Ung thư phổi di căn xương là một biến chứng nguy hiểm của ung thư phổi, khi tế bào ung thư từ phổi lan rộng sang xương. Tình trạng này không chỉ gây ra đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân mà còn có thể dẫn đến gãy xương, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động thường ngày.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Lê Thị Nhã Hiền - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
1. Ung thư phổi di căn xương là gì?
Đa phần các trường hợp mắc ung thư phổi di căn ảnh hưởng nhiều nhất đến xương, chiếm tỷ lệ khoảng 30-40%. Thực tế lâm sàng cho thấy hơn một nửa các trường hợp tìm thấy tế bào ung thư di căn đến xương mà không có nguyên nhân rõ ràng đều liên quan đến ung thư phổi.
Ung thư phổi di căn xương xảy ra khi các tế bào ung thư lan từ phổi sang hệ xương khớp theo hệ tuần hoàn máu và đường bạch huyết. Tình trạng tổn thương do ung thư di căn được chia làm 3 loại: huỷ xương, tạo xương và hỗn hợp. Tổn thương phổi biến do ung thư phổi di căn là dạng tăng tạo xương.
Các xương thường bị ảnh hưởng nhất khi ung thư phổi di căn là xương chậu, cột sống (đặc biệt là đốt sống ở vùng bụng dưới và ngực), xương đùi, xương bàn chân và xương cánh tay.
Chúng ta cũng cần phải phân biệt bệnh lý này với ung thư xương nguyên phát - một tình trạng ung thư ác tính có nguồn gốc từ xương do sự phát triển không bình thường của các tế bào xương.
2. Dấu hiệu bệnh
Một số dấu hiệu ung thư phổi di căn xương gồm:
- Đau xương: Đây thường là dấu hiệu phổ biến nhất khi ung thư phổi lan đến xương. Ban đầu, người bệnh có thể chỉ có cảm giác đau âm ỉ và mơ hồ, nhưng sau đó, triệu chứng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Mức độ đau sẽ tăng lên khi người bệnh vận động, đặc biệt là đối với xương cột sống, cơn đau thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm và sau khi thức dậy vào sáng hôm sau.
- Đau đớn, liệt 2 chi dưới: Khi tế bào ung thư lan rộng đến cột sống và tạo ra các khối u chèn ép tủy sống, người bệnh có thể gặp đau đớn, liệt ở hai chi dưới, hoặc thậm chí gặp rối loạn chức năng của cơ vòng bàng quang và ruột. Đây là tình trạng cấp cứu đòi hỏi sự can thiệp khẩn cấp để cứu sống người bệnh.
- Táo bón, suy nhược cơ thể: Bên cạnh đó, người bệnh mắc ung thư phổi di căn có thể gặp phải tình trạng táo bón hoặc suy nhược cơ thể do sử dụng nhiều loại thuốc giảm đau.
- Gãy xương: Một trong những dấu hiệu đầu tiên giúp phát hiện sự di căn xương của ung thư phổi là gãy xương. Các xương bị di căn thường có chất lượng kém do tế bào ung thư đang thay thế các tế bào khỏe mạnh. Gãy xương ở bệnh nhân mắc ung thư phổi thường không liên quan đến chấn thương, mà là gãy xương bệnh lý.
- Mệt mỏi, lú lẫn, yếu cơ, buồn nôn, rối loạn nhịp tim: Đôi khi, bệnh nhân có thể trải qua các biểu hiện bất thường từ các cơ quan khác như mệt mỏi, lú lẫn, yếu cơ, buồn nôn và nôn mửa, hoặc rối loạn nhịp tim do tình trạng phân hủy xương gây tăng nồng độ canxi máu. Tình trạng này đặc biệt khẩn cấp và có thể gây nhầm lẫn cho nhân viên y tế.
Hơn nữa, ung thư phổi di căn cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn như gãy xương, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Khả năng vận động suy giảm hoặc mất khi gãy xương có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, gây ra các tình trạng nguy hiểm tính mạng như thuyên tắc phổi.
Người bệnh mắc ung thư phổi di căn thường phải đối mặt với một loạt các biểu hiện phản ứng phụ từ một hoặc nhiều phương pháp điều trị kết hợp như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
3. Cách chẩn đoán ung thư phổi di căn xương
Có nhiều nguyên nhân khác nhau giải thích cho triệu chứng đau xương và gãy xương không phải do chấn thương. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác ung thư phổi di căn xương, các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng đóng vai trò quan trọng, bao gồm:
- X-quang xương: Mặc dù đã được sử dụng từ lâu, nhưng hiện nay không còn phổ biến do kết quả không có tính đặc hiệu.
- CT scan xương: Phương pháp này cung cấp thông tin chi tiết hơn so với X-quang, khảo sát tổ chức xương một cách tốt hơn và có thể phát hiện các hình ảnh bất thường.
- Chụp MRI xương: Cho hình ảnh chi tiết và phân biệt được các thành phần khác nhau trong tổ chức xương bất thường.
- PET/CT và SPECT/CT: Đây là phương pháp hiện đại ngày càng được sử dụng nhiều trong chẩn đoán ung thư phổi. Các phương pháp này có khả năng phát hiện tế bào ung thư với độ chính xác cao hơn, nhưng chi phí cao nên hiện vẫn chưa phổ biến.
4. Ung thư phổi di căn xương có chữa được không?
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn ung thư phổi di căn xương. Các biện pháp điều trị thường tập trung vào việc giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng, giảm đau và nguy cơ gãy xương, cũng như ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng khác.
5. Cách điều trị giảm đau xương do ung thư phổi di căn
Người bệnh ung thư phổi thường phải đối mặt với nhiều triệu chứng gây đau và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điều trị để tiêu diệt tế bào ung thư vẫn là một thách thức lớn trong y học.
Do đó, trong thời điểm hiện tại, việc điều trị ung thư phổi di căn xương thường tập trung vào việc giảm đau và dự phòng các biến chứng nguy hiểm khác để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Các biện pháp điều trị đa dạng và thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như sau:
- Thuốc giảm đau: Đây là phương pháp đầu tiên được sử dụng khi bệnh nhân bị đau xương. Vì bệnh nhân bị đau xương do ung thư phổi khá nặng nên thuốc giảm đau thường được sử dụng theo liều lượng tăng dần từ giảm đau nhẹ đến mạnh, đôi khi cần sử dụng các loại thuốc dễ gây nghiện như morphine.
- Thuốc hỗ trợ xương: Các loại thuốc này được sử dụng để hỗ trợ và dự phòng biến chứng gãy xương. Bisphosphonate được sử dụng để điều trị và dự phòng loãng xương. Denosumab cũng được sử dụng để dự phòng biến chứng loãng xương thông qua việc tiêm dưới da.
- Xạ trị: Đây là phương pháp giảm đau xương phổ biến nhất, với hiệu quả giảm đau cao và ít tác dụng phụ, chi phí không nhiều. Khoảng 1/3 bệnh nhân có thể không còn cảm giác đau xương sau khi kết thúc liệu trình xạ trị. Hiệu quả giảm đau có thể kéo dài từ vài tháng đến một năm. Xạ trị được xem là sự lựa chọn cơ bản cho các bệnh nhân ung thư tiến triển di căn xương.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật nhằm mục đích cố định xương gãy hoặc dự phòng gãy xương khi chất lượng xương quá kém. Bác sĩ cũng chỉ định phương pháp phẫu thuật đối với những trường hợp khối u có kích thước lớn, chèn ép và gây áp lực lên tủy sống.
Tuy nhiên, mỗi phương pháp điều trị đều có nhược điểm và ưu điểm riêng, và quyết định chọn phương pháp nào phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân và ý kiến của các chuyên gia y tế.
6. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân
Trong những trường hợp ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn cuối, khi đã di căn vào xương hoặc các bộ phận khác, khả năng sống sót qua 5 năm là rất thấp. Khoảng 50% số bệnh nhân mắc ung thư phổi di căn chỉ sống được khoảng 6 tháng.
Thực tế, có một số yếu tố có thể làm tăng cơ hội sống sót, như: bệnh nhân là nữ giới, tế bào ung thư chỉ di căn đến một đoạn xương nhỏ, ung thư thể biểu mô tuyến, và không có biến chứng gãy xương. Nhìn chung, số lượng bệnh nhân có thể sống sót sau khi ung thư phổi di căn vào xương là rất ít.
Tuy nhiên, nhờ vào tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật, đã có nhiều cơ hội sống sót hơn cho bệnh nhân ung thư, bao gồm cả ung thư phổi di căn xương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.