Chấn thương dây chằng chéo sau: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Chấn thương dây chằng chéo sau thường ít gây đau đớn, mất ổn định hoặc khó đi lại như chấn thương dây chằng chéo trước. Tuy nhiên, tình trạng tổn thương do đứt dây chằng chéo sau có thể kéo dài thời gian phục hồi và tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối trong tương lai.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Thế nào là chấn thương dây chằng chéo sau?

Chấn thương dây chằng chéo sau (Posterior cruciate ligament) thường ít gặp hơn so với chấn thương dây chằng chéo trước (Anterior cruciate ligament). Cả dây chằng chéo sau và dây chằng chéo trước đều kết nối xương đùi với xương chày. Khi một trong hai dây chằng này bị rách sẽ gây ra tình trạng đau đớn, sưng tấy, dáng đi không bình thường.

Mặc dù chấn thương dây chằng chéo sau thường ít đau đớn, tàn tật và cảm giác khớp gối bị lỏng lẻo hơn so với rách dây chằng chéo trước, nhưng quá trình điều trị có thể kéo dài trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.

2. Nguyên nhân chấn thương chằng chéo sau.

Dây chằng chéo sau bị rách khi chịu một lực tác động mạnh từ phía trước, đẩy cẳng chân ra sau một cách đột ngột và mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng đứt dây chằng chéo sau.

Chấn thương dây chằng chéo sau thường xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Tai nạn giao thông: Khi tài xế hoặc hành khách ngồi trong xe bị tai nạn, đầu gối đang cong có khả năng va vào bảng điều khiển hoặc ghế phía trước, tạo lực đẩy xương chày xuống dưới đầu gối, dẫn đến rách dây chằng chéo sau.
  • Thể thao: Các vận động viên, đặc biệt trong các môn như bóng đá có nguy cơ đứt dây chằng chéo sau khi ngã với tư thế đầu gối gập so với bàn chân. Khi xương chày chạm đất trước và bị đẩy lùi về phía sau, dây chằng chéo sau có thể bị tổn thương.  
  • Một số nguyên nhân khác liên quan đến việc chơi thể thao như là thiếu khởi động hoặc khởi động không đúng cách trước khi tập thể thao, không sử dụng dụng cụ bảo hộ hoặc dùng dụng cụ bảo hộ kém chất lượng.

3. Triệu chứng chấn thương dây chằng chéo sau

Các triệu chứng của chấn thương dây chằng chéo sau bao gồm:

  • Đau ở mức độ từ nhẹ đến vừa tại đầu gối, làm người bệnh đi lại khập khiễng hoặc gặp khó khăn khi di chuyển.
  • Tình trạng sưng ở khớp gối xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ sau khi chấn thương xảy ra.
  • Cảm giác khớp gối bị lỏng lẻo như thể khớp bị rời ra.

Sau khi bị chấn thương, nếu các bộ phận khác của đầu gối không bị ảnh hưởng, các triệu chứng của chấn thương dây chằng chéo sau có thể rất nhẹ, đến mức người bệnh không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào.  

Tuy nhiên, theo thời gian, các cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn và cảm giác lỏng lẻo ở đầu gối có thể xuất hiện. Nếu các phần khác của đầu gối cũng bị tổn thương, các triệu chứng của chấn thương dây chằng chéo sau có khả năng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong nhiều trường hợp, các bộ phận khác như dây chằng và sụn cũng bị tổn thương khi người bệnh bị đứt dây chằng chéo sau. Tuỳ vào số lượng bộ phận bị tổn thương, người bệnh có thể bị đau đầu gối trong thời gian dài và gặp phải tình trạng khớp lỏng lẻo. Ngoài ra, người bệnh cũng có nguy cơ cao mắc viêm khớp tại đầu gối.

4. Đường lây truyền chấn thương dây chằng chéo sau

Bệnh đứt dây chằng chéo sau không thể lan truyền từ người bị bệnh sang người khỏe mạnh.

5. Đối tượng nguy cơ  

Tai nạn giao thông và tham gia vào các môn thể thao như bóng đá đều là những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chấn thương đứt dây chằng chéo sau.

Chấn thương dây chằng chéo sau thường gặp ở người chơi bóng đá.
Chấn thương dây chằng chéo sau thường gặp ở người chơi bóng đá.

6. Phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo sau

  • Mang dụng cụ bảo hộ phù hợp (như giày đá bóng) khi tham gia thể thao.
  • Thực hiện bài khởi động kỹ trước khi bắt đầu tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
  • Thực hiện một số bài tập để tăng cường sức mạnh của cơ chân và ngăn ngừa chấn thương.
  • Kéo dãn khớp gối trước và sau khi tập để giảm thiểu nguy cơ chấn thương gối.
  • Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm các loại thực phẩm chứa protein, canxivitamin D để bảo vệ sức khỏe của hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

7. Các biện pháp chẩn đoán

Để phát hiện bệnh đứt dây chằng chéo sau, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng các trường hợp bị chấn thương và thực hiện một loạt các thao tác như kéo chân ra sau và kiểm tra dấu hiệu cẳng chân bị võng ra sau, ấn vào đầu gối để đánh giá tính lỏng lẻo hoặc kiểm tra có dịch trong ổ khớp không, đồng thời di chuyển đầu gối, chân và bàn chân theo các hướng khác nhau và yêu cầu bệnh nhân đứng và đi lại.  

Bác sĩ sẽ so sánh cả hai chân để phát hiện bất kỳ chuyển động không bình thường nào của đầu gối và xương chày.

Trong một số trường hợp chấn thương dây chằng chéo sau, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một hoặc nhiều loại xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh sau đây:

  • X-quang: Mặc dù không phát hiện được tổn thương của dây chằng nhưng X-quang có thể phát hiện ra các trường hợp gãy xương. Những người bị đứt dây chằng chéo sau đôi khi gặp phải tình trạng gãy một mảnh xương nhỏ liên kết với dây chằng.
  • Chụp MRI: Phương pháp này sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết về các mô mềm trong cơ thể người bệnh. Thông qua chụp MRI, các vết rách của dây chằng chéo sau có thể được nhìn rõ và xác định được mức độ tổn thương của dây chằng đầu gối hoặc các mô sụn khác.
  • Nội soi ổ khớp: Để xác định mức độ chấn thương đầu gối của bệnh nhân một cách chính xác, bác sĩ có thể áp dụng một kỹ thuật phẫu thuật được gọi là nội soi ổ khớp. Qua việc sử dụng thiết bị nội soi, bác sĩ có thể nhìn thấy trực tiếp vào bên trong ổ khớp gối của bệnh nhân. Một máy quay video nhỏ được đưa vào qua một vết mổ nhỏ, ghi lại hình ảnh bên trong ổ khớp và truyền tải chúng lên màn hình máy tính hoặc màn hình TV để bác sĩ có thể quan sát và đánh giá chính xác tình trạng của khớp gối.

8. Các biện pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo sau

Cách điều trị chấn thương đứt dây chằng chéo sau thường được điều chỉnh tùy theo mức độ tổn thương và hầu hết các trường hợp không cần thiết phải phẫu thuật.

8.1 Thuốc

Các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen natri có thể làm giảm đau và hạn chế sưng.

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể làm giảm đau và hạn chế sưng.
Các loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể làm giảm đau và hạn chế sưng.

8.2 Vật lý trị liệu

Các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ chỉ dẫn người bệnh các bài tập nhằm cải thiện sức khỏe của đầu gối và cải thiện chức năng cũng như sự ổn định. Trong quá trình phục hồi, người bệnh sẽ cần sử dụng nẹp đầu gối hoặc nạng.

8.3 Phẫu thuật

Trong trường hợp đứt dây chằng chéo sau nghiêm trọng, đặc biệt là khi có sự kết hợp của rách dây chằng đầu gối, tổn thương sụn hoặc gãy xương, người bệnh cần phải thực hiện phẫu thuật tái tạo dây chằng.

Các trường hợp lỏng khớp gối mặc dù đã phục hồi chức năng cũng có thể xem xét đến phẫu thuật. Phẫu thuật này thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi.

Tại các bệnh viện Vinmec trên toàn quốc, kỹ thuật phẫu thuật chữa trị chấn thương dây chằng chéo khớp gối đã được áp dụng và mang lại hiệu quả vượt trội. Ngoài ra, Vinmec cũng áp dụng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu để tăng cường tốc độ phục hồi cho các chấn thương thể thao.

Nội soi khớp gối để tái tạo lại dây chằng.
Nội soi khớp gối để tái tạo lại dây chằng.

8.4 Chế độ chăm sóc

  • Nghỉ ngơi là cách tránh chấn thương đầu gối, bảo vệ dây chằng và các tổn thương khác không bị nặng hơn. Người bệnh nên sử dụng nạng để giúp bảo vệ đầu gối.
  • Bệnh nhân nên chườm túi đá vào đầu gối trong khoảng 20-30 phút, sau đó tiếp tục chườm trong 3-4 giờ và làm lại trong hai đến ba ngày.
  • Người bị đứt dây chằng chéo có thể quấn băng thun quanh đầu gối bị tổn thương.
  • Khi nằm xuống, người bệnh nên đặt một chiếc gối dưới đầu gối bị tổn thương để giúp giảm sưng.

9. Đứt dây chằng chéo sau có nguy hiểm không?

Phần lớn các trường hợp đứt dây chằng chéo sau thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các cấu trúc khác của khớp gối như các dây chằng khác hoặc sụn khớp có khả năng bị tổn thương. Nếu không được điều trị đúng cách, chấn thương dây chằng chéo sau có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, nếu nhiều bộ phận cấu tạo nên khớp gối bị tổn thương, người bệnh có thể bị đau đầu gối thường xuyên và có nguy cơ cao bị viêm khớp hoặc thoái hóa khớp.

Các tổn thương liên quan đến dây chằng chéo sau có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Tổn thương cấp tính thường xảy ra do chấn thương đột ngột, trong khi tổn thương mạn tính phát có liên quan đến tình trạng đứt dây chằng chéo sau tiến triển sau một thời gian.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe