Đau khớp vai do hẹp khoang dưới mỏm cùng vai

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau khớp vai, một trong những nguyên nhân thường gặp đó là hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai. Căn bệnh này thường gặp ở tuổi trung niên và cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.

1. Hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là gì?

Mỏm cùng vai có vai trò bảo vệ phần trên của khớp ổ chảo của cánh tay, đây là nơi bám vào của cơ thang ở trên, cơ Delta ở dưới và là nơi tiếp khớp với xương đòn. Mặt dưới của mỏm cùng vai tiếp giáp với túi hoạt dịch và các cơ chóp xoay nằm ở phía dưới của túi hoạt dịch.

Hình dạng của mỏm cùng vai có thể được phân loại thành 3 dạng theo cách phân loại của Bigliani:

  • Dạng 1 là loại mỏm cùng phẳng;
  • Dạng 2 là loại mỏm có hình cong;
  • Dạng 3 là loại mỏm có hình móc.

Với mỏm cùng vai thuộc dạng 2 và dạng 3 có nguy cơ mắc hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai cao hơn, bởi nó gây tổn thương gân chóp xoay ở mặt hoạt dịch.

Hội chứng chèn ép mỏm cùng vai hay hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai còn được biết đến với tên hội chứng xung đột mỏm cùng vai là tình trạng khoang dưới mỏm cùng vai bị thu hẹp lại. Hiện tượng này dẫn tới các bệnh lý vùng vai bao gồm:

Triệu chứng thường gặp nhất của các bệnh lý này là gây ra cảm giác khó chịu kèm theo những cơn đau vùng vai.

2. Nguyên nhân nào gây hẹp khoang dưới mỏm cùng vai?

Nguyên nhân gây ra tình trạng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai thường là do chấn thương hoặc do lặp đi lặp lại các động tác ở vai. Đặc biệt hay gặp ở những người chơi các môn thể thao hay phải đưa tay quá đầu hoặc ở những người lao động thường xuyên có các động tác dạng tay quá đầu.

Các cơ chóp xoay kết hợp với nhau tạo thành một đầu gân rất chắc bám vào đầu trên xương cánh tay được gọi là gân cơ chóp xoay. Khi thực hiện động tác dạng cánh tay quá đầu, các cơ sẽ trượt trong khoang dưới mỏm cùng vai. Trong khoang này có gân chóp xoay và các bao hoạt dịch để giúp bôi trơn và hỗ trợ gân cơ chóp xoay di chuyển.

Khi khoang dưới mỏm cùng vai bị thu hẹp lại, đồng nghĩa với việc gân cơ chóp xoay và các túi hoạt dịch sẽ bị chèn ép, từ đó dẫn đến tình trạng viêm túi hoạt dịch, viêm gân chóp xoay, thậm chí có thể gây rách chóp xoay.

Một nguyên nhân khác gây ra tình trạng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai đó là sự xuất hiện của các chồi xương trong tổn thương của bệnh lý thoái hoá.


Hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai còn được biết đến với tên hội chứng xung đột mỏm cùng vai
Hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai còn được biết đến với tên hội chứng xung đột mỏm cùng vai

3. Dấu hiệu nhận biết hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai

Khi bị hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai, bạn sẽ có các biểu hiện như:

  • Cảm giác yếu, mỏi và đau ở khớp vai khi thực hiện các động tác nhấc tay, dang tay hay đưa cánh tay về trước.
  • Đau nhiều về đêm và lúc gần sáng gây mất ngủ; đau khiến bạn không thể nằm nghiêng bên vai bị đau.
  • Có cơn đau nhói xuất hiện khi bạn cố gắng xoay tay ra phía sau. Đây là dấu hiệu khá rõ ràng để nhận biết hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai.

Các cơn đau sẽ tăng dần theo thời gian khiến bạn không thể cử động vai, dẫn đến hiện tượng cứng khớp vai.

4. Chẩn đoán hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai

Để có thể chẩn đoán chính xác hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai, bác sĩ có thể thực hiện kết hợp các phương pháp sau:

  • Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tính chất nghề nghiệp và các hoạt động thường ngày của bạn nhằm tìm hiểu tính chất, nguyên nhân gốc rễ của cơn đau.
  • Thăm khám: Bác sĩ sẽ thực hiện một số nghiệm pháp nhằm phát hiện triệu chứng ban đầu của hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai, đồng thời xác nhận tình trạng viêm gân, viêm khớp, viêm túi hoạt dịch hay rách chóp xoay đi kèm.
  • Nghiệm pháp Neer: Bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện động tác gập vai thụ động trong khi ngăn chặn sự xoay của xương bả vai bằng cách ép bàn tay trên mỏm cùng vai của bạn.
  • Nghiệm pháp Hawkin: Được thực hiện bằng cách xoay đầu xương cánh tay khi cánh tay của bạn nâng cao 90 độ ra phía trước bên và gấp khuỷu tay.
  • Nghiệm pháp Impingement: Đây là nghiệm pháp thường được làm sau dấu hiệu chèn ép, để giúp loại trừ khả năng bệnh lý ở vùng cổ gây ảnh hưởng đến vùng vai. Nghiệm pháp được thực hiện như sau: Bác sĩ sẽ tiêm một lượng thuốc gây tê nhất định vào khoang dưới mỏm cùng vai, giúp làm giảm các cơn đau ở vai khi các dấu hiệu chèn ép lặp đi lặp lại.
  • Chụp X-quang khớp vai: Được thực hiện để tìm các dấu hiệu bất thường của cấu trúc xương vai hay viêm khớp. Trong một số trường hợp sẽ thấy phần mỏm cùng thấp hơn so với bình thường dẫn tới hẹp khoang dưới mỏm cùng vai. Ngoài ra gai xương hình thành do quá trình thoái hóa cũng sẽ được thể hiện rõ trên hình chụp X-quang.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này được chỉ định khi nghi ngờ có tổn thương rách chóp xoay, viêm gân hoặc bệnh lý ở sụn viền.
  • Siêu âm: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này giúp phát hiện dịch trong khoang dưới mỏm cùng vai nếu có. Trong một số trường hợp đặc biệt, siêu âm vùng vai cũng có thể phát hiện được hình ảnh chóp xoay bị rách.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là cảm giác yếu, mỏi và đau ở khớp vai
Dấu hiệu nhận biết hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là cảm giác yếu, mỏi và đau ở khớp vai

5. Điều trị hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai như thế nào?

Tùy theo mức độ tổn thương, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai phù hợp:

5.1. Điều trị không phẫu thuật

Ở giai đoạn đầu của hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai sẽ điều trị với mục đích giảm đau, kháng viêm. Bên cạnh đó, bạn cần nghỉ ngơi, chườm đá, kết hợp sử dụng thuốc chống viêm như aspirin, naproxen, diclofenac...

Trong một số trường hợp việc sử dụng các phương pháp như siêu âm, chiếu tia hồng ngoại sẽ được sử dụng trong điều trị nhằm tăng cường lượng máu cho các mô ở khớp vai.

Sau khi có dấu hiệu các cơn đau giảm, bạn sẽ được điều trị bằng vật lý trị liệu. Chương trình phục hồi chức năng này nhằm mục đích duy trì tầm vận động của khớp vai, tăng cường sức mạnh cho cơ Delta, tăng cường sự ổn định của xương bả vai và cơ chóp xoay.

5.2. Điều trị bằng phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật được chỉ định khi các phương pháp điều trị bảo tồn không đạt được hiệu quả sau từ 6 tháng đến 1 năm điều trị liên tục.

Ngày nay, phương pháp phẫu thuật nội soi trở nên phổ biến hơn nhờ những đặc tính ưu việt trong việc cải thiện các triệu chứng đau và có tính thẩm mỹ cao. Theo báo cáo, tỷ lệ thành công của điều trị mổ nội soi tạo hình dáng khoang dưới mỏm cùng vai đạt hiệu quả từ 70-90%. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thành công khi nguyên nhân gây bệnh là do yếu tố bên ngoài, chứ không phải yếu tố bên trong.

Mục tiêu của phương pháp phẫu thuật đó là nhằm nới rộng khoảng cách giữa mỏm cùng và gân chóp xoay bằng cách làm sạch các tổn thương do thoái hóa, loại bỏ các chồi xương cùng với một phần mỏm cùng vai và phục hồi tổn thương rách chóp xoay nếu có.

Sau phẫu thuật, cánh tay của bạn sẽ được giữ bất động bằng cách treo hay mang nẹp. Hầu hết các trường hợp bạn sẽ được tiến hành tập vật lý trị liệu nhằm tránh cứng khớp, hạn chế tình trạng phù nề sau mổ. Chườm lạnh sau phẫu thuật sẽ làm co mạch máu giúp hạn chế phản ứng viêm đau sau mổ. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu tập mạnh gân cơ chóp xoay. Bạn cần tập phục hồi chức năng dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu.

Hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là nguồn gốc của rất nhiều chấn thương khác ở vai. Vì vậy, ngay khi có các dấu hiệu đau khớp vai, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe