Gãy xương thuyền thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là ngã chống tay xuống đất. Ban đầu, tình trạng này thường không thể nhận diện trên phim X-quang. Do đó, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Những vấn đề có thể xảy ra đối với gãy xương thuyền
Xương thuyền là 1 trong 8 xương cổ tay. Các xương cổ tay được sắp xếp thành 2 hàng. Xương thuyền đóng vai trò liên kết giữa 2 hàng xương cổ tay nên vô cùng quan trọng đối với chức năng bình thường và biên độ dao động của khớp.
Gãy xương thuyền cổ tay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chấn thương khi chơi thể thao và tai nạn giao thông. Nguyên nhân phổ biến nhất là do một người ngã và chống tay xuống đất.
Ban đầu, bệnh nhân thường xem nhẹ tình trạng này. Khi triệu chứng đau và sưng giảm bớt, bệnh nhân thường nghĩ rằng bản thân chỉ bị bong gân cổ tay. Do đó, quá trình chẩn đoán gãy xương thuyền thường chậm trễ từ vài tuần đến vài tháng.
- Xương là một cấu trúc sống cần được cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ để duy trì chức năng bình thường. Khi nguồn máu tới xương thuyền giảm, xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy. Xương thuyền ban đầu đã có nguồn cung cấp máu kém. Nếu xương thuyền bị gãy và gây suy giảm nguồn cung cấp máu, tình trạng này sẽ khiến xương thuyền có nguy cơ không liền xương.
- Một phần xương thuyền bị gãy có thể bị hoại tử vô mạch. Nếu quá trình lành vết gãy xương thuyền không diễn ra như bình thường sẽ có thể dẫn đến một dạng viêm khớp, gây đau và hạn chế biên độ cử động của cổ tay. Tình trạng xương thuyền bị giảm chức năng do hoại tử được gọi là gãy xương thuyền tiến triển do xương không liền.
2. Chẩn đoán gãy xương thuyền.
Nếu nghi ngờ bản thân gãy xương thuyền sau khi bị ngã theo cơ chế chống tay xuống hoặc xuất hiện tình trạng sưng nề nhiều ở vùng cổ bàn tay, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán kịp thời.
Tình trạng gãy xương thuyền sẽ được bác sĩ chẩn đoán thông qua việc hỏi bệnh sử, khám thực thể và chụp X-quang cổ bàn tay. Trong một số trường hợp, phim X-quang chụp ngay sau chấn thương có thể không rõ ràng, quá trình chẩn đoán có khả năng bị chậm trễ từ 2 đến 3 tuần cho đến khi chỗ gãy hiện rõ trên X-quang.
Chụp CT và MRI cũng có khả năng đánh giá chi tiết các khía cạnh khác nhau của gãy xương thuyền. Do đó, người bệnh nên thực hiện chẩn đoán và điều trị sớm để đạt được kết quả tốt nhất.
Một số triệu chứng thường gặp của gãy xương thuyền bao gồm: đau, sưng, ấn đau vùng cổ tay. Do không có biến dạng rõ ràng, tình trạng này dễ bị nhầm lẫn với bong gân cổ tay. Vì vậy, bác sĩ cần hỏi bệnh sử chi tiết về cơ chế chấn thương và tiến hành khám lâm sàng kỹ lưỡng để chẩn đoán chính xác.
3. Các phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng gãy xương thông qua phim X-quang, tình trạng tổng thể, mức độ hoạt động và yêu cầu cụ thể của bệnh nhân.
Những bệnh nhân bị gãy xương thuyền không di lệch có thể điều trị mà không cần phẫu thuật. Phương pháp điều trị bao gồm bất động bằng bó bột ở ngón cái và cổ tay trong khoảng 2 đến 3 tháng cho đến khi xương lành.
Sau đó, bệnh nhân sẽ được chụp X-quang định kỳ để đánh giá tiến trình lành xương. Khoảng 90% các trường hợp được điều trị theo phương pháp này sẽ lành. Quá trình bó bột cũng giúp cải thiện biên độ cử động và chức năng của khớp sau khi tháo bột.
Cũng có trường hợp dù đã được điều trị nhưng bệnh nhân vẫn cần khoảng một năm để khôi phục hoàn toàn chức năng và biên độ cử động của khớp. Đôi khi, bệnh nhân có thể không lấy lại được chức năng và biên độ cử động khớp như bình thường sau khi điều trị.
Trong một số trường hợp cụ thể, khi các bệnh nhân bị gãy xương thuyền không di lệch, phẫu thuật vẫn được thực hiện để giảm thiểu thời gian bó bột. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận này vẫn còn gây tranh cãi.
Đối với những bệnh nhân bị gãy xương thuyền di lệch, quyết định có nên phẫu thuật hay không sẽ được các bác sĩ sẽ tư vấn dựa trên tình trạng và mức độ hoạt động của bệnh nhân. Mục đích của phẫu thuật là ổn định vị trí gãy và thúc đẩy quá trình lành xương bằng cách kết hợp các mảnh xương
Thực tế, phẫu thuật không làm xương gãy lành mà chỉ cố định xương gãy để cho xương tự lành. Quá trình này có thể mất vài tháng và đòi hỏi quá trình kiên nhẫn từ bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và nâng tay ngang với tim trong vài ngày đầu sau phẫu thuật.
Bác sĩ khuyến khích bệnh nhân thực hiện các động tác nhẹ nhàng cho tay để tránh tình trạng cứng ngón. Bệnh nhân sẽ được đeo nẹp bảo vệ cổ tay và ngón tay để ổn định và bảo vệ vị trí xương gãy.
Trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân nên tránh cầm vật nặng. Triệu chứng đau và sưng cứng của khớp cổ tay sẽ dần giảm. Thông thường, các khớp cổ tay của bệnh nhân sẽ hồi phục và có thể hoạt động bình thường trong khoảng từ 4 đến 6 tháng sau khi phẫu thuật điều trị gãy xương thuyền.
Bên cạnh đó, thời gian hồi phục thường khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương và sức chịu đựng của từng bệnh nhân đối với cảm giác đau.
Phương pháp phẫu thuật kết hợp xương trên màn hình tăng sáng bằng vít Herbert (néo ép) tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một giải pháp hiệu quả cho người bị gãy xương, bao gồm xương cánh tay. Đây là một kỹ thuật tiên tiến mới được áp dụng tại Việt Nam trong những năm gần đây và không phải tất cả các cơ sở y tế đều có khả năng thực hiện.
Phương pháp này có nhiều lợi ích như:
- Ít tổn hại cho phần mềm xung quanh.
- Giảm thời gian phẫu thuật.
- Quan sát chi tiết, rõ ràng về phần gãy.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Giảm đau sau phẫu thuật.
- Tăng tốc quá trình phục hồi.
- Rút ngắn thời gian nằm viện.
Bệnh viện sử dụng các loại đinh và nẹp khóa tiêu chuẩn để mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cố định xương chắc chắn theo trục giải phẫu, giảm nguy cơ gãy nẹp và giảm các nguy cơ khớp giả…
4. Bị gãy xương thuyền cổ tay bao lâu thì lành?
Thông thường, bệnh nhân gãy xương thuyền không di lệch có thể mất 2 đến 3 tháng để lành xương sau khi bó bột. Một số trường hợp khác cần nhiều thời gian hồi phục hơn.
Chính vì thế, để biết gãy xương thuyền cổ tay bao lâu thì lành, người bệnh cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Điều này giúp theo dõi quá trình lành xương, từ đó phát hiện kịp thời các vấn đề xấu hay biến chứng nguy hiểm và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.
Tóm lại, tình trạng gãy xương thuyền cần được quan tâm kỹ lưỡng, tránh bỏ sót các tổn thương, cần can thiệp phù hợp và kịp thời để ngăn ngừa tình trạng khớp giả và viêm khớp gây hạn chế vận động cổ tay.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.