Sùi bọt mép là hiện tượng nước bọt trong miệng dư thừa và tạo thành bọt. Đây là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng và cần được khám và điều trị đúng cách.
1. Sùi bọt mép và bệnh động kinh
Cơ thể chúng ta chỉ tiết ra một lượng nước bọt vừa phải. Tuy nhiên, nếu lượng cước bọt được cơ thể sản xuất ra một lượng lớn và không kiểm soát thì cần phải xem xét nguyên nhân và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp nếu không sẽ gây hôn mê hoặc tử vong. Hiện tượng sùi bọt mép xảy ra thường có liên đới tới hệ thần kinh trung ương. Một số bệnh lý thường gây ra hiện tượng sùi bọt mép bao gồm co giật co cứng và co giật cơ, dùng ma túy quá liều, bệnh dại và bệnh động kinh. Mỗi loại co giật đều có một phương pháp điều trị riêng.
Động kinh là tình trạng bệnh lý xảy ra do hệ thống thần kinh trung ương bị rối loạn dưới sự kích thích của một nhóm các tế bào thần kinh vỏ não làm cho não phóng điện đột ngột và mất kiểm soát. Ước lượng có khoảng 1% dân số bị mắc bệnh động kinh.
Bệnh động kinh có triệu chứng chủ yếu là tình trạng sùi bọt mép hoặc cơ thể không kiểm soát được lượng nước bọt tiết ra nên khi kết hợp với không khí biến nước bọt có dạng bọt khí. Bên cạnh triệu chứng sùi bọt mép thì bệnh nhân còn có các dấu hiệu như cơ thể bị co giật liên hồi từ 3-5 phút, mắt trợn và cơ thể có thể bị tím tái. Khi lên cơn động kinh, người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt để tránh cắn vào lưỡi hoặc có thể có những hành vi gây ra tử vong.
Mặc dù sùi bọt mép là một trong những dấu hiệu của bệnh động kinh. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp sùi bọt mép xảy ra đều mắc bệnh động kinh.
Bệnh động kinh được chia thành 3 dạng là động kinh cục bộ, động kinh toàn thể và nhóm động kinh khác. Trong đó, nhóm động kinh toàn thể là đáng ngại nhất và cần được can thiệp y tế kịp thời
2. Làm gì với người động kinh sùi bọt mép?
Nếu xác định nguyên nhân của sùi bọt mép là do bệnh động kinh gây ra, chúng ta cần xử trí theo các cách thức sau:
- Đặt người bệnh nằm tại không gian rộng, bằng phẳng và thoải mái nhất có thể. Nới lỏng trang phục của bệnh nhân
- Nên cho người bệnh nằm gối đầu trên gối cao, mềm và đầu nghiêng sang một phía để người bệnh có thể thở một cách dễ dàng và tránh tình trạng tắc đường thở.
- Để tránh bệnh nhân cắn vào lưỡi, chúng ta nên nhét khăn mềm vào miệng của bệnh nhân. Tránh nhét các vật dễ vỡ gãy hoặc tránh nạy răng của bệnh nhân để nhét vật vào, vì có thể gây trật khớp hàm của bệnh nhân
- Lưu ý không cho bệnh nhân uống nước hay bất cứ chất lỏng trong tình trạng đang bị co giật để tránh tình trạng sặc.
- Cần quan sát và theo dõi bệnh nhân đến khi họ thật sự tỉnh táo và cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khoẻ và có hướng điều trị kịp thời
- Không tụ tập đông xung quanh bệnh nhân vì sẽ làm cho bệnh nhân thiếu không khí. Bệnh nhân cần được ở trong môi trường thoáng khí để tăng cường tốc độ tuần hoàn máu và oxy lên não.
- Không kéo hay lôi bệnh nhân khi họ đang lên cơn, vì có thể làm cho cơn động kinh trở nên trầm trọng hơn. Nếu bệnh nhân không ở trong tình trạng nguy hiểm cần phải di chuyển thì nên hạn chế di chuyển bệnh nhân.
- Không kìm kẹp cơ thể và tay chân của bệnh nhân để kìm hãm cơn co giật
- Không hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân
- Không vắt nước chanh vào miệng của bệnh nhân để ngăn cơn co giật
Động kinh sùi bọt mép nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe nghiêm trọng như suy tạng, hôn mê và tử vong. Người nhà cần chú ý quan sát và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.