Ung thư phổi tế bào nhỏ là một căn bệnh ung thư ác tính và khó để phát hiện ở giai đoạn đầu. Hoá trị là một trong những phương pháp điều trị giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh hiệu quả và có cơ hội để kéo dài tuổi thọ của mình.
1. Ung thư phổi tế bào nhỏ là gì?
Ung thư phổi tế bào nhỏ (Small Cell Lung Cancer, SCLC) là một loại ung thư phổi ác tính, xảy ra khi các tế bào ung thư xuất hiện và phát triển bất thường ở trong phổi. Theo thời gian, những tế bào này càng ngày càng tăng sinh và phân chia nhanh chóng, đến mức không thể kiểm soát được. Từ đó hình thành nên khối u và làm ảnh hưởng lớn đến các chức năng của phổi. Thậm chí, nếu ung thư không được phát hiện và điều trị kịp thời, khối u có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, làm cho diễn biến của bệnh trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Ngoài ra, mức độ ác tính của loại ung thư phổi này thường lớn hơn rất nhiều so với ung thư phổi không tế bào nhỏ (SNCLC- một loại ung thư phổi khác).
2. Hóa trị ung thư phổi tế bào nhỏ là gì?
Hóa trị ung thư phổi tế bào nhỏ là một liệu pháp điều trị toàn thân, sử dụng thuốc kháng ung thư để tấn công và loại bỏ các tế bào ung thư trong phổi, đồng thời ngăn chặn khả năng phát triển và lây lan của chúng sang các cơ quan khác trong cơ thể.
Phương pháp hóa trị thường được kết hợp sử dụng với các hình thức điều trị khác, như xạ trị hoặc phẫu thuật. Những bệnh nhân bị ung thư phổi tế bào nhỏ đang trong giai đoạn khu trú có thể được yêu cầu thực hiện hóa trị kết hợp với xạ trị. Tuy nhiên, khi ung thư bước sang giai đoạn lan rộng, bác sĩ thường chỉ định hóa trị là liệu pháp điều trị duy nhất tại thời điểm này.
3. Hóa trị ung thư phổi tế bào nhỏ được sử dụng khi nào?
Tùy thuộc vào tình trạng ung thư của mỗi người mà phương pháp hóa trị có thể được khuyến nghị thực hiện trong các trường hợp sau:
- Trước phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ): mục đích chính của việc thực hiện hóa trị trước khi phẫu thuật là nhằm làm thu nhỏ khối u, giúp phẫu thuật loại bỏ chúng một cách dễ dàng hơn.
- Sau phẫu thuật (hóa trị bổ trợ): hóa trị liệu được sử dụng nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại hoặc đã lan ra các vị trí khác nhưng không thể phát hiện qua các xét nghiệm hình ảnh.
- Đối với NCLC giai đoạn tiến triển: khi ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn tiến triển, nghĩa là ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, gan hoặc tuyến thượng thận. Khi đó, hóa trị được thực hiện nhằm kiểm soát các tế bào ung thư, giúp thu nhỏ khối u và làm giảm nhẹ các triệu chứng đau đớn do ung thư gây ra. Hóa trị tại thời điểm này không thể chữa khỏi hoàn toàn ung thư, tuy nhiên nó được xem là liệu pháp cần thiết trong phác đồ điều trị, giúp bệnh nhân cải thiện được chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của mình.
4. Hóa trị ung thư phổi tế bào nhỏ được thực hiện như thế nào?
Các loại thuốc hóa trị sẽ được đưa vào cơ thể của bệnh nhân ung thư thông qua hai con đường chính, bao gồm:
- Đường tiêm/truyền tĩnh mạch (IV): thuốc được tiêm trực tiếp vào ven, lớp mỡ dưới da ở cánh tay hoặc chân, hay tiêm vào các cơ tại vùng hông của bệnh nhân.
- Đường uống: thuốc hóa trị dạng viên hoặc dạng nước.
Hóa trị liệu cho bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ thường được thực hiện theo chu kỳ. Mỗi chu kỳ sẽ kéo dài trong vòng 3-4 tuần và phác đồ điều trị ban đầu cho bệnh nhân thường từ 4-6 chu kỳ. Sau mỗi chu kỳ điều trị, bệnh nhân sẽ được nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian nhất định để cơ thể ổn định trở lại trước khi bắt đầu bước sang chu kỳ điều trị tiếp theo.
5. Các loại thuốc hóa trị được sử dụng
Trong liệu pháp hóa trị, các loại thuốc điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ thường được sử dụng kết hợp với nhau nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Các loại thuốc có thể phối hợp sử dụng, bao gồm:
- Cisplatin và etoposide
- Cisplatin và irinotecan
- Carboplatin và etoposide
- Carboplatin và irinotecan
6. Tác dụng phụ của hóa trị ung thư phổi tế bào nhỏ
Như đã đề cập ở trên, hóa trị là một liệu pháp toàn thân, do đó nó không chỉ tác động đến các tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến những tế bào bình thường khác trong toàn bộ cơ thể. Điều này có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh.
Một trong những triệu chứng nguy hiểm nhất có thể xảy ra khi thực hiện trị liệu bằng hóa trị là số lượng bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu trong máu bị giảm xuống. Tình trạng này có thể xuất hiện chỉ sau 1-2 tuần sau khi bệnh nhân được truyền thuốc. Khi lượng bạch cầu trong máu thấp sẽ dẫn tới khả năng cao bị nhiễm trùng, một trong những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng chính là viêm phổi.
Một số tác dụng phụ khác do hóa trị gây ra, bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Cơ thể mệt mỏi
- Buồn nôn hoặc ói mửa
- Ở đầu các ngón tay hoặc chân có cảm giác tê và đau
- Rụng tóc
- Tiêu chảy
- Mất thính giác tạm thời
- Lở loét miệng
- Ăn uống kém
- Khẩu vị thay đổi
- Chức năng thận bị suy giảm
Hầu hết, các triệu chứng này đều tự biến mất sau khi kết thúc quá trình điều trị ung thư. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, các triệu chứng vẫn có thể tồn tại và kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là suốt đời. Nếu cơ thể có bất cứ triệu chứng nào được liệt kê bên trên, bệnh nhân cần phải báo ngay với bác sĩ để có biện pháp kiểm soát kịp thời.
Phát hiện những bất thường ở phổi càng sớm sẽ càng gia tăng tỷ lệ chữa khỏi và ngăn chặn tiến triển bệnh thành ung thư. Vì vậy, thực hiện việc tầm soát ung thư phổi định kỳ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Việc này giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cancer.net