Du lịch khi mắc hội chứng ruột kích thích không phải là một nỗi lo quá lớn nếu người bệnh chuẩn bị đầy đủ để đối phó với nó trên hành trình. Vì thế, bệnh nhân nên có một cái nhìn khái quát về hành trình mà mình sắp trải qua. Từ đó, người bệnh có thể đối phó được tốt hơn và có một chuyến du lịch thoải mái hơn dù đang phải trải qua tình trạng khó chịu này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Du lịch khi mắc hội chứng ruột kích thích
Nhiều người nghĩ về những chuyến du lịch đầy thú vị nhưng nếu mắc phải hội chứng ruột kích thích (IBS), việc này có thể trở nên khá khó khăn.
Người bệnh thường phải lo lắng về các triệu chứng như đầy hơi, co thắt dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy. Điều này có thể gây cản trở cho người bệnh ngay cả khi ở nhà và càng khó khăn hơn khi đến những địa điểm xa lạ. Hơn nữa, bất kỳ sự thay đổi nào trong thói quen cũng có thể khiến cho các triệu chứng trở nên nặng hơn.
Tuy nhiên, người mắc hội chứng ruột kích thích không cần phải từ bỏ hoàn toàn các chuyến du lịch mà họ ao ước. Với sự chuẩn bị và quyết tâm, người bệnh có thể khám phá những địa điểm mới mà vẫn kiểm soát được tình trạng bệnh của mình. Chuyến đi có thể không chỉ mang lại sự thư giãn mà còn có thể có tác dụng chữa lành. Dưới đây là một số gợi ý khác về cách du lịch khi mắc hội chứng ruột kích thích mà người bệnh cần biết.
2. Chuẩn bị trước cho chuyến du lịch
Hãy chọn một điểm đến mà yêu thích, đặc biệt là nơi yên tĩnh và thư giãn. Trước khi đi, hãy xem hướng dẫn du lịch cho những nơi muốn đến. Đây là một biện pháp thông minh, không chỉ dành riêng cho những ai mắc hội chứng ruột kích thích mà cũng hữu ích cho tất cả mọi người.
Hãy đặt ra nhiều câu hỏi: Ai, cái gì, khi nào, ở đâu và làm thế nào để có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng. Hãy thoải mái về mặt thời gian, tránh vội vã để có cơ hội đánh giá tình hình, đặc biệt là người bệnh đi du lịch khi bị hội chứng ruột kích thích (IBS).
Hãy tìm hiểu về tình hình vệ sinh tại điểm đến và trong quá trình di chuyển. Điều này giúp người bệnh dễ dàng lên kế hoạch cho việc đi vệ sinh trong suốt hành trình. Một số người có thể muốn chọn chỗ ngồi gần lối đi hoặc gần nhà vệ sinh khi đi máy bay. Trong khi đó, nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi tự lái xe đến các địa điểm du lịch vì có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Nếu tự lái hoặc đi đến những nơi chưa quen thuộc, việc biết vị trí của các nhà vệ sinh gần nhất sẽ rất hữu ích.
3. Những điều cần chú ý trong chuyến đi
Để chuẩn bị cho việc đi du lịch khi mắc hội chứng ruột kích thích, người bệnh nên sử dụng thuốc theo khuyến nghị của bác sĩ. Trong các chuyến đi dài, người mắc bệnh thường phải đối mặt với vấn đề tiêu chảy. Vì vậy nếu bệnh nhân tin rằng mình không thể chịu đựng được, nên dùng các loại thuốc chống tiêu chảy như Imodium hoặc Lomotil trước khi bắt đầu hành trình. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng một số người có thể gặp phải tình trạng táo bón khi sử dụng các loại thuốc này.
Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích nên chú ý đến các triệu chứng của bản thân và mang theo các loại thuốc cũng như thực phẩm bổ sung chất xơ. Ví dụ, một số người có thể trải qua cảm giác đầy hơi khi thay đổi độ cao. Vì thế, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn phương pháp phù hợp nhất cho chính mình.
Bên cạnh đó, người bệnh nên duy trì bữa ăn đều đặn nhất có thể cùng một lượng thức ăn và số lần ăn trong một ngày. Nhiều người bệnh phải chịu đựng các tình trạng khó chịu vì không ăn uống đủ, ăn quá nhanh hoặc ăn những thực phẩm không phù hợp với cơ thể của mình.
Mang theo các loại đồ ăn nhẹ, lành mạnh mà bệnh nhân có thể tiêu thụ được, như các loại hạt, bánh quy, hỗn hợp ngũ cốc, snack hoặc sữa chua. Đây là những lựa chọn tốt hơn so với việc mua đồ ăn từ máy bán hàng tự động hoặc ở các điểm dừng chân trên đường.
Bệnh nhân cũng cần xem xét kỹ lựa chọn thực phẩm và thức uống. Để duy trì cân bằng nước, hãy chọn nước đóng chai thay vì đồ uống có gas. Tốt hơn hết, người bệnh nên mua thức ăn và thức uống từ nhà hoặc cửa hàng tạp hóa thay vì các quầy bán hàng nhỏ, đồng thời nên ăn những thực phẩm mà bản thân cảm thấy thoải mái. Trong đó, trà hoa cúc là một loại trà thuốc thảo mộc có tác dụng chống co thắt dạ dày cũng được các bác sĩ khuyên dùng.
Nếu người bệnh đi du lịch khi mắc hội chứng ruột kích thích, vấn đề tiêu chảy cần được đặt lên hàng đầu. Để giảm triệu chứng, người bệnh có thể thử sử dụng pectin trái cây. Pectin trái cây thường được sử dụng để làm thạch nhưng có tác dụng tuyệt vời trong việc chống lại táo bón và tiêu chảy. Bột yến mạch cũng có thể làm được điều tương tự. Cả hai loại thực phẩm này đều có các dạng túi nhỏ, từ đó dễ dàng mang theo khi đi du lịch.
Trong khi di chuyển, điều quan trọng là bệnh nhân phải chú ý đến nhu cầu cá nhân của mình và cố gắng thực hiện các biện pháp phòng tránh tùy theo tình trạng của mỗi người. Hãy nhớ rằng, dù có bất kỳ căn bệnh nào, việc đi du lịch đều đòi hỏi một chút nỗ lực. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể thực hiện một chuyến đi du lịch đầy niềm vui cũng như sự thoải mái. Đừng quên nói chuyện trước với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp trước khi bắt đầu hành trình của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.