Gãy xương, dấu hiệu gãy xương và cách điều trị

Gãy xương là một chấn thương nghiêm trọng cần được chú ý. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị gãy xương, nhưng việc lựa chọn phương pháp phù hợp sẽ phụ thuộc vào mức độ, tính chất của vết gãy, tuổi tác và tình trạng của bệnh nhân. Vì thế, nhận biết các dấu hiệu bị gãy xương và xử lý kịp thời là điều rất quan trọng.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Phân loại gãy xương

Gãy xương có thể gây tổn thương đến da, gân, cơ, dây chằng, mạch máu và thậm chí cả dây thần kinh.

  • Gãy xương hở: Đây là loại gãy xương kèm theo vết thương ngoài da tại hoặc gần vị trí gãy. Có hai cơ chế chính: gãy hở từ ngoài vào (thường do chấn thương trực tiếp) và gãy hở từ trong ra (thường do chấn thương gián tiếp, khi đầu xương gãy chọc thủng da), với nguy cơ nhiễm trùng cao.
  • Gãy xương kín: Đây là loại gãy xương không kèm theo vết thương ngoài da. Xương gãy thường xảy ra tại vị trí chấn thương (do chấn thương trực tiếp), với các đường gãy có thể là gãy ngang, gãy chéo, gãy xoắn hoặc gãy vụn thành nhiều mảnh. Phần mềm xung quanh thường ít bị tổn thương hơn so với gãy xương hở.

Đường gãy:

  • Gãy nguyên tại vị trí: Xương gãy nhưng vẫn nằm ở vị trí cũ, hầu như không bị lệch khỏi vị trí ban đầu (gãy xương không di lệch).
  • Gãy xiên: Xương gãy theo một góc nghiêng so với trục thẳng của xương.
  • Gãy vụn (gãy nhiều mảnh): Xương gãy thành nhiều mảnh nhỏ.
  • Gãy ngang: Đường gãy gần như vuông góc với trục dọc của xương.
  • Gãy 3 đoạn.
Dấu hiệu bị gãy xương biểu hiện ở gân, cơ dây chằng, mạch máu và thậm chí dây thần kinh bị tổn thương.
Dấu hiệu bị gãy xương biểu hiện ở gân, cơ dây chằng, mạch máu và thậm chí dây thần kinh bị tổn thương.

2. Nhận biết dấu hiệu bị gãy xương

Cần chủ động theo dõi các dấu hiệu bị gãy xương sau để kịp thời nhận biết và điều trị:

  • Chú ý âm thanh “rắc” hoặc “tách” sau va chạm: Nếu sau khi ngã hoặc va chạm, người bị chấn thương nghe thấy âm thanh bất thường từ tay hoặc chân, có khả năng xương đã gãy.
  • Cảm giác đau đột ngột và dữ dội: Sau đó, có thể kèm theo cảm giác tê buốt do vị trí gãy xương không nhận đủ máu. Các cơ phải cố gắng để cố định xương gãy, dẫn đến hiện tượng co rút có thể xảy ra.
  • Quan sát vết bầm tím: Ban đầu, vết bầm thường có màu tím hoặc xanh dương, sau vài ngày sẽ chuyển sang màu xanh lá cây và vàng khi máu bắt đầu lưu thông lại. Vết bầm có thể xuất hiện ngay tại vị trí gãy hoặc cách xa một chút, do máu từ các mạch máu bị vỡ di chuyển đến.
  • Chảy máu ra người là dấu hiệu bị gãy xương hở, làm lộ xương, chồi ra khỏi da. Điều này có thể dẫn đến tụt huyết áp đột ngột, gây sốc cho nạn nhân với các triệu chứng như choáng váng, lơ mơ, buồn nôn, chân tay lạnh, vã mồ hôi, mạch nhanh và nhỏ.
  • Kiểm tra dấu hiệu biến dạng ở chi: Tùy theo mức độ xương bị gãy, tay hoặc chân có thể bị biến dạng, chẳng hạn như cổ tay bị cong một góc bất thường hoặc chi có độ cong không tự nhiên ở vị trí không có khớp xương. Đặc biệt trong trường hợp gãy xương kín, cấu trúc xương bên trong chi sẽ thay đổi. Nếu là gãy xương hở, xương có thể chồi ra ngoài tại vị trí bị chấn thương.
  • Giảm phạm vi cử động hoặc cử động bất thường: Xương bị gãy thường dẫn đến mất vận động của chi, nhưng trong trường hợp gãy cài, cử động vẫn có thể thực hiện nhưng bị giảm. Nếu xương gãy gần khớp, việc phân biệt giữa dấu hiệu bị gãy xương và trật khớp có thể gặp khó khăn. Cử động bất thường có thể xảy ra khi xương gãy tại các vị trí như xương cánh tay hoặc xương đùi, đôi khi cả hai xương cẳng tay hoặc cẳng chân bị gãy. (Tuy nhiên, không nên cố gắng tạo ra cử động để kiểm tra dấu hiệu bị gãy xương này).
  • Cần kiểm tra các tổn thương kèm theo: Bao gồm tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh và tình trạng chèn ép khoang.

3. Các đối tượng dễ bị gãy xương

Các đối tượng dưới đây dễ bị loãng xương:

  • Người lớn tuổi.
  • Người mắc bệnh loãng xương.
  • Người mắc các bệnh về rối loạn nội tiết hoặc đường ruột.
  • Người đang sử dụng corticosteroid.
  • Người ít vận động.
  • Lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá.
Người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị gãy xương.
Người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị gãy xương.

4. Các phương pháp điều trị

Mục tiêu của điều trị gãy xương là khôi phục hình thái giải phẫu của xương, qua đó phục hồi hoàn toàn chức năng của xương bị gãy.

Khi có dấu hiệu bị gãy xương, khu vực tổn thương sẽ trải qua quá trình liền xương qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn viêm: Khi xương bị gãy, máu từ trong xương và các tổn thương phần mềm xung quanh sẽ tạo thành khối máu tụ tại vị trí gãy, chèn ép các mạch máu xung quanh và gây phản ứng viêm tại chỗ.
  • Giai đoạn sửa chữa: Khối máu tụ dần được tổ chức hóa thành mạng lưới sợi fibrin, các tế bào bắt đầu tạo ra collagen, xương và sụn. Quá trình này bao gồm cả việc xây đắp do các tạo cốt bào thực hiện và phá hủy xương cũ bởi các hủy cốt bào, diễn ra song song cho đến khi ổ gãy trở lại trạng thái sinh lý ban đầu.
  • Giai đoạn tái tạo: Kéo dài nhiều năm, phụ thuộc vào đường gãy xương. Trong các trường hợp gãy xương đơn giản, chỉ cần nắn chỉnh và giữ xương trong tình trạng bất động để tránh di lệch xương ở cả hai khớp trên và dưới ổ gãy. Tuy nhiên, nếu gãy xương cần bó bột, thời gian kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các khớp, đặc biệt là nếu hai đầu xương gãy không được cố định tốt, quá trình liền xương sẽ kéo dài hơn.
Nếu phát hiện dấu hiệu bị gãy xương cần được bó bột để cố định vết thương ngay.
Nếu phát hiện dấu hiệu bị gãy xương cần được bó bột để cố định vết thương ngay.

Trong các trường hợp phức tạp, khó nắn chỉnh hoặc ổ gãy có nhiều mảnh xương vụn, phẫu thuật gãy xương mới được cân nhắc.

Ngoài các phương pháp điều trị gãy xương phổ biến như nắn xương, bó bột, kéo liên tục, điều trị cơ năng và áp dụng y học dân tộc, phẫu thuật gãy xương cũng là một lựa chọn. Tuy nhiên, phẫu thuật có nhược điểm là xương liền chậm hơn và có nguy cơ gây nhiễm khuẩn. Vì vậy, phòng phẫu thuật xương cần được trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại, đảm bảo điều kiện chống nhiễm khuẩn tốt để giảm thiểu các tai biến và biến chứng có thể xảy ra.

Hiện nay, phẫu thuật điều trị gãy xương bằng nẹp vít, đinh, đinh nội tủy và đinh nội tủy có chốt được áp dụng phổ biến nhờ những ưu điểm vượt trội như khả năng nắn chỉnh tốt (phục hồi giải phẫu), cố định vững chắc và cho phép vận động sớm (phục hồi chức năng). Tuy nhiên, sau 1-2 năm, khi xương đã liền cần phải mổ để tháo dụng cụ kết xương.

Gãy xương đòi hỏi quá trình điều trị tích cực, hợp lý và theo đúng lộ trình. Thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong điều trị và phục hồi có thể dẫn đến các biến chứng, di chứng không mong muốn, làm suy giảm khả năng vận động, lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe