xương đùi. Tổn thương khớp gối thường là kết quả của các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng rổ, hoặc các môn thể thao yêu cầu thay đổi hướng đột ngột.
- Gãy xương: Xương đầu gối bao gồm cả xương bánh chè có thể gãy khi ngã hoặc gặp tai nạn ô tô. Người mắc bệnh loãng xương cũng dễ gặp vấn đề này.
- Rách sụn chêm: Sụn chêm đóng vai trò quan trọng như một lớp đệm giữa xương đùi và xương ống chân, giúp giảm xóc. Sụn có thể bị rạn khi đầu gối bị xoay đột ngột.
- Viêm bao hoạt dịch khớp gối: Viêm nhiễm trong bao hoạt dịch khớp gối có thể làm cho các gân và dây chằng ngay gối hoạt động không bình thường, gây ra đau nhức.
1.2 Các vấn đề cơ học
Người bệnh có thể xuất hiện đau nhức ở vùng gối do các vấn đề cơ học. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Mảnh sạn sụn khớp: Chấn thương hoặc thoái hóa thỉnh thoảng có thể làm cho xương và sụn bị gãy, lạc vào khớp. Đây là một nguyên nhân phổ biến gây đau nhức ở vùng gối.
- Hội chứng dải chậu chày: Dải chậu chày (một dải mô cứng kéo dài từ bên ngoài hông đến bên ngoài đầu gối) bị căng, gây cọ xát với xương đùi thường xảy ra ở những người thường xuyên chạy bộ và đạp xe.
- Trật khớp bánh chè đùi: Đây là tình trạng khi xương bánh chè bị lệch ra khỏi vị trí, gây ra đau nhức.
- Đau hông hoặc chân: Tình trạng này khiến cơ thể phải điều chỉnh cách đi để giảm đau cho khớp, nhưng đồng thời cũng tạo ra căng thẳng cho khớp gối.
1.3 Bệnh về khớp
Người mắc các bệnh liên quan đến viêm khớp thường phải đối diện với cảm giác đau ở khu vực đầu gối. Các dạng viêm phổ biến bao gồm:
- Viêm khớp thoái hóa
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh Gout
- Bệnh giả Gout
- Viêm khớp nhiễm trùng
Ngoài ra, nguyên nhân gây đau đầu gối còn có thể bao gồm:
- Thừa cân hoặc béo phì, tạo áp lực lớn lên khớp gối
- Thiếu linh hoạt khi vận động
- Sức mạnh cơ bắp suy giảm
- Các hoạt động thể thao như bóng rổ, trượt tuyết,... có thể tạo ra áp lực lớn lên khớp gối trong quá trình tập luyện
- Nguy cơ tái phát các chấn thương cũ
2. Khi bị đau khớp gối nên làm gì?
Các phương pháp tự trị đau khớp gối từ nhẹ đến trung bình có thể mang lại kết quả tích cực. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích mà người bệnh có thể tham khảo:
2.1 Phương pháp R.I.C.E
Khi gặp phải vấn đề như ngã, trẹo chân, căng hoặc bong gân đầu gối, phương pháp RICE sẽ là biện pháp lý tưởng để trả lời câu hỏi khi bị đau khớp gối nên làm gì, bao gồm:
- R (Rest – Nghỉ ngơi): Người bệnh cần tạo điều kiện cho cơ thể được nghỉ ngơi, thoải mái để thúc đẩy quá trình phục hồi vết thương.
- I (Ice – Lạnh): Sử dụng đá lạnh để chườm vùng đầu gối bị tổn thương. Trong trường hợp không có đá lạnh, người bệnh có thể thay thế bằng các loại rau đông lạnh.
- C (Compression – Ép): Sử dụng băng gạc quấn quanh vùng đầu gối để hạn chế sưng. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý không quấn quá chặt để không làm ảnh hưởng đến sự lưu thông máu.
- E (Elevation – Nâng lên): Nâng chân lên cao trong quá trình nghỉ ngơi cũng là một phương pháp hiệu quả để giảm đau và phục hồi khớp gối.
2.2 Tư thế sinh hoạt
Tư thế trong sinh hoạt có ảnh hưởng trực tiếp đến việc khi bị đau khớp gối nên làm gì. Có một số lời khuyên hữu ích cho những người đang mắc bệnh, bao gồm:
- Tránh ngồi trên ghế thấp.
- Không cúi hoặc nghiêng người khi ngồi.
- Hạn chế việc ngồi lâu và giữ nguyên tư thế trong thời gian dài vì có thể làm các khớp trở nên cứng và gây đau đớn.
2.3 Thuốc
Người bệnh có thể tiêm thuốc trực tiếp tại bệnh viện hoặc sử dụng tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị đau khớp gối. Một số loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid uống hoặc bôi tại chỗ (NSAID).
- Áp dụng capsaicin tại vùng đau.
- Tiêm thuốc steroid trực tiếp vào khớp bị tổn thương.
- Sử dụng tramadol.
- Sử dụng acetaminophen và duloxetine.
2.4 Massage
Nếu người bệnh thắc mắc khi bị đau khớp gối nên làm gì thì dưới đây là phương pháp điều trị đau khớp gối tại nhà đã được chứng minh mang lại kết quả tích cực cho người bệnh. Quá trình thực hiện massage gồm các bước sau:
Phương pháp 1:
- Bước 1: Ngồi sao cho đầu gối hướng về phía trước và bàn chân đặt lên sàn.
- Bước 2: Nắm tay thành dạng nắm đấm lỏng và vỗ nhẹ vào đùi ở trên, ở dưới và ở giữa, thực hiện khoảng 10 lần và lặp lại 3 lần.
Phương pháp 2:
- Bước 1: Ngồi với tư thế đầu gối hướng về phía trước, và bàn chân đặt lên sàn.
- Bước 2: Đặt bàn tay lên đùi và lướt nhẹ đều từ trên xuống đến đầu gối, sau đó thả ra. Thực hiện tương tự với mặt ngoài và mặt trong của đùi, lặp lại mỗi vị trí 5 lần.
Phương pháp 3:
- Bước 1: Ngồi sao cho đầu gối hướng về phía trước và bàn chân đặt lên sàn.
- Bước 2: Sử dụng bốn ngón tay để nhấn vào mô đầu gối và di chuyển lên xuống 5 lần, sau đó lặp lại quá trình này xung quanh vùng gối.
Phương pháp 4:
- Bước 1: Ngồi với tư thế đầu gối hướng về phía trước, và bàn chân đặt lên sàn.
- Bước 2: Đặt lòng bàn tay lên đùi và lướt nhẹ từ trên xuống, đi qua đầu gối và di chuyển ngược lên đùi phía bên ngoài.
2.5 Liệu pháp nóng – lạnh
Phương pháp này cũng là một đáp án cho câu hỏi “khi bị đau khớp gối nên làm gì”. Hơi nóng từ liệu pháp này giúp giãn cơ và tăng cường bôi trơn để giảm độ cứng của các khớp. Để thực hiện phương pháp chườm nóng, người bệnh có thể sử dụng một chai nước nóng hoặc một miếng đệm ấm để chườm lên vùng bị đau.
Ngoài ra, việc sử dụng nước đá cũng rất phổ biến vì phương pháp này mang lại hiệu quả giảm sưng tấy, viêm và đau nhức. Người bệnh có thể bọc đá lạnh trong một miếng vải và áp nhẹ nhàng lên vùng tổn thương để làm giảm cảm giác đau và viêm.
2.6 Bài tập thể dục
Thực hiện tập thể dục hàng ngày không chỉ giữ cho cơ bắp luôn khỏe mạnh mà còn duy trì khả năng vận động linh hoạt. Đây cũng là một phương pháp điều trị hiệu quả cho người mắc các bệnh viêm khớp cũng như chứng đau nhức đầu gối thường gặp.
Chuyên gia khuyến cáo rằng để tránh cơn đau và duy trì sự linh hoạt của khớp, việc tập thể dục hàng ngày là quan trọng. Đặc biệt, việc để chân nghỉ ngơi và hạn chế cử động có thể dẫn đến tình trạng cứng khớp và kéo dài thời gian phục hồi.
Do đó, người bệnh nên tìm một hoạt động tập luyện nhẹ nhàng mỗi ngày, như đi xe đạp, đi dạo, bơi lội, thái cực quyền hoặc yoga, để duy trì sức khỏe của khớp và cơ bắp.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần nghỉ tập thể dục để tránh các vấn đề sức khỏe không mong muốn, như khi cơ thể bị chấn thương, đau đầu gối nghiêm trọng hoặc triệu chứng bệnh tiến triển nặng và phức tạp hơn.
2.7 Kiểm soát cân nặng
Người thừa cân hoặc béo phì thường đối mặt với nguy cơ đau đầu gối cao hơn do trọng lượng cơ thể càng lớn, áp lực lên các khớp càng nhiều. Vì vậy, việc kiểm soát cân nặng hợp lý là vô cùng quan trọng để giảm nguy cơ này. Có một số giải pháp hữu ích mà người bệnh có thể áp dụng:
Ăn uống đầy đủ: Bao gồm việc tiêu thụ đủ lượng dưỡng chất cần thiết để duy trì sức khỏe tổng thể.
Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng: Bao gồm nhiều trái cây, rau củ quả, ít thịt, mỡ động vật cùng các chất béo khác. Điều này giúp giảm lượng calo tiêu thụ mà vẫn cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả.
2.8 Dinh dưỡng
Các nguồn tin đã chỉ ra rằng giấm táo (ACV) có tính chống viêm, có thể hỗ trợ giảm đau ở đầu gối và các khớp. Do đó, người bệnh nên tích hợp các chất dinh dưỡng có lợi sau vào chế độ ăn hàng ngày, bao gồm:
- Collagen.
- Gelatin.
- Pectin.
- Thực phẩm sống.
Ngoài ra, người bệnh cần tránh tiêu thụ sữa và các thực phẩm chứa axit, cũng như một số loại rau củ như cà chua, khoai tây, cà tím,... Xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân đối có thể giúp cải thiện triệu chứng đau một cách hiệu quả.
2.9 Chế phẩm hương liệu (tinh dầu)
Một số nghiên cứu công bố vào năm 2008 đã chỉ ra rằng việc xoa bóp với tinh dầu chứa gừng và cam có thể cải thiện tình trạng đau nhức ở các khớp gối do viêm xương khớp từ trung bình đến nặng. Ngoài ra, việc sử dụng mỡ chứa thành phần như quế, gừng, dầu hạt mè cũng được biết đến có tác dụng tương tự như Salicylate đối với người bệnh.
2.10 Chiết xuất gừng
Gừng chứa các hợp chất chống viêm có chức năng tương tự như chất ức chế COX-2. Do đó, các sản phẩm được chiết xuất từ gừng như gel, tinh dầu thường được sử dụng rộng rãi trong điều trị giảm đau và kháng viêm ở khớp gối
3. Phương pháp phòng ngừa đau khớp gối
Đau khớp gối có tác động trực tiếp đến sức khỏe và tạo ra khó khăn trong sinh hoạt và lao động hàng ngày. Vì vậy, việc tìm hiểu khi bị đau khớp gối nên làm gì và phòng tránh từ sớm là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp mà người bệnh có thể tham khảo như sau:
Giữ cân nặng ở mức hợp lý: Việc duy trì trọng lượng cơ thể trong khoảng lý tưởng sẽ giảm bớt áp lực lên khớp gối, giảm nguy cơ chấn thương và viêm khớp hiệu quả.
Thực hiện hoạt động thể chất: Tập thể dục đều đặn hàng ngày sẽ tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện sự linh hoạt khi vận động. Tuy nhiên, người bệnh cần phải chú ý đến kỹ thuật thực hiện để hạn chế tối đa nguy cơ bị thương.
- Chọn giày phù hợp: Chọn giày với kích thước vừa vặn cho chân và có độ cao phù hợp sẽ giảm áp lực lên khớp gối.
- Duy trì tư thế đúng khi đi, đứng, ngồi và ngủ để giảm bớt căng thẳng và áp lực lên khớp gối.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.