Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Với rất nhiều triệu chứng trầm trọng hơn mà cũng có thể không thể đoán trước, nhiều người tự hỏi liệu việc điều chỉnh lối sống như nhịn ăn có thể giúp kiểm soát hội chứng ruột kích thích không?
1. Tổng quan về hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là hiện tượng ruột của người bệnh bị rối loạn chức năng và tái phát nhiều lần, đi khám và làm các xét nghiệm đều không tìm thấy các tổn thương và xác định được nguyên nhân gây bệnh. Ở Việt Nam, hội chứng ruột kích thích còn được biết đến với tên gọi viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng hoặc viêm đại tràng mãn tính. Theo ước tính, chung sống với hội chứng ruột kích thích (IBS) là cách sống của 12% người Mỹ.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được biết rõ, nhưng những người đối phó với chứng rối loạn tiêu hóa (đường tiêu hóa) này đều biết rõ các triệu chứng khó chịu ở bụng, đau bụng từng cơn, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng và đầy hơi.
Với rất nhiều triệu chứng trầm trọng hơn mà cũng có thể không thể đoán trước, nhiều người tự hỏi liệu việc điều chỉnh lối sống như nhịn ăn có thể giúp kiểm soát hội chứng ruột kích thích không?
2. Nhịn ăn có giúp điều trị hội chứng ruột kích thích không?
Một thay đổi lối sống đôi khi được đưa ra khi thảo luận về hội chứng ruột kích thích là nhịn ăn. Hai hình thức nhịn ăn liên quan đến hội chứng ruột kích thích là nhịn ăn gián đoạn và nhịn ăn dài hạn.
Với nhịn ăn gián đoạn, người bệnh xen kẽ giữa các giai đoạn ăn và giai đoạn không ăn. Nhịn ăn dài hạn bao gồm việc hạn chế thức ăn và có thể là chất lỏng trong một thời gian dài (tức là từ 24 đến 72 giờ).
Theo Ryan Warren, RD, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện NewYork-Presbyterian và Weill Cornell Medicine, lợi ích hoặc thiếu hụt của việc nhịn ăn hội chứng ruột kích thích phụ thuộc rất nhiều vào loại hội chứng ruột kích thích cũng như nguyên nhân hội chứng ruột kích thích.
Nghiên cứu về việc nhịn ăn như một cách để quản lý hội chứng ruột kích thích là rất ít. Cần có những nghiên cứu mới hơn để thực sự biết liệu việc nhịn ăn có ảnh hưởng tích cực đến hội chứng ruột kích thích hay không?
3. Phức hợp vận động di chuyển liên quan như thế nào đến việc nhịn ăn với hội chứng ruột kích thích?
Phức hợp vận động di chuyển (MMC) là một mô hình hoạt động điện cơ riêng biệt được quan sát thấy ở cơ trơn đường tiêu hóa trong thời gian giữa các bữa ăn, giống như thời gian nhịn ăn.
Warren nói rằng, hãy nghĩ về nó như ba giai đoạn của “làn sóng làm sạch” tự nhiên trong đường tiêu hóa trên xảy ra cứ sau 90 phút giữa các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ.
Một số người cho rằng lý thuyết này góp phần vào tác động tích cực của việc nhịn ăn với hội chứng ruột kích thích. Nhưng trong khi có rất nhiều nghiên cứu về bản thân phức hợp vận động di chuyển, có rất ít hoặc không có bằng chứng khoa học chứng minh vai trò của nó trong việc giảm thiểu các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
4. Tại sao nhịn ăn có thể cải thiện hội chứng ruột kích thích?
Nếu các triệu chứng của người bệnh xảy ra như một phản ứng với việc ăn uống - chẳng hạn như đầy hơi, chướng bụng hoặc tiêu chảy sau khi ăn - Warren nói rằng thời gian nhịn ăn dài hơn (hoặc khoảng cách bữa ăn có cấu trúc) có thể hữu ích trong việc kiểm soát các loại triệu chứng này.
Đó là bởi vì mô hình nhịn ăn có thể giúp thúc đẩy cơ chế phức hợp vận động di chuyển, có thể cải thiện các triệu chứng hội chứng ruột kích thích nhất định, đặc biệt khi sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột là nguyên nhân được nghi ngờ hoặc xác nhận.
Warren giải thích: “Các nghiên cứu cho thấy chức năng phức hợp vận động di chuyển dưới mức tối ưu có liên quan đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột non (SIBO), thường có thể là nguyên nhân gốc rễ của hội chứng ruột kích thích.
Khả năng vận động tối ưu này rất quan trọng vì nó giúp giảm sự xuất hiện của SIBO và quá trình lên men dư thừa của thức ăn có thể gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích.
Ngoài ra, Warren nói rằng nhịn ăn có thể liên quan đến những thay đổi thuận lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột.
5. Tại sao nhịn ăn có thể không giúp ích cho hội chứng ruột kích thích?
Theo Warren, nhịn ăn có thể không giúp ích cho hội chứng ruột kích thích trong những trường hợp nhịn ăn kéo dài dẫn đến việc tiêu thụ nhiều phần thức ăn hơn vào cuối thời kỳ nhịn ăn.
Warren nói rằng, khi cô làm việc với những bệnh nhân có biểu hiện quá mẫn cảm với đường ruột, cảm giác đói hoặc thiếu ăn có thể là nguyên nhân gây ra. Các triệu chứng hội chứng ruột kích thích nhất định có thể xảy ra do dạ dày trống rỗng ở những người này. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau đớn;
- Co cứng bụng;
- Buồn nôn;
- Bụng cồn cào;
- Trào ngược axit.
6. Các cách khác nhau để điều trị hội chứng ruột kích thích là gì?
Vì các nghiên cứu và bằng chứng khoa học về việc nhịn ăn rất hiếm, nên điều quan trọng là phải xem xét các cách khác để điều trị hội chứng ruột kích thích. Một số phương pháp bao gồm:
6.1 Điều chỉnh chế độ ăn uống
Một trong những điều đầu tiên để bắt đầu điều trị hội chứng ruột kích thích là chế độ ăn uống. Tránh thực phẩm kích hoạt là chìa khóa để kiểm soát các triệu chứng.
Ăn nhiều bữa nhỏ hơn vào những thời điểm bình thường cũng là một gợi ý phổ biến, điều này trái ngược với ý tưởng nhịn ăn. Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên tăng lượng chất xơ và tăng cường chất lỏng.
6.2 Hoạt động thể chất
Tham gia tập thể dục thường xuyên và các hoạt động thể chất có thể giúp giảm căng thẳng và các triệu chứng hội chứng ruột kích thích.
6.3 Giảm mức độ căng thẳng
Thực hành các hoạt động giảm căng thẳng, chẳng hạn như hít thở sâu, thư giãn, thiền định và hoạt động thể chất để thư giãn cơ bắp và triệu chứng hội chứng ruột kích thích. Một số người cũng thành công với liệu pháp trò chuyện để kiểm soát mức độ căng thẳng.
6.4 Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ của bạn có thể kê đơn thuốc để giúp điều trị hội chứng ruột kích thích và:
- Để đại tràng nghỉ ngơi;
- Giảm tiêu chảy;
- Giúp bạn đi tiêu dễ dàng hơn;
- Ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
Tóm lại, việc giảm bớt các triệu chứng hội chứng ruột kích thích bằng cách nhịn ăn vẫn chưa có nghiên cứu và bằng chứng khoa học chứng minh. Nếu bạn đang cân nhắc việc nhịn ăn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Họ có thể giúp bạn quyết định xem đây có phải là cách tiếp cận phù hợp với bạn không.
Để đảm bảo an toàn, người bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng hội chứng ruột kích thích. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa, bệnh lý gây tiêu chảy mạn tính, bệnh Crohn...Cùng với đó, tại Bệnh viện Vinmec, sàng lọc ung thư dạ dày, polyp dạ dày được thực hiện thông qua nội soi dạ dày với máy nội soi Olympus CV 190, với chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương viêm loét đại tràng, các tổn thương ung thư tiêu hoá giai đoạn sớm...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Irritable bowel syndrome. (2017). niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel-syndrome
- Kanazawa M, et al. (2006). Effects of fasting therapy on irritable bowel syndrome. DOI: 1207/s15327558ijbm1303_4
- Lacy, BE, et al. (2017). Rome criteria and a diagnostic approach to irritable bowel syndrome. DOI: 3390/jcm6110099
- Mayo Clinic Staff. (2018). Irritable bowel syndrome. (2018).
mayoclinic.org/diseases-conditions/irritable-bowel-syndrome/symptoms-causes/syc-20360016 - Menees S, et al. (2018). The gut microbiome and irritable bowel syndrome. DOI: 12688/f1000research.14592.1
- Pimentel M, et al. (2002). Lower frequency of phức hợp vận động di chuyển is found in hội chứng ruột kích thích subjects with abnormal lactulose breath test, suggesting bacterial overgrowth. DOI: 1023/A:1021039032413
- The migrating motor complex. (n.d.). vivo.colostate.edu/hbooks/pathphys/digestion/stomach/mmcomplex.html
- Warren R. (2019). Personal interview.