Tại Việt Nam, các phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy trở thành công cụ di chuyển phổ biến của hầu hết người dân. Vậy khi gặp phải những chấn thương, cụ thể là gãy xương đòn, bệnh nhân có nên điều khiển xe máy hay không và gãy xương đòn bao lâu đi xe máy lại được?
1. Gãy xương đòn là bệnh gì?
1.1 Định nghĩa
Về mặt giải phẫu, xương đòn nằm nông ở dưới da, từ trên xuống xương đòn có hình giống chữ S, 2 chỗ cong ở 1/3 trong giáp 1/3 giữa và 1/3 giữa giáp với 1/3 ngoài. Điểm yếu của xương đòn nằm tại vị trí giáp giữa 1/3 giữa và 1/3 ngoài.
Gãy xương đòn là một chấn thương thường gặp ở vùng vai, chiếm tỉ lệ khoảng 40% tổng các trường hợp gãy xương vùng vai ở từng lứa tuổi. Gãy xương đòn thường xảy ra do va đập trực tiếp hoặc thông qua một lực gián tiếp. Tại Việt Nam, tai nạn giao thông và tai nạn lao động là những nguyên nhân phổ biến gây ra gãy xương nói chung và gãy xương đòn nói riêng.
1.2. Vị trí gãy xương đòn
Gãy xương thường xảy ra ở 1/3 giữa xương đòn (vì đây chính là điểm yếu của xương), gãy đầu ngoài và đầu trong xương đòn thường ít gặp hơn, tuy nhiên khi gãy ở những vị trí này thì chấn thương thường phức tạp và điều trị khó khăn.
- Gãy 1/3 giữa xương đòn phổ biến nhất chiếm 80% tổng số các bệnh nhân gãy xương đòn, gãy vị trí này thường tương đối vững.
- Gãy 1/3 ngoài xương đòn chiếm 12 – 15% tổng số bệnh nhân.
- Gãy 1/3 trong giữa đòn chiếm khoảng 5% tổng số bệnh nhân.
2. Chẩn đoán gãy xương đòn
2.1. Triệu chứng lâm sàng
- Sưng, bầm tím, đau và mất cơ năng khớp vai.
- Vai bên gãy thường xệ hơn bên lành, khi nâng tay lành lên thương gây đau.
- Có thể sờ thấy mảnh xương gãy gồ lên bề mặt da (biến dạng kiểu bậc thang).
- Ấn đau chói tại vị trí gãy, có thể nghe tiếng lạo xạo xương (thường ít được khám vì gây cảm giác đau nhói cho bệnh nhân).
- Chiều dài mỏm cùng – xương ức bên gãy ngắn hơn bên lành.
2.2. Cận lâm sàng
X-quang xương đòn là một xét nghiệm thường quy giúp xác định loại gãy xương, đường gãy, di lệch, nhất là các trường hợp gãy xương ở đầu ngoài và đầu trong. Chụp X-quang xương đòn ở tư thế chiếu chếch 40 độ, để thấy rõ gãy xương trong nhiều trường hợp khó và để hình ảnh xương đòn không chồng lên các xương lân cận.
3. Điều trị gãy xương đòn
3.1. Điều trị gãy xương đòn tại nhà
Hầu hết các ca gãy xương đòn đơn giản đều được điều trị bảo tồn tại nhà, tuy nhiên bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của bệnh nhân và đánh giá thêm các xét nghiệm khảo sát để đưa ra quyết định.
- Đai số 8: Là dụng cụ giúp cố định khớp vai và xương đòn, nhằm hạn chế sự di động của xương đòn. Đai số 8 làm bằng dây thun thường tốt hơn và được sử dụng rộng rãi hơn băng bột vì nó giúp đai luôn ôm sát cơ thể trong mọi tư thê. Thời gian mang đai số 8 từ 4 đến 8 tuần hoặc kéo dài hơn tùy vào từng bệnh nhân.
- Thuốc: Sử dụng giảm đau và kháng viêm không Steroid (NSAIDs), sung thêm các loại dược phẩm chứa Canxi, vitamin D...
- Hẹn tái khám sau 1 tuần, 3 tuần, 6 tuần và 12 tuần.
3.2. Điều trị gãy xương đòn tại viện
- Chỉ định nhập viện trong các trường hợp không liền xương sau điều trị bảo tồn, gãy đầu ngoài hoặc đầu trong xương đòn phức tạp, gãy phối hợp với gãy xương sườn, gãy xương bả vai, gãy có tổn thương mạch máu thần kinh, gãy di lệch với hai đầu gãy xa nhau, gãy hở, bệnh nhân mong muốn phục hồi sớm....
- Phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh nội tủy hoặc nẹp vít.
- Thuốc: Sử dụng kháng sinh dự phòng trước phẫu thuật, kháng sinh điều trị sau phẫu thuật, thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid (NSAIDs).
- Bệnh nhân được hướng dẫn tập vận động chủ động sau mổ, cắt chỉ vết thương sau 10 – 14 ngày,
- Hẹn tái khám sau 1 tuần, 3 tuần, 6 tuần và 12 tuần.
4. Bị gãy xương đòn bao lâu thì lành?
Gãy xương đòn bao lâu lành là câu hỏi mà hầu hết các bệnh nhân thắc mắc với bác sĩ điều trị. Quá trình lành xương cần một thời gian dài để cho xương được hoàn toàn bình phục. Thông thường, đối với điều trị bảo tồn, các can xương sẽ bắt đầu hình thành sau 4 – 8 tuần (khớp với thời gian chỉ định mang đai số 8). Trong phẫu thuật, can xương có thể bị ảnh hưởng do quá trình bóc tách xương, do đó can xương thường hình thành chậm hơn ở phương pháp bảo tồn, có thể kéo dài từ 6 đến 10 tuần. Tuy nhiên, những bệnh nhân được phẫu thuật kết hợp xương đơn giản có thể hoạt động lại sớm hơn bệnh nhân mang đai số 8, nhờ các phương tiện cố định xương chắc chắn.
5. Gãy xương đòn bao lâu đi xe máy lại được?
Các trường hợp gãy xương đòn thường là chấn thương ở mức độ nhẹ và ít biến chứng, nên hầu hết các bệnh nhân thường mong muốn được điều khiển xe máy hoặc thực hiện các hoạt động khác sớm. Tuy nhiên, các động tác lái xe máy hoặc lao động lại sớm sẽ không tốt cho bệnh nhân vì có thể gây ra những biến chứng sau:
- Xương gãy chọc thủng da, gây chuyển từ gãy kín sang gãy hở.
- Gây đè ép dẫn đến chọc thủng mạch máu và tổn thương thần kinh dưới đòn.
- Có thể gây gây tràn khí màng phổi do đầu xương gãy di lệch làm thủng màng phổi.
- Khớp giả.
- Can lệch xương.
- Viêm quanh vùng gãy.
- Đau dai dẳng.
Thời gian điều trị bảo tồn là từ 4 – 8 tuần, tuy nhiên sau 2 – 4 tuần, bệnh nhân có thể vận động lại khớp vai nhẹ nhàng. Tuy nhiên, các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân gãy xương đòn chỉ nên được phép điều khiển xe máy sau khoảng 3 tháng, để đảm bảo xương đã được hồi phục hoàn toàn.
Lời khuyên:
- Bệnh nhân bị gãy xương đòn cần được tham vấn bởi bác sĩ chuyên khoa về mức độ an toàn và rủi ro của của việc điều khiển xe máy tham gia giao thông.
- Nếu cơ thể chưa sẵn sàng hay chưa đạt trạng thái tinh thần tốt nhất, thì không nên lái xe cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
- Điều khiển xe máy tham gia giao thông trong khi đang có một chấn thương, cụ thể là gãy xương đòn có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và cả những người tham gia giao thông khác. Bệnh nhân cần hết sức thận trọng khi quyết định việc điều khiển xe máy trong thời gian điều trị.
- Bệnh nhân cần thực hiện các bài tập nhẹ để làm quen trước khi điều khiển xe máy. Người bị gãy xương đòn cần có người giám sát hoặc ngồi cùng trong thời gian tập làm quen lại với việc lái xe.
- Người thân của những người bị gãy xương đòn cần giám sát chặt chẽ các hoạt động hằng ngày của bệnh nhân, và cần can ngăn khi bệnh nhân muốn tự mình lái xe hay thực hiện các hoạt động nào đó.
- Việc thực hiện những hoạt động hằng ngày, cụ thể là điều khiển xe máy có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đã nêu ở trên, hậu quả là làm cho tình trạng gãy xương càng trở nên nặng nề và khó điều trị.
Điều khiển xe máy là một hoạt động sinh hoạt thiết yếu hằng ngày của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi bệnh nhân gặp phải những chấn thương xương khớp, đặc biệt là gãy xương đòn, việc đi xe máy cần một sự thận trọng nhất định. Bệnh nhân gãy xương đòn cần được thăm khám, đồng thời tham vấn ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, trước khi điều khiển xe máy tham gia giao thông.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.