Miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhân tạo hoạt động theo những cơ chế khác nhau nhưng cùng hướng tới một mục tiêu chung là bảo vệ cơ thể. Miễn dịch tự nhiên dựa trên các tế bào miễn dịch sẵn có trong cơ thể, trong khi đó, miễn dịch nhân tạo được kích hoạt khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên từ vắc xin, dẫn đến sự sản sinh các kháng thể đặc hiệu chống lại kháng nguyên đó.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Vũ Thị Mai, chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Hiểu về hệ miễn dịch
Cơ thể con người sở hữu một hệ thống phòng vệ tự nhiên vô cùng phức tạp, có nhiệm vụ ngăn chặn sự tấn công của các tác nhân gây bệnh, gọi là hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch này bao gồm khả năng tự vệ vốn có mà cơ thể phát triển và các phương pháp hỗ trợ từ y học, hay còn gọi là miễn dịch nhân tạo. Nhiều bước tiến trong y học, đặc biệt là tiêm chủng, đều xuất phát từ việc hiểu rõ cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch tự nhiên.
Ngoài ra, còn có miễn dịch thích ứng là một phần đặc biệt trong hệ thống miễn dịch với khả năng nhận diện và tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn và các mầm bệnh khác với độ chính xác cao. Vì sử dụng nhiều loại tế bào khác nhau, miễn dịch thích ứng thường mất nhiều thời gian và được chia thành hai loại chính là miễn dịch qua trung gian tế bào và miễn dịch qua trung gian kháng thể.
2. Miễn dịch tự nhiên
Miễn dịch tự nhiên có hai loại chính: chủ động và thụ động. Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa hai loại miễn dịch này:
2.1 Miễn dịch chủ động tự nhiên
Hệ thống miễn dịch của cơ thể là một mạng lưới phức tạp với nhiệm vụ nhận diện, xác định và tiêu diệt mầm bệnh cùng độc tố. Hệ miễn dịch chủ động bao gồm các tế bào có khả năng tìm kiếm vi khuẩn và virus, các tế bào T và B giúp loại bỏ những tế bào bị nhiễm virus hoặc ung thư và cuối cùng là các tế bào ghi nhớ các tác nhân xâm nhập.
2.2 Miễn dịch thụ động tự nhiên
Miễn dịch thụ động tự nhiên hay xảy ra ở thai nhi, khi mà các kháng thể có nguồn gốc từ cơ thể người khác. Trong suốt thai kỳ, mẹ truyền kháng thể cho thai nhi qua nhau thai, giúp bảo vệ thai nhi khỏi các nguy cơ tiềm ẩn và tiếp tục duy trì sự bảo vệ cho đến khi thai nhi có khả năng tự sản sinh kháng thể. Quá trình tương tự cũng diễn ra khi mẹ cho con bú.
3. Miễn dịch nhân tạo
Một điểm chung giữa miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhân tạo là đều có hai hình thức chính: chủ động và thụ động. Đối với miễn dịch nhân tạo chủ động, người ta tiêm vắc-xin chứa các vi khuẩn hoặc virus đã bị tiêu diệt hoặc làm yếu đi vào cơ thể, trong khi miễn dịch thụ động nhân tạo là việc tiêm các kháng thể sản xuất sẵn từ bên ngoài vào cơ thể.
3.1 Miễn dịch chủ động nhân tạo
Đây là tình trạng xảy ra khi mầm bệnh từ ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể, kích thích hệ miễn dịch phát triển khả năng chống lại các tác nhân này trong tương lai. Đây chính là cơ sở của việc tiêm chủng, khi các vi sinh vật đã bị tiêu diệt hoặc làm yếu đi sẽ được tiêm vào cơ thể con người.
Loại mầm bệnh này không thể gây nhiễm bệnh cho cơ thể, mà thay vào đó sẽ giúp hệ miễn dịch nhận diện mầm bệnh, từ đó nâng cao khả năng phòng vệ và chuẩn bị tiêu diệt khi gặp phải chúng trong tương lai.
3.2 Miễn dịch thụ động nhân tạo
Đây là trường hợp bác sĩ tiêm vào cơ thể những kháng thể cần thiết để tiêu diệt các virus và vi khuẩn. Do tính cấp bách, bệnh nhân cần phải được bổ sung kháng thể ngay nhưng loại miễn dịch này không kéo dài lâu. Tuy nhiên, phương pháp này có hiệu quả rất cao trong việc tiêu diệt các vi khuẩn và virus khi chưa phát triển quá mạnh.
4. Tầm quan trọng của việc kết hợp cả miễn dịch tự nhiên lẫn nhân tạo đối với sức khỏe
Dù miễn dịch nhân tạo và miễn dịch tự nhiên có sự khác biệt về cách thức hoạt động và đặc điểm nhưng cả hai loại miễn dịch này đều hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại và tiêu diệt vi khuẩn và virus xâm nhập. Hệ miễn dịch tự nhiên rất quan trọng nhưng nếu không có sự can thiệp của y học qua kháng thể hay vắc xin, cơ thể chỉ có thể sản xuất kháng thể khi bị nhiễm bệnh tự nhiên.
Không có gì đảm bảo rằng cơ thể sẽ đủ sức chống lại tất cả các bệnh. Chính vì thế, việc kết hợp miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhân tạo có thể nâng cao khả năng bảo vệ cơ thể gấp đôi. Nhờ đó, hệ miễn dịch sẽ hoạt động hiệu quả hơn, phát hiện mối nguy hiểm nhanh chóng và giảm thiểu được các biến chứng đáng kể.
Tiêm phòng và các phương pháp miễn dịch nhân tạo khác không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Nhờ những tiến bộ trong y học, chúng ta có thể ngăn ngừa và kiểm soát được nhiều căn bệnh nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe cho cả bản thân và cộng đồng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.