Viêm khớp dạng thấp vị thành niên (JRA) là một bệnh lý gây ra các triệu chứng khó chịu như đau, cứng và sưng khớp kéo dài, thường xảy ra ở trẻ dưới 16 tuổi. Căn bệnh này có nhiều dạng khác nhau, mỗi dạng sẽ gây ra những ảnh hưởng và biến chứng nhất định đối với sức khỏe của trẻ.
1. Viêm khớp dạng thấp vị thành niên (JRA) là gì?
Viêm khớp dạng thấp vị thành niên là một loại bệnh viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ dưới 16 tuổi. Căn bệnh này còn có tên gọi khác là viêm khớp tự phát chưa thành niên, thường gây ra các triệu chứng như sưng, cứng và đau khớp kéo dài.
Căn bệnh này có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, ví dụ như viêm mắt hoặc các vấn đề về tăng trưởng. Việc điều trị cho viêm khớp dạng thấp vị thành niên cần được bắt đầu ngay từ sớm và tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát các triệu chứng đau, đồng thời cải thiện các chức năng và thiệt hại nói chung do bệnh gây ra.
2. Nguyên nhân gây ra viêm khớp dạng thấp vị thành niên (JRA)
Viêm khớp dạng thấp vị thành niên (JRA) là một rối loạn tự miễn dịch, có nghĩa là cơ thể tấn công nhầm một số tế bào và mô khỏe mạnh của chính mình, dẫn đến tình trạng viêm. Các chuyên gia không biết rõ nguyên nhân tại sao cơ thể lại phản ứng theo cách, nhưng họ cho rằng xu hướng di truyền phát triển nên JRA và một số yếu tố môi trường (chẳng hạn như vi rút) thường gây ra phản ứng.
3. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp vị thành niên (JRA)
Trẻ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp vị thành niên có thể có các triệu chứng đau, cứng, đỏ, nóng hoặc sưng ở một vài/nhiều khớp. Các triệu chứng này thường trở nên tồi tệ hơn vào buổi sáng, trước khi trẻ bắt đầu hoạt động thể chất. Đôi khi, một số cơ quan nội tạng cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong một số trường hợp, JAR có thể gây sưng hạch bạch huyết, phát ban nhẹ không rõ nguyên nhân hoặc sốt. Nếu con bạn đi khập khiễng mà không rõ nguyên nhân hoặc vụng về bất thường thì khả năng cao là do bệnh viêm khớp dạng thấp vị thành niên gây ra.
Một số trẻ thỉnh thoảng bị bùng phát bệnh, trong khi những đứa trẻ khác có các triệu chứng mãn tính không bao giờ biến mất. Một số trường hợp mãn tính nặng gây nguy hiểm đến tính mạng vì nó có thể làm rối loạn sự phát triển của xương và ngăn sự tăng trưởng của cơ thể trẻ. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng này của trẻ bằng thuốc và vật lý trị liệu.
4. Các loại bệnh viêm khớp dạng thấp vị thành niên
Dưới đây là những loại viêm khớp dạng thấp vị thành niên thường gặp nhất, bao gồm:
- Thể viêm ít khớp (Pauciarticular JRA)
Đây là dạng JRA phổ biến nhất, chiếm khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh. Nó thường ảnh hưởng đến 4 hoặc ít khớp hơn, và chủ yếu là những khớp lớn (ví dụ như đầu gối). Theo nghiên cứu, có 20-30% trẻ em bị JRA thể viêm ít khớp phát triển thành chứng viêm ở mắt, dẫn đến mất thị lực. Do đó, các bậc cha mẹ nên cho con đi thăm khám mắt thường xuyên.
- Thể viêm đa khớp (Polyarticular JRA)
Dạng JRA này thường ảnh hưởng đến năm khớp trở lên, bao gồm cả các khớp nhỏ (tay và chân), hoặc các khớp lớn hơn (đầu gối và vai). Nó có xu hướng gây tổn thương đến các khớp ở cùng một bên cơ thể. Thể viêm đa khớp có nhiều khả năng tồn tại sau thời thơ ấu và chiếm khoảng 30% các trường hợp mắc JRA. Ngoài ra, những trẻ em mắc phải căn bệnh này cũng thường bị thiếu máu.
- Thể hệ thống (Systemic JRA)
Hay còn được gọi là bệnh Still, là dạng JRA ít phổ biến nhất nhưng nghiêm trọng nhất. Nó có thể gây sưng, đau khớp, sốt cao (103 độ F trở lên), phát ban nhẹ trên ngực, đùi hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra, nó cũng có thể gây viêm gan, lá lách và các hạch bạch huyết. Một đứa trẻ bị JRA thể hệ thống có khả năng lâm vào tình trạng thiếu máu. Bé có nguy cơ viêm khớp nặng ở nhiều khớp kéo dài đến tuổi trưởng thành. Thậm chí, JRA thể hệ thống có thể đe dọa đến tính mạng nếu nó gây viêm màng ngoài tim (mô xung quanh tim). Nhìn chung, dạng JRA này thường chiếm khoảng 20% các trường hợp mắc bệnh.
5. JRA được chẩn đoán như thế nào?
Nếu con bạn có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp vị thành niên, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa thấp khớp nhi khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm. Việc chẩn đoán sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi về các triệu chứng của trẻ, làm một số xét nghiệm máu và có thể yêu cầu chụp X-quang.
Mặc dù các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm sẽ không chẩn đoán được JRA nhưng chúng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng của trẻ và giúp bác sĩ phân loại thể JRA mà trẻ có thể mắc phải. Con bạn có thể được chẩn đoán mắc JRA nếu trẻ có các triệu chứng kéo dài hơn 6 tuần và không có nguyên nhân nào khác được xác định.
6. Phương pháp điều trị JRA
Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp vị thành niên là giảm sưng, giảm đau và giúp trẻ duy trì được các cử động ở khớp, đồng thời đối phó với mọi biến chứng có thể xảy ra.
Bác sĩ thấp khớp nhi khoa sẽ kê một đơn thuốc để giảm viêm và làm chậm hoặc ngăn ngừa tổn thương ở khớp cho trẻ. Những lựa chọn điều trị bằng thuốc thường bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), corticosteroid (đối với JRA nghiêm trọng) và tác nhân sinh học (phương pháp điều trị bằng thuốc mới được sử dụng nếu các lựa chọn khác không hiệu quả). Trẻ sẽ phải thử nhiều loại thuốc khác nhau trước khi tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất với ít tác dụng phụ nhất.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị các bài tập luyện cho trẻ hoặc đề xuất các buổi vật lý trị liệu để giúp trẻ duy trì trương lực cơ và phạm vị chuyển động của các khớp. Một số bài tập thể chất không gây áp lực cho khớp hoặc bơi lội có thể hữu ích trong việc điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com