Các biện pháp điều trị ung thư phổi

Điều trị ung thư phổi nhằm tiêu diệt hoặc kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư, đồng thời giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Những phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Tường Huân - Bác sĩ ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Ung thư phổi có chữa được không?

Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến và gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Dựa vào kết quả mô bệnh học, ung thư phổi thường được phân thành hai dạng chính: ung thư phổi không phải tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ.  

Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ chiếm phần lớn các trường hợp, trong khi ung thư phổi tế bào nhỏ ít phổ biến hơn nhưng thường tiến triển nhanh và có tiên lượng xấu hơn.  

Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là chìa khóa quan trọng để điều trị hiệu quả. Theo một vài nghiên cứu, sàng lọc và phát hiện sớm ung thư phổi bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao.  

Nhìn chung, phần lớn các bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, tiên lượng khá xấu. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh từ sớm và có phương pháp điều trị ung thư phổi phù hợp, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.

2. Các phương pháp điều trị ung thư phổi

Hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi được áp dụng rộng rãi. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, tiến triển của bệnh và loại ung thư phổi cụ thể. Dưới đây là một số phương pháp điều trị ung thư phổi phổ biến được sử dụng:

2.1 Phẫu thuật ung thư phổi

Phẫu thuật được coi là biện pháp điều trị triệt căn, đặc biệt điều trị ung thư phổi ở những trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Khối u ở giai đoạn sớm có kích thước nhỏ, chưa di căn, bệnh nhân chưa bị ảnh hưởng sức khỏe nhiều nên có khả năng đáp ứng điều trị tốt.  

Phẫu thuật thường được thực hiện để loại bỏ toàn bộ thùy phổi chứa khối u và nạo vét hạch. Quá trình này thường bao gồm việc loại bỏ từ 16 đến 20 hạch của ít nhất 3 nhóm hạch và thực hiện rửa màng phổi cùng bên. Đôi khi, việc phải cắt bỏ hai thùy kế cận hoặc một bên phổi có thể là cần thiết. Tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật cắt thùy và cắt bỏ một bên phổi lần lượt là khoảng 3% và 7%.

Sau phẫu thuật, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi thường rất cao, đặc biệt là trong trường hợp của ung thư phổi không tế bào nhỏ, với tỷ lệ sống sót trên 5 năm khoảng 50%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm vẫn còn ít, dẫn đến việc phẫu thuật ít khi được chỉ định và hiệu quả không như mong đợi.

Các loại phẫu thuật điều trị ung thư phổi bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt hình chêm (Wedge resection): Thích hợp cho các tổn thương nhỏ dưới 2cm ở ngoại biên có mô bệnh học là ung thư biểu mô tại chỗ hoặc ít xâm lấn.
  • Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thùy phổi.
  • Phẫu thuật loại bỏ toàn bộ phổi.
  • Phẫu thuật nội soi lồng ngực dưới sự hỗ trợ của video (VATS): Thích hợp cho các tổn thương nhỏ và trung bình ở ngoại biên, không hoặc ít hạch vùng. Các kỹ thuật này ít xâm lấn hơn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng với thời gian nằm viện ngắn và ít đau sau mổ, tuy nhiên cần lựa chọn bệnh nhân kỹ lưỡng.

2.2 Xạ trị ung thư phổi

Xạ trị là một phương pháp phổ biến được áp dụng trong điều trị ung thư phổi. Phương pháp này thường được sử dụng để điều trị trong trường hợp khối u có kích thước lớn nhưng chưa lan rộng đến các cơ quan khác.  

Xạ trị sử dụng các máy phát tia năng lượng cao như tia X, tia gamma, proton,... để tiêu diệt tế bào ung thư, phá hủy khối u và làm chậm sự phát triển của khối u. Đối với bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn III, nếu không thích hợp cho phẫu thuật, hoá xạ trị có thể được áp dụng tuần tự hoặc đồng thời để đạt được hiệu quả chữa bệnh tốt hơn.

Tuy nhiên, phương pháp xạ trị cũng có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Các biến chứng sớm, xuất hiện sau vài ngày có thể bao gồm chán ăn, buồn nôn, da đỏ tại vùng chiếu xạ, rụng tóc,... Trong khi đó, một số biến chứng muộn có thể xuất hiện sau đó bao gồm đau rát, da khô, viêm da, xơ phổi,....

Thời gian sống của bệnh nhân sau xạ trị dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như loại ung thư, thể trạng bệnh nhân, thời điểm phát hiện và điều trị bệnh, chế độ chăm sóc và dinh dưỡng sau điều trị,...

2.3 Hóa trị ung thư phổi

Hóa trị là phương pháp chủ yếu được áp dụng trong điều trị ung thư phổi ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã lan rộng. Phương pháp này được thực hiện nhằm tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn sự lan rộng của bệnh.  

Điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn bằng cách hóa trị.
Điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn bằng cách hóa trị.

Ngoài ra, hóa trị thường được kết hợp với các liệu pháp khác như phẫu thuật hoặc xạ trị trong trường hợp ung thư phổi giai đoạn 4, nhằm giảm kích thước khối u và loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể.

Tuy nhiên, do việc sử dụng thuốc hóa trị thông qua đường tĩnh mạch nên phương pháp này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khoả mạng khác trong cơ thể, gây ra nhiều tác dụng phụ như thiếu máu, buồn nôn, nôn mửa, suy kiệt cơ thể, suy giảm miễn dịch, rụng tóc, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và nhiều vấn đề khác.  

Hóa trị được chia thành 2 dạng:

  • Hóa trị tân bổ trợ thường được thực hiện trước khi phẫu thuật ở giai đoạn khu trú, nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư đã lan rộng và giảm kích thước tổn thương để hỗ trợ cho quá trình phẫu thuật tiếp theo.
  • Hóa trị bổ trợ thường được áp dụng cho các trường hợp từ giai đoạn IB trở đi. Đặc biệt, ở giai đoạn tiến triển, hóa trị là một trong những phương pháp chính để giảm triệu chứng của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

2.4 Điều trị ung thư phổi bằng liệu pháp nhắm trúng đích

Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ thường liên quan đến các biến đổi gen, được xác định thông qua các xét nghiệm sinh học phân tử.  

Dựa trên kết quả này, các bác sĩ có thể chỉ định việc sử dụng thuốc điều trị ung thư phổi nhắm vào mục tiêu cụ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư mà ít ảnh hưởng đến các tế bào lành, từ đó ít gây ra các tác dụng phụ. Phương pháp này giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.  

Liệu pháp nhắm trúng đích được sử dụng bao gồm:

  • Kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies): Đây là loại liệu pháp điều trị trực tiếp tác động lên thụ thể bên ngoài của màng tế bào.
  • Thuốc trọng lượng phân tử nhỏ (small molecule medicines): Các loại thuốc này thường được sử dụng cho nhóm bệnh nhân có các biến đổi gen với dấu ấn sinh học đặc trưng.

2.5 Điều trị miễn dịch ung thư phổi

Điều trị miễn dịch sẽ giúp cơ thể tạo ra miễn dịch chủ động, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ vào việc phát hiện các điểm kiểm soát tế bào ung thư.  

Một số loại thuốc được sử dụng trong liệu pháp miễn dịch bao gồm Durvalumab, Pembrolizumab,... Tuy nhiên, các loại thuốc này có chi phí khá cao.

2.6 Chăm sóc giảm nhẹ

Sau khi tiếp nhận điều trị ung thư phổi, cơ thể của bệnh nhân thường phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ và cần thời gian để phục hồi. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể trải qua cảm giác đau đớn và nhiều triệu chứng khác, do đó, sự hỗ trợ từ bác sĩ và gia đình là điều cần thiết.

Bác sĩ tập trung vào việc giảm đau, giảm căng thẳng và các triệu chứng khác để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, song song với việc điều trị ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ thường được thảo luận trước khi bệnh nhân xuất hiện các tác dụng phụ. Có nhiều loại thuốc được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng và cảm giác không thoải mái ở bệnh nhân.

3. Cách phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư phổi khác  

3.1 Đốt sóng cao tần (RFA)

Phương pháp tiêu diệt khối u tại chỗ bằng đốt sóng cao tần được áp dụng để điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ ở giai đoạn đầu cho những bệnh nhân không phù hợp với phẫu thuật. Các sóng này tạo ra nhiệt độ cao, làm chết các tế bào ung thư.

Biến chứng phổ biến nhất của phương pháp này là tràn khí màng phổi và phản ứng viêm tại điểm đốt. Tình trạng này có thể được cải thiện thông qua điều trị nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật.

3.2 Dùng nhiệt lạnh

Khi khối u lớn gây chèn ép và tắc nghẽn đường thở của bệnh nhân, phương pháp áp lạnh được áp dụng để giảm các triệu chứng như suy hô hấp.

Phương pháp này được thực hiện tương tự như xạ trị bên trong, nhưng thay vì sử dụng nguồn phóng xạ, một thiết bị được đặt vào trong khối u để tạo ra nhiệt độ rất lạnh, từ đó giúp thu nhỏ khối u.

3.3 Thử nghiệm lâm sàng

Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành cho mọi giai đoạn của ung thư phổi. Mục tiêu của những thử nghiệm này là đánh giá tính an toàn, hiệu quả và tiềm năng vượt trội của các phương pháp điều trị ung thư phổi mới so với các phương pháp hiện tại. Các nghiên cứu này tập trung vào việc phát triển các phương pháp, liệu pháp và thuốc điều trị mới.

Những người tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng thường là những người được điều trị trước khi phương pháp mới được kiểm chứng thành công và được khuyến cáo sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, họ phải chấp nhận một số rủi ro, bao gồm khả năng xuất hiện các tác dụng phụ và nguy cơ phương pháp điều trị mới không mang lại hiệu quả như mong đợi.

4. Biện pháp khắc phục tác dụng phụ

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư phổi thường gặp phải một số biến chứng. Do đó, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ sau đây để bổ sung vào phác đồ điều trị:

  • Châm cứu: Sử dụng kim châm để kích thích các huyệt đạo trên cơ thể, giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, đau đớn, căng thẳng, lo lắng,...
  • Massage, yoga, thiền: Các hoạt động này giúp bệnh nhân ung thư phổi thư giãn, giảm đau ở ngực, cổ, lưng và vai gáy, giảm căng thẳng và lo lắng, đồng thời cải thiện hiệu quả điều trị.
  • Sử dụng thảo dược: Hiện nay có hơn 133 loại thảo dược đã được sử dụng để điều trị ung thư phổi. Các loại thảo dược phổ biến nhất bao gồm: Hoàng kỳ, rễ cây bạc hà, rễ cam thảo, poria, cỏ kim tuyến, rễ măng tây... Việc kết hợp sử dụng thảo dược với các phương pháp điều trị hiện đại (như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị) giúp giảm triệu chứng bệnh và tác dụng phụ của hóa, xạ trị. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thảo dược, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh nguy cơ gây hại.
  • Sử dụng tinh dầu: Tinh dầu bạc hà, hương thảo, hoa nhài,... mang lại cảm xúc tích cực cho bệnh nhân, giúp giảm đau đầu, buồn nôn, và căng thẳng. 
Sử dụng thảo dược để điều trị ung thư phổi.
Sử dụng thảo dược để điều trị ung thư phổi.

5. Cách lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp

Việc điều trị ung thư phổi được tiến hành theo nguyên tắc cá nhân hóa, cân nhắc mọi yếu tố sau:

  • Bệnh lý: Bao gồm giai đoạn của bệnh, thể mô bệnh học và sinh học phân tử, cũng như khả năng đáp ứng của bệnh nhân với các liệu pháp trước đó.
  • Tình trạng của bệnh nhân: Bao gồm tình trạng sức khỏe hiện tại, tuổi tác, các bệnh kèm theo, tình trạng kinh tế và xã hội, cũng như mong muốn của bệnh nhân.
  • Tài nguyên y tế và cơ sở vật chất: Bao gồm trang thiết bị y tế và các nguồn lực tài chính và nhân lực trong cơ sở y tế.

Các phương pháp điều trị phổ biến nhất bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp miễn dịch. Tùy thuộc vào loại ung thư và giai đoạn của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các phương pháp để tối ưu hiệu quả điều trị ung thư phổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe