Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em là một tình trạng rối loạn chức năng ruột ảnh hưởng đến sinh hoạt và tâm lý của trẻ. Mặc dù không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn chức năng của ruột, xảy ra nhiều lần mà không phát hiện được tổn thương thực thể trong ruột khi đi khám hoặc thực hiện các xét nghiệm. Tình trạng này được chia thành bốn dạng khác nhau, mỗi dạng có phương pháp điều trị phù hợp bao gồm
- IBS thể táo bón (IBS-C).
- IBS thể tiêu chảy (IBS-D).
- IBS thể hỗn hợp, có cả tiêu chảy và táo bón (IBS-M).
- IBS không xác định (IBS).
2. Hội chứng ruột kích thích có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
Hội chứng ruột kích thích IBS bao gồm các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, táo bón, tiêu chảy hoặc sự luân phiên giữa các trạng thái này.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng Hội chứng ruột kích thích (IBS) cũng có thể xảy ra ở trẻ em, dù phần lớn các trường hợp được chẩn đoán thường xuất hiện ở những người trên 20 tuổi.
Đáng chú ý, tình trạng này gây khó khăn cho việc chẩn đoán và giải thích cho phụ huynh khi trẻ hay kêu đau bụng nhưng không xác định được nguyên nhân rõ ràng.

3. Các nguyên nhân thường gặp gây nên hội chứng ruột kích thích ở trẻ em
Cho đến hiện tại, khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân hội chứng ruột kích thích. Một số giả thuyết chỉ ra rằng sự mất cân đối giữa các loại vi khuẩn có lợi và có hại trong hệ tiêu hóa là nguyên nhân rõ ràng nhất. Ngoài ra, những áp lực học tập hay căng thẳng trong quan hệ bạn bè cũng khiến các triệu chứng bệnh ở trễ trở dễ bùng phát hơn, đặc biệt là ở lứa tuổi thiếu niên.
Bên cạnh đó, di truyền cũng được một số nghiên cứu khẳng định là yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng này. Khi cha hoặc mẹ hoặc cả hai bị hội chứng ruột kích thích thì khả năng con cái mắc phải bệnh này cũng gia tăng.
4. Làm sao để chẩn đoán hội chứng IBS ở trẻ em?
Do không gây ra những tổn thương rõ ràng ở ruột như nhiều bệnh lý khác nên hội chứng ruột kích thích ở trẻ em không có xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán. Trong phần lớn trường hợp, bác sĩ phải áp dụng phương pháp loại trừ, nhằm loại bỏ các bệnh gây ra triệu chứng tương tự như bệnh viêm ruột hoặc Celiac.
Để kiểm tra nguy cơ không dung nạp Lactose ở trẻ mắc bệnh, xét nghiệm máu và hơi thở sẽ được thực hiện trước, tiếp theo là xét nghiệm phân.

5. Những khó khăn ở trẻ em khi mắc Hội chứng IBS
Người trưởng thành vốn đã phải chịu đựng nhiều phiền toái do hội chứng ruột kích thích. Vì thế, đối với trẻ em và thanh thiếu niên, tình trạng này sẽ càng khó chịu hơn. Những biểu hiện điển hình bao gồm đau bụng thường xuyên và nhu cầu đi vệ sinh đột ngột tăng cao. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày của học sinh, nhất là khi đang ở trường hoặc vui chơi cùng bạn bè.
Nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh dẫn đến cảm giác tự ti, đặc biệt là ở các bé gái, khiến các em cố gắng che giấu triệu chứng hội chứng ruột kích thích, làm cho tình trạng ngày càng trầm trọng hơn.
6. Phương pháp điều trị dành cho trẻ khi mắc hội chứng ruột kích thích
Một số bệnh nhân khi bị hội chứng ruột kích thích thường áp dụng chế độ ăn FODMAP, hạn chế các thực phẩm giàu Carbohydrate như đậu, tỏi và các chất chứa rượu đường. Cha mẹ có thói quen nấu nhiều món ăn cho con, tuy nhiên, khi trẻ mắc hội chứng ruột kích thích, thói quen này có thể gây hại bởi dễ dẫn đến dư thừa chất béo.

Thay vì bổ sung quá nhiều chất xơ vào chế độ ăn của trẻ, việc tăng dần lượng chất xơ trong khẩu phần ăn sẽ là lựa chọn tốt hơn vì bổ sung quá nhiều chất xơ có thể gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
Đồng thời, việc kiểm soát căng thẳng và lo lắng ở trẻ em không chỉ giúp giảm các triệu chứng trong thời gian dài mà còn có lợi cho sức khỏe tâm lý. Trong đó, các bài tập thở đơn giản là cách dễ áp dụng nhất hoặc cha mẹ có thể dạy trẻ cách tự nói chuyện theo chiều hướng tích cực để kiểm soát lo âu.
Một phương pháp tinh thần khá hiệu quả là hít thở sâu và tự nhủ bản thân có đủ khả năng vượt qua những cơn đau bụng. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê thuốc giúp giảm các triệu chứng như táo bón, tiêu chảy và đau bụng. Thông thường, probiotic thường xuyên được sử dụng bởi vì thuốc giúp thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn có lợi trong đường ruột, từ đó hỗ trợ quá trình tiêu hóa tốt hơn.
Hội chứng ruột kích thích không thể được chữa trị dứt điểm dù là ở trẻ em, thanh thiếu niên hay người trưởng thành. Các triệu chứng của bệnh có thể thay đổi và kéo dài suốt đời. Nếu trẻ em mắc hội chứng này từ sớm, việc quan trọng là hỗ trợ trẻ phát triển các cơ chế đối phó và nhận diện các yếu tố gây ra bệnh.

7. Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Dù không đe dọa đến tính mạng nhưng bệnh lại gây ra nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống hàng ngày. Hầu hết các trường hợp IBS chỉ ở mức nhẹ và biểu hiện qua những triệu chứng như đau bụng tái phát cùng với vấn đề về đại tiện, đồng thời nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất do IBS là rất thấp.
Tuy nhiên, bệnh kéo dài có thể gây ra một số hậu quả như:
- Ứ đọng phân trong đại tràng.
- Tăng nguy cơ bị trĩ.
- Không dung nạp một số loại thực phẩm.
- Ảnh hưởng trong thai kỳ.
Nhìn chung, hội chứng ruột kích thích ở trẻ em dù không đe dọa tính mạng nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh sẽ gây ra những ảnh hưởng kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc phát hiện sớm và hỗ trợ đúng phương pháp sẽ giúp trẻ đối phó với bệnh hiệu quả, giảm thiểu triệu chứng và nâng cao sức khỏe toàn diện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.