Những thay đổi ngoại biên trong hội chứng ruột kích thích

Thay đổi ngoại biên trong hội chứng ruột kích thích đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của căn bệnh này. Các yếu tố ngoại biên như tăng tính thấm ruột, mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, hoạt động miễn dịch tăng cao, và các thay đổi trong hệ thần kinh đều có thể tác động đến sự phát triển và duy trì hội chứng ruột kích thích.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, đặc trưng bởi các cơn đau bụng tái phát, rối loạn nhu động ruột và cảm giác khó chịu ở bụng. Bệnh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.  

Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới và độ tuổi thường gặp nhất là từ 20-50 tuổi. Điều đáng chú ý là các xét nghiệm không tìm thấy bất kỳ tổn thương thực thể nào ở ruột, cho thấy đây là một rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa. 

Hội chứng ruột kích thích gây nhiều thay đổi trong cơ thể.
Hội chứng ruột kích thích gây nhiều thay đổi trong cơ thể.

2. Những thay đổi ngoại biên trong hội chứng ruột kích thích  

Sự giảm năng suất lao động và chi phí điều trị liên quan đã tạo ra một gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Điều trị bệnh chủ yếu nhằm mục tiêu kiểm soát triệu chứng, điều chỉnh các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát sinh triệu chứng, bao gồm thói quen sống, chế độ ăn uống và các yếu tố tâm lý.  

Tuy nhiên, quá trình điều trị thường kéo dài, khó đạt hiệu quả dứt điểm và có thể tái phát khi bệnh nhân ngừng điều trị. Vì thế, các nhà nghiên cứu và chuyên gia lâm sàng vẫn luôn nỗ lực tìm ra phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.

Không chỉ có sự thay đổi ở cơ quan trung ương, mà những thay đổi ngoại biên trong hội chứng ruột kích thích cũng góp phần quan trọng vào cơ chế bệnh sinh, qua đó làm tăng độ nhạy cảm của nội tạng thông qua trục não - ruột. 

Thay đổi ngoại biên trong hội chứng ruột kích thích dẫn đến tăng nhạy cảm nội tạng thông qua trục não - ruột.
Thay đổi ngoại biên trong hội chứng ruột kích thích dẫn đến tăng nhạy cảm nội tạng thông qua trục não - ruột.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra sự thay đổi mật độ tế bào thần kinh và biểu hiện của thụ thể ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Số lượng sợi thần kinh ở bệnh nhân, đặc biệt là những sợi có thụ thể chất P và thụ thể TRPV-1 (thụ thể tiềm năng vanilloid), có sự gia tăng rõ rệt so với nhóm đối chứng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khác còn phát hiện sự liên quan của thụ thể cannabinoid và các thụ thể bị kích hoạt bởi protease (PARs).

2.1 Tính thấm của ruột

Tính thấm của ruột liên quan đến việc giảm bớt sự phân bố của các protein kết nối chặt trong tế bào tại đại tràng và hỗng tràng của bệnh nhân thể tiêu chảy.  

Tăng tính thấm của ruột có thể ảnh hưởng đến mối tương tác giữa stress, kích hoạt miễn dịch, rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột và sự nhạy cảm quá mức của cơ thể trong hội chứng ruột kích thích.

Stress làm gia tăng tính thấm của ruột thông qua sự thay đổi về số lượng tế bào niêm mạc, trong đó có sự gia tăng và kích hoạt tế bào mast, quá trình này được điều hòa bởi CRF, đặc biệt trong mô hình chuột bị tách khỏi mẹ, khiến chuột con bị nhạy cảm quá mức với các kích thích nội tạng. Thêm vào đó, tăng tính thấm của ruột cũng có thể liên quan đến các vi sinh vật đường ruột, có thể nhờ vào khả năng giải phóng protease và kích hoạt PARs của chúng.

2.2 Thay đổi ngoại biên trong hội chứng ruột kích thích qua hoạt động nhu động ruột

Các thay đổi trong nhu động ruột từ lâu đã được xác nhận là nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích. Những bệnh nhân mắc hội chứng này có xu hướng tăng vận động ruột trong trạng thái nhịn ăn, phản ứng với bữa ăn hoặc phản ứng với cholecystokinin CCK-8.  

Dù quá trình vận chuyển phân có sự khác biệt giữa các nhóm bệnh nhân theo thói quen đi tiêu, tuy nhiên sự bất thường trong quá trình vận chuyển thường gặp ở những bệnh nhân mắc thể tiêu chảy.  

Một nghiên cứu sử dụng đồ thị quá trình di chuyển qua đại tràng ghi nhận sự gia tăng 48% ở bệnh nhân mắc thể tiêu chảy, trong khi có sự trì hoãn 21% ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích thể táo bón sau 24 và 48 giờ.

2.3 Tăng cường hoạt động miễn dịch

Tăng cường hoạt động miễn dịch được coi là yếu tố đóng góp vào thay đổi ngoại biên trong hội chứng ruột kích thích, ảnh hưởng đến sự nhạy cảm của nội tạng và chức năng biểu mô ruột. Những bằng chứng rõ ràng nhất đến từ những người mắc bệnh sau khi bị nhiễm trùng.  

Các nghiên cứu cho thấy, trong trường hợp hội chứng ruột kích thích hậu nhiễm trùng, số lượng tế bào lympho T trong mô đệm tăng cao hơn so với nhóm đối chứng, và biểu hiện của cytokine tiền viêm IL-1β cũng gia tăng. Tế bào mast là loại tế bào miễn dịch đã được nghiên cứu sâu rộng trong hội chứng ruột kích thích. Giả thuyết về vai trò của tế bào mast cho rằng chúng làm tăng sự nhạy cảm ngoại biên qua việc giải phóng histamin.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tế bào mast có mặt gần các nơron cảm giác, điều này có liên quan đến việc tăng tần suất đau bụng và cảm giác khó chịu. Trong một nghiên cứu khác đánh giá tác động của căng thẳng lên sự nhạy cảm nội tạng của chuột sau khi chúng bị nhiễm C. rodentium, 21 ngày sau khi nhiễm trùng, một nhóm chuột phải chịu đựng stress tránh nước trong suốt 9 ngày.  

Mức độ corticosterone và epinephrine trong huyết thanh của chúng tăng gấp đôi và gấp ba lần so với nhóm chuột chỉ nhiễm trùng mà không có căng thẳng. Các kết quả này cho thấy rằng sự kết hợp của nhiễm trùng trước đó và căng thẳng mãn tính có thể thay đổi trục não–ruột, gây ra sự tăng cường nhạy cảm của các nơron ngoại biên đối với các chất trung gian liên quan đến cả căng thẳng và viêm.

2.4 Acid mật

Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng việc gia tăng nhạy cảm của các cơ quan nội tạng do tác động của acid mật có liên quan đến việc kích hoạt thụ thể farnesoid X trên tế bào mast. Điều này dẫn đến sự gia tăng biểu hiện của yếu tố tăng trưởng thần kinh và biểu hiện của TRPV-1 trên mặt lưng các tế bào thần kinh ở hạch rễ.  

Khoảng 25% bệnh nhân mắc thể tiêu chảy gặp phải tình trạng tiêu chảy do acid mật. Ngoài ra, acid mật đại tràng có mối tương quan với trọng lượng phân, kể cả ở những bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng của việc hấp thu acid mật kém. Một nhóm nhỏ bệnh nhân mắc thể táo bón cũng có thể có mức acid mật tổng thể thấp và giảm lượng acid deoxycholic trong phân.

2.5 Serotonin

Serotonin chủ yếu tồn tại trong ruột, được dự trữ trong các tế bào nội tiết ruột, ngoài ra cũng có mặt trong các tế bào thần kinh tiết serotonin của đám rối thần kinh ruột. Khi có các kích thích, như căng cơ học, các tế bào nội tiết ruột sẽ giải phóng serotonin.  

Những nghiên cứu về thay đổi ngoại biên trong hội chứng ruột kích thích cho thấy serotonin và các tín hiệu liên quan đến serotonin có ảnh hưởng đến vận động và quá trình vận chuyển trong hội chứng ruột kích thích.  

Cụ thể, nồng độ 5-HT trong huyết tương của bệnh nhân cao hơn so với nhóm đối chứng, đặc biệt ở những người mắc thể tiêu chảy. Sự vận chuyển đại tràng ở bệnh nhân này có sự liên quan chặt chẽ với sự tăng cao nồng độ 5-HT,  báo hiệu sự gia tăng trong quá trình vận chuyển.

2.6 Hệ vi sinh đường ruột

Một phân tích tổng hợp từ 24 nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích có sự tăng trưởng về số lượng của các vi sinh vật thuộc họ Enterobacteriaceae (Proteobacteria), Lactobacillaceae và chi Bacteroides. Trong khi đó, vi khuẩn thuộc các nhóm Clostridiales, chi Faecalibacterium (bao gồm Faecalibacterium prausnitzii) và chi Bifidobacterium lại giảm mạnh.  

Vi sinh vật có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động và nhu động ruột. Thí nghiệm trên chuột không vi khuẩn cho thấy sự chậm trễ trong quá trình tiêu hóa và vận chuyển ruột, tuy nhiên tình trạng này có thể được cải thiện khi hệ vi sinh trong ruột đạt mức bình thường.

Mặc dù các hiệu ứng này thường được cho là liên quan đến chất chuyển hóa vi khuẩn có ảnh hưởng lên hệ thần kinh, nhưng vẫn thiếu bằng chứng trực tiếp ủng hộ giả thuyết này.  

Hệ vi sinh vật ruột có thể tác động đến quá trình tổng hợp serotonin từ các tế bào nội tiết trong ruột, hỗ trợ điều tiết hoạt động của đường tiêu hóa qua một con đường liên quan đến vi khuẩn và neuropeptide.  

Những thay đổi trong hệ vi sinh vật có thể có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Nghiên cứu gần đây cho thấy sự thay đổi trong hệ vi sinh vật có liên quan đến sự thay đổi trong mức độ biểu hiện của yếu tố tăng trưởng thần kinh trong não, đồng thời cũng có bằng chứng sơ bộ cho thấy mối quan hệ hai chiều giữa tâm trạng và hệ vi sinh vật đường ruột. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Tài liệu tham khảo  

  • Drossman DA. Functional Gastrointestinal Disorders: History, Pathophysiology, Clinical Features and Rome IV. Gastroenterology. Feb 19 2016;doi:10.1053/j.gastro.2016.02.032
  • Oka P, Parr H, Barberio B, Black CJ, Savarino EV, Ford AC. Global prevalence of irritable bowel syndrome according to Rome III or IV criteria: a systematic review and meta-analysis. The lancet Gastroenterology & hepatology. Oct 2020;5(10):908-917. doi:10.1016/s2468-1253(20)30217-x
  • Quach DT, Vu KT, Vu KV. Prevalence, clinical characteristics, and management of irritable bowel syndrome in Vietnam: A scoping review. JGH open : an open access journal of gastroenterology and hepatology. Nov 2021;5(11):1227-1235. doi:10.1002/jgh3.12616
  • Kennedy PJ, Clarke G, Quigley EM, Groeger JA, Dinan TG, Cryan JF. Gut memories: towards a cognitive neurobiology of irritable bowel syndrome. Neuroscience and biobehavioral reviews. Jan 2012;36(1):310-40. doi:10.1016/j.neubiorev.2011.07.001 
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe