Gãy xương đòn là một trong những loại gãy xương phổ biến nhất, đặc biệt là ở trẻ em. Có 2 phương pháp chính trong điều trị gãy xương đòn, đó là điều trị bảo tồn và phẫu thuật. Vậy điều trị bảo tồn gãy xương đòn được chỉ định khi nào?
1. Gãy xương đòn là gì?
Xương đòn là một xương dài, thân dẹt, cong hình chữ S và tạo nên phần trước của đai vai. Điểm yếu của xương đòn là ở chỗ nối giữa 1/3 ngoài và 1/3 trong thân xương. Gãy xương đòn là một chấn thương thường gặp và chiếm từ 2,6% đến 5% các trường hợp gãy xương. Hầu hết gãy xương đòn xảy ra ở nam giới trước 25 tuổi, sau đó giảm dần và rất ít gặp ở độ tuổi 35-55, tỷ lệ xảy ra sẽ tăng dần trở lại. Phần lớn các trường hợp gãy xương đòn là gãy 1/3 giữa xương đòn với tỷ lệ 69%- 82%. Gãy 1/3 giữa xương đòn phổ biến ở trẻ em và thanh niên với lực chấn thương cao gây gãy nhiều và di lệch nhiều. Ở người trên 70 tuổi thường lực chấn thương thấp và xương gãy ít di lệch.
2. Phân loại gãy xương đòn
Nhìn chung, gãy xương đòn có thể được chia thành các loại sau đây:
- Loại A: Gãy ở một phần ba giữa của xương và chiếm khoảng 80% các trường hợp gãy xương đòn. Đầu gần thường di lệch lên trên do bị kéo bởi cơ ức đòn chũm. Bó mạch dưới đòn ít khi bị tổn thương.
- Loại B: Gãy ở phần ba ngoài của xương, loại này chiếm khoảng 15% các trường hợp gãy xương đòn. Tình trạng này thường là hậu quả của một chấn thương trực tiếp và có thể chia thành 3 loại nhỏ:
- Loại I: Ngoài khớp và không di lệch, thường gợi ý dây chằng quạ đòn không bị đứt;
- Loại II: Ngoài khớp và di lệch, gợi ý dây chằng quạ đòn có thể bị đứt, đầu trung tâm di lệch lên trên do bị cơ ức đòn chũm kéo;
- Loại III: Gãy liên quan đến diện khớp cùng đòn và làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
- Loại C gãy ở 1/3 trong xương, chiếm khoảng 5% gãy xương đòn. Loại gãy này thường do các chấn thương rất mạnh gây ra và do đó có thể kèm theo chấn thương ngực hoặc tổn thương khớp ức đòn.
3. Chỉ định điều trị bảo tồn gãy xương đòn
Một số bệnh nhân thắc mắc rằng gãy xương đòn không mổ có tự liền không? Thực ra không phải tất cả các bệnh nhân gãy xương đòn đều phải phẫu thuật. Phần lớn các bệnh nhân gãy xương đòn thường được điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Có một số trường hợp gãy xương đòn không thể điều trị bảo tồn thì phẫu thuật chính là phương pháp tốt nhất giúp phục hồi chức năng xương cho người bệnh. Mục tiêu của điều trị bảo tồn là phục hồi lại chức năng của khớp vai như trước khi bị gãy xương. Điều trị bảo tồn thường được chỉ định ở những bệnh nhân gãy xương đòn không di lệch hay di lệch ít (dưới 15mm).
Có rất nhiều kỹ thuật điều trị bảo tồn gãy xương đòn nhưng 2 phương pháp thông dụng nhất hiện nay là treo tay (sling) và băng số 8 (Figure-8-bandage). Điều trị bằng treo tay sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn là băng số 8, tuy nhiên không có sự khác biệt về tỉ lệ liền xương và cả 2 kỹ thuật này đều không cố định được ổ gãy sau khi đã nắn chỉnh. Bệnh nhân cần được bất động từ 2- 6 tuần để tạo điều kiện liền xương. Sau 2-4 tuần bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng khớp vai nhưng không nên đưa tay cao quá đầu. Các hoạt động nâng tay cao quá đầu, lao động nặng hoặc chơi thể thao chỉ được thực hiện khi đã có dấu hiệu liền xương trên lâm sàng và X quang.
4. Gãy xương đòn khi nào phải phẫu thuật?
Điều trị phẫu thuật gãy xương đòn được chỉ định cho một số trường hợp, tùy thuộc vào đặc điểm gãy, các tổn thương đi kèm và nhu cầu của bệnh nhân, cụ thể như sau:
- Theo đặc điểm của gãy xương: Di lệch > 2cm, gãy nhiều tầng, chồng ngắn > 2cm, gãy nhiều mảnh, gãy hở, đe dọa chọc thủng da hoặc khi thăm khám thấy xương bả vai sai vị trí hay lật ra
- Các tổn thương phối hợp: Tổn thương mạch máu cần khâu nối, gãy nhiều xương sườn lân cận, giảm chức năng thần kinh tiến triển, có gãy xương hay tổn thương chi trên cùng bên, khớp vai “ bập bềnh”, gãy 2 xương đòn
- Các yếu tố thuộc về bệnh nhân như đa chấn thương cần vận động sớm chi trên hoặc bệnh nhân mong muốn sớm có lại chức năng chi
Trong khoảng những năm trở lại đây, điều trị gãy xương đòn đã có nhiều thay đổi. Phương pháp điều trị bảo tồn gãy xương đòn vẫn tồn tại một số hạn chế, bao gồm thời gian bất động kéo dài, 2 vai mất cân bằng, xương bả vai nhô cao, vấn đề thẩm mỹ, có khoảng 15-20% không liền xương đòn hoặc 15-20% liền xương xấu sau điều trị bảo tồn,... Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của gây mê hồi sức, phương tiện và kỹ thuật phẫu thuật, chỉ định phẫu thuật gãy xương đòn đã được mở rộng hơn. Tùy thuộc vào người bệnh cũng như tình trạng gãy xương mà bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, bệnh nhân cần tới khoa chấn thương chỉnh hình của các bệnh viện để được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.