Kết hợp các liệu pháp để điều trị ung thư phổi di căn

Ung thư phổi di căn là giai đoạn muộn của bệnh ung thư phổi, khi các tế bào ung thư rời khối u ban đầu và di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể thông qua đường máu hoặc bạch huyết. Phối hợp các liệu pháp điều trị có thể giúp kiểm soát bệnh và mang lại hiệu quả cao.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Ung thư phổi di căn là gì?

Ung thư phổi di căn xảy ra khi các tế bào ung thư tách ra từ khối u ban đầu và di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể thông qua hệ thống mạch máu hoặc bạch huyết. Quá trình di căn này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, cả trước khi chẩn đoán hay sau khi đã được điều trị. Do triệu chứng của ung thư phổi giai đoạn đầu thường không rõ ràng nên nhiều trường hợp ung thư đã di căn trước khi được phát hiện.

Những vị trí thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ung thư phổi di căn bao gồm phổi, tuyến thượng thận, xương, não và gan.

Ung thư phổi di căn và tái phát là hai giai đoạn khác nhau của bệnh ung thư phổi. Ung thư phổi tái phát xuất hiện khi ung thư quay trở lại tại cùng vị trí trong phổi đã được điều trị trước đây thay vì di căn sang bộ phận khác. Nếu ung thư phát triển ở phổi đã từng bị ảnh hưởng, trường hợp này gần như được xem là ung thư phổi di căn mới, không phải là tái phát. Dù là di căn hay tái phát, nguyên nhân đều bắt nguồn từ tế bào ung thư di chuyển từ một vị trí trong cơ thể.

2. Quá trình di căn của ung thư phổi di căn  

Quá trình di căn của ung thư phổi là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều bước cụ thể:

  • Đầu tiên, các tế bào ung thư tách rời khỏi khối u nguyên phát. Enzyme do tế bào ung thư tiết ra phá hủy mô nền, cho phép chúng di chuyển đến các vị trí khác trong cơ thể.
  • Bước kế tiếp là bước xâm nhập - các tế bào ung thư xâm nhập vào hệ thống bạch huyết hoặc mạch máu. Hệ thống bạch huyết vận chuyển chất lỏng và các tế bào miễn dịch, trong khi hệ thống mạch máu vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng và các tế bào đến mọi ngóc ngách của cơ thể. Khi xâm nhập thành công vào hai hệ thống này, tế bào ung thư có thể di chuyển đến nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể.
  • Sau đó, các tế bào ung thư di chuyển qua hệ thống bạch huyết hoặc mạch máu đến các cơ quan khác. Tốc độ di chuyển này có thể khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư.
  • Bước tiếp theo, việc tương tác giữa protein trên bề mặt tế bào ung thư và protein trên thành mạch máu giúp tế bào ung thư di căn bằng cách bám dính vào thành mạch máu hoặc bạch huyết ở các cơ quan khác.
  • Cuối cùng, tế bào ung thư di chuyển qua mạch máu hoặc hạch bạch huyết, xâm nhập vào cơ quan khác, phá hủy mô khỏe mạnh tại đó và hình thành các khối u mới.

Ngoài ra, có một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình di căn, bao gồm loại ung thư, giai đoạn bệnh, kích thước khối u và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

3. Triệu chứng

Triệu chứng ung thư phổi di căn thường mơ hồ và dễ bị nhầm với các bệnh lý khác. Biểu hiện bệnh phụ thuộc vào vị trí di căn và mức độ tiến triển của bệnh. Bệnh nhân có thể gặp phải những tình trạng sau đây:

  • Cảm thấy mệt mỏi, suy nhược về cả thể chất và tinh thần.
  • Sụt cân.
  • Thay đổi cảm xúc, một số bệnh nhân thấy mất hứng thú với những hoạt động mà người bệnh từng yêu thích trước đây.
  • Đau dữ dội và có cảm giác khó chịu tột cùng.
  • Khó thở.
  • Khàn giọng.
  • Ho dai dẳng, ho ra máu.
  • Chảy máu.
  • Biến dạng ngón tay, cụ thể là ngón tay dùi trống.
  • Tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi.
  • Thay đổi vị giác, chán ăn, giảm cảm giác thèm ăn, dẫn đến cảm giác ăn không ngon miệng và nhanh no.

Các tế bào ung thư phổi khi di căn đến các vị trí khác trong cơ thể có thể gây ra một loạt các triệu chứng như sau:

3.1 Trường hợp di căn não

Não là cơ quan thường xuyên bị ung thư phổi di căn. Các tế bào ung thư từ phổi di căn đến não có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí, kích thước và số lượng của các khối u di căn.

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của ung thư di căn não:

  • Nhức đầu: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, xuất hiện đột ngột, dữ dội và tăng dần theo thời gian. Tình trạng này không thể cải thiện bằng thuốc giảm đau thông thường.
  • Buồn nôn và nôn mửa: Có thể xảy ra đột ngột, không liên quan đến việc ăn uống.
  • Thay đổi thị lực: Mờ mắt, nhìn đôi hoặc mất thị lực một phần hoặc toàn bộ do ảnh hưởng đến các dây thần kinh thị giác hoặc các vùng não liên quan đến thị lực.
  • Yếu cơ hoặc tê liệt: Khối u có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh điều khiển cơ bắp, dẫn đến yếu hoặc tê liệt ở một hoặc nhiều bộ phận cơ thể.
  • Thay đổi nhận thức: Khó tập trung, suy giảm trí nhớ, lú lẫn hoặc thay đổi tính cách có thể xảy ra do khối u ảnh hưởng đến các vùng não liên quan đến chức năng nhận thức.
  • Co giật: Là một triệu chứng phổ biến, đặc biệt là ở những người không có tiền sử co giật trước đây.
  • Rối loạn ngôn ngữ: Khó nói, nói lắp hoặc mất khả năng nói do khối u ảnh hưởng đến vùng não điều khiển ngôn ngữ.
  • Thay đổi cảm giác: Mất cảm giác hoặc cảm giác ngứa ran, tê bì ở một hoặc nhiều bộ phận cơ thể do khối u ảnh hưởng đến các dây thần kinh cảm giác.
  • Mất thăng bằng và khả năng phối hợp giữa các chi: Khó đi lại, mất thăng bằng hoặc té ngã do khối u ảnh hưởng đến các vùng não liên quan đến sự phối hợp và thăng bằng.
  • Thay đổi hành vi: Thay đổi tâm trạng, tính cách hoặc hành vi đột ngột do khối u ảnh hưởng đến vùng não liên quan đến cảm xúc và hành vi.

Không phải tất cả bệnh nhân ung thư di căn não đều có tất cả các triệu chứng trên. Một số người có thể chỉ có một vài triệu chứng, trong khi những người khác có thể có nhiều triệu chứng hơn.

3.2 Trường hợp di căn xương

Xương là cơ quan phổ biến thứ hai sau não mà ung thư phổi di căn đến. Các vị trí thường gặp là xương chậu, xương sườn và cột sống.

  • Triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất là đau nhức, thường xuất hiện đột ngột, dữ dội và tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi vận động.
  • Do di căn làm tổn thương cấu trúc xương, khiến xương trở nên yếu và dễ gãy hơn, ngay cả với những va chạm nhẹ.
  • Khi ung thư di căn đến xương, nống độ canxi trong máu tăng cao, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn, táo bón, nhịp tim nhanh, rối loạn ý thức,...
  • Ung thư di căn cột sống có thể chèn ép tủy sống, gây ra nhiều triệu chứng thần kinh nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bao gồm đau nhức dữ dội, yếu cơ và tê bì ở các chi, gây khó khăn hoặc mất khả năng vận động, mất cảm giác, cũng như rối loạn chức năng ruột, bàng quang (táo bón, tiêu chảy, bí tiểu, són tiểu).

3.3 Trường hợp di căn gan

Ung thư phổi di căn đến gan có thể gây ra đau do căng tức bao gan, da và mắt bị vàng, do áp lực chèn ép làm tắc nghẽn đường mật. Bên cạnh đó, ung thư phổi di căn gan cũng có thể gây ra sự cản trở đối với các chức năng bình thường của gan, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, xuất huyết, báng bụng.

3.4 Trường hợp di căn tuyến thượng thận

Ung thư phổi di căn tới tuyến thượng thận thường không gây ra các triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi khối u phát triển lớn, chúng có thể chèn ép các cơ quan xung quanh, dẫn đến đau bụng, chướng bụng và đau lưng.

Ngoài ra, khối u di căn tới tuyến thượng thận có thể gây ra suy tuyến thượng thận, biểu hiện bằng các triệu chứng như không thèm ăn, buồn nôn, và sụt cân.

4. Cách chẩn đoán

  • Kiểm tra nội soi phế quản bằng cách sử dụng ống soi kèm theo camera để bác sĩ quan sát bên trong đường dẫn khí của phổi. Nếu phát hiện tổn thương đáng nghi, bác sĩ có thể thu thập mẫu u hoặc tế bào để tiến hành xét nghiệm.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng để đánh giá khối u có di căn đến não và/hoặc tủy sống hay không.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) được sử dụng để đánh giá kích thước và vị trí của khối u trong phổi, cũng như mức độ xâm lấn vào các cơ quan lân cận và để phát hiện sự lan rộng của bệnh đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác (phát hiện di căn).
  • Sinh thiết mẫu mô được thực hiện để chẩn đoán và xác định sự hiện diện của tế bào ác tính (tế bào ung thư), sau đó đánh giá đặc điểm của chúng. Mẫu mô có thể được lấy từ sinh thiết xuyên qua thành ngực, nội soi phế quản hoặc phẫu thuật.
  • Chụp PET-CT được thực hiện để đánh giá hoạt động của các tế bào ung thư trong cơ thể bằng cách sử dụng chất phóng xạ. Các tế bào ung thư sẽ hấp thu nhiều chất phóng xạ hơn so với các tế bào bình thường và sẽ xuất hiện sáng hơn trên hình ảnh PET-CT.
  • Xét nghiệm máu được sử dụng để kiểm tra chức năng gan, thận, huyết học và các chỉ số ung thư như CEA, Cyfra 21-1.
  • Sinh thiết kim nhỏ (FNA = Fine Needle Aspiration) được thực hiện bằng cách chọc hút tế bào từ khối u hoặc hạch bạch huyết bằng kim nhỏ thông qua da dưới sự hỗ trợ của hình ảnh siêu âm hoặc hình ảnh CT scan để xác định có tế bào ung thư hay không.

5. Ung thư phổi di căn có chữa được không?

Trong giai đoạn di căn xa, ung thư phổi không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào chăm sóc giảm nhẹ, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân thay vì cố gắng chữa khỏi bệnh.  

6. Cách điều trị

Đối với bệnh nhân ung thư phổi di căn, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các phương pháp điều trị như hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc liệu pháp miễn dịch. Mục tiêu chính là thu nhỏ khối u hoặc kiểm soát tình trạng di căn. Tuy nhiên, nếu phương pháp điều trị ban đầu không hiệu quả, bác sĩ có thể kết hợp đồng thời hoặc lần lượt các biện pháp bổ sung để đạt được kết quả tối ưu.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một số loại thuốc trị liệu miễn dịch để điều trị ung thư phổi di căn. Những loại thuốc này có thể được sử dụng trước hoặc sau hóa trị. Hiện nay, các nhà khoa học đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả của loại thuốc này khi kết hợp với hóa trị và xạ trị. 

Trong điều trị ung thư phổi di căn, cần kết hợp nhiều liệu pháp để đem lại hiệu quả điều trị cao.
Trong điều trị ung thư phổi di căn, cần kết hợp nhiều liệu pháp để đem lại hiệu quả điều trị cao.

6.1 Điều trị mục tiêu

Một số phương pháp điều trị có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với hóa trị để điều trị ung thư phổi di căn:

  • Nhóm thuốc EGFR: Afatinib (Gilotrif), dacomitinib (Vizimpro), erlotinib (Tarceva), gefitinib (Iressa), necitumumab (Portrazza) và osimertinib (Tagrisso) đều nhắm vào protein EGFR trong tế bào ung thư phổi. Nhóm thuốc này được sử dụng khi bệnh nhân cần điều trị thêm hóa trị liệu.
  • Bevacizumab (Avastin) và ramucirumab (Cyramza) ức chế sự phát triển của khối u bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp dinh dưỡng của chúng: máu và oxy. Hai loại thuốc này thường được kết hợp với hóa trị liệu.
  • Alectinib (Alecensa), brigatinib (Alunbrig), ceritinib (Zykadia) và crizotinib (Xalkori) được sử dụng cho các trường hợp ung thư phổi có đột biến gen ALK.

6.2 Ức chế điểm kiểm soát

Hiện nay, bốn loại thuốc trị liệu miễn dịch đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức phê chuẩn để điều trị một số dạng ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Nhóm thuốc này được gọi là chất ức chế điểm kiểm soát, đóng vai trò kích hoạt lại hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư hiệu quả. Nhờ vậy, kích thước khối u sẽ thu nhỏ và tốc độ phát triển chậm lại.

6.3 Liệu pháp miễn dịch với hoá trị

Hoá trị là tiêu chuẩn trong điều trị ung thư phổi di căn, với nhiều phác đồ sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp. Nổi bật trong những tiến bộ y khoa gần đây là sự kết hợp giữa hoá trị và liệu pháp miễn dịch như liệu pháp tấn công đầu tiên cho bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn (NSCLC). Cơ chế hoạt động của phương pháp này là kích thích hệ miễn dịch tự nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư một cách hiệu quả. 

Hóa trị là phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư phổi di căn.
Hóa trị là phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư phổi di căn.

6.4 Liệu pháp miễn dịch với chiếu xạ

Hiện nay, xạ trị giúp giảm nhẹ triệu chứng ung thư phổi di căn. Nhưng một số chuyên gia y tế tin rằng áp dụng xạ trị trước có thể kích thích hệ miễn dịch, giúp các loại thuốc miễn dịch trị liệu phát huy hiệu quả tối ưu trong việc tiêu diệt tế bào ung thư.  

Tuy nhiên, để ứng dụng phương pháp này hiệu quả cần có thêm nhiều nghiên cứu nhằm xác định chính xác loại khối u nào sẽ đáp ứng tốt với liệu pháp này, cũng như liều lượng và tần suất điều trị phù hợp.

6.5 Thuốc miễn dịch

Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống, các nhà khoa học đang nghiên cứu và thử nghiệm các loại thuốc trị liệu miễn dịch cho bệnh ung thư phổi di căn, để điều trị tế bào ung thư ác tính. Một trong những loại thuốc miễn dịch được thử nghiệm là Ipilimumab (Yervoy), kết hợp với Nivolumab để đánh giá hiệu quả so với kết hợp cùng hóa trị liệu.  

Mục tiêu chính của điều trị ung thư phổi di căn là kiểm soát sự phát triển của khối u và ngăn chặn di căn. Nếu hóa trị liệu không đạt được hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp điều trị khác hoặc đề nghị bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng để tìm ra cách tối ưu nhất.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hóa trị có thể gây hại nhiều hơn lợi ích mà biện pháp này mang lại. Lúc này, bác sĩ sẽ chuyển sang chăm sóc hỗ trợ, tập trung vào việc giảm thiểu các triệu chứng do ung thư phổi di căn gây ra.

7. Cách phòng ngừa ung thư phổi di căn

Hiện nay, không có biện pháp nào đảm bảo chắc chắn có thể ngăn chặn hoàn toàn sự xuất hiện của ung thư phổi di căn. Tuy nhiên, có một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ di căn, bao gồm:

  • Sớm phát hiện và điều trị ung thư: Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Phát hiện và điều trị ung thư ở giai đoạn sớm có thể giúp tăng khả năng điều trị hiệu quả, giảm nguy cơ di căn.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị ung thư: Tuân thủ phương pháp điều trị giúp kiểm soát sự phát triển của bệnh và giảm nguy cơ di căn.
  • Sử dụng các phương pháp điều trị tiên tiến có thể tăng cơ hội điều trị thành công và giảm tác dụng phụ lên cơ thể.  
  • Thay đổi lối sống: Giảm stress, ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngừng hút thuốc lá. 
Tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh nếu muốn điều trị ung thư phổi di căn.
Tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh nếu muốn điều trị ung thư phổi di căn.

Tầm soát ung thư phổi sớm là chìa khóa để nâng cao tỷ lệ sống sót cho người bệnh. Do đó, mỗi cá nhân nên chủ động thực hiện tầm soát ung thư phổi ngay khi có thể, đặc biệt là khi có các dấu hiệu bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Chia sẻ