Việc tăng cường hệ miễn dịch có vai trò vô cùng thiết yếu đối với bệnh nhân đang điều trị ung thư. Khi hàng rào bảo vệ cơ thể được củng cố sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa đáng kể nguy cơ mắc nhiễm trùng và các bệnh lý nguy hiểm khác. Hơn nữa, khi hệ miễn dịch được cải thiện cũng giúp bệnh nhân “chiến đấu” tốt hơn với khối u ác tính.
1.Sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch
Để tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, bệnh nhân ung thư nên trao đổi với bác sĩ về loại thuốc có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc giúp nâng cao sức đề kháng. Trong trường hợp người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng cao, bác sĩ có thể kê đơn các yếu tố kích thích phát triển đơn dòng (CSFs). Phương pháp điều trị tăng cường miễn dịch cho bệnh nhân ung thư bằng CSF thường được sử dụng dưới dạng tiêm hoặc miếng dán trên da. Loại thuốc này không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển của các tế bào máu mà còn hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch cho bệnh nhân ung thư cũng có khả năng gây ra các tác dụng phụ tạm thời. Trong trường hợp hệ miễn dịch của người bệnh quá yếu ớt, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng kháng sinh dự phòng. Những loại thuốc này bao gồm thuốc kháng nấm, kháng vi rút hoặc kháng khuẩn. Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về mặt lợi ích và rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng những loại thuốc này.
2. Tiêm phòng cúm định kỳ hàng năm
Tiêm phòng cúm hàng năm có thể giúp bệnh nhân ung thư ngăn ngừa nguy cơ mắc cúm – một căn bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hệ miễn dịch của cơ thể. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về thời điểm tốt để tiêm phòng cúm trong năm. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư cần tránh sử dụng loại vắc – xin cúm dạng phun sương xịt mũi.
Ngoài ra, một số loại vắc – xin cũng có thể không an toàn cho những bệnh nhân đang bị suy giảm hệ miễn dịch. Vì vậy, bạn cũng cần trao đổi với bác sĩ để lựa chọn loại vắc – xin an toàn nhất.
3. Tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng
Một cách quan trọng khác giúp tăng cường hệ miễn dịch chống ung thư là xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu đối với cơ thể. Sở dĩ, dinh dưỡng kém có khả năng làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nặng khác. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyến nghị bệnh nhân ung thư nên ăn uống đầy đủ lượng calo cũng như các dưỡng chất khác để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Một trong những chất dinh dưỡng được đánh giá có khả năng nâng cao sức đề kháng rất hữu hiệu là vitamin C. Đây là một chất chống oxy hoá mạnh, giúp vô hiệu hoá các phân tử có hại gây tổn thương tế bào, hay còn được biết đến là các gốc tự do. Ngoài ra, vitamin C còn hỗ trợ kích thích sự phát triển của các tế bào bạch cầu và kháng thể giúp chống lại nhiễm trùng.
Cơ thể con người thường không thể tự tạo ra vitamin C, do đó bạn có thể nạp chúng từ những thực phẩm thường ngày. Một số loại thực phẩm giàu vitamin C mà bệnh nhân ung thư nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày, bao gồm cam, quýt, chanh, dâu tây, cà chua, ớt chuông,...
Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của bệnh nhân ung thư cũng nên bao gồm cả các thực phẩm khác giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, chẳng hạn như bông cải xanh, cải xoăn, súp lơ trắng, tỏi, cải Brussels, hành tây hoặc hành lá. Ngoài ra, protein cũng là một thành phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư. Cả protein thực vật và động vật đều có tác dụng xây dựng tế bào và sửa chữa các mô tổn thương, do đó chúng có vai trò tấn công và phòng thủ những “kẻ xâm lược” từ bên ngoài cơ thể.
Đa số bệnh nhân ung thư sau khi thực hiện các liệu pháp điều trị đều gặp phải những vấn đề về ăn uống và tiêu hoá, chẳng hạn như giảm cảm giác thèm ăn, chán ăn hoặc nôn mửa. Do đó, việc ăn uống cũng trở nên khó khăn hơn và dễ gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng có lợi cho tăng cường hệ miễn dịch. Để giảm thiểu những tình trạng này, bệnh nhân nên chọn các loại thức ăn mềm, dễ nuốt và đa dạng thực đơn. Nếu cần thiết, người bệnh có thể bổ sung dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch.
4.Thường xuyên rửa tay giúp bảo vệ và tăng cường miễn dịch
Vệ sinh tay sạch sẽ là điều quan trọng đối với bệnh nhân ung thư, nhất là khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Bạn có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh bằng cách rửa tay thường xuyên với nước ấm hoặc xà phòng, đặc biệt trong các tình huống sau:
- Trước khi ăn, chạm vào mặt hoặc hỉ mũi.
- Sau khi ở những nơi công cộng hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh.
- Sau khi đi vệ sinh, chạm tay vào rác hoặc xử lý các chất thải hay sản phẩm của động vật.
Bạn cũng có thể dùng chất khử trùng tay bằng cồn để làm sạch tay khi không có nước hoặc xà phòng. Điều quan trọng khác là nên tắm rửa thường xuyên và đánh răng mỗi ngày để ngăn ngừa các nguy cơ sức khoẻ khác.
5.Hạn chế tối đa tiếp xúc với những người mắc bệnh
Một trong những cách bảo vệ hệ miễn dịch cho bệnh nhân ung thư là cố gắng tránh tiếp xúc với những người đang bị cúm, sốt hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Nếu trong gia đình có người bị ốm, bệnh nhân ung thư cần:
- Tránh dành thời gian quá lâu ở chung phòng với họ.
- Không sử dụng chung các đồ dùng cá nhân với họ, ví dụ như khăn tắm hoặc gối.
- Rửa sạch bất kỳ đồ vật hoặc bề mặt nào mà họ đã chạm vào.
- Thường xuyên rửa tay với nước hoặc xà phòng.
Không những vậy, bạn cũng nên tránh ở nơi đông người. Một số người trong đám đông có khả năng bị nhiễm vi rút hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng khác.
6. Báo ngay cho bác sĩ khi xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng
Bệnh nhân ung thư cần để ý các dấu hiệu cũng như triệu chứng của nhiễm trùng và báo ngay cho bác sĩ để sớm có cách khắc phục, bao gồm:
- Ớn lạnh.
- Sốt.
- Nôn ói.
- Ho.
- Tiêu chảy.
- Viêm họng.
- Đỏ, sưng nóng hoặc đau tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
- Nghẹt mũi.
- Thay đổi tâm trạng.
Việc điều trị sớm tình trạng nhiễm trùng sẽ giúp cơ thể bệnh nhân ung thư phục hồi nhanh hơn, đồng thời giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng. Để ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ các cách tăng cường miễn dịch hiệu quả.
7. Quan tâm đến giấc ngủ mỗi ngày
Một giấc ngủ ngon cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư. Theo khuyến cáo của chuyên gia, người mắc ung thư nên đặt mục tiêu ngủ đủ 7 giờ mỗi đêm. Nếu cảm thấy khó ngủ, hãy thử áp dụng các cách sau:
- Đi ngủ và thức dậy vào khung giờ cố định trong ngày.
- Không đi ngủ khi quá no hoặc quá đói bụng.
- Nên tắm rửa hoặc viết nhật ký trước khi đi ngủ để tinh thần cảm thấy thoải mái.
- Ngủ hoặc nghỉ ngơi trong không gian tối, thoáng mát và tránh tiếng ồn.
8. Tập thể dục giúp tăng cường hệ miễn dịch chống ung thư
Tập thể dục được xem là chìa khóa cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đối với nhiều bệnh nhân ung thư, tập thể dục nhẹ nhàng là điều cần thiết, giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ để biết được tần suất cũng như loại hình thể dục nào phù hợp nhất với bản thân.
Tuy nhiên, bạn cần tránh tập thể dục khi có các tình trạng sau:
- Thiếu máu khi số lượng tế bào hồng cầu trong cơ thể thấp.
- Cực kỳ mệt mỏi.
- Mất điều hoà vận động hoặc phối hợp cơ kém.
- Số lượng tế bào bạch cầu thấp.
9. Quản lý sự căng thẳng
Căng thẳng hàng ngày là một tình trạng xảy ra phổ biến ở bệnh nhân ung thư và có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe hệ miễn dịch. Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hoá chất tác động tiêu cực đến hệ tiêu hoá, hệ miễn dịch và các cơ quan khác. Để kiểm soát căng thẳng, bệnh nhân ung thư nên lựa chọn lối sống lành mạnh để tăng khả năng phòng vệ của cơ thể trước bệnh tật. Dưới đây là một số cách giúp bạn làm giảm căng thẳng rất hiệu quả:
- Ngủ đủ giấc.
- Tập thiền định.
- Mát xa.
- Thở sâu.
- Tập yoga.
- Nghe nhạc.
- Đọc sách.
- Trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Trên đây là những cách giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người bị ung thư, bệnh nhân và người nhà có thể tham khảo để áp dụng nhằm giúp người bệnh có được thể trạng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.