Lưu ý khi dùng thuốc chống động kinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi ThS.BS Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thuốc chống động kinh (còn được gọi là thuốc chống co giật) được dùng rất phổ biến với nhiều chủng lại phong phú, đa dạng. Điều quan trọng nhất là lựa chọn thuốc điều trị bệnh động kinh sao cho phù hợp với tình trạng bệnh, khả năng kinh tế của bệnh nhân, giúp cải thiện chất lượng sống của người bệnh và giảm thiểu các tác dụng phụ có hại của thuốc.

1. Tổng quan về bệnh động kinh

Bệnh động kinh là chứng rối loạn chức năng thần kinh trung ương theo từng cơn do có sự phóng điện đột ngột, quá mức của các tế bào thần kinh. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, người mắc bệnh động kinh có thể bình phục gần như hoàn toàn, hòa nhập tốt với xã hội và có cuộc sống ổn định. Mục tiêu của điều trị bệnh động kinh bằng thuốc là kiểm soát tối đa các cơn đồng hành với việc giảm thiểu tác dụng phụ có hại của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Các thuốc chống động kinh không giúp điều trị khỏi hẳn bệnh động kinh, nhưng nếu dùng thuốc trong thời gian dài thì khi ngừng thuốc có một số trường hợp cơn động kinh không tái phát. Để kiểm soát tốt thường là phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí là suốt đời. Còn nếu để tình trạng cơn co giật kéo dài mà không được điều trị thì bệnh nhân có thể gặp phải các nguy cơ như: chậm phát triển thể chất, sa sút tâm thần, bệnh nhân bị cô lập với cuộc sống xã hội, chấn thương do co giật và có thể tử vong.

2. Phân loại thuốc chống động kinh


Lựa chọn thuốc chống động kinh phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân
Lựa chọn thuốc chống động kinh phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân

Tùy vào thời điểm ra đời có thể chia thuốc chống động kinh ra 2 nhóm:

  • Thuốc thế hệ cũ: ra đời cách nay đã lâu đời (từ năm những năm 1900) như phenobarbital, carbamazepin, acid valproic, phenytoin hay valproat...
  • Thuốc thế hệ mới: ra đời trong thời gian gần đây (từ năm 2000 trở lại), gồm có: gabapentin, lamotrigin, topiramat, oxcarbazepin, levetiracetam, pregabalin...

Thuốc chống động kinh mới hơn có xu hướng ít tác dụng phụ hơn nhưng hiệu quả điều trị chưa chắc đã hơn các thuốc thế hệ cũ. Bởi vì, sự lựa chọn thuốc chống động kinh còn phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân, có người lại thích hợp với thuốc thế hệ cũ hơn. Cả 2 loại thuốc mới và cũ thường hiệu quả như nhau trong quá trình mới điều trị động kinh.

Bên cạnh tác dụng chữa bệnh thì thuốc chống động kinh có thể gây tác dụng phụ cho người sử dụng. Tuy nhiên với thông tin nói rằng, thuốc chống động kinh có ảnh hưởng độc hại và trầm trọng, thậm chí gây tử vong là hoàn toàn chưa đúng. Ngoại trừ có trường hợp dùng gardenal (tên biệt dược trước đây của phenobarbital) với liều dùng cực cao để tự tử, thì cho tới nay chưa có báo cáo chính thức nào cho thấy dùng thuốc chống động kinh ở liều điều trị lại làm cho bệnh nhân tử vong. Gardenal cũng là thuốc gây tác dụng phụ có hại vào loại bậc nhất của nhóm thuốc chống động kinh (như gây dị ứng nặng là hội chứng Lyell có thể đưa đến tử vong) và nay gần như không còn được dùng trị động kinh nữa. Còn các thuốc chống động kinh khác đang được sử dụng hiện nay đều rất an toàn, người bệnh có thể an tâm sử dụng để điều trị.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc chống động kinh


Thuốc điều trị bệnh động kinh phải được dùng hàng ngày, đúng và đủ liều quy định trong thời gian mà bác sĩ chỉ định
Thuốc điều trị bệnh động kinh phải được dùng hàng ngày, đúng và đủ liều quy định trong thời gian mà bác sĩ chỉ định

Bệnh nhân trước khi sử dụng thuốc chống co giật cần xem xét, cân nhắc kĩ lưỡng khi quyết định dùng thuốc vì:

  • Hiệu lực của mọi loại thuốc đều có giới hạn
  • Điều trị chống động kinh mới là điều trị triệu chứng, chưa thể nào ảnh hưởng quyết định tới tiến triển của căn bệnh
  • Dùng thuốc phải đảm bảo đều đặn, thường xuyên, hàng ngày và lâu dài.
  • Thuốc nào cũng có một số tác dụng phụ thứ phát, dùng không cẩn thận có thể xảy ra tai biến và biến chứng.

Bác sĩ điều trị sau khi đặt chẩn đoán sẽ chọn lựa loại thuốc chống động kinh phù hợp cho tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Liều lượng thuốc chỉ định phải căn cứ vào thể bệnh, loại cơn lâm sàng, thể trạng bệnh nhân. Ngoài ra còn một số lưu ý khác trong quá trình chỉ định và sử dụng thuốc chống động kinh như:

  • Khởi động việc điều trị chỉ bằng một loại thuốc nhất định. Không được kết hợp 2 thứ thuốc cùng loại với nhau. Ví dụ: phenobarbital với primidon, seduxen với mogadon...bởi vì sử dụng phối hợp 2 thuốc ngay từ đầu nếu không có hiệu quả thì khó lòng có thể đánh giá được thuốc nào là thuốc không tác dụng. Khởi đầu bằng liều thấp nhất mà thuốc có tác dụng, tức liều có tác dụng ngăn chặn cơn động kinh xảy ra. Lưu ý không nên dùng liều cao ngay từ đầu vì sẽ gây ra tác dụng phụ có hại.
  • Thuốc điều trị bệnh động kinh phải được dùng hàng ngày, đúng và đủ liều quy định trong thời gian mà bác sĩ chỉ định. Bệnh nhân không được tự ý tăng, giảm hoặc ngừng việc uống thuốc. Chỉ cần bỏ một lần không uống vì bất kỳ lý do gì đều có thể làm giảm nồng độ dưới ngưỡng tác dụng điều trị của thuốc, khiến bệnh động kinh có nguy cơ bị tái phát với mức độ nặng hơn, cơn mau hơn.
  • Bệnh nhân và gia đình cần theo dõi diễn biến lâm sàng của bệnh và các biểu hiện thứ phát của thuốc để kịp thời thông báo cho bác sĩ điều trị biết nhằm điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp với bệnh trạng của người bệnh.
  • Ngoài ra, trong quá trình điều trị cần kiểm tra thường xuyên các chỉ số về công thức máu, các chức năng gan, thận của bệnh nhân. Tùy theo từng trường hợp, ngoài thuốc bệnh nhân cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động nghỉ ngơi, giải trí phù hợp.

4. Khi nào có thể ngừng điều trị động kinh?


Cần ý thức rằng điều trị động kinh là một quá trình lâu dài
Cần ý thức rằng điều trị động kinh là một quá trình lâu dài

Bệnh động kinh là một trạng thái bệnh lý kéo dài và có thể mãn tính tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh đặc biệt là các tổn thương ở não hoặc là một ổ động kinh hoặc là do ngưỡng co giật ở não bị hạ thấp. Vì vậy cần ý thức phải điều trị động kinh một cách lâu dài và kiên trì. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp, hoàn cảnh cho phép đặt vấn đề ngừng điều trị động kinh.

Sau 2 năm điều trị mà không thấy có một cơn động kinh nào tái diễn, bác sĩ tiến hành cho ngừng thuốc. Trước khi ngừng sẽ phải giảm liều thuốc dần dần mà không dừng thuốc đột ngột. Thời gian giảm liều kéo dài trong khoảng 3 - 6 tháng. Trong thời gian giảm liều mà có cơn động kinh xuất hiện thì lại phải tiếp tục điều trị động kinh trong tối thiểu 2 năm tiếp theo tính từ thời điểm dùng lại thuốc này. Như vậy, cần ý thức rằng có khi người bệnh sẽ phải dùng thuốc kéo dài cho đến hết cả cuộc đời.

Thạc sĩ Bác sĩ Huỳnh An Thiên có thế mạnh và kinh nghiệm trong khám, tư vấn và điều trị các bệnh thần kinh; hô hấp và các bệnh nội tiết - chuyển hóa

Trước khi là bác sĩ Nội thần kinh tại Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, bác sĩ Thiên từng có kinh nghiệm công tác dài tại bệnh viện Trung Ương Huế

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe