Người mắc bệnh trĩ có xu hướng mặc cảm, trì hoãn thăm khám nên đến khi gặp bác sĩ thì bệnh đã đến giai đoạn muộn cần can thiệp phẫu thuật. Trong khi đó, nếu không chăm sóc đúng cách giai đoạn hậu phẫu sẽ đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng. Cùng tham khảo 1 số cách điều trị bệnh trĩ sau khi phẫu thuật ngay dưới đây!
1. Một số thông tin cần biết về bệnh trĩ
Bệnh trĩ hình thành do các đoạn tĩnh mạch bị giãn nở ở khu vực trực tràng và hậu môn, khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, ngứa ngáy và chảy máu khi đi đại tiện. Đây là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh về hậu môn trực tràng, với tần suất mắc bệnh ở người lớn khoảng 10 - 25% dân số và chiếm hơn 50% độ tuổi 50, phổ biến ở cả nam và nữ giới.
Một số trường hợp mắc bệnh trĩ nặng có thể gây vỡ búi trĩ dẫn đến mất máu nghiêm trọng. Bệnh trĩ được chia thành 3 loại: trĩ hỗn hợp, trĩ nội và trĩ ngoại. Đồng thời cũng được chia thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: các biểu hiện bệnh lý chưa rõ ràng. Ở giai đoạn này, bệnh nhân khi đi đại tiện có thể ra máu, tuy nhiên rất ít nên khó phát hiện.
- Giai đoạn 2: người bệnh có thể cảm nhận máu chảy thành giọt khi đi đại tiện. Ngoài ra có thể xuất hiện dịch nhầy và đau nhói quanh hậu môn.
- Giai đoạn 3: từ giai đoạn này, người bệnh phải can thiệp phẫu thuật. Các triệu chứng bệnh giai đoạn này thường tiến triển nhanh chóng như chảy máu không ngừng, búi trĩ không tự co lại, tiết nhiều dịch nhầy và đau rát quanh hậu môn.
- Giai đoạn 4: người bệnh sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm như thiếu máu, nhiễm trùng, hoại tử búi trĩ, viêm loét... nếu không được phẫu thuật kịp thời.
Ở giai đoạn 1 và 2, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc uống hoặc thuốc bôi để điều trị. Bệnh nhân ở giai đoạn 3 và 4 hoặc có các biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, chảy máu..., các bác sĩ có thể đề xuất thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ búi trĩ.
2. Cách điều trị bệnh trĩ sau khi phẫu thuật
Điều trị bệnh trĩ bao gồm điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, điều trị nội khoa và phẫu thuật. Trong đó, phẫu thuật là phương pháp điều trị các loại bệnh trĩ có nhiều biến chứng và dứt điểm nhất.
Sau khi phẫu thuật, vùng hậu môn có thể đau kéo dài đến 1 tháng. Tuy nhiên, sau 1 đến 2 tuần đầu, người bệnh đã có thể sinh hoạt bình thường. Một số cách điều trị bệnh trĩ sau khi phẫu thuật có thể tham khảo:
2.1. Chế độ ăn uống sau phẫu thuật bệnh trĩ
- Ăn những đồ ăn mềm, bổ sung các loại trái cây, rau củ chứa nhiều vitamin và chất xơ như khoai lang, súp lơ, cà chua,... và các thức ăn giàu đạm như thịt bò nạc, thịt ức gà,... để ruột hoạt động dễ dàng và làm giảm khả năng phẫu thuật xong mắc bệnh trĩ;
- Uống nhiều nước (khoảng 2 - 2,5 lít nước/ngày) để quá trình tiêu hoá thuận lợi hơn, tránh táo bón;
- Tránh xa các loại đồ ăn nhanh dầu mỡ, các thực phẩm cay nóng hoặc tái sống, chưa được chế biến chín kỹ;
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá, cafe hoặc các chất kích thích.
2.2. Vệ sinh hậu môn hàng ngày
- Tập thói quen đại tiện theo khung giờ cố định, không rặn khi táo bón. Ngâm rửa hậu môn bằng nước ấm pha cùng dung dịch sát khuẩn hàng ngày khoảng 10 - 15 phút, lau rửa nhẹ nhàng, tránh tác động mạnh có thể gây đau đớn hoặc chảy máu;
- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng. Nên dùng khăn lau mềm thay vì giấy vệ sinh để tránh lưu lại vụn giấy gây nhiễm trùng;
- Khi nằm nên kê cao mông tránh sưng nề vùng hậu môn.
2.3. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày
- Vận động nhẹ nhàng trong sinh hoạt hàng ngày, lập tức nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt.
- Hạn chế ngồi xổm, không chạy, nhảy hay mang vác đồ vật nặng để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến vết thương.
- Không nên lựa chọn những môn thể thao có cường độ mạnh mà chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng.
- Không nên đi xe máy trong vòng 1 - 2 tuần đầu sau phẫu thuật để tránh cọ sát va chạm khiến vết thương chảy máu.
- Kiêng quan hệ tình dục cho đến khi lành hẳn vết mổ. Những va chạm hay kích thích khi quan hệ rất dễ khiến vết mổ chảy máu, gây nhiễm trùng, đau đớn cho người bệnh.
2.4. Theo dõi các triệu chứng bất thường
Sau khi phẫu thuật trĩ, bệnh nhân cần chăm sóc vết thương thật cẩn thận theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sau khoảng 1 tuần đầu, sẽ có một lượng dịch máu chảy ra từ vết thương nhưng không quá nhiều. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đại tiện ra nhiều máu, không tự chủ, đau rát nhiều dù đã dùng thuốc giảm đau hoặc hậu môn sưng nề, chảy mủ, sốt,... hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào khác, cần liên hệ ngay với bác sĩ để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, việc kiên trì điều trị và tái khám đúng lịch với bác sĩ cũng giúp người bệnh chăm sóc và theo dõi tốt vết mổ. Điều này cũng giúp các bác sĩ có thể phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường để có thể chữa trị kịp thời, tránh nguy hại đến sức khoẻ và tính mạng người bệnh.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.