Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật

Khi trở về nhà sau ca phẫu thuật, việc chăm sóc vết thương, đảm bảo vết cắt của bác sĩ phẫu thuật lành tốt, không bị nhiễm trùng sẽ đóng góp vào thành công của cuộc mổ. Thậm chí, cần phải giữ gìn để vết thương mau lành và đạt tính thẩm mỹ cao. Để được như vậy, cần biết cách chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật với một số quy tắc đơn giản mà ai cũng có thể làm được tại nhà.

1. Khi nào có thể tháo băng?

Vào ngày ra viện, bác sĩ phẫu thuật sẽ hướng dẫn cho bạn chính xác về thời điểm mà bạn có thể tháo băng che đậy vết mổ. Hầu hết các vết thương không cần phải thay băng sau một ngày xuất viện, trừ khi có sự dặn dò của bác sĩ trong các trường hợp vết thương hở, còn rỉ dịch (những trường hợp này cần được hẹn lịch tái khám sớm để bác sĩ đánh giá lại). Trong thời gian này, bạn cần giữ kín toàn bộ khu vực sau phẫu thuật, giúp bảo vệ vết mổ khỏi bị thương tổn thêm và có thể lành nhanh hơn.

Sang ngày kế tiếp, bạn nên tháo băng cũ ra và thay băng mới. Hãy học cách rửa vết thươngthay băng mỗi ngày trong những ngày sau đó, cho đến khi vết thương được cắt chỉ và lành hẳn.


Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật
Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật

2. Cách chăm sóc vết thương bị khâu

Việc làm sạch bề mặt vết thương bị khâu và vùng da xung quanh cần được thực hiện với đôi bàn tay đã được rửa sạch với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nên dùng kềm gắp với bông gòn, gạc hoặc vải mềm.

Đầu tiên, thấm miếng vải hay gạc vô khuẩn vào dung dịch nước muối sinh lý. Sau đó, nhẹ nhàng lau hoặc chấm nhẹ trên bề mặt vết thương. Chú ý các đường chỉ may, chân sợi chỉ hay mối chỉ vì đây là nơi tập trung của nhiều vi trùng. Kế tiếp là lau rửa vùng da xung quanh vết thương, lan rộng trong phạm vi bán kính khoảng 5cm. Cần tôn trọng nguyên tắc rửa vết thương trước, vùng da xung quanh sau. Tuyệt đối không làm theo trình tự ngược lại vì dễ gây lây nhiễm cho vết mổ.

Không sử dụng chất tẩy rửa da, xà phòng kháng khuẩn, rượu, iốt hoặc peroxide (nước oxy già). Lý do là vì các dung dịch này chỉ dùng cho vết thương “dơ”, có bài tiết dịch mủ, viêm. Nếu áp dụng với vết thương sạch sau phẫu thuật, vết thương đang lành da, chúng có thể tiêu diệt các mô hạt non nớt, làm trì hoãn quá trình lành vết thương. Ngoài ra, không được bôi bất kỳ loại kem dưỡng da, kem giữ ẩm hoặc dầu, dung dịch thảo dược nào ngoại trừ khi đã có chỉ định của bác sĩ.

Cuối cùng, lau khô vết thương cùng với gạc và băng lại bằng gạc sạch hoặc vải sạch.

3. Có cần thiết phải giữ vết thương khô không?

Tránh để vết thương đã khâu bị dính ướt trong 24 giờ đầu sau khi phẫu thuật. Vì vậy, vào ngày đầu hậu phẫu, bạn có thể lau mình tại giường bằng khăn vắt khô thay vì tắm rửa như thông thường nếu việc tắm rửa không đảm bảo giữ vết thương được khô ráo.

Qua ngày thứ hai, nếu bạn chỉ vận động hạn chế, cơ thể không bài tiết nhiều mồ hôi thì bạn nên hạn chế tắm rửa. Trong trường hợp cần phải vệ sinh cơ thể, nên tắm dưới vòi hoa sen trong thời gian vừa phải và che chắn kỹ lưỡng cho vùng phẫu thuật, tránh để nước bẩn, xà phòng rơi vào. Tuyệt đối không tắm bồn hay ngâm người vì khi vết thương của bạn bị ngâm trong nước, biểu bì da có khuynh hướng mềm ra, làm hở đường chỉ khâu. Điều này tạo thuận lợi cho sự xâm nhập của vi trùng thường trú trên da lẫn các chủng ngoại lai.

Sau khi tắm, nhanh chóng lau khô người cũng như nhẹ nhàng vùng da xung quanh vết thương bằng khăn sạch. Đây cũng là thời điểm lý tưởng trong ngày để thực hiện việc kế tiếp là thay băng vết thương.


Nên giữ khô vết thương cho nhanh lành và tránh nhiễm trùng
Nên giữ khô vết thương cho nhanh lành và tránh nhiễm trùng

4. Có được hoạt động, đi lại sau mổ không?

Hoàn toàn không nên nằm yên tuyệt đối trên giường mà bạn nên tập cử động lại ngay sau khi rời phòng theo dõi hậu phẫu. Thậm chí, bác sĩ khuyên bạn đi lại ngay trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, tốt nhất là cần di chuyển nhẹ nhàng nhất có thể để tránh việc di lệch ảnh hưởng đến vết thương, bung băng dán hay có nguy cơ bị bung chỉ khâu và toạc ra.

5. Phải làm gì nếu vết thương chảy máu?

Khi thấy vết thương chảy máu thấm băng, việc cần làm là tháo bỏ băng cũ và thay băng mới. Đồng thời, bạn có thể đè ép trên băng trong vài phút để có thể giúp cầm chảy máu một cách đơn giản nhất.

Trong trường hợp quan sát thấy máu ra từ vết thương đã khâu với lượng nhiều hay sau khi đè ép máu vẫn tiếp tục chảy rỉ rả, bạn nên quay trở lại bệnh viện càng sớm càng tốt.

6. Khi nào sẽ tháo được các mũi khâu?

Nếu vết thương của bạn được khâu bằng chỉ khâu có khả năng hòa tan, bạn sẽ không phải quay lại bác sĩ lần nữa vì chúng sẽ tự biến mất sau 7 đến 10 ngày.

Ngược lại, nếu bác sĩ đóng vết thương bằng các loại chỉ thông thường, bạn cần quay lại để cắt chỉ theo hẹn. Thời gian phổ biến để tháo chỉ khâu của vết thương sau phẫu thuật dao động trong khoảng 5 đến 21 ngày, tùy thuộc vào phẫu thuật bạn đã thực hiện.

7. Khi nào cần phải báo bác sĩ?

Bạn cần báo lại bác sĩ hay đi đến tái khám sớm nếu bạn thấy vết thương sau phẫu thuật có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau đây:

  • Đau đớn tăng dần;
  • Đỏ hoặc sưng tấy;
  • Chảy máu hoặc chảy mủ;
  • Tăng tiết dịch từ vết thương;
  • Có mùi hôi;
  • Vết thương trông có vẻ lớn hơn, sâu hơn;
  • Bung chỉ khâu;
  • Vùng da xung quanh phù nề, sưng đau hay ấn thấy phập phều;
  • Toàn thân mệt mỏi, lừ đừ;
  • Nhiệt độ cơ thể vượt quá 38,5oC trong hơn 4 giờ.

Những biểu hiện trên gợi ý vết mổ sau phẫu thuật có thể đã bị nhiễm trùng. Việc điều trị lúc này không thể tiếp tục tại nhà mà cần phải được nhân viên y tế vệ sinh vết thương một cách chuyên nghiệp. Đôi khi cần phải dùng thêm kháng sinh đường toàn thân. Trong một số ít trường hợp, bác sĩ phẫu thuật cần phải tháo chỉ để thăm dò nguy cơ nhiễm trùng vết mổ từ bên trong.

Nói tóm lại, biết cách chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật là một điều quan trọng góp phần giúp cho cơ thể mau hồi phục bệnh tật. Các quy tắc trình bày trên đây vô cùng đơn giản để mọi người có thể hiểu và áp dụng thuận tiện tại nhà để vệ sinh vết thương cho chính mình hay của người thân cho gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe