Gãy xương đòn là một chấn thương phổ biến. Gãy xương đòn thường xảy ra sau một cú ngã hoặc một cú đánh vào vai. Điều trị gãy xương đòn thường mất khoảng 6 đến 8 tuần để chữa lành ở người lớn và 3 đến 6 tuần ở trẻ em.
1. Nguyên nhân nào gây ra gãy xương đòn?
Chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy xương đòn. Ngược lại, một số người có thể bị gãy xương đòn mà không bị chấn thương. Những người này thường có cấu trúc xương yếu do nguyên nhân di truyền hoặc do nguyên nhân mắc phải (chẳng hạn như loãng xương hoặc ung thư xương).
Nguyên nhân gây gãy xương đòn ở các đối tượng đó là:
- Gãy xương đòn đối với trẻ sơ sinh
Đôi khi trong quá trình rặn sinh một em bé khỏe mạnh, các lực tác động liên quan đến việc cố gắng đỡ em bé từ người mẹ có thể làm gãy xương đòn của trẻ. Đây là loại xương phổ biến nhất bị gãy ở trẻ trong khi sinh, thường gặp nếu thai to. Điều này thường được phát hiện tại bệnh viện và hầu hết em bé hồi phục tốt.
Thậm chí hiếm hơn, bác sĩ có thể phải bẻ gãy xương đòn của trẻ sơ sinh để sinh em bé một cách an toàn. Điều này chỉ xảy ra khi nghi ngờ kẹt vai trong quá trình chuyển dạ sinh thường. Ngày nay, có rất nhiều kỹ thuật khác có sẵn để khắc phục điều này, vì vậy bẻ gãy xương đòn hiếm khi được lựa chọn để thực hiện.
- Gãy xương đòn ở trẻ em và thanh thiếu niên
Xương đòn là loại xương thường bị gãy nhất trong thời thơ ấu. Những vết gãy này thường là kết quả của việc ngã trực tiếp vào vai hoặc trên cánh tay ở tư thế dang rộng ra trong khi chơi đùa hoặc chơi thể thao. Đôi khi gãy xương đòn ở lứa tuổi này có thể là kết quả của một cú đánh trực tiếp vào xương đòn, chẳng hạn như trong khi tranh bóng trong bóng đá hoặc bị đánh chéo khi chơi khúc côn cầu, bóng chuyền.
- Gãy xương đòn ở người lớn và người già
Gãy xương đòn ở người lớn có thể xảy ra do cùng một hoạt động thể thao gây ra chấn thương tương tự ở trẻ em nhưng thường liên quan đến tai nạn ô tô và ngã. Đôi khi, bệnh nhân lên cơn co giật làm gãy xương đòn.
2. Bạn nên làm gì nếu nghi ngờ có gãy xương đòn?
Trong khi chờ gặp bác sĩ, hãy cố định cánh tay của bạn bằng cách sử dụng một chiếc khăn và tạo hình nó thành một chiếc địu – vòng qua phía dưới cẳng tay và quanh cổ. Cố gắng di chuyển và cử động cánh tay càng ít càng tốt. Thông thường, tại các cơ sở y tế, người bệnh gãy xương đòn đeo đai số 8 nhờ vào sự trợ giúp của nhân viên y tế. Mục đích của đai số 8 hay địu tự chế là ổn định vị trí gãy, hạn chế di lệch và giảm thiểu tổn thương các mô xung quanh.
Các loại thuốc giảm đau thông thường, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen, có thể được sử dụng giúp giảm cơn đau. Lưu ý không cho trẻ em dưới 16 tuổi uống aspirin.
Chườm túi đá lên vùng bị thương cũng có thể giúp giảm sưng và đau. Nhưng không nên chườm đá trực tiếp lên da vì có thể bị bỏng do lạnh.
3. Các triệu chứng của gãy xương đòn
Xương đòn bị nứt hoặc gãy sẽ rất đau. Đây là dấu hiệu phổ biến nhất, thường gặp sau một chấn thương ngay tại xương đòn. Gãy xương đòn còn có thể được phát hiện thông qua các dấu hiệu sau:
- Sưng tấy hoặc đau xung quanh khu vực bị thương;
- Bầm tím trên da;
- Chảy máu nếu xương gây tổn thương mô mềm và da (trường hợp này hiếm gặp);
- Cảm giác tê bì hoặc kim châm nếu dây thần kinh ở cánh tay bị thương.
Vai cùng bên với xương đòn bị gãy có thể bị đổ xuống dưới và về phía trước dưới sức nặng của cánh tay, vì xương đòn bị gãy không còn hỗ trợ.
Có thể nghe thấy tiếng nổ lách tách hoặc lạo xạo khi xương đòn của bạn bị gãy. Trong trường hợp nghiêm trọng, một đầu của xương có thể chọc qua da.
4. Điều trị gãy xương đòn như thế nào?
Hầu hết các xương đòn bị gãy được cố định và theo dõi lành tự nhiên bằng cách sử dụng một chiếc đai hình tam giác đơn giản để hỗ trợ cánh tay và giữ các xương lại với nhau ở vị trí bình thường. Người gãy xương đòn đeo đai số 8 cũng có thể là một sự lựa chọn khác. Các loại đai cố định thường được mang trong bệnh viện sau khi chụp X-quang xác nhận chẩn đoán xương đòn bị gãy. Người bệnh sẽ được cho uống thuốc giảm đau để giảm cơn đau. Đau trong gãy xương đòn thường đáp ứng tốt với các loại thuốc giảm đau thông thường và giảm dần theo thời gian.
Phẫu thuật nắn chỉnh xương dưới gây mê toàn thân chỉ cần thiết nếu chấn thương nghiêm trọng - ví dụ như xương đâm xuyên qua da hoặc nếu các mảnh xương gãy không xếp thẳng hàng và chồng chéo lên nhau một cách đáng kể.
Một số kỹ thuật khác có thể được sử dụng để điều trị gãy xương đòn. Cố định chỗ gãy bằng nẹp và vít là phương pháp phổ biến nhất. Bác sĩ phẫu thuật sẽ là người giải thích kỹ thuật sẽ sử dụng cũng như những ưu điểm và nhược điểm của nó.
Người bệnh gãy xương đòi có thể phải nằm viện qua đêm, tùy thuộc vào mức độ chấn thương. Trước khi xuất viện, bệnh nhân có thể gặp chuyên gia vật lý trị liệu, họ có thể hướng dẫn một số bài tập nhẹ nhàng cho cánh tay và vai để thực hiện tại nhà khi không còn mang đai cố định. Những cách này sẽ giúp giảm cứng khớp, giảm một số cơn đau và tăng cường sức cơ vai.
Có thể người bệnh sẽ cần quay lại khoa điều trị ngoại trú của bệnh viện khoảng một tuần sau khi xuất viện để kiểm tra xem xương đòn bị gãy có đang lành lại bình thường hay không. Đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có bất kỳ mối lo lắng hoặc các dấu hiệu bất thường mới xuất hiện khác.
5. Gãy xương đòn bao lâu thì lành?
Thời gian phục hồi của gãy xương đòn sẽ thay đổi tùy thuộc vào kiểu gãy và mức độ nặng của chấn thương. Những trường hợp gãy xương đòn nhẹ thường không cần phẫu thuật và có thể lành sau 4 đến 6 tuần. Những trường hợp gãy lớn hơn, gãy xương đòn thành nhiều mảnh cần cố định bằng phẫu thuật với nẹp và cần ít nhất 3 tháng để lành.
Ở người lớn, thường mất khoảng 6 đến 8 tuần để lành xương đòn bị gãy, mặc dù có thể lâu hơn. Ở trẻ em, thường mất khoảng 3 đến 6 tuần để chữa lành. Tuy nhiên, bạn sẽ mất ít nhất cùng một khoảng thời gian để phục hồi toàn bộ sức mạnh cho vai.
Trong khi xương gãy lành lại, một cục u có thể phát triển dọc theo xương đòn của bạn. Điều này là bình thường và thường cải thiện trong những tháng tiếp theo. Đôi khi, vết gãy không lành và bạn có thể phải phẫu thuật. Điều này nên được thảo luận với bác sĩ phẫu thuật của bạn.
Trong khi hồi phục sau gãy xương đòn, bạn có thể áp dụng một số mẹo hữu ích như:
- Sử dụng thêm gối vào ban đêm để giữ cho thân mình thẳng đứng hơn nếu bạn thấy ngủ không thoải mái;
- Sử dụng túi chườm đá và thuốc giảm đau nếu tình trạng đau và sưng vẫn tiếp tục trong khi cánh tay của bạn đang được mang đai cố định;
- Di chuyển khuỷu tay, bàn tay và các ngón tay của bạn thường xuyên ngay khi cảm thấy thoải mái;
- Tháo đai cố định trong thời gian ngắn nếu không quá đau (khi bạn nghĩ rằng vết gãy đã bắt đầu lành);
- Không chơi các môn thể thao va chạm mạnh ít nhất 10 đến 12 tuần sau chấn thương - bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào bạn có thể trở lại làm việc và tiếp tục các hoạt động bình thường.
Tóm lại, gãy xương đòn sẽ gây đau tại vị trí bị va chạm. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã bị gãy xương đòn, có hoặc không kèm theo các chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như xương đâm thủng qua da hoặc đau không thể chịu được, hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại đến số cấp cứu để được tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.