Có nên dùng nghệ trị viêm khớp dạng thấp?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn mạn tính, gây viêm, đau và cứng khớp. Một số nghiên cứu cho thấy nghệ có thể giảm các triệu chứng của tình trạng này. Vậy người đang điều trị viêm khớp dạng thấp có nên uống tinh bột nghệ không? Có phải nghệ trị viêm khớp?

1. Nghệ - loại gia vị phổ biến trong ẩm thực và y học

Nghệ là một thành phần phổ biến trong công thức chế biến nhiều món ăn - đặc biệt là món cà ri. Không những thế, loại gia vị này còn có lịch sử lâu đời trong y học cổ truyền. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nghệ có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt, nghệ có chứa một hợp chất gọi là curcumin - với đặc tính chống viêm có lợi cho những người bị viêm khớp dạng thấp. Theo nghiên cứu, curcumin có thể ngăn chặn một số enzym và cytokine gây viêm. Curcumin còn có lợi đối với các bệnh viêm nhiễm, trầm cảm và ung thư - những tình trạng phổ biến ở người bệnh viêm khớp dạng thấp.

Tuy nhiên, có một số điều cần cân nhắc khi uống tinh bột nghệ hay bổ sung nghệ vào chế độ ăn thường ngày. Những người mắc bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng loại gia vị này như một phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp. Điều quan trọng là phải biết cách sử dụng nghệ, cũng như nắm được các tác dụng phụ và rủi ro tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra.

2. Có phải nghệ trị viêm khớp dạng thấp không?

Củ nghệ là một loại gia vị có màu vàng tươi hoặc màu cam, xuất hiện phổ biến trong nhiều món ăn. Củ nghệ cũng có công dụng trong y học cổ truyền, chẳng hạn như sử dụng nghệ để điều trị:

Đối với y học phương Tây, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu những lợi ích sức khỏe tiềm năng của nghệ và các hợp chất chứa bên trong. Theo một báo đánh giá năm 2015, kết quả nghiên cứu cho thấy curcumin - một trong những hợp chất hoạt động chính của nghệ, có thể làm giảm lượng đường trong máu và có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư.

Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng tự miễn, nghĩa là hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mô khớp khỏe mạnh. Các cuộc tấn công này gây ra tình trạng viêm nhiễm, cuối cùng dẫn đến tổn thương xương và khớp ở các khu vực bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, đặc tính chống viêm và chống oxy hóa tự nhiên của nghệ có khả năng mang lại lợi ích cho người bệnh viêm khớp dạng thấp.


Một số nghiên cứu cho thấy có thể dùng nghệ trị viêm khớp
Một số nghiên cứu cho thấy có thể dùng nghệ trị viêm khớp

3. Kết quả từ các nghiên cứu

Trong củ nghệ có chứa một số hợp chất khác nhau, bao gồm curcumin. Phần lớn các nghiên cứu khoa học hiện có tập trung đặc biệt vào chất này hơn là củ nghệ nói chung. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng cả nghệ và các hợp chất của bên trong đều hữu ích đối với các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Một đánh giá năm 2016 đã kiểm tra dữ liệu từ 8 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên nhằm điều tra hiệu quả của các chất chiết xuất từ ​​nghệ và curcumin trong việc điều trị viêm khớp. Kết luận: Có đủ bằng chứng cho thấy mỗi ngày uống 1.000 mg curcumin, liên tục 8 - 12 tuần sẽ giúp giảm đau và viêm do viêm khớp, đặc biệt là viêm xương khớp. Chiết xuất curcumin có hiệu quả tương đương với dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen (Advil) và diclofenac (Voltaren).

Tuy nhiên, quy mô và chất lượng của các nghiên cứu trên còn hạn chế. Do đó cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận công dụng nghệ trị viêm khớp. Trong khi đó, người bệnh được khuyến cáo nên sử dụng curcumin như một chất bổ sung vào chế độ ăn uống, kết hợp song song với các liệu pháp điều trị viêm khớp thông thường.

Một nghiên cứu khác năm 2017 đã cho 36 người bị viêm khớp dạng thấp thử nghiệm một công thức curcumin sinh học. Sau 90 ngày điều trị, họ đã cải thiện đáng kể chứng đau và viêm so với nhóm người chỉ dùng giả dược.

Nghiên cứu mới hơn vào năm 2018 đã điều tra tác động của curcumin đối với bệnh viêm khớp dạng thấp của chuột. Kết quả chỉ ra rằng curcumin làm giảm viêm và tấy đỏ khớp ở những con chuột mắc bệnh nhờ cơ chế ngăn chặn quá trình truyền tín hiệu nội bào.

Như vậy, đã có bằng chứng về các đặc tính chống viêm khớp của curcumin và tiềm năng sử dụng nghệ để điều trị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, vẫn cần thực hiện những nghiên cứu sâu hơn ở người để xác nhận phát hiện này.

4. Cách sử dụng nghệ

Củ nghệ được bán rộng rãi trên thị trường dưới dạng bột hoặc nguyên củ. Bột hoặc củ cắt lát có thể bổ sung vào nhiều món ăn, bao gồm cà ri, súp và các món cơm. Nhiều người sử dụng nghệ xay hoặc nghệ trong túi lọc để pha trà thảo mộc. Bạn có thể thêm chanh, mật ong hoặc sữa để thưởng thức loại đồ uống này. Một loại trà thảo mộc ấm nồng, kết hợp nghệ, gừng và quế cũng rất thích hợp cho người bị viêm khớp dạng thấp với công dụng chống viêm và làm dịu cơ thể.

Mặc dù bạn có thể thêm nghệ vào chế độ ăn uống theo những cách trên, nhưng phần lớn các nghiên cứu về tác dụng chống viêm khớp của loại gia vị này tập trung vào chất curcumin - có sẵn ở dạng thực phẩm chức năng.

Có rất nhiều chất bổ sung curcumin trên thị trường, thường ở dạng viên nang hoặc viên nén. Các nhà sản xuất cũng có thể thêm các thành phần khác, chẳng hạn như piperine (chất có trong hạt tiêu đen), để cơ thể sử dụng hợp chất này hiệu quả hơn.

Liều lượng khuyến nghị dùng các chất bổ sung curcumin có thể khác nhau. Một số chuyên gia khuyên bạn nên dùng 1.000 mg curcumin mỗi ngày để điều trị các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Cũng có nghiên cứu đã chỉ ra rằng curcumin an toàn ở liều lượng cao. Đây là một thông tin tốt vì curcumin được cơ thể hấp thụ kém, do đó cần bổ sung với liều lượng lớn mới phát huy tác dụng tích cực.

Điều quan trọng là mua thực phẩm chức năng từ các nhà sản xuất có uy tín và làm theo hướng dẫn về liều lượng phù hợp và an toàn được in trên bao bì sản phẩm.

Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống tinh bột nghệ hoặc curcumin để làm giảm một số triệu chứng của bệnh viêm khớp. Không được tự ý dừng hoặc thay thế bất kỳ phương pháp điều trị nào khác mà không thông báo với ​​bác sĩ trước.


Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống tinh bột nghệ
Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống tinh bột nghệ

5. Tác dụng phụ và rủi ro

Nghệ và curcumin có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa hoặc đau đầu ở một số người. Những người nhạy cảm với chất này hoặc dùng liều rất cao có thể gặp các triệu chứng nặng hơn, bao gồm phát ban, buồn nôn và tiêu chảy.

Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng nghệ hoặc chất bổ sung curcumin.

Củ nghệ cũng có thể tương tác, làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc. Những người đang dùng thuốc làm loãng máu nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng nghệ hoặc chất bổ sung curcumin để tránh nguy cơ bị cản trở quá trình đông máu.

Tương tự như các chất bổ sung khác, uống tinh bột nghệ hoặc curcumin có thể kèm theo nguy cơ bị nhiễm các kim loại nặng, chẳng hạn như chì. Vì vậy điều quan trọng là phải mua những sản phẩm này từ một nhà sản xuất có uy tín.

Tóm lại, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nghệ và các hợp chất bên trong, chẳng hạn như curcumin, có thể giúp giảm bớt hoặc ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, người có các triệu chứng của bệnh phải đến gặp bác sĩ để được đánh giá và điều trị. Mặc dù nghệ có thể giảm bớt các triệu chứng viêm khớp, nhưng không có đủ bằng chứng cho thấy chất này có thể thay thế điều trị y tế tiêu chuẩn. Chẩn đoán sớm và điều trị viêm khớp dạng thấp là rất quan trọng để giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương khớp không thể phục hồi. Đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung curcumin, đặc biệt là những người hiện đang dùng các loại thuốc khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe