Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Gãy xương là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong xương gây ra tổn thương và làm gián đoạn quá trình truyền lực qua xương hay chính là sự mất liên tục và hoàn chính của xương. Gãy xương có thể do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó gãy xương bệnh lý có thể xảy ra do những nguyên nhân tiềm ẩn khác nhau.
1. Gãy xương bệnh lý là gì?
Gãy xương bệnh lý là tình trạng một xương bị gãy tại vị trí mà vốn đã bị yếu từ trước đó do tình trạng bệnh tật nên dễ gãy hơn thông thường. Các nguyên nhân làm suy yếu xương có thể là loãng xương, khối u, nhiễm trùng hoặc các rối loạn di truyền và các bệnh lý khác.
Cơ chế của gãy xương bệnh lý: một trường hợp bị gãy xương thông thường là do va chạm tác động đột ngột gặp trong thể thao, tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông. Tuy nhiên gãy xương bệnh lý lại có thể xảy ra trong một hoạt động bình thường hàng ngày như đánh răng, tắm hoặc đi bộ do các xương thực hiện vận động đã rất yếu và dễ gãy.
2. Triệu chứng của gãy xương bệnh lý
Gãy xương bệnh lý khó phát hiện hơn các gãy xương thông thường vì tiền sử bệnh nhân sẽ không có các chấn thương nặng hoặc các tình huống va chạm có thể dẫn tới gãy xương. Tuy nhiên dù là bất cứ gãy xương nào thì cũng sẽ có 3 dấu hiệu chắc chắn gãy xương gồm:
- Biến dạng chi: chiều dài xương vùng gãy ngắn hơn so với chiều dài xương bên lành hoặc xương bị lệch trục
- Cử động bất thường: vùng xương gãy bị hạn chế vận động hoặc có các cử động sai lệch
- Tiếng lạo xạo xương: cảm nhận bằng các ngón tay của người khác khi ấn vào vùng xương gãy, tuy nhiên thực tế không nên chủ động tìm dấu hiệu này vì có thể gây đau đớn hoặc tổn thương thêm phần mềm xung quanh ổ gãy
Ngoài ra còn có các dấu hiệu không chắc chắn gãy xương nhưng có thể dùng để định hướng tổn thương khi tiếp xúc với bệnh nhân gồm:
- Đau: tình trạng đau nhói tại nơi gãy nhưng thường không đặc hiệu vì có thể gặp ở các bệnh lý khác
- Hạn chế hoặc mất vận động vùng xương gãy
- Sưng, vết bầm tím có thể kèm các nốt phồng thanh huyết
3. Xác định nguyên nhân tiềm ẩn gây gãy xương bệnh lý như thế nào?
Có thể thực hiện một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân tiềm ẩn gây gãy xương bệnh lý gồm có:
- Xét nghiệm công thức máu, mức canxi để xác định tình trạng suy tủy xương hoặc loãng xương trên bệnh nhân
- Chẩn đoán hình ảnh: có thể thấy hình ảnh ổ gãy do gãy xương bệnh lý khi đường gãy xảy ra trên một kén xương, trên một vùng tiêu xương do u ác tính hoặc một u tế bào khổng lồ, một cốt tủy viêm,...
- Sinh thiết xương: xét nghiệm hỗ trợ hữu ích khi nghi ngờ nguyên nhân gãy xương bệnh lý do khối u hoặc nhiễm trùng
4. Điều trị gãy xương bệnh lý như thế nào?
Điều trị tại chỗ một gãy xương bệnh lý cũng tương tự như gãy xương thông thường, tùy theo tính chất gãy xương việc điều trị có thể sử dụng các phương tiện như:
- Mang nẹp cố định chi gãy
- Băng bột giúp nâng đỡ và cố định xương gãy
- Kéo liên tục xương gãy nhằm giữ xương thẳng trục và không bị co rút thường sử dụng cho gãy xương đùi ở trẻ nhỏ
- Phẫu thuật nắn xương và cố định ngoài
- Phẫu thuật kết hợp xương bên trong bằng các phương tiện như đinh nội tủy hoặc nẹp vít
- Điều trị hỗ trợ giảm đau
Tuy nhiên đối với một gãy xương bệnh lý thì cần phải xem xét điều trị các nguyên nhân bệnh lý gây ra sự suy yếu dẫn tới gãy của xương để ngăn ngừa tình trạng gãy xương trở lại hoặc tình trạng giảm khả năng hồi phục của xương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.