Đau ở mu bàn chân là một triệu chứng khá phổ biến xảy ra do các nguyên nhân khác nhau như thoái hóa khớp, chấn thương... Trong một số trường hợp khác, đau mu bàn chân được xem như một dấu hiệu cảnh báo cho những bệnh lý xương khớp nguy hiểm hơn. Vì vậy, việc thăm khám và điều trị đúng cách cần được thực hiện sớm để hạn chế được những biến chứng nguy hiểm do tình trạng này gây ra.
Cấu trúc của bàn chân chia làm hai phần chính là phần trên và dưới vòm chân. Vòm chân là lõm cong nằm ở lòng bàn chân hay còn gọi là gan bàn chân, còn mu bàn chân là phần nằm trên đỉnh vòm chân. Mu bàn chân là khoảng giữa từ các ngón chân tới khớp mắt cá chân.
1. Nguyên nhân gây đau mu bàn chân
Thông thường, đau mu bàn chân thường liên quan tới những nguyên nhân sau:
- Chấn thương là nguyên nhân thường gặp gây ra cảm giác đau mu bàn chân. Một số chấn thương thường gặp như trật mắt cá chân, sai khớp, gãy xương bàn chân, rách dây chằng khớp cổ chân, bong gân...
- Tăng cân: Việc tăng cân quá mức làm bàn chân chịu quá nhiều áp lực từ cơ thể, điều này làm tăng mức độ nhạy cảm của bàn chân, đồng thời trọng lượng lớn từ phần trên có thể khiến xương, khớp và mô mềm dễ bị tổn thương hơn. Nguy cơ mu bàn chân bị sưng đau tăng lên ở những người béo phì thừa cân phải đứng nhiều khi làm việc.
- Tuổi tác: Sự thoái hóa xương khớp sinh lý theo tuổi có thể làm các cấu trúc này mất đi tính ổn định và linh hoạt, từ đó dễ bị nhạy cảm và tổn thương, gây ra các cơn đau nhức khó chịu ở mu bàn chân.
2. Đau mu bàn chân có cần đi khám ?
Đau mu bàn chân là một triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi, biểu hiện ở mực đồ từ nhẹ đến trung bình và hầu như giảm đi sau khi áp dụng các phương pháp điều trị đơn giản. Tuy nhiên, ở một số trường hợp đau mu bàn chân dai dẳng và nghiêm trọng thường liên quan đến những bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, việc được thăm khám sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp cho bệnh nhân chẩn đoán đúng bệnh, đồng thời đưa ra những phương pháp điều trị hợp lý nhằm hạn chế được những biến chứng nghiêm trọng.
Hầu như các trường hợp mu bàn chân bị sưng đau thường là triệu chứng của các bệnh lý sau:
- Gout: Là một dạng viêm khớp do tình trạng rối loạn chuyển hóa nhân Purin, nồng độ Axit uric huyết thanh vượt mức an toàn khiến các tinh thể nhỏ tích tụ ở khớp, đặc biệt là khớp bàn ngón chân, từ đó gây ra các triệu chứng như sưng đỏ, đau khớp, cứng khớp, hạt Tophi dưới da...
- Viêm khớp dạng thấp: Là một bệnh lý tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, làm tấn công các lớp màng bao quanh khớp dẫn đến phá hủy khớp, sụn, xương. Cuối cùng là gây ra những triệu chứng như đau khớp ở mu bàn chân, cứng khớp, hạn chế vận động, nóng rát, đỏ khớp...
- Thoái hóa khớp: Là nguyên nhân phổ biến gây đau mu bàn chân. Tình trạng thường xuất hiện ở người lớn tuổi, bệnh nhân thừa cân béo phì. Ngoài triệu chứng đau nhức xương khớp, bệnh lý này còn có thể gây ra cứng khớp, lục cục khớp khi di chuyển, hạn chế vận động...
- Các bệnh lý về máu: Đau mu bàn chân cũng có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo về những bệnh lý nghiêm trọng về mạch máu như viêm tắc động mạch, hội chứng Raynaud, u cuộn mạch... Những bệnh lý này thường có các triệu chứng khá mơ hồ ở giai đoạn đầu. Vì thế, việc đến khám sớm sau khi xuất hiện các cơn đau ở mu bàn chân sẽ giúp điều trị kịp thời, từ đó hạn chế bệnh chuyển sang giai đoạn tiến triển gây cản trở lưu thông máu, mất khả năng di chuyển và chịu lực của cơ thể... Khi đi khám, bệnh nhân thường được kiểm tra triệu chứng lâm sàng kết hợp với siêu âm mạch máu hay chụp hình động mạch để phát hiện những bất thường về mạch máu.
- Các bệnh lý về thần kinh: Đau mu bàn chân cũng là triệu chứng của một số bệnh lý liên quan đến dây thần kinh như đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm, viêm thần kinh ngoại biên, chèn ép dây thần kinh do hội chứng đường hầm...Các triệu chứng đi kèm trong trường hợp này bao gồm cơn đau lan rộng đến các ngón chân, tê bì, dị cảm, khó cử động hoặc đi lại, yếu cơ và teo cơ...Khi đi khám, bệnh nhân thường được kiểm tra triệu chứng lâm sàng kết hợp với đo điện cơ để phát hiện những bất thường về thần kinh.
- Bệnh về dây chằng, gân cơ: Cảm giác đau nhói hoặc đau âm ỉ có thể là triệu chứng liên quan đến bệnh lý dây chằng và gân cơ như bong gân, đứt dây chằng, chấn thương dây chằng chéo, giãn dây chằng, chấn thương kèm đau nhức do quá tải trên gân cơ, viêm dây chằng, viêm cân gan chân...
- Bệnh lý hoại tử chỏm xương bàn chân (Freiberg’s infraction): Hoại tử chỏm xương bàn chân là bệnh lý mà tủy xương và tế bào xương tại chỏm xương bàn chân bị thiếu máu nuôi dưỡng gây tổn thương hoại tử. Tình trạng này gây ra những vùng thưa xương, ổ khuyết xương và tăng nguy cơ gãy xương trong giai đoạn tiến triển. Đau mu bàn chân là một triệu chứng thường xuất hiện sớm, nếu không được đi khám và điều trị sớm trong giai đoạn này có thể khiến chỏm xương bàn chân lún xẹp, thoái hóa thứ phát, mất tính ổn định, mất chức năng khớp, có thể gây tàn phế ở trường hợp nghiêm trọng.
- Bệnh lý u thần kinh gian ngón chân: Bệnh u thần kinh gian ngón chân khiến người bệnh bị đau ở kẽ xương bàn ngón 3 và 4. Nguyên nhân là do khối nằm giữa hai đầu xương bàn chân nên dễ bị chèn ép khi có tác động và chấn thương. Cơn đau vùng mu bàn chân thường trở nên nghiêm trọng và đau dai dẳng hơn khi bệnh nhân mang giày cao gót, mang dép hoặc mang giày thể thao quá chật, đi lại nhiều, chạy và nhảy quá sức.
- Nứt gãy xương bàn chân: Do tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, va đập hoặc chấn thương khi chơi thể thao... Ngoài đau vùng mu bàn chân, tình trạng này còn có thể gây ra những triệu chứng khác như bàn chân bị trẹo đi, biến dạng, sưng tấy, nóng đỏ hoặc bầm tím, mất khả năng vận động...
- Chồi xương ở cổ chân: Chồi xương ở khớp cổ chân thường gặp ở bệnh nhân có khớp xương bị thoái hóa hoặc bệnh nhân thường đi lại nhiều khiến khớp chịu nhiều áp lực. Bệnh nhân thường bị đau ở mu bàn chân kèm theo sưng và nóng đỏ ở khớp.
Trong hầu hết các bệnh lý liên quan tới vùng cổ - bàn chân kể trên, hầu hết các trường hợp triệu chứng đau mu bàn chân thường là cảnh báo sớm nhất. Vì thế, bệnh nhân và người thân không được chủ quan và xem nhẹ triệu chứng này mà cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa, từ đó đưa ra được phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
3. Cách chữa đau mu bàn chân
Hiện nay có rất nhiều phương pháp trong việc chữa đau mu bàn chân. Việc lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả cần đến sự tư vấn của bác sĩ.
3.1. Biện pháp giảm đau tại nhà
Một số biện pháp giảm đau tại nhà thường được áp dụng cho những bệnh nhân không thể đến được các cơ sở khám chữa bệnh, hoặc được xem như một phương pháp điều trị hỗ trợ.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Nghỉ ngơi và tránh hoạt động mạch thường là cách giảm đau hiệu quả cho các trường hợp bị đau mu bàn chân do các nguyên nhân như chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể, căng thẳng, đi lại nhiều, lặp đi lặp lại một động tác hoặc vận động mạnh thường xuyên. Khi bàn chân được nghỉ, các cơ, gân, khớp, xương sẽ được thư giãn, máu huyết lưu thông tốt hơn và giúp xoa dịu cảm giác đau hiệu quả
- Kết hợp thoa dầu nóng và massage: Bệnh có thể sử dụng dầu tràm trà hoặc dầu nóng thoa lên vùng mu bàn chân. Sau đó, nhẹ nhàng bóp bàn chân dọc từ ngón chân đến hai khớp mắt cá chân. Lực nắn từ bàn tay có thể giúp kích thích lưu thông máu và xoa dịu cảm giác đau khó chịu. Khuyến cáo bệnh nhân nên xoa bóp 3 lần mỗi ngày và mỗi lần 30 phút.
