Bệnh trĩ là một trong nhiều bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến vùng hậu môn và trực tràng. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh trĩ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày và tiềm ẩn nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này.
Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Ngọc Khánh - Trưởng Đơn nguyên Ngoại tiêu hóa tiết niệu phẫu thuật Robot & Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ hình thành do sự giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch trĩ - một bệnh lý phổ biến thường gặp ở nhiều người. Trĩ nội xuất hiện ở khoang dưới niêm mạc, nằm trên đường lược và có nguồn gốc từ đám rối tĩnh mạch trĩ nội. Trong khi đó, bệnh trĩ ngoại nằm dưới da, dưới đường lược, bắt nguồn từ đám rối tĩnh mạch trĩ ngoại (mạch trực tràng dưới).
Phân loại độ trĩ chỉ áp dụng cho bệnh trĩ nội, dựa trên quá trình chẩn đoán và đánh giá bệnh để chia thành 4 cấp độ:
- Độ 1: Trĩ cương tụ, có thể kèm hiện tượng chảy máu, trĩ chỉ phình to trong lòng ống hậu môn.
- Độ 2: Trĩ sa ra ngoài khi rặn và tự co lại sau khi đi vệ sinh.
- Độ 3: Trĩ sa ra ngoài khi rặn, không tự co lên được, cần dùng tay đẩy lên.
- Độ 4: Trĩ sa thường xuyên, bao gồm cả trường hợp sa trĩ tắc mạch.
2. Nguyên nhân bệnh trĩ
Nguyên nhân bệnh trĩ là do các cấu trúc đám rối tĩnh mạch trĩ bình thường trong ống hậu môn chuyển sang trạng thái bệnh lý. Mặc dù cơ chế bệnh sinh chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn, một số giả thuyết được đưa ra như sau:
- Thuyết mạch máu: Liên quan đến các cầu nối giữa động mạch và tĩnh mạch.
- Thuyết cơ học: Tác động của áp lực gia tăng làm các mạch trĩ giãn ra (ví dụ phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh trĩ). Đồng thời, các cấu trúc nâng đỡ tổ chức trĩ trở nên giãn và lỏng lẻo theo thời gian, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi tuổi tác tăng.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ dưới đây có thể dẫn đến bệnh trĩ:
- Ít vận động và ngồi nhiều.
- Phụ nữ mang thai.
- Ngồi lâu khi đi vệ sinh hoặc rặn nhiều khi đại tiện.
- Uống nước ít.
- Người bị táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính.
- Ít tiêu thụ rau xanh và chất xơ hàng ngày.
- Quan hệ tình dục qua hậu môn.
- U đại tràng, u xơ tử cung…
3. Dấu hiệu của bệnh trĩ lâm sàng và cận lâm sàng
Dưới đây là một biểu hiện của bệnh trĩ thường gặp:
- Đại tiện ra máu tươi: Máu thường có màu đỏ tươi, có thể nhỏ giọt hoặc chảy thành tia, gây tâm lý lo lắng cho người bệnh. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh trĩ nội.
- Đau vùng hậu môn: Thường gặp ở bệnh trĩ ngoại, đặc biệt trong trường hợp tắc mạch hoặc hình thành huyết khối. Biểu hiện này liên quan đến tình trạng búi tĩnh mạch giãn bất thường ở vùng hậu môn.
- Sa trĩ
- Thực hiện nội soi hậu môn-trực tràng (HM-TT) thấy rõ các búi trĩ.

4. Điều trị bệnh trĩ
4.1. Điều trị nội khoa
- Chế độ vệ sinh và sinh hoạt: Đây là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ tái phát bệnh trĩ. Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế để giảm áp lực lên vùng hậu môn.
- Chế độ ăn uống: Giữ vai trò then chốt trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ. Một chế độ ăn giàu chất xơ, đủ nước không chỉ giúp ngăn ngừa táo bón mà còn tránh tiêu chảy - hai nguyên nhân phổ biến gây áp lực lên hậu môn.
- Điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc chữa bệnh trĩ toàn thân bao gồm Daflon 500mg và các thuốc điều trị tại chỗ như Proctolog (dạng viên đặt hậu môn hoặc kem bôi).
- Thủ thuật: Áp dụng các biện pháp như tiêm xơ, thắt vòng cao su, quang đông hồng ngoại, nước sôi...
4.2. Điều trị ngoại khoa
4.2.1. Cắt trĩ (Hemorrhoidectomy)
Đây là phương pháp phẫu thuật cắt trực tiếp vào búi trĩ. Một số kỹ thuật phổ biến bao gồm:
- Milligan-Morgan: Đây là phương pháp từng được áp dụng phổ biến trước đây, đặc biệt trong trường hợp các búi trĩ còn độc lập với nhau. Hiện nay, kỹ thuật này thường được sử dụng để điều trị các búi trĩ ngoại đơn lẻ.
- Whitehead: Là kỹ thuật cắt toàn bộ vòng da, niêm mạc ở ống hậu môn và trực tràng, thường được áp dụng trong điều trị trĩ vòng lớn hỗn hợp bao gồm cả bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại.
- Toupet: Bản chất gần giống Whitehead.
- Ferguson: Bản chất gần giống Milligan-Morgan nhưng sẽ khâu kín chứ không để hở.
4.2.2. Treo trĩ (Hemorrhoidopexy)
Đây là phương pháp không cắt trực tiếp búi trĩ mà sử dụng kỹ thuật để kéo các búi trĩ sa trở lại vị trí bên trong hậu môn. Phương pháp này có nhiều biến thể cải tiến, tiêu biểu là:
- Phẫu thuật Longo (tên thường được sử dụng tại Việt Nam).
- Phẫu thuật điều trị sa và trĩ (Procedure for Prolapse and Hemorrhoids - PPH): Một kỹ thuật hiện đại được áp dụng rộng rãi.
- Khâu triệt mạch trĩ (transanal hemorrhoidal dearterialization).
- Khâu triệt mạch trĩ dưới siêu âm doppler.
4.2.3. Phẫu thuật Longo
Năm 1993, Antonio Longo tại Ý đã lần đầu tiên thực hiện phương pháp treo trĩ bằng máy cắt nối tròn (circular stapler). Nguyên tắc của kỹ thuật này là cắt và khâu khoanh niêm mạc trên búi trĩ giúp giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ, từ đó làm thu nhỏ kích thước búi trĩ và đưa chúng trở lại vị trí giải phẫu ban đầu.
- Ưu điểm: Phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, mang tính thẩm mỹ cao, giảm nguy cơ biến chứng như hẹp hậu môn, chảy dịch hoặc đóng hậu môn không kín.
- Nhược điểm: Chi phí thực hiện khá cao, đặc biệt là chi phí tiêu hao cho dụng cụ sử dụng một lần, thường vào khoảng 10 triệu đồng.


4.2.4. Phẫu thuật khâu treo triệt mạch trĩ
Phương pháp này sử dụng kỹ thuật khâu gấp nếp niêm mạc trực tràng phía trên búi trĩ thay vì cắt bỏ một khoanh niêm mạc như trong kỹ thuật Longo hay PPH. Mục đích của phương pháp này là giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ giúp thu nhỏ thể tích búi trĩ và đưa các búi trĩ sa trở lại vị trí giải phẫu ban đầu. Đây là một phương pháp đơn giản, an toàn và hầu như không gây ra các biến chứng nặng như các kỹ thuật cắt trĩ truyền thống.
Với kinh nghiệm thực hiện hàng nghìn ca, phương pháp này đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả, ngay cả với tình trạng trĩ độ IV cũng như bệnh trĩ ngoại còn khả năng trượt. Không bị hạn chế như kỹ thuật Longo, phương pháp này cho phép bác sĩ khâu thủ công từng điểm, điều chỉnh linh hoạt tùy theo kích thước và tình trạng của từng búi trĩ, mang lại hiệu quả cao, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Việc đánh giá chính xác bệnh trĩ ngoại còn trượt được cho là yếu tố cực kỳ quan trọng để tránh hai sai lầm phổ biến:
- Áp dụng cắt trĩ, dẫn đến đau đớn, thiếu thẩm mỹ và gây nhiều phiền toái sau phẫu thuật.
- Thất bại khi treo trĩ không giải quyết hết vấn đề, dẫn đến trĩ tắc mạch gây đau đớn, đôi khi cần phải rạch lấy máu tụ.
5. Cách chữa bệnh trĩ tại nhà
Đối với những trường hợp bệnh nhân bị bùng phát sưng trĩ có thể áp dụng một số phương pháp sau:
- Uống bột có chất xơ để làm mềm phân.
- Ngâm mình trong bồn hoặc chậu nước ấm từ 15–20 phút, 3–4 lần mỗi ngày.
- Chườm lạnh ở vùng hậu môn.
- Thoa dầu hoặc gel lô hội lên vùng hậu môn.
- Làm sạch vùng hậu môn bằng bông gòn, khăn lau mềm dành cho trẻ em hoặc khăn bông thấm nước ấm sau khi đi đại tiện.
Hy vọng bài viết trên đã giúp mọi người hiểu rõ những thông tin cần biết về bệnh trĩ. Hãy duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý và thăm khám bác sĩ ngay khi xuất hiện dấu hiệu bất thường để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.