Đau khớp cổ tay thường do bong gân hoặc gãy xương từ chấn thương đột ngột. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân bệnh lý khác như các động tác lặp lại gây áp lực lên khớp cổ tay, viêm khớp hoặc hội chứng ống cổ tay. Do có nhiều yếu tố có thể gây ra đau khớp cổ tay, việc xác định chính xác nguyên nhân đôi khi gặp khó khăn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS Đỗ Văn Cường, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Triệu chứng đau khớp cổ tay và khi nào thì cần gặp bác sĩ
1.1. Triệu chứng
Tình trạng và triệu chứng đau khớp cổ tay có thể khác nhau tùy vào nguyên nhân. Ví dụ, đau do thoái hóa khớp thường là cảm giác âm ỉ, trong khi hội chứng ống cổ tay mang lại cảm giác như kiến bò. Cơn ngứa ran này thường xuất hiện vào ban đêm ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần mô tả rõ vị trí đau ở khớp cổ tay.
1.2. Khi nào cần gặp bác sĩ
Không phải mọi cơn đau ở cổ tay đều cần đến sự can thiệp y tế. Với bong gân hay căng cơ nhẹ, bệnh nhân có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách chườm lạnh, nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn.
Tuy nhiên, nếu cơn đau và sưng kéo dài hơn vài ngày hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, nên đến gặp bác sĩ ngay. Chẩn đoán và điều trị chậm trễ có thể gây ra những biến chứng như hồi phục chậm, giảm khả năng vận động hoặc thậm chí là tàn tật lâu dài.

2. Nguyên nhân gây đau khớp cổ tay
Mọi tổn thương ở các phần của cổ tay đều có thể gây đau và ảnh hưởng đến khả năng vận động của cổ tay và bàn tay. Những tổn thương này có thể từ các nguyên nhân như:
2.1. Chấn thương do va chạm đột ngột
Chấn thương cổ tay thường xảy ra khi người bệnh ngã về phía trước và đưa tay chống xuống đất, dẫn đến bong gân, căng cơ hoặc thậm chí gãy xương. Gãy xương thuyền (scaphoid fracture) là dạng gãy xương ở bên phía ngón cái của cổ tay và thường khó phát hiện trên phim X-quang ngay sau khi chấn thương xảy ra.

2.2. Lặp lại các động tác, hoạt động gây áp lực lên cổ tay
Các hoạt động yêu cầu cử động cổ tay liên tục và lặp đi lặp lại với cường độ cao trong thời gian dài có thể gây viêm các mô xung quanh khớp cổ tay. Ví dụ như đánh bóng bàn, kéo đàn cello hoặc lái xe đường dài. Nguy cơ chấn thương tăng cao khi những động tác này được thực hiện nhiều giờ liền mà không nghỉ ngơi. Một điển hình là hội chứng viêm bao gân De Quervain, chấn thương do hoạt động ngón tay lặp lại, gây đau ở gốc ngón cái.
2.3. Viêm khớp
Thoái hóa khớp (Osteoarthritis): Đây là dạng viêm khớp xảy ra khi sụn khớp (lớp đệm giữa các đầu xương) bị thoái hóa dần theo thời gian. Thoái hóa khớp ở cổ tay khá hiếm gặp, thường chỉ xảy ra ở những người từng bị chấn thương cổ tay.
Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis): Là một rối loạn tự miễn dịch, khi hệ miễn dịch tấn công các mô của chính cơ thể. Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến cổ tay và nếu một bên cổ tay bị tổn thương, bên còn lại cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng tương tự.
3. Các bệnh lý và tình trạng khác ảnh hưởng đến đau khớp cổ tay
Ngoài hội chứng ống cổ tay, còn có một số bệnh và tình trạng khác cũng có thể ảnh hưởng đến cổ tay, bao gồm:
3.1. Hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome)
Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh giữa (median nerve) bị chèn ép, gây tăng áp lực lên ống cổ tay.
3.2. U bao hoạt dịch (ganglion cysts)
Đây là những u nang mô mềm, thường xuất hiện ở mặt mu cổ tay. U bao hoạt dịch có thể gây đau, mức độ đau phụ thuộc vào cường độ hoạt động.
3.3. Bệnh Kienbock (Kienbock disease)
Bệnh lý này liên quan đến thoái hóa của một trong các xương nhỏ ở cổ tay và thường gặp ở người trẻ. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh còn do lưu lượng máu đến vùng xương này không đủ.
3.4. Một số bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe khác
Mang thai, tiểu đường, béo phì, viêm khớp dạng thấp và gout (gút) có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay cũng như các vấn đề đau khớp cổ tay khác.
4. Cách làm giảm tình trạng đau khớp cổ tay
Để giảm tình trạng đau ở khớp cổ tay, bệnh nhân hãy thực hiện một số phương pháp sau:
- Nghỉ ngơi: Khi bị đau khớp cổ tay bệnh nhân nên nghỉ ngơi ngay để giảm tình trạng viêm và sưng.
- Dùng thuốc giảm đau: Bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau phổ biến như thuốc giảm đau không steroid. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc vì có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập kéo căng và tăng các cơ có thể làm giảm sự căng thẳng ở bàn tay và cổ tay. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thực hiện dựa trên sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Chườm lạnh: Bệnh nhân có thể chườm đá lên cổ tay hoặc mu bàn tay trong 20 phút, lặp lại mỗi 3-4 giờ trong hai ngày đầu, giúp giảm đau khớp tay hiệu quả. Người bệnh cần lưu ý không chườm đá quá lâu vì có thể làm tổn thương các mô.

5. Phòng ngừa đau khớp cổ tay
Dù khó tránh hoàn toàn các chấn thương cổ tay bất ngờ, vẫn có những phương pháp giúp phòng ngừa tình trạng này:
5.1. Tăng cường sức khỏe xương
Bổ sung đủ canxi giúp ngăn ngừa nguy cơ gãy xương. Đối với hầu hết người lớn, nhu cầu canxi cần thiết là từ 1.000 đến 1.200 miligam mỗi ngày.

5.2. Cẩn thận tránh té ngã
Ngã về phía trước và chống tay xuống là nguyên nhân chính gây ra hầu hết chấn thương cổ tay. Để giảm nguy cơ té ngã, hãy mang giày dép phù hợp. Ngoài ra, có thể lắp thanh vịn trong phòng tắm và lan can ở cầu thang để hạn chế rủi ro.
5.3. Sử dụng thiết bị bảo hộ trong các hoạt động thể thao
Để tránh chấn thương, hãy đeo dụng cụ bảo vệ cổ tay khi tham gia các hoạt động thể thao có nguy cơ chấn thương cao như bóng đá, trượt patin…
Người bệnh cần chú ý các triệu chứng đau khớp cổ tay để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.