Điều trị bệnh động kinh ở trẻ em

Bệnh động kinh ở trẻ nhỏ xuất phát từ rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột quá mức và nhất thời của các tế bào thần kinh ở não. Để chữa bệnh động kinh ở trẻ nhỏ, cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều phương pháp và đòi hỏi ở bệnh nhi và gia đình sự kiên trì tối đa.

1. Bệnh động kinh ở trẻ em

Động kinh là tình trạng tổn thương não đặc trưng bằng sự lặp đi lặp lại những phóng lực kịch phát thành nhịp của tế bào não biểu hiện ra ngoài bằng:

  • Các cơn kịch phát về vận động (co giật cơ, co giật các chi), cảm giác, giác quan và tâm thần có tính chất lặp đi lặp lại nhiều lần.
  • Có hoặc không kèm theo tình trạng mất ý thức trong một khoảng thời gian ngắn hoặc thay đổi về trạng thái tri giác.

Hiện nay cứ 1000 người sẽ có 5 - 8 người động kinh, tỷ lệ mắc bệnh ở Việt Nam 0.5%-1%, trong đó bệnh động kinh ở trẻ nhỏ chiếm đến 60%.

2. Những khó khăn mà trẻ bị động kinh có thể gặp

Trẻ động kinh nặng không kiểm soát được bằng thuốc thường bị chậm phát triển trí tuệ nên gặp phải nhiều vấn đề như sau:

Vấn đề tự chăm sóc cá nhân

  • Trẻ có thể mắc chứng rối loạn giấc ngủ.
  • Gặp khó khăn khi học kỹ năng tự chăm sóc và sinh hoạt hàng ngày.
  • Có những nguy cơ, nguy hiểm nếu cơn động kinh xảy ra trong khi đi lại và sử dụng phương tiện giao thông công cộng như ngã, tai nạn.

Vấn đề học hành

  • Trong khi một số trẻ động kinh phát triển trí tuệ bình thường thì một số trẻ khác có thể gặp khó khăn về học đọc, học viết và tính toán.

Vấn đề vận động cảm giác

  • Trẻ có thể khó khăn để đạt được các mốc phát triển vận động.
  • Trẻ có thể có mất khả năng điều phối vận động.
  • Trẻ có thể mắc các dị tật về nhìn như lác mắt, sụp mí, rung giật nhãn cầu.

Khả năng nhận thức

  • Nhận thức kém hoặc không chú ý, thiếu tập trung.
  • Trí nhớ kém, khả năng nghe kém.
  • Thiếu kỹ năng xử lý các vấn đề.
  • Khó khăn khi định hướng.

Tâm lý - xã hội

  • Trẻ có thể tự kích động mình: như đập đầu, lăn đùng ra đất.
  • Trẻ có thể khó kiểm soát hành động của mình.
  • Trẻ có thể gặp vấn đề khó khăn trong giao tiếp xã hội thông thường.

Trẻ bị động kinh khó có thể kiểm soát hành động của mình
Trẻ bị động kinh khó có thể kiểm soát hành động của mình

3. Cách phòng tránh tai nạn cho trẻ bị động kinh

Để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ đang mắc bệnh động kinh, gia đình và các chuyên viên chăm sóc cần chú ý một vài điểm như sau:

Ở nhà

  • Không sử dụng những vật dụng có cạnh nhọn, lưu ý để vật dụng chứa nước sôi ở nơi cao ráo để trẻ không ngã trúng khi bất ngờ lên cơn co giật.
  • Kể cả khi trẻ đã có thể tự tắm cũng không nên cho trẻ tắm một mình nếu không có ai ở nhà.
  • Nên dặn dò trẻ không được chốt khóa cửa khi tắm.
  • Không sử dụng giường tầng cho trẻ bị động kinh, chỉ nên để trẻ ngủ giường thấp hoặc ngủ dưới sàn vì cơn động kinh có thể xảy ra khi trẻ đang ngủ.
  • Trẻ ở độ tuổi đến trường, cần thông báo trước cho thầy cô về tình trạng của bệnh của trẻ.

Ở trường

  • Thầy cô phải được biết trẻ có tiền sử động kinh để tránh những kích động không cần thiết và giúp các bạn trong lớp hiểu về bệnh để tránh kỳ thị, bắt nạt.
  • Cho y tế trường biết các loại thuốc mà trẻ đang dùng hoặc để sẵn sàng trong cặp của trẻ, phòng những trường hợp bất trắc.

Ở nơi công cộng

  • Không để trẻ đi chơi một mình hay leo trèo vị trí quá cao.
  • Không cho trẻ tự chạy xe đạp.

4. Các biện pháp chẩn đoán bệnh động kinh ở trẻ

Để xác định chính xác bệnh động kinh ở trẻ em, có một số xét nghiệm quan trọng cần được thực hiện, bao gồm:

Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh động kinh ở trẻ nhỏ:

  • Dựa trên các cơn có tính định hướng, cơn ngắn, lặp lại nhiều lần.
  • Rối loạn ý thức trong cơn (ngoại trừ các cơn cục bộ đơn giản)
  • Rối loạn các chức năng thần kinh về vận động, cảm giác.
  • Sau cơn phục hồi nhanh
  • Điện não đồ có sóng kịch phát của động kinh

5. Phòng ngừa bệnh động kinh ở trẻ


Việc khám thai thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm các bệnh lý của bà mẹ và tình trạng bất thường của thai gây tổn thương não của trẻ
Việc khám thai thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm các bệnh lý của bà mẹ và tình trạng bất thường của thai gây tổn thương não của trẻ

Việc khám thai thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm các bệnh lý của bà mẹ và tình trạng bất thường của thai gây tổn thương não của trẻ.

Việc nâng cao chất lượng cấp cứu trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế xã, huyện, tỉnh là biện pháp tích cực nhất nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ bị tổn thương não.

6. Các biện pháp điều trị bệnh động kinh ở trẻ em

Điều trị bệnh động kinh ở trẻ em có thể bao gồm việc điều trị thuốc lâu dài, kiên nhẫn thực hiện các phương pháp phục hồi chức năng để hạn chế việc xảy ra các cơn động kinh liên tiếp.

6.1. Phục hồi chức năng /điều trị

Nguyên tắc

  • Can thiệp sớm ngay sau khi phát hiện bệnh động kinh ở trẻ em bằng việc sử dụng thuốc kháng động kinh phối hợp với phục hồi chức năng, giáo dục mẫu giáo, tiểu học.
  • Khám đánh giá về sự phát triển vận động, giao tiếp ngôn ngữ, cá nhân xã hội, trí tuệ định kỳ 6 tháng/lần tại các khoa phục hồi chức năng hoặc các trung tâm phục hồi chức năng tại địa phương.

Mục tiêu can thiệp

  • Kích thích sự phát triển của trẻ về khả năng vận động của hai bàn tay.
  • Kích thích sự phát triển kỹ năng sinh hoạt hàng ngày.
  • Kích thích kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ.
  • Kích thích sự phát triển trí tuệ của trẻ.

6.2. Các biện pháp can thiệp sớm

  • Về mặt y tế: Xử trí cơn co giật của trẻ, thuốc kháng động kinh.
  • Về mặt vận động: Xoa bóp và các kỹ thuật tạo thuận lẫy, ngồi, bò, đứng đi
  • Hoạt động trị liệu: Huấn luyện kỹ năng vận động bàn tay và huấn luyện kỹ năng sinh hoạt hàng ngày.
  • Ngôn ngữ trị liệu: Kích thích kỹ năng giao tiếp sớm và huấn luyện kỹ năng hiểu và diễn đạt ngôn ngữ ở trẻ.

6.3. Xử trí cơn động kinh ở trẻ

  • Bước 1: Đưa trẻ vào một nơi an toàn.
  • Bước 2: Đặt trẻ nằm nghiêng đầu tránh nuốt phải đờm rãi trong cơn co giật.
  • Bước 3: Nới rộng quần áo của trẻ. Không giữ chân tay khi trẻ đang bị co giật.
  • Bước 4: Đặt một cái thìa hay khăn cuộn tròn ngang miệng trẻ để trẻ không cắn vào lưỡi của mình.
  • Bước 5: Loại bỏ các đồ vật xung quanh khiến trẻ có thể bị thương.
  • Bước 6: Tránh đông người xung quanh trẻ.
  • Bước 7: Sau cơn co giật trẻ thường ngủ, hãy để trẻ ngủ yên. Chỉ cho trẻ uống thuốc nếu trẻ bị đau đầu hoặc có thể có cơn tiếp theo. Thuốc kháng động kinh phải theo sự chỉ định của bác sĩ.

6.4. Sử dụng thuốc kháng động kinh


Thuốc kháng động kinh phải do bác sĩ chỉ định ngay sau khi phát hiện bệnh động kinh ở trẻ nhỏ
Thuốc kháng động kinh phải do bác sĩ chỉ định ngay sau khi phát hiện bệnh động kinh ở trẻ nhỏ
  • Thuốc kháng động kinh phải do bác sĩ chỉ định ngay sau khi phát hiện bệnh động kinh ở trẻ nhỏ.
  • Liều lượng thuốc kháng động kinh phải tuân thủ nghiêm túc theo bác sĩ chỉ định.
  • Gia đình không được tự động dừng thuốc kháng động kinh cho trẻ.
  • Khám đánh giá bệnh động kinh phải được tiến hành thường quy theo lịch hẹn của bác sĩ tại trạm tâm thần, bệnh viện tâm thần hoặc khoa tâm thần/ thần kinh của các bệnh viện nhi tại địa phương.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe