Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp là một quá trình quan trọng để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, giảm nguy cơ mang thương tật suốt đời vì tổn thương ở các khớp xương. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp chi tiết những thông tin mà bệnh nhân cần biết về quá trình này. 

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Lê Dương Tiến - CK Nội cơ xương khớp, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các bao hoạt dịch hoặc màng bao quanh khớp, gây viêm và phá hủy sụn, xương bên trong khớp. Bệnh có thể diễn biến với các triệu chứng tại khớp, ngoài khớp hoặc toàn thân, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.

Diễn biến của viêm khớp dạng thấp khá phức tạp và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Do đó, bệnh nhân cần chẩn đoán viêm khớp dạng thấp sớm và điều trị ngay từ đầu để đạt hiệu quả tốt. 

Viêm khớp dạng thấp gây ra viêm nhiễm và phá hủy sụn.
Viêm khớp dạng thấp gây ra viêm nhiễm và phá hủy sụn.

2. Những phương pháp, tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp hiện nay

2.1 Tiêu chuẩn của hội thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987

Tiêu chuẩn ACR 1987 được sử dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay và rộng rãi trên toàn thế giới.

Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp biểu hiện bệnh ở nhiều khớp và thời gian diễn biến viêm khớp trên 6 tuần. Đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đã tiến triển, tiêu chuẩn ACR 1987 sẽ có độ nhạy 91-94% và độ đặc hiệu 89%. Tuy nhiên, ở giai đoạn mới khởi phát, độ nhạy của phương pháp này chỉ dao động từ 40-90% và độ đặc hiệu từ 50-90%.

Bên cạnh đó, phương pháp này còn đề cập đến một số triệu chứng viêm đa khớp như:  

  • Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.
  • Viêm các khớp ở bàn tay: Bệnh nhân bị sưng tối thiểu một nhóm trong các khớp cổ tay, khớp ngón gần hoặc khớp bàn ngón tay.
  • Viêm tối thiểu ba nhóm khớp: Các nhóm khớp ngón gần bàn tay, khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, khớp khuỷu, khớp cổ chân, khớp gối, khớp bàn ngón chân. Xuất hiện tình trạng sưng phần mềm hay tràn dịch tối thiểu 3 trong số 14 nhóm khớp trên (kể cả hai bên).
  • Viêm khớp đối xứng.
  • Yếu tố dạng thấp trong huyết thanh dương tính.
  • Hạt dưới da.
  • Dấu hiệu X-quang điển hình của viêm khớp dạng thấp khi chụp khớp cổ tay, khớp tại bàn tay, các khớp xuất hiện các tổn thương: hình khuyết đầu xương, hình bào mòn, hẹp khe khớp, hình hốc, mất chất khoáng đầu xương.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp được xác định khi bệnh nhân có ≥ 4 tiêu chuẩn. Triệu chứng viêm khớp (tiêu chuẩn 1- 4) cần có thời gian diễn biến ≥ 6 tuần và được xác định thông qua quá trình thăm khám của bác sĩ.

Ngoài ra, để thu được kết quả chính xác nhất, phương pháp này cần kết hợp với việc quan sát những triệu chứng ngoài khớp như: teo cơ, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, viêm mống mắt, viêm mạch máu...  

Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987 cần quan sát những triệu chứng ngoài khớp như tràn khí màng phổi để cho kết quả chính xác.
Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987 cần quan sát những triệu chứng ngoài khớp như tràn khí màng phổi để cho kết quả chính xác.

2.2 Tiêu chuẩn của hội thấp khớp học Hoa Kỳ và liên đoàn chống thấp khớp châu Âu 2010

Tiêu chuẩn này được áp dụng ở những trường hợp viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm, các khớp bị viêm dưới 06 tuần và thể ít khớp.Tuy nhiên, người bệnh cần được đánh giá lại kết quả thông qua việc theo dõi diễn biến của viêm khớp dạng thấp. Bởi vì trong giai đoạn đầu, những biểu hiện này có thể là dấu hiệu của bệnh lý khác về khớp mà không phải viêm khớp dạng thấp.

2.3 Chẩn đoán đợt tiến triển của bệnh

Hiện nay, các phác đồ điều trị đặt ra tiêu chí nhắm đích và ngăn ngừa tối đa tình trạng phá hủy khớp, bảo vệ chức năng khớp, và giảm thiểu biến dạng khớp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Do đó, mục tiêu quan trọng của điều trị là kiểm soát và ngăn chặn các đợt tiến triển của bệnh.

Dưới đây là các tiêu chí đánh giá đợt tiến triển của viêm khớp dạng thấp:

  • Thời gian cứng khớp vào buổi sáng.
  • Sử dụng thang điểm VAS để đánh giá mức độ đau của bệnh nhân.
  • Số lượng khớp bị sưng hoặc cứng.
  • Chỉ số Ritchie.
  • Dự báo mức tàn tật và tổn thương X-quang thông qua DAS 28 (đánh giá mức độ hoạt động của khớp).
  • Yếu tố dạng thấp tăng gấp 3 lần so với các trị số bình thường.
  • Tình trạng viêm sinh học trên xét nghiệm.

2.4 Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt viêm khớp dạng thấp với các loại bệnh như:

  • Bệnh Gout
  • Thoái hóa khớp gối, khớp nhỏ ở tay cùng lúc
  • Thấp khớp cấp tính
  • Lupus ban đỏ
  • Xơ cứng bì toàn thể

2.5 Xét nghiệm cận lâm sàng cần chỉ định

Kết quả của các xét nghiệm là một tiêu chí chẩn đoán viêm khớp dạng thấp quan trọng. Hai thao tác cần được tiến hành trong phương pháp này là xét nghiệm cơ bản và xét nghiệm đặc hiệu.

Trong đó, các xét nghiệm cơ bản cho biết được tốc độ máu lắng, tế bào máu ngoại vi, protein phản ứng C (CRP).... xét nghiệm chức năng gan, thận, X-quang tim phổi, điện tâm đồ,...

Các xét nghiệm đặc hiệu được dùng cho quá trình chẩn đoán và tiên lượng đem lại hiệu quả như:

  • Anti CCP dương tính trong 75 - 80% bệnh nhân.
  • Yếu tố dạng thấp (RF) dương tính trong 60 - 70 % bệnh nhân.
  • X-quang khớp (thường chụp hai bàn tay thẳng hoặc các khớp bị tổn thương). 
Điện tâm đồ cũng có chức năng chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.
Điện tâm đồ cũng có chức năng chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.

3. Các biến chứng có thể gặp phải khi bị viêm khớp dạng thấp

Biến chứng đầu tiên của viêm khớp dạng thấp bệnh nhân cần biết là tình trạng loãng xương. Hầu hết các bệnh nhân có xương yếu và dễ gãy, cho thấy nguy cơ loãng xương cao.  

Quá trình sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc có thành phần corticosteroid góp phần khiến bệnh nhân bị loãng xương. Đồng thời các loại thuốc này còn để lại những hậu quả nghiêm trọng về sau như tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, béo phì,... song song với tác dụng giảm đau nhanh chóng.

Bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể gây ra hội chứng ống cổ tay, các vấn đề về tim mạch và bệnh phổi. 

Loãng xương là triệu chứng thường gặp của viêm khớp dạng thấp.
Loãng xương là triệu chứng thường gặp của viêm khớp dạng thấp.

4. Các phương pháp điều trị

Ngoài các tiêu chí chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân cần tìm hiểu về các phương pháp điều trị hiện nay. Tuy viêm khớp dạng thấp vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu nhưng bệnh nhân có thể sử dụng các phương pháp điều trị để kiểm soát tình hình của bệnh.  

Sự kết hợp hiệu quả giữa việc sử dụng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và thực hiện các bài tập vận động đặc hiệu sẽ giúp thuyên giảm tình trạng viêm khớp. Cách điều trị này sẽ kiểm soát các cơn đau và phản ứng viêm hiệu quả. Ngoài ra, bệnh nhân có thể quản lý tốt tình trạng bệnh, ngăn ngừa tổn thương khớp và một số cơ quan khác trong cơ thể. 

Kết hợp sử dụng thuốc, ăn uống và tập thể dục giúp thuyên giảm triệu chứng của viêm khớp dạng thấp.
Kết hợp sử dụng thuốc, ăn uống và tập thể dục giúp thuyên giảm triệu chứng của viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp diễn biến khá phức tạp và gây ra hậu quả nặng nề cho cơ thể người bệnh. Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm khớp dạng thấp, mọi người nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra sức khoẻ. Nếu bệnh nhân không được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng và mang thương tật cả đời.  

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp,.... Tại Vinmec việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp đều được thực hiện bằng phương pháp y học hiện đại, không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn hạn chế tối đa biến chứng bệnh tái phát.  

Có được thành công lớn là bởi Vinmec luôn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, các quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe