Lựa chọn một chế độ ăn uống có nhiều chất chống oxy hóa, chẳng hạn như trái cây tươi, rau và thảo mộc, có thể giúp giảm viêm. Trong số những loại thực phẩm giảm bệnh viêm khớp, công dụng của nghệ và 7 gia vị loại khác thường được nhắc tới, đồng thời đã có nghiên cứu chứng minh.
1. Bệnh viêm khớp
Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với chấn thương hoặc nhiễm trùng, thường gây đỏ, sưng, đau hoặc nóng tại chỗ. Tình trạng này có thể làm mất chức năng của các mô liên quan.
Viêm cấp tính thường là một phản ứng bảo vệ khu vực bị nhiễm trùng hoặc chấn thương, nhằm chữa lành cơ thể và phục hồi chức năng bình thường của các mô. Nếu tình trạng viêm nhiễm diễn ra trong thời gian dài sẽ trở thành viêm mãn tính. Đây thường là kết quả của nhiễm trùng, phản ứng tự miễn dịch hoặc dị ứng.
Có hơn 100 loại bệnh viêm khớp khác nhau, có thể ảnh hưởng đến một khớp hoặc nhiều khớp, với những nguyên nhân và phương pháp điều trị khác nhau. Hai loại phổ biến nhất là bệnh viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp thường phát triển theo thời gian, nhưng cũng có thể xuất hiện đột ngột, bao gồm cứng và sưng khớp. Viêm khớp thường thấy nhất ở người lớn trên 65 tuổi, nhưng cũng có thể phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Bệnh lý này phổ biến hơn ở phụ nữ và những người thừa cân.
2. Thực phẩm và gia vị chống viêm
Một số loại thực phẩm đã được xác định là chống viêm, có khả năng giúp giảm viêm và đau mãn tính. Axit béo omega-3 được tìm thấy trong cá, một số loại hạt và thậm chí cả chocolate đều đã được công nhận có đặc tính chống viêm. Mặc dù vẫn cần thêm nghiên cứu chính xác về mức độ hỗn hợp các loại thực phẩm này làm giảm viêm trong cơ thể, nhưng các kết quả đến hiện tại đã đầy hứa hẹn. Một cách dễ dàng để kết hợp thuốc chống viêm vào chế độ ăn uống của bạn là sử dụng các loại thực phẩm và gia vị sau đây:
2.1. Nghệ
Nghệ là một loại gia vị có màu vàng rực rỡ, rất phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ và bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ chợ hoặc siêu thị nào. Công dụng của nghệ là điều trị vết thương, nhiễm trùng, cảm lạnh và bệnh gan. Ngoài ra, người ta còn sử dụng nghệ chống viêm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất curcumin - một hợp chất trong nghệ, có khả năng làm giảm viêm hiệu quả.
2.2. Gừng
Gừng là một loại gia vị thơm ngon được sử dụng trong nhiều món ăn. Bạn có thể mua bột hoặc củ tươi ở hầu hết các siêu thị và cửa hàng. Gừng đã được sử dụng như một loại thuốc truyền thống để điều trị đau bụng, đau đầu và nhiễm trùng. Các đặc tính chống viêm của gừng đã được ca ngợi trong nhiều thế kỷ qua, đồng thời các nghiên cứu khoa học cũng đã xác nhận điều đó.
2.3. Quế
Quế là một loại gia vị phổ biến thường được sử dụng để tạo hương vị cho các món nướng. Nhưng không chỉ là một chất phụ gia thơm ngon trong bánh, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại gia vị này có đặc tính chống viêm, có công dụng làm dịu vết sưng tấy.
Nếu đã có sẵn một lượng quế, hãy rắc vào cà phê hoặc trà và bên trên ngũ cốc ăn sáng của bạn.
2.4. Tỏi
Công dụng chữa bệnh viêm khớp của tỏi đã được chứng minh là có thể làm dịu các triệu chứng viêm khớp. Mỗi ngày dùng một chút có thể mang đến kết quả lâu dài. Sử dụng tỏi tươi trong hầu hết các món ăn mặn để tăng thêm hương vị và có lợi cho sức khỏe. Nếu bạn thích loại gia vị này, hãy rang hoặc phi tỏi để có vị ngọt và dịu hơn.
2.5. Ớt
Các loại ớt cay - đặc biệt là Cayenne, đã được ca ngợi vì lợi ích sức khỏe từ thời cổ đại. Tất cả các loại ớt đều chứa các hợp chất tự nhiên có tên là capsaicinoids - tạo ra vị cay và đặc tính chống viêm.
Ớt được coi là một loại gia vị chống viêm mạnh mẽ, vì vậy hãy thêm một chút ớt vào món ăn của bạn. Từ lâu, ớt đã được sử dụng như một chất hỗ trợ tiêu hóa. Đây cũng là một lợi ích bổ sung khác.
2.6. Tiêu đen
Nếu ớt quá cay nóng so với khẩu vị của bạn, hãy thử dùng hạt tiêu đen với mùi vị dịu hơn và cũng đã được xác định có đặc tính chống viêm. Mệnh danh là “vua của các loại gia vị”, hạt tiêu đen được đánh giá cao về hương vị và các lợi ích kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống viêm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hợp chất hóa học của hạt tiêu đen - đặc biệt là piperine, có hiệu quả trong quá trình viêm cấp tính ban đầu.
2.7. Đinh hương
Đinh hương được sử dụng làm thuốc long đờm và điều trị đau bụng, buồn nôn, viêm miệng và cổ họng. Mặc dù kết quả của nhiều nghiên cứu khác nhau vẫn chưa thống nhất, nhưng đã bằng chứng cho thấy đinh hương có thể mang đặc tính chống viêm.
Bột đinh hương được ưa chuộng dùng trong các món nướng và một số món ăn mặn, như súp và món hầm đậm đà. Bạn cũng có thể sử dụng cả nhánh đinh hương để nhận đầy đủ hương vị và dinh dưỡng vào đồ uống nóng, ví dụ như trà hoặc rượu táo lên men.
2.8. Ngải cứu
Nghiên cứu cho thấy trong thành phần của ngải cứu có chứa tinh dầu giống như chất gây tê, giúp làm giảm các cơn đau do viêm khớp. Bên cạnh đó, thành phần của lá ngải cứu còn chứa chất kháng sinh tự nhiên, hỗ trợ kiểm soát tình trạng sưng và viêm tại các khớp.
Dân gian từ lâu đã sử dụng ngải cứu trong các bài thuốc chữa đau đầu, đau thần kinh tọa, nhất là điều trị viêm khớp bằng ngải cứu. Bạn có thể dùng ngải cứu tươi đảo thật nóng với một ít rượu gạo, sau đó đắp lên vị trí bị viêm khớp. Quấn quanh bên ngoài bằng vải mỏng để thuốc không bị rơi ra ngoài. Khi hết nóng thì gỡ ra và rửa lại với nước. Lặp lại vài lần để bài thuốc phát huy toàn bộ hiệu quả.
Ngoài việc nắm được công dụng của nghệ và 7 gia vị loại kể trên, người mắc bệnh viêm khớp cũng cần giảm thiểu hoặc tránh thực phẩm chiên, thực phẩm chế biến sẵn, các sản phẩm từ sữa và tiêu thụ nhiều thịt. Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người bị viêm khớp dạng thấp có thể mang kháng thể gluten. Vì vậy, chế độ ăn không có gluten sẽ giúp cải thiện các triệu chứng và sự tiến triển của bệnh.
Bệnh viêm khớp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống. Vì thế, ngoài phương pháp điều trị, sử dụng thuốc người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng bằng nghệ và các loại thực phẩm có tác dụng chống viêm hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com