Viêm, rách chóp xoay ở người cao tuổi do thoái hóa

Rách chóp xoay ở người cao tuổi có thể làm giảm hoặc mất hoàn toàn tầm vận động của khớp. Vì vậy, việc phát hiện sớm và áp dụng đúng phương pháp điều trị giúp cải thiện tình trạng và chất lượng cuộc sống của người bệnh một cách rõ rệt. Bài viết sẽ cung cấp thêm thông tin về viêm và rách chóp xoay vai ở người cao tuổi.

1. Viêm và rách chóp xoay vai ở người cao tuổi

Chóp xoay vai bao gồm sự kết hợp của 4 cơ và các gân ở vị trí liên quan. Nhóm kết hợp này có tác dụng giúp cho cánh tay và khớp vai có thể hoạt động một cách dễ dàng đồng thời cung cấp sức mạnh cho cánh tay. Hơn nữa, việc xoay vai theo nhiều hướng khác nhau có thể ngăn các đầu xương dịch chuyển cũng như sự rối loạn về nhiễu lực cắt, từ đó giúp duy trì mối liên kết giữa đầu xương cánh tay với cạn hố glenoid.

Rách chóp xoay vai ở người cao tuổi có thể rách một phần hoặc rách nhiều gần trong phức hợp của gân chóp xoay, khi đó sẽ làm giảm hay mất hoàn toàn vận động của khớp. Những tổn thương này chủ yếu rách tại nơi bám tận của gân ở vị trí vai.

Viêm chóp xoay vai ở người cao tuổi có thể do tình trạng tổn thương chóp xoay khi thực hiện các động tác như đưa tay lên quá đầu và lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, mang vác vật nặng và bị sai tư thế hoặc do chấn thương té ngã.

2. Nguyên nhân gây viêm và rách chóp xoay vai ở người cao tuổi

Ở người cao tuổi, tình trạng rách chóp xoay vai thường gặp nhiều do quá trình lão hoá, thoái hoá xương và thoái hóa khớp vai. Cùng với sự thoái hóa xương khớp cũng như các cơ quan khác của cơ thể thì chóp xoay cũng không phải trường hợp ngoại lệ và bị thoái hoá theo thời gian. Điều này khiến suy giảm chức năng và độ đàn hồi của cơ, khớp.

Tổn thương chóp xoay vai cũng có thể dễ dàng xảy ra do một số va chạm nhẹ hoặc dang ngang sải tay sang hai bên hoặc thậm chí không có nguyên nhân rõ ràng. Ngoài các vấn đề về sự chuyển hoá thì sự lưu thông máu trong cơ thể cũng có thể khiến cho các gân bị thoái hoá dẫn đến tình trạng đứt, rách chóp xoay vai.

Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng rách chóp xoay vai ở người cao tuổi như:

  • Sự mất vững của cánh tay cùng với khớp ổ chảo, theo thời gian sẽ khiến cho khớp vai bị trật và dẫn tới rách chóp xoay;
  • Lặp đi lặp lại một động tác nhiều lần làm tăng áp lực lên khớp vai cũng có thể dẫn đến rách chóp xoay, đặc biệt khi nâng tay cao quá đầu và kèm theo xoay cánh tay;
  • Viêm gân cơ chóp xoay thường xảy ra bởi một số nguyên nhân chính như viêm gân hay bao khớp, khi đó viêm gân cấp tính xuất hiện do các tác động lặp đi lặp lại nhiều lần như chơi bóng qua đầu hay đưa tay cao qua đầu hoặc viêm gân mãn tính do bệnh lý thoái hoá khớp, cùng với sự lặp lại của mài mòn và rách chóp xoay khi tuổi càng tăng cao.
  • Các chấn thương cấp tính khiến mất vững khớp vai làm cho chỏm xương cánh tay di chuyển ra ngoài ổ chảo;
  • Thoái hoá khớp hoặc do gãy xương bả vai như xương đòn

Thóa hóa khớp là một trong những nguyên nhân gây viêm, rách chóp xoay vai
Thóa hóa khớp là một trong những nguyên nhân gây viêm, rách chóp xoay vai

3. Triệu chứng viêm và rách chóp xoay vai ở người cao tuổi

Đau khớp vai kể cả trong lúc nghỉ ngơi, đặc biệt vào ban đêm khi nằm đè lên vai khiến vai bị tổn thương. Trong một số trường hợp, người bệnh cảm thấy đau khi cử động tay lên xuống hoặc thực hiện các động tác vận động đặc biệt khiến cho khớp bị tổn thương. Một số trường hợp có thể bị đông cứng khớp vai.

Khám lâm sàng đối với các trường hợp nghi viêm và rách chóp xoay vai sẽ thực hiện một số test thăm khám như:

  • Nghiệm pháp xoay ngoài cánh tay có đối kháng được thực hiện bởi người bệnh với dạng vai, khuỷu tay gập 90 độ cùng với xoay ngoài, kỹ thuật viên sẽ kháng lại lực xoay ngoài của người bệnh, nếu người bệnh đau thì phương pháp kiểm tra này dương tính với biểu hiện có khả năng rách chóp xoay.
  • Sử dụng nghiệm pháp Jobe bằng cách yêu cầu người bệnh thực hiện dạng tay 90 độ, kỹ thuật viên sẽ ép tay người bệnh xuống dưới và người bệnh sẽ kháng lại lực ép. Nếu người bệnh thấy đau thì biểu hiện dương tính với khả năng rách chóp xoay.
  • Sử dụng nghiệm pháp cánh tay rơi để kiểm tra bằng cách bác sĩ sẽ nâng cao tay người bệnh và thả ra. Nếu người bệnh không tự giữ được cánh tay ở tư thế này này thì có thể có khả năng bị rách chóp xoay.

