Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Quang - Bác sĩ Nội ung Bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám, chẩn đoán các bệnh lý ung bướu và các phương thức điều trị xạ trị, hóa trị, điều trị đích và Chăm sóc giảm nhẹ.
Nhiều trường hợp ung thư phát hiện sớm đã được điều trị thành công, tuy nhiên vấn đề gây hoang mang hơn cả là ung thư có thể tái phát trở lại nếu người bệnh không biết cách phòng ngừa.
1. Ung thư tái phát là gì?
Ung thư tái phát là dạng ung thư nguyên phát sau khi được điều trị hiệu quả thì những cơ quan, bộ phận đó lại phát sinh ra lại.
2. Ung thư tái phát như thế nào?
Ung thư tái phát là do điều trị ban đầu không thể loại bỏ được tất cả các tế bào ung thư và những tế bào còn sót lại trong cơ thể sẽ phát triển thành một hoặc nhiều khối u khác. Ung thư tái phát khi nào và ở đâu còn tùy thuộc vào từng loại ung thư. Nhìn chung, ung thư có thể tái phát theo những cách sau:
- Trong cùng một phần của cơ thể như ung thư nguyên phát, được gọi là tái phát tại chỗ
- Gần nơi ung thư nguyên phát, được gọi là tái phát tại vùng
- Ở một phần khác của cơ thể, được gọi là tái phát di căn xa
Ung thư tái phát được đặt tên cho vị trí ung thư nguyên phát bắt đầu, ngay cả khi nó tái phát ở một bộ phận khác của cơ thể. Ví dụ, nếu ung thư vú tái phát xa trong gan, nó vẫn được gọi là ung thư vú, không phải ung thư gan. Các bác sĩ gọi đó là ung thư vú di căn. Di căn có nghĩa là ung thư đã lan sang một bộ phận khác của cơ thể.
3. Nguyên nhân tái phát ung thư
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tái phát ung thư, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do việc điều trị ung thư nguyên phát không triệt để. Một số nguyên nhân khác bao gồm:
- Phẫu thuật cắt không sạch khối u
- Dùng các biện pháp hóa trị, xạ trị không triệt để
- Tác dụng của một số tác nhân gây bệnh khác: Phụ nữ cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị đã mang thai ngay, làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và khiến những tế bào còn sót lại phát triển thành ung thư.
4. Chẩn đoán ung thư tái phát
Sau khi điều trị ung thư nguyên phát, người bệnh sẽ nhận được một kế hoạch chăm sóc theo dõi. Kế hoạch này bao gồm một lịch trình thăm khám bác sĩ, kiểm tra thể chất cẩn thận và có thể làm các xét nghiệm khác. Những lần thăm khám và xét nghiệm này rất quan trọng để đảm bảo bạn khỏe mạnh cũng như theo dõi liệu ung thư có tái phát trở lại hay không.
Tùy thuộc vào loại ung thư, người bệnh có thể cần làm các xét nghiệm máu hoặc quét hình ảnh để chẩn đoán. Trong quá trình chẩn đoán, nên theo dõi cẩn thận các dấu hiệu hoăc triệu chứng tái phát cụ thể.
Nếu nghi ngờ ung thư tái phát, sẽ cần làm các xét nghiệm chẩn đoán khác để đưa ra kết luận chính xác, bao gồm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu hình ảnh hoặc sinh thiết.
5. Lựa chọn điều trị ung thư tái phát
Nếu xét nghiệm xác nhận rằng bị ung thư tái phát, các bác sĩ sẽ đưa ra những lựa chọn điều trị phù hợp. Bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố sau đây trước khi đưa ra lựa chọn điều trị:
- Loại ung thư, vị trí nó quay trở lại trong cơ thể, và kích thước của chúng
- Sức khỏe tổng thể của người bệnh
- Loại điều trị ung thư ban đầu và hiệu quả của phương pháp điều trị đó ra sao?
- Tác dụng phụ gặp phải với điều trị ban đầu?
- Đã bao lâu rồi kể từ khi kết thúc điều trị?
Thử nghiệm lâm sàng cũng là một lựa chọn tốt. Khi đưa ra quyết định lựa chọn một trong số các phương pháp điều trị, người bệnh cần phải xem xét những điều sau đây:
- Mục tiêu và lợi ích dự kiến của mỗi phương pháp điều trị
- Những rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra
- Các phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn như thế nào?
Trong quá trình điều trị, người bệnh nên sử dụng các liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ, giúp làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư. Khi xuất hiện bất cứ các triệu chứng hay dấu hiệu bất thường nào của cơ thể, bạn cần phải báo ngay với bác sĩ để được kiểm soát kịp thời.
6. Đối phó với ung thư tái phát
Cảm xúc khi được chẩn đoán mắc ung thư tái phát sẽ không khác biệt mấy như lần đầu tiên nghe tin mình mắc ung thư. Những cảm xúc phổ biến đó bao gồm sốc, lo lắng, hoài nghi, sợ hãi, đau buồn, giận dữ và mất kiểm soát. Tất cả những cảm giác này là phản ứng bình thường đối với trải nghiệm khó khăn này.
Để đối mặt với ung thư tái phát và có thể vượt qua bệnh tật, người bệnh nên chuẩn bị tốt những điều sau:
- Trau dồi kiến thức về ung thư, giúp giảm bớt một số nỗi sợ hãi và lo lắng liên quan đến những điều chưa biết
- Chuẩn bị “một tinh thần thép” trong mọi trường hợp
- Tìm hiểu kỹ lưỡng về các phương pháp điều trị ung thư và tác dụng phụ của chúng, cũng như các cách kiểm soát bệnh.
- Thực hiện các phương pháp giúp giảm căng thẳng như tập thể dục nhẹ nhàng, thiền, yoga hoặc dành thời gian với bạn bè
- Tìm đến liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ để cải thiện chất lượng cuộc sống, đối phó với bệnh tật
- Xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng phù hợp
- Kiểm soát triệu chứng ung thư và tác dụng phụ của điều trị
- Chia sẻ tình trạng của mình với gia đình, bạn bè và bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ.
Phòng khám Sức khỏe Tâm Lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Vinmec Times City có chức năng khám, tư vấn, kết hợp các liệu pháp tâm lý để điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Liệu pháp kết hợp giữa các trò chuyện hỗ trợ, học cách đối phó vấn đề, thư giãn, tăng kỹ năng tưởng tượng và lối sống lành mạnh, qua việc rèn luyện tính cộng đồng, tăng tập luyện thể chất, giảm các stress và cảm xúc tiêu cực mà bệnh nhân ung thư phải đối mặt.
Các liệu pháp tâm lý ngày càng được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh nhân ung thư và mang lại những chuyển biến tích cực không những về tâm lý mà còn về sức khỏe cơ thể của bệnh nhân, giúp cải thiện tình trạng ung thư tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.net