Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, bác sĩ Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Khớp vai là khớp được sử dụng nhiều vì thế khớp dễ đau do viêm hay chấn thương. Điều trị nội khoa chỉ làm giảm đau và kháng viêm nhưng nay đã ghi nhận hiệu quả từ huyết tương giàu tiểu cầu PRP. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý này và cách thức điều trị mới để cải thiện vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính mình và người thân tại bài viết dưới đây.
1. Viêm chóp xoay khớp vai là gì?
Chóp xoay khớp vai bao gồm các gân cơ cánh tay và cơ vai bám vào đầu trên xương cánh tay. Các gân cơ bám chắc và giao thoa với nhau thành gân chóp xoay, có chức năng giữ vững khớp vai. Chính điều này giúp cho khớp vai có tầm vận động lớn nhất.
Nếu khớp vai phải vận động quá nhiều, nhất là ở những người có các động tác lặp đi lặp lại đưa tay lên quá đầu trong công việc hàng ngày hay chơi thể thao, mang vác nặng không đúng tư thế chuẩn mực,..., gân khớp vai rất dễ bị tổn thương, kích thích gây phản ứng viêm.
Ngoài ra, tổn thương chóp xoay khớp vai có thể gặp phải khi người bệnh nằm nghiêng lên phía đau khi ngủ, chấn thương do té ngã, đụng dập hay khi các gai xương hoặc một phần xương bả vai to trồi lên gây kích thích viêm gân chóp xoay.
2. Biểu hiện của viêm chóp xoay khớp vai
Bệnh lý này hay xảy ra trên những người tuổi trên 40 và triệu chứng đầu tiên luôn là đau ở vùng vai.
Khi đau do viêm chóp xoay khớp vai, người bệnh có thể mô tả như một cơn đau âm ỉ sâu trong vai, lan lên tới cổ hay lan xuống cánh tay nhưng không vượt quá vùng khuỷu tay. Đau thường xuất hiện vào đêm khuya, sau một ngày làm việc vất vả và khiến bệnh nhân mất ngủ, nhất là khi nằm nghiêng bên vai bị đau. Ngoài ra, người bệnh có thể có cảm giác yếu cánh tay, mỏi khi nhấc tay khiến họ khó chải đầu, khó mặc áo hay đưa tay ra phía sau đầu.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra cung vận động khớp vai ở nhiều tư thế và góc độ khác nhau. Vận động thụ động chóp xoay khớp vai sẽ hạn chế biên độ do đau tại những góc và vị trí nhất định. Đôi khi việc chẩn đoán cần nhờ đến siêu âm hay chụp phim để xác định nguyên nhân của viêm chóp xoay khớp vai cũng như loại trừ những khả năng khác cũng làm đau khớp tương tự như rách, đứt gân, chèn ép,...
3. Cách điều trị viêm chóp xoay khớp vai
Tùy thuộc vào mức độ triệu chứng, tình trạng viêm hay rách chóp xoay, tuổi và nhu cầu vận động của bệnh nhân mà sẽ có từng chiến lược điều trị khác nhau. Tuy vậy, hầu hết người bệnh sẽ cải thiện chức năng bằng việc nghỉ ngơi kết hợp với thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Những trường hợp phản ứng viêm dữ dội, vùng da quanh khớp sưng nóng, ửng đỏ, bệnh nhân đau nhiều, thuốc giảm đau đường toàn thân không hiệu quả thì có thể cần đến tiêm corticoid vào khớp. Khi đó, việc tiêm corticoid trực tiếp vào khớp vai cần được thực hiện cẩn thận, môi trường vô trùng và làm bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm vì nếu bị nhiễm trùng, tràn máu vào ổ khớp sẽ rất tai hại, khớp vai có nguy cơ mất chức năng vĩnh viễn.
Một số ít trường hợp đòi hỏi phải phẫu thuật để lấy bỏ gai xương, sửa chữa khôi phục gân, giải phóng chèn ép, khâu lại gân chóp xoay... Các phẫu thuật này hầu như đều có thể thực hiện hoàn toàn qua ngả nội soi, giảm thiểu tình trạng tổn thương cơ xung quanh, thời gian hồi phục nhanh.
Ngoài ra, dựa trên những thành tựu tiên tiến của Y học, điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu trong viêm chóp xoay khớp vai cũng đã được ứng dụng và ghi nhận nhiều kết quả khả quan.
4. Huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị viêm chóp xoay khớp vai
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) được chiết xuất từ chính máu của người bệnh, trong đó, nồng độ tiểu cầu và các yếu tố phân tử sinh học đều cao hơn nhiều lần so với máu thông thường. Nguyên lý điều trị này dựa trên chức năng của tiểu cầu là có khả năng giải phóng các yếu tố tăng trưởng và các phân tử sinh học để kích thích tốc độ và khả năng phục hồi tại chỗ của mô tế bào. Đây vốn dĩ là một quá trình tự nhiên của cơ thể, khi các mô bị viêm, chấn thương, đụng dập.
Cách thức điều trị này có tính an toàn tương đối cao do lấy máu tự thân, không có khả năng bị lây nhiễm bệnh, không dị ứng và không gặp nguy cơ không tương thích. Sau khi lấy máu và điều chế, huyết tương giàu tiểu cầu sẽ được tiêm vào trong khớp. Triệu chứng viêm và giảm đau sẽ nhanh chóng cải thiện. Đồng thời, loại thuốc sinh học này còn kích thích phục hồi các mô tế bào bị tổn thương và tái tạo, tăng hồi phục về mặt chức năng, vận động của khớp vai. Thời gian phục hồi ngắn hơn, chất lượng cuộc sống của người bệnh mau chóng về lại như bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.