Các bệnh đau vai, cánh tay, khớp khuỷu thường rất hay gặp ở những vận động viên thể dục, thợ mộc, thợ hàn... Nguyên nhân là do vận động quá mạnh, lặp đi lặp lại các động tác tay trong thời gian dài làm cản trở sự vận hành của kinh khí, gân mạch khớp bị hư tổn. Một số biện pháp tác động lên các huyệt vùng tay như: day bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp cánh tay để đả thông kinh lạc, hồi phục khu vực tổn thương. Dưới đây là các huyệt trên cánh tay mà bạn có thể tìm hiểu và tham khảo.
1. Huyệt Kiên Ngung
- Tên gọi khác: Biên Cốt, Kiên Tỉnh, Thượng Cốt,...
- Vị trí: Theo đặc điểm giải phẫu, huyệt nằm ngay dưới da và nằm ở chỗ lõm dưới mỏm cùng vai đòn, nơi bắt đầu cơ Delta.
- Cách lấy huyệt: Người bệnh đưa cánh tay lên cao, dò tìm phần lõm ngoài của bờ vai. Vị trí giao giữa xương vai và cánh tay chính là huyệt Kiên Ngung.
- Tác dụng: Huyệt Kiên Ngung chịu tác động của dây thần kinh C4, thần kinh mũ nên thường liên quan đến các bệnh đau vai và cánh tay, chi trên tê bại, đau cổ và cử động. Xoa bóp cánh tay và tác động vào huyệt Kiên Ngung cũng có thể điều hòa thanh tiết hỏa khí, hỗ trợ trục thấp, khu phong, giải nhiệt rất tốt.
2. Huyệt Khúc Trì
- Tên gọi khác: Dương Trạch, Quỷ Cự
- Vị trí: nằm tại chỗ lõm ở bờ ngoài nếp gấp khuỷu tay.
- Cách lấy huyệt: Người bệnh ngồi thẳng, co khuỷu tay thành góc vuông, huyệt nằm ở chỗ giữa đầu nếp gấp khuỷu tay và lồi cầu ngoài xương cánh tay.
- Tác dụng: Huyệt Khúc trì có tác dụng hiệu quả nhất ở các bệnh lý sau: Đau khớp khuỷu, cánh tay, bả vai, liệt chi trên, đau dây thần kinh quay, bệnh ngoài da, cảm mạo, cao huyết áp, động kinh...
3. Huyệt Xích Trạch
- Tên gọi khác: Quỷ Đường, Quỷ Thọ
- Vị trí và cách lấy huyệt: Người bệnh nhân gấp phần nếp trong của khuỷu tay lại, lòng bàn tay hướng về phía trước. Huyệt Xích Trạch nằm ở chỗ lõm phía ngoài gân cơ nhị đầu, bên trong cơ ngửa dài, cơ cánh tay trước.
Tác dụng: Hỗ trợ trị đau mỏi vai gáy, thấp khớp, tiêu độc tố trong máu. Bên cạnh đó, huyệt Xích Trạch có công dụng thúc đẩy quá trình trao đổi khí trong phổi, giúp người bệnh dễ thở hơn, nhờ đó làm sạch phổi, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như: hen phế quản, viêm họng và viêm amidan...
4. Huyệt Khúc Trạch
- Vị trí: nằm tại chỗ lõm phía trong khuỷu tay, trên đường nếp gấp khuỷu tay và ở bờ trong gân cơ hai đầu cánh tay.
- Cách tìm huyệt: Người bệnh hơi gập cánh tay lại để làm lộ rõ đường nếp gấp khuỷu tay. Huyệt Khúc Trạch chính là điểm nằm phía trong đường gân cơ lớn trên nếp gấp khuỷu tay, tại nơi có mạch đập chính.
- Tác dụng: Tác động vào huyệt Khúc Trạch có thể điều trị tình trạng sưng đau khuỷu tay, đau cánh tay, đau dây thần kinh giữa và các bệnh ở tim và dạ dày....
5. Huyệt Nội Quan
- Vị trí: Nằm ở mặt trước cổ tay, giữa gân cơ gan tay lớn và gân cơ gan tay bé, cách nếp lằn chỉ cổ tay 2 thốn.
- Cách tìm huyệt: Người bệnh ngửa bàn tay, lấy 3 ngón giữa của tay còn lại áp lên cổ tay sao cho ngón áp út nằm sát đường chỉ cổ tay. Lúc này điểm nằm sát với ngón trỏ, giữa 2 đường gân cơ gan tay chính là vị trí huyệt Nội Quan.
- Tác dụng: Huyệt Nội Quan có công dụng nổi bật là định tâm, an thần. Ngoài khả năng cải thiện các bệnh ở Tâm, ngực, vị như hồi hộp, đau tim, đau ngực, khó thở, hen phế quản... Ở phạm vi toàn thân, huyệt Nội Quan còn khắc phục tốt nhiều bệnh lý khác như hội chứng cổ tay, đau dạ dày, viêm khớp, xuất tinh sớm, mất ngủ, động kinh...
6. Huyệt Thái Uyên
- Vị trí: Trên lằn chỉ cổ tay, bên ngoài gân cơ gan tay lớn, huyệt ở chỗ lõm trên động mạch tay quay.
- Cách tìm huyệt: Người bệnh ngửa bàn tay rồi từ từ gập bàn tay về phía cẳng tay. Khi nếp lằn chỉ cổ tay thứ nhất nổi rõ, sẽ thấy huyệt Thái Uyên nằm trên đường lằn chỉ này, tại vị trí lõm nhất của động mạch tay quay.
Tác dụng: Huyệt Thái Uyên có mối liên hệ trực tiếp với Phế. Khi gặp các vấn đề ở phổi, khí huyết ứ động khiến cho vị trí huyệt bị đau và nhạy cảm. Việc tác động lên huyệt lúc này giúp cho khí huyết lưu thông giúp cải thiện hiệu quả các bệnh lý về Phế như ho, viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn...
7. Huyệt Thông Lý
- Vị trí: nằm ở mặt trước, phía trong cẳng tay. Huyệt nằm trên nếp gấp cổ tay, trên huyệt Thần Môn 1 thốn.
- Cách tìm huyệt: Người bệnh ngửa bàn tay. Từ rãnh giữa ngón út và áp út gióng 1 đường thẳng xuống cổ tay, gặp đường chỉ cổ tay thứ nhất ở đâu thì đó là vị trí huyệt Thần Môn. Từ huyệt Thần Môn nhích lên 1 thốn là huyệt Thông Lý.
- Tác dụng: Huyệt Thông Lý có khả năng cải thiện nhiều bệnh lý trên toàn cơ thể, điển hình nhất là đau khớp cổ tay, đau cánh tay, hồi hộp, co cứng lưỡi, chứng mất ngủ, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa...
8. Huyệt Thần Môn
- Tên gọi khác: Đoài Lệ, Duệ Trung, Đoài Xung, Trung Đô
- Vị trí: Nằm trên bờ trong cổ tay, trên đường lằn chỉ cổ tay. Huyệt ở chỗ lõm về phía ngoài gân cơ trụ trước và phía ngoài bờ trên xương trụ.
- Cách tìm huyệt: Người bệnh hơi gập bàn tay về phía cẳng tay để làm hiện rõ đường lằn chỉ cổ tay. Huyệt Thần Môn nằm ở giao điểm giữa đường thẳng vừa gióng và đường lằn chỉ cổ tay.
- Tác dụng: Huyệt Thần Môn giúp chữa đau khớp khuỷu, đau cổ tay, nhức nửa đầu, đau vai gáy, chứng mất ngủ, bệnh tim đập nhanh, cảm mạo, sốt cao. Các chuyên gia gợi ý nên day ấn huyệt Thần Môn mỗi ngày để cải thiện chất lượng giấc ngủ và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
9. Huyệt Ngoại Quan
- Vị trí và cách lấy huyệt: Nằm ở mặt sau cẳng tay, cách đường lằn chỉ cổ tay 2 thốn (từ huyệt Dương Trì đo lên). Huyệt Ngoại quan nằm tại chính giữa chỗ lõm giữa xương trụ và xương quay.
- Tác dụng: Huyệt Nội Quan có tác dụng chữa đau khớp khuỷu, đau cổ tay, đau nhức nửa đầu, đau vai gáy, gân xương trong và ngoài đùi đau, sốt cao, cảm mạo.
10. Huyệt Dương Trì
- Tên gọi khác: Biệt Dương.
- Vị trí: Huyệt nằm ở trên nếp lằn cổ tay, bên ngoài gân cơ duỗi chung.
- Cách tìm huyệt: Người bệnh cần ngửa bàn tay ra sau để tay hiện rõ nếp gấp khớp và các gân. Huyệt Dương Trì nằm ở chỗ lõm giữa đường lằn ngang khớp xương cổ tay xuôi về phía mu tay.
- Tác dụng: Huyệt Dương Trì có tác dụng làm giảm tình trạng sưng đau cổ tay, đau vai, hội chứng cổ vai cánh tay, chữa đau họng, điếc tai, ù tai, cảm mạo...
Các huyệt đạo trên cánh tay đóng vai trò quan trọng trong điều trị các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là ở đối tượng vận động viên, người vận động tay nhiều, người già mắc bệnh.... Bên cạnh những huyệt cơ bản, dễ tìm và dễ tác động thì ngược lại cũng có các huyệt trên cánh tay cần được xác định và tiếp cận thận trọng. Việc điều trị bằng cách day bấm huyệt/ châm cứu cũng nên được thực hiện bởi các thầy thuốc lành nghề, có chuyên môn để tránh những tác động không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.