- Dùng nhiệt nóng: Bệnh nhân có thể ngâm chân với nước nóng (khoảng 70 độ C) 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 phút hoặc chườm nóng từ 2 – 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 15 – 20 phút để kiểm soát cơn đau ở mu bàn chân. Những tác động từ nhiệt nóng có thể giúp kích thích tuần hoàn máu, thư giãn khớp, gân cơ và dây chằng, tăng độ đàn hồi và tính linh hoạt của ổ khớp.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh 2 – 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 15 phút phù hợp cho bệnh nhân bị đau mu bàn chân kèm sưng đỏ. Biện pháp này có tác dụng giảm đau thông qua cơ chế gây tê mô mềm. Ngoài giảm đau, nhiệt độ thấp có tác dụng giảm viêm, sưng và thư giãn các khớp xương.
- Nâng mu bàn chân: Nâng mu bàn chân hơn tim khi cơn đau xuất hiện sẽ giúp cơn đau thuyên giảm trong thời gian ngắn. Để thực hiện, bệnh nhân có thể sử dụng một vật nâng đỡ như kê gối để mu bàn cân cao hơn bình thường.
- Ép mu bàn chân: Sử dụng chun quấn quanh vùng mu bàn chân có thể giúp cải thiện cơn đau và ổn định khớp.
- Sử dụng thảo dược thiên nhiên như lá ngải cứu hoặc ngâm chân vào nước gừng pha muối với ấm.
3.2. Điều trị y tế
Chỉ định điều trị nội trú tại viện trong các trường hợp sau:
- Không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại nhà sau 7 ngày.
- Đột ngột đau dữ đội ở mu bàn chân sau chấn thương.
- Biến dạng mu bàn chân.
- Nghi ngờ gãy xương.
- Ấn vào mu bàn chân có cảm thấy đau nhói.
- Đau ở mức độ nghiêm trọng kéo dài quá 2 ngày.
- Đau mu bàn chân kèm với các triệu chứng như viêm, sưng đỏ, cứng khớp, hạn chế cử động.
Điều trị bằng thuốc
Để giảm đau với các loại thuốc sau:
- Paracetamol: Sử dụng phổ biến trong điều trị các cơn đau có hoặc không kèm theo sốt. Paracetamol có tác dụng cải thiện cơn đau ở mức độ từ nhẹ đến vừa.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Sử dụng cho những bệnh nhân bị đau mu bàn chân kèm theo triệu chứng của viêm khớp.
- Corticosteroid: Sử dụng cho những trường hợp không có đáp ứng với Paracetamol hay chống viêm không steroid (NSAIDs). Corticosteroid có tác dụng giảm viêm và giảm đau hiệu quả, được sử dụng qua đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào vùng tổn thương.
Vật lý trị liệu
Bệnh nhân có thể được hướng dẫn tập những động tác vật lý trị liệu nếu cơn đau vùng mu bàn chân làm ảnh hưởng đến khả năng vận động. Vật lý trị liệu có tác dụng cải thiện độ linh hoạt, giảm đau, hạn chế tình trạng cứng khớp, tăng cường sức cơ, cải thiện chức năng của mu bàn chân cùng các khớp liên quan, tăng sức bền và độ chắc khỏe cho xương khớp.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp ít khi được chỉ định cho những trường hợp bị đau mu bàn chân thông thường. Việc phẫu thuật thường áp dụng khi người bệnh bị đau mu bàn chân do nguyên nhân gãy xương, viêm khớp có tổn thương ổ khớp nghiêm trọng, biến chứng mạch máu hoặc thần kinh nghiêm trọng. Tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật mổ hở hoặc nội soi.
Đau ở mu bàn chân thường xảy ra do chấn thương hoặc căng thẳng khớp quá mức. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, cơn đau này có thể là biểu hiện của những bệnh lý nghiêm trọng cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Vì thế, nếu mu bàn chân bị đau kéo dài trong nhiều ngày hoặc nghiêm trọng, bệnh nhân không nên chủ quan mà cần liên hệ với bác sĩ để kịp thời thăm khám và xử lý kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.