Viêm gân chóp xoay thường có những triệu chứng điển hình với đau âm ỉ sâu trong vai, thậm chí có thể lan lên cổ hoặc lan xuống cánh tay nhưng không vượt quá khuỷu tay. Những cơn đau thường xuất hiện về đêm hoặc sau những ngày làm việc mệt nhọc vất vả. Đôi khi có thể gây rối loạn giấc ngủ, mất ngủ. Người bệnh bị viêm gân chóp xoay có thể có cảm giác yếu cánh tay, khó thực hiện được các công việc hàng ngày như chải đầu, mặc quần áo hoặc đưa tay qua đầu. Để kiểm tra triệu chứng viêm gân chóp xoay bác sĩ có thể thực hiện một số tư thế và góc độ khác nhau như: Với trường hợp viêm gân chóp xoay vai gây đau nhất ở vị trí cánh tay dạng 70 độ đến 120 độ so với thân người. Đối với chèn ép gân chóp xoay người bệnh được yêu cầu để thẳng cánh tay và xoay vào trong. Sau đó bác sĩ sẽ từ từ dạng tay trong bình diện của xương vai, nếu bệnh nhân cảm thấy đau thì có thể khu trú tại khoang dưới mỏm cùng hay bờ trước của mỏm cùng.

4. Khi bị viêm hoặc rách chóp xoay vai ở người cao tuổi cần làm gì?

Tuỳ thuộc vào tình trạng viêm hay rách chóp xoay vai ở bệnh nhân cao tuổi mà có thể áp dụng phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường việc điều trị có thể sẽ bắt đầu bằng việc sử dụng thuốc kháng viêm giúp giảm đau kèm với thuốc giãn cơ. Hơn nữa, có thể áp dụng cùng với các phương pháp trị liệu giúp phục hồi chức năng của vai.

Với một số trường hợp đặc biệt có sự chỉ định của bác sĩ có thể thực hiện tiêm corticoid vào khớp vai, tuy nhiên thực hiện phương pháp này cần cẩn thận bởi vì nếu nhiễm trùng xuất hiện có thể mang lại kết cục tồi tệ hơn so với trước điều trị.

Một số trường hợp có thể uống thuốc điều trị không bớt hoặc chóp xoay vai bị rách thì phương án tiếp có thể sẽ được thực hiện là mổ và khâu lại gân. Có khá nhiều phương pháp mổ nhưng hiện nay những trường hợp rách chóp xoay vai thường được áp dụng mổ nội soi. Phương pháp này mang lại kết quả tương đương với mổ mở nhưng có ưu điểm như:

  • Giúp giảm thiểu tình trạng tổn thương cơ xung quanh.
  • Thời gian phục hồi nhanh, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
  • Vết mổ nhỏ nên người bệnh cảm thấy ít đau hơn.

Khi thực hiện mổ nội soi, người bệnh cần hạn chế cử động tay trong khoảng thời gian ít nhất 3-6 tuần để giúp gân được lành lại, sau đó sẽ bắt đầu thực hiện chương trình tập luyện vật lý trị liệu giúp phục hồi tầm vận động của khớp vai.


Người bệnh viêm hoặc rách chóp xoay vai thường sẽ được kê thuốc kháng viêm, giảm đau
Người bệnh viêm hoặc rách chóp xoay vai thường sẽ được kê thuốc kháng viêm, giảm đau

5. Cách hạn chế viêm hoặc rách chóp xoay vai

  • Người bệnh cần loại bỏ những thói quen sinh hoạt không tốt, thực hiện việc luyện tập đúng cách giúp giảm tổn thương do khớp vai bị lão hoá và tình trạng rách chóp xoay vai.
  • Trong quá trình làm việc cần chú ý tư thế đứng và ngồi hoặc mang vác nặng. Không nên cúi gằm xuống bàn và máy vi tính khi làm việc.
  • Nên từ bỏ những thói quen không tốt như hút thuốc lá bởi thuốc lá có thể được coi là nguyên nhân gây thoái hoá khớp vai dẫn đến rách chóp xoay.
  • Kiểm soát lượng cholesterol bằng cách thực hiện chế độ ăn lành mạnh kết hợp với luyện tập thể thao đúng cách giúp giảm nguy cơ rách chóp xoay vai.
  • Tránh khuân vác nặng trong tư thế giơ tay lên cao qua đầu nhằm hạn chế chấn thương có thể xảy ra.
  • Nên khởi động làm nóng cơ thể từ 10 đến 15 phút trước khi chơi những môn thể thao cần vận động ở chóp xoay khớp vai. Khi cơ thể được làm nóng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cũng như sự linh hoạt của khớp vai, làm giảm nguy cơ rách gân
  • Nên thực hiện luyện tập thể dục, tập dưỡng sinh hoặc tập yoga từ 30 đến 60 phút giúp tăng cường các cơ và gân ở bả vai, đồng thời duy trì tính linh hoạt, cải thiện sự chắc khỏe của các khớp vai, giảm nguy cơ thoái hoá khớp vai.

Tóm lại, viêm và rách chóp xoay ở người cao tuổi có thể làm giảm hoặc mất hoàn toàn tầm vận động của khớp. Việc phát hiện sớm và áp dụng đúng phương pháp điều trị sẽ giúp cải thiện tình trạng và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, nếu phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng viêm rách chóp xoay, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe