Mọi người cần bổ sung thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy hoạt động thể chất để giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, đặc biệt trong những lúc thời tiết thất thường.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân, chuyên khoa Nội cơ xương khớp và Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Vì sao mọi người cần phải tăng cường hệ miễn dịch?
Hệ miễn dịch đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp con người phòng ngừa các tác nhân gây hại từ môi trường hoặc tiêu diệt nếu các tác nhân đã xâm nhập vào cơ thể, từ đó đảm bảo rằng cơ thể luôn được bảo vệ một cách tốt nhất.
Để duy trì một hệ miễn dịch mạnh mẽ, có thể áp dụng những biện pháp sau:
Xây dựng lối sống lành mạnh
Uống đủ nước
Ăn chín và tránh thực phẩm chưa được nấu kỹ.
Đối với chế độ dinh dưỡng, mọi người cũng nên cố gắng tuân thủ các nguyên tắc sau:
Đảm bảo ăn đủ 3 bữa mỗi ngày và có thể bổ sung bằng các bữa phụ, đảm bảo cơ thể nhận đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết..
Cung cấp đầy đủ các loại dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn và trong ngày.
Đối với trẻ em dưới 24 tháng, cha mẹ cần tiếp tục cho con uống sữa mẹ kết hợp với bữa ăn bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tránh kiêng khem thực phẩm mà không có chỉ định của bác sĩ.
Đảm bảo uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, nhất là với trẻ em và người cao tuổi. Những người mắc bệnh nên bổ sung khoảng 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, ưu tiên nước ấm. Nên uống nước đều đặn thay vì chờ đến khi khát mới uống.
Tránh sử dụng đồ uống có cồn, các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều mỡ động vật, đường hoặc muối và thực phẩm đã để quá lâu.
Nên ăn thức ăn đã nấu chín và ăn ngay sau khi nấu. Nếu cần lưu trữ thực phẩm, mọi người hãy tách riêng thực phẩm chín và sống vào trong các hộp đựng và cho vào tủ lạnh.
2. Các nhóm thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch
Mọi người nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để duy trì sức khỏe và cung cấp đủ năng lượng, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Để duy trì sức khỏe tốt, nên bổ sung các loại thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch dưới đây:
2.1. Nhóm thực phẩm bổ sung protein
Protein tham gia vào phản ứng miễn dịch của cơ thể và là thành phần quan trọng trong cấu trúc của các tế bào. Khi thiếu protein, quá trình hình thành kháng thể sẽ bị ức chế, giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn và virus. Do đó, người bệnh cần bổ sung thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Các thực phẩm giàu protein có thể sử dụng để bổ sung chất như trứng, ức gà, phô mai, thịt bò nạc, tôm, đặc biệt là cá. Nên ăn cá hai lần một tuần như cá hồi, cá thu, cá hồi hoặc cá mòi (cá đóng hộp hoặc cá tươi).
Ngoài ra, cũng có thể bổ sung protein từ các nguồn thực phẩm động vật khác như hạnh nhân, yến mạch, bông cải xanh, diêm mạch, đậu lăng, bánh mì, đậu phộng, đậu đỏ, đậu lăng, đậu gà, đậu que, hạt bí ngô, hạt óc chó, hạt chia, măng tây, khoai lang, chuối, bắp, ổi, táo, bơ, nấm,...
2.2. Nhóm thực phẩm bổ sung omega-3
Axit béo omega-3 không được cơ thể tổng hợp tự nhiên, nhưng lại có vai trò quan trọng trong quá trình chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Trong các trường hợp bệnh tự miễn, omega-3 đóng vai trò quan trọng trong quá trình giúp cơ thể chống lại những căn bệnh này, đặc biệt là khi tăng cường miễn dịch cho trẻ em và người lớn.
Một số thực phẩm chứa nhiều omega - 3 như: cá và các loại hải sản như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích và cá mòi; các loại hạt như hạt lanh, hạt chia và quả óc chó, dầu thực vật: dầu hạt lanh, dầu đậu nành và dầu hạt cải...
2.3. Nhóm thực phẩm bổ sung vitamin A
Thiếu hụt vitamin A dẫn đến tình trạng giảm bài tiết của các tuyến ngoại tiết và làm suy giảm khả năng chống lại quá trình xâm nhập của vi khuẩn. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khi trẻ bổ sung đầy đủ vitamin A, sẽ giảm nguy cơ tử vong ở trẻ đến 23%. Vì vậy, trẻ em và người lớn nên cung cấp đủ vitamin A cho cơ thể để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Bạn có thể bổ sung vitamin A thông qua các thực phẩm giàu vitamin A như: gan, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa, các loại rau lá xanh, rau củ có màu vàng, cà chua, trái cây và một số loại dầu thực phẩm.
2.4. Nhóm thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong quá trình duy trì hàng rào biểu mô, hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh và kích thích hoạt động chống oxy hóa trong cơ thể, bảo vệ tế bào khỏi sự tác động của gốc tự do.
Loại vitamin này được tìm thấy trong nhiều loại tế bào, như tế bào bạch cầu trung tính, nơi vitamin C có khả năng tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch bằng cách thúc đẩy sản xuất các loại phản ứng oxy hóa, giúp loại bỏ vi khuẩn và các mầm bệnh. Vì vậy, thiếu hụt vitamin C làm suy giảm hệ miễn dịch và tăng cơ hội nhiễm trùng.
Để bổ sung vitamin C, mọi người nên thêm vào chế độ dinh dưỡng các loại thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch như rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, bưởi, đu đủ, quýt, cam, chanh, cà chua, rau chân vịt, súp lơ, quýt, ổi, đu đủ, táo, xoài, kiwi, nho, ớt, và nhiều loại thực phẩm khác.
2.5. Thực phẩm bổ sung vitamin D
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy phản ứng miễn dịch bằng cách tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch như đại thực bào và tế bào T, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh. Vitamin D cũng có tác dụng chống viêm, điều hòa miễn dịch và kích hoạt cơ chế phòng thủ của hệ miễn dịch.
Nguồn cung cấp chính của vitamin D là tổng hợp từ da dưới tác động của tia UVB từ mặt trời, chiếm khoảng 80-90%. Do đó, nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian 15-30 phút mỗi ngày, đặc biệt là vào buổi sáng trước 9 giờ và buổi chiều sau 16 giờ, đây là cách tốt nhất để bổ sung vitamin D.
10-20% còn lại có thể được cung cấp từ thực phẩm như sữa, lòng đỏ trứng, cá hồi, cá ngừ, sò, tôm, nấm, gan bò, ngũ cốc, bột yến mạch và sữa chua.
2.6. Thực phẩm bổ sung nhóm vitamin B
Tình trạng thiếu hụt vitamin nhóm B gây nhiều tác động tiêu cực lên cơ thể. Đặc biệt, thiếu hụt vitamin B6 làm chậm các chức năng miễn dịch bao gồm cả dịch thể và trung gian tế bào. Mọi người nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B qua sữa, cá hồi, cá ngừ, trứng, gan, thịt bò, cà rốt, đậu xanh,...
2.7. Nhóm thực phẩm chứa kẽm và sắt
Kẽm giúp quá trình làm lành vết thương diễn ra nhanh chóng, tăng cường hệ miễn dịch, duy trì chức năng vị giác và khứu giác. Trong khi đó, sắt là yếu tố cần thiết cho quá trình tổng hợp ADN cũng như quá trình phân chia tế bào. Sắt cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch thông qua trung gian tế bào hơn là miễn dịch dịch thể. Do đó, khi thiếu kẽm và sắt, tình trạng này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Mọi người có thể bổ sung một số loại thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch chứa nhiều sắt và kẽm như mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, cua đồng, thịt, cá, tôm, sò, sữa, hàu, hạt bí ngô, diêm mạch, thịt gà, bông cải xanh, đậu phụ, đậu phộng, đậu hà lan, ổi, bơ, rau diếp cá, các loại ngũ cốc, hạt mè, lòng đỏ trứng, socola đen,...
2.8. Nhóm thực phẩm chứa selen
Selen là một nguyên tố vi lượng tồn tại trong cơ thể, đóng vai trò then chốt trong men glutathione peroxidase. Men này ảnh hưởng đến mọi phần của hệ miễn dịch, bao gồm cả sự phát triển và hoạt động của bạch cầu. Khi cung cấp đủ lượng selen, điều này giúp cơ thể tăng cường khả năng chống nhiễm trùng.
Các thực phẩm giàu selen như hạnh nhân, hạt điều, hạt hướng dương, cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá mòi, tôm, trứng, thịt bò, thịt gà, rong biển, gạo lứt, rau bina, đậu trắng, đậu nành, vừng,... đều giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Do đó, hệ miễn dịch khỏe mạnh là yếu tố quan trọng cho sức khỏe tổng thể của cơ thể. Một chế độ dinh dưỡng cân đối đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất, cùng với quá trình duy trì hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp cơ thể giữ được sức khỏe tốt và có "vũ khí" phòng ngừa bệnh tật hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.