Rượu gừng trị đau khớp là một bài thuốc trong dân gian để điều trị tình trạng đau khớp. Rượu và gừng đều có tính ấm, vị cay nên có khả năng tán hàn. Vậy cách sử dụng rượu gừng để điều trị đau khớp được thực hiện như thế nào và mọi người cần lưu ý những gì khi áp dụng phương pháp này? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau nhé!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tìm hiểu về rượu gừng
Trong dân gian, gừng được xem là một vị thuốc từ tự nhiên có thể điều trị nhiều vấn đề. Theo y học cổ truyền, gừng là một dược liệu có tính ấm, vị cay. Củ gừng có thể dùng ở cả dạng khô và tươi. Trong các món ăn, gừng cũng được thêm vào như một loại gia vị đặc biệt để tăng mùi hương hoặc khử mùi.
Ngoài ra, củ gừng cũng có đặc tính khu phong tán hàn. Trong Đông y, gừng được sử dụng để điều trị một số vấn đề như lạnh tay chân, lạnh bụng, đau bụng hoặc đầy hơi. Ho khan, hạ huyết áp, đau nhức khớp cũng là một số vấn đề mà gừng được cho là có thể giải quyết.
Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, gừng có các hoạt chất giúp ức chế những enzym tham gia vào phản ứng viêm. Nhờ đó, gừng mang lại hiệu quả giảm đau, chống viêm cho những người mắc bệnh khớp.
Rượu và gừng đều có tính cay nóng, giúp tán hàn và giảm đau. Rượu cũng giúp các chiết xuất từ gừng thấm vào da nhanh hơn. Từ đó, việc sử dụng rượu gừng trị đau khớp cũng được nhiều người bệnh tin tưởng.
2. Cách làm rượu gừng
Gừng có thể không cần phải gọt vỏ mới có thể sử dụng. Bệnh nhân có thể dùng cả gừng tươi và gừng khô đều không có vấn đề gì, tuy nhiên hãy ưu tiên gừng tươi. Cách làm rượu gừng như sau:
- Chuẩn bị một kilogram gừng, 2 lít rượu trắng và một hũ thuỷ tinh có nắp đậy.
- Rửa sạch gừng, sau đó băm nhuyễn hoặc thái thành các lát mỏng. Việc này giúp tăng bề mặt tiếp xúc giữa gừng và rượu, khiến các hoạt chất được giải phóng nhiều hơn.
- Cho gừng vào hũ thuỷ tinh đã chuẩn bị, sau đó đổ rượu vào và đậy nắp kín. Bảo quản trong môi trường không bị ảnh hưởng bởi nhiệt hoặc ánh sáng.
Rượu gừng càng ngâm lâu thì độ hiệu quả càng cao. Nếu cần dùng nhanh, người bệnh chỉ cần để hỗn hợp rượu gừng trong khoảng 3 tuần là dùng được. Sau mỗi lần sử dụng, bệnh nhân có thể khuấy nhẹ gừng để gia tăng nồng độ hoạt chất tiết ra.
3. Cách sử dụng rượu gừng trị đau khớp
Khi dùng rượu gừng để xoa bóp, người bệnh chỉ cần lấy một lượng vừa đủ. Sau đó, hãy thoa đều vào khu vực bị đau và massage nhẹ nhàng trong khoảng 20 phút. Nếu có cảm giác châm chích hoặc rát, người bệnh có thể rửa sạch da.
Người bệnh cũng có thể áp dụng thêm một số bài tập xoa bóp để tăng cường hiệu quả. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể thấm rượu gừng vào băng gạc, sau đó dùng băng keo y tế để đắp vào da. Sau khoảng 30 phút, người bệnh có thể tháo băng gạc và vệ sinh vùng da vừa đắp.
Ngoài việc sử dụng rượu gừng trị đau khớp, người bệnh cũng có thể sử dụng một số cách khác với gừng để điều trị đau khớp. Dưới đây là một vài cách kết hợp với gừng có thể tham khảo:
Gừng và muối
Sử dụng một muỗng muối hạt, trộn đều với một ít gừng tươi giã nhuyễn. Sau đó, rang hỗn hợp này trên chảo, cho vào túi vải và chườm lên vùng bị đau. Khi hỗn hợp nguội, người bệnh có thể làm nóng lại và tiếp tục chườm khoảng 30 phút. Người bệnh cũng có thể kết hợp thêm một ít ngải cứu để tăng tính hiệu quả.
Ngâm chân bằng gừng
Giã một ít gừng tươi, sau đó đun cùng với một ít nước. Khi nước sôi, người bệnh đợi nước nguội đến khoảng 40 độ C là có thể dùng hỗn hợp này ngâm chân. Phương pháp này nên được thực hiện mỗi ngày để thấy được hiệu quả.
Tuy nhiên, những người mắc giãn tĩnh mạch không nên thực hiện ngâm chân. Việc tiếp xúc với nhiệt độ nóng có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn.
4. Lưu ý khi sử dụng rượu gừng trị đau khớp
Mặc dù có nhiều tác dụng với cơ thể, nhưng bệnh nhân cần lưu ý vài điều, khi sử dụng rượu gừng trị đau khớp, bao gồm:
- Chọn nhà cung cấp rượu uy tín, an toàn. Người bệnh nên dùng rượu trên 40 độ để có hiệu quả tốt nhất. Ở nồng độ cao, người bệnh không được dùng rượu này để uống và tránh xa tầm tay trẻ em.
- Đối với các trường hợp bị chấn thương, mọi người không được bôi rượu gừng lên vết thương hở. Việc bôi rượu gừng lên vết thương hở hoặc vùng lở loét có thể gây ra tác dụng phụ.
- Rượu gừng có công hiệu rất chậm, vì thế, người bệnh nên kiên trì sử dụng trong thời gian dài. Rượu gừng cần mất ít nhất 1 đến 2 tuần để phát huy công hiệu.
- Bệnh nhân nên bảo quản rượu trong bóng tối để các hoạt chất trong rượu gừng không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng và nhiệt độ.
- Những bệnh nhân dị ứng với rượu hoặc gừng cần hỏi trước ý kiến của các bác sĩ. Nếu bị dị ứng trong quá trình sử dụng, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức. Lúc này, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng một cách an toàn hơn.
- Nếu không biết rõ nguyên nhân gây đau khớp, người bệnh không nên tự ý sử dụng rượu gừng.
Tổng kết lại, việc dùng rượu gừng trị đau khớp là một phương pháp đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu lạ và tham khảo ý kiến bác sĩ kịp thời để tránh tác dụng phụ. Rượu được sử dụng có nồng độ cao nên rượu gừng chỉ áp dụng ngoài da và không được dùng để uống. Vì là một loại rượu xoa bóp và có hiệu quả chậm, bệnh nhân cần kiên trì thực hiện để thấy được hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.