Viêm bao thanh dịch gây ra tình trạng đau đớn cho người bệnh. Bệnh thường bị nhầm lẫn với viêm khớp bởi triệu chứng khá tương đồng. Do đó, ngay khi nhận thấy những triệu chứng như đau nhức, hạn chế vận động, teo cơ,... người bệnh nên gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị.
1. Viêm bao thanh dịch là bệnh gì?
Túi thanh dịch là khoang chứa dịch do túi tiết ra và thường nằm ở các vị trí chịu ma sát của cơ thể, như nơi gân hoặc các cơ đi ngang qua mấu xương. Túi thanh dịch có tác dụng làm giảm ma sát giữa các phần chuyển động và giúp cho cơ thể vận động dễ dàng hơn.
Viêm bao thanh dịch là bệnh lý cơ xương khớp, những màng tế bào giống màng hoạt dịch ở những chỗ nổi gồ của xương, có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân bị chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc gút, viêm khớp dạng thấp.
Đây là 1 bệnh lý viêm cấp tính hoặc mạn tính của bao thanh dịch. Vị trí thường xảy ra nhất là những túi thanh dịch dưới cơ denta, mỏm khủy, mấu chuyển lớn, túi Baker và túi thanh dịch trước của xương bánh chè.
2. Nguyên nhân gây viêm bao thanh dịch
Nguyên nhân gây viêm bao thanh dịch thường là do:
- Bị chấn thương.
- Vận động quá sức, thời gian tập luyện dài.
- Bệnh nhân có bệnh lý viêm khớp như: Gút, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, viêm cột sống.
- Bị nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính, ví dụ như vi khuẩn sinh mủ, tụ cầu vàng. Viêm túi thanh dịch do nhiễm khuẩn thường gặp nhất ở túi thanh dịch mỏm khuỷu và trước xương bánh chè.
Trong những nguyên nhân trên, chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm bao thanh dịch. Viêm bao thanh dịch cấp và mạn tính có thể xuất hiện ngay sau khi vận động sai tư thế, căng hoặc giãn khớp bất thường.
3. Triệu chứng khi bị viêm bao thanh dịch
Triệu chứng viêm bao thanh dịch cấp:
- Đau kèm sưng tấy khi bị chèn ép hoặc căng giãn trong quá trình vận động.
- Đôi khi kèm theo triệu chứng viêm ở túi thanh dịch vùng nống. Túi thanh dịch ở mỏm khuỷu đau nhức và sưng tấy hơn vùng khác.
- Nếu bị viêm bao thanh dịch do tinh thể hay nhiễm khuẩn thường sẽ đi kèm theo các triệu chứng phát ban đỏ, phù, đau và nóng ở phần mềm xung quanh.
Khi bị viêm bao thanh dịch do chấn thương, có thể đáp ứng với điều trị bằng chạy nhiệt tại chỗ, nghỉ ngơi, sử dụng các thuốc chống viêm không steroid và tiêm corticosteroid tại chỗ.
Những túi thanh dịch có thể bị vỡ, đặc biệt với kén Baker. Khi vỡ kén Baker gây ra triệu chứng sưng, đau cẳng chân. Để phát hiện vỡ kén hay không, bác sĩ sẽ cho chỉ định bằng siêu âm, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp khớp.
Triệu chứng viêm túi thanh dịch mạn tính:
- Tình trạng đau nhức kéo dài trong vài tháng và chúng còn có thể tái phát thường xuyên.
- Mỗi đợt cấp có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
- Nếu viêm kéo dài ở gần khớp, có thể khiến bệnh nhân bị hạn chế vận động.
- Tình trạng bệnh nhân bị hạn chế vận động kéo dài có thể dẫn đến teo cơ.
4. Điều trị viêm bao thanh dịch
Để điều trị viêm bao thanh dịch, người bệnh cần:
- Nghỉ ngơi, tập vận động để duy trì sự linh hoạt của các khớp.
- Dùng NSAIDs liều cao.
- Tìm ra nguyên nhân và điều trị do tinh thể hoặc nhiễm trùng.
- Tiêm corticosteroid.
Tóm lại, viêm bao thanh dịch là một bệnh lý cơ xương khớp, tình trạng này gây đau đớn cho người bệnh. Bệnh thường bị nhầm lẫn với viêm khớp bởi triệu chứng khá tương đồng. Do đó, ngay khi nhận thấy những triệu chứng như đau nhức, hạn chế vận động, teo cơ,... thì người